Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 14/07/2005 14:55 (GMT+7)

Chuyện quanh chiếc bàn nhào bánh của người thanh niên Nguyễn Tất Thành ở Boston

Tôi đang tha thẩn ở mé tiền sảnh của khách sạn Omni Parker House tại trung tâm Boston . Boston , thành phố của những trường đại học. Những Havard, những Massachussett... Nơi quần cư của trí tuệ Hoa Kỳ. Không nhiều lắm các khách sạn bốn năm sao như những Seattle, Washington DC, New York mà tôi đã qua nhưng Boston có một khách sạn, một địa danh có lẽ người mình  chưa nhiều người biết lắm.

Đó là The Omni Parker House. Omni ( gọi tắt) là cái chi? Thì cũng như vô số những khách sạn hạng sang bên Mỹ với lối kiến trúc kết cấu kiểu di duệ của những ông tổ châu Âu là người Anh đi khai phá châu Mỹ trước đây. Nhưng với chúng ta, Omni không còn vời xa, không còn vô hồn như các bốn năm sao Âu Mỹ khác.

Đâu rồi gốc cây của thành phố mượt mà xanh này, khúc quanh của những con phố hẹp nhưng rất sạch và thoáng của Boston bây giờ, ngày ấy đã chứng kiến chàng thanh niên Á Đông Nguyễn Tất Thành lần đầu đặt chân đến Boston mà tài sản vô hình chỉ đựng vỏn vẹn  trong lòng hai bàn tay trắng. Những sải chân của anh chắc phải ngập ngừng khi đặt chân đến cái tiền sảnh của Omni này?

Cứ như trong cái tờ gấp phát không cho khách ở quầy lễ tân kia, Omni năm nay là vừa chẵn 150 năm. Omni xập xệ bảy tầng lầu được xây từ năm 1855 do nhà cự phú người Anh Harvey Parker, cứ như trong di ảnh thì không ria nhưng được cái rõ lắm râu, xây khách sạn này được ba mươi năm thì mất, thọ 79  tuổi.

Rồi Omni sau đó được phá đi xây lại như bây giờ, công năng tiện ích lớn hơn nhưng vẫn giữ được hồn cốt kiểu dáng ban đầu của cái người đã từng đến khai sơn phá thạch xứ Boston .

Khi anh Ba Nguyễn Tất Thành (xách va li hay một cái túi?) đặt chân đến đây xin được một chân thợ làm bánh tại  khách sạn này thì Omni đã khang trang như bây giờ. Vậy nên tôi tha thẩn lâu hơn, nán lại lâu hơn ở những quầy bar ở gian tiếp tân, nhưng chợt giật thột cái ý nghĩ rằng, à mà liệu khi ấy Bác của chúng ta có được phép đến những nơi này trong thân phận của một người thợ làm bánh không nhỉ?

Nhưng những bậc gạch đỏ nép trên lối đi kia, cái tay vịn thứ đồng, thứ gỗ tất thảy đã bóng loáng lên dẫn xuống tầng hầm nơi dành cho những người thợ làm bánh thì dứt khoát đang đọng dấu tay, dấu giầy của Bác?

Thấy tôi cứ sờ sẩm vẩn vơ như thế, lão gác cửa khách sạn cứ gật gù và nụ cười luôn lấp ló trong bộ ria vểnh cong vắt lên, hẳn lão tự hào rằng mình đang gác cái khách sạn mà có người xứ lạ đang biểu thị sự thán phục rất chi là cụ thể hoặc lão ra chiều đồng cảm với tốp báo chí được phép đến trước để tìm hiểu tình hình trước khi Thủ tướng Việt Nam và đoàn chính thức đến thăm lại nơi Bác Hồ đã từng làm việc cách đây ngót một trăm năm!

Và bốn cánh cửa mạ vàng rất lạ chả giống với một thang máy khách sạn nào mà mình đã từng qua nơi có 4 luồng thang máy lên xuống nhịp nhàng kia, ngày ấy Bác có được qua lại không nhỉ? Ông quản lý khách sạn đón khách tiền trạm hào phóng giới thiệu những sự lạ lẫn sự kiện đã từng diễn ra ở khách sạn này...

Tỷ như Tổng thống John Kennedy hồi bảy tuổi đã từng có bài diễn thuyết rất thông minh khi cùng đi với ông nội mình đến Omni. Rồi cậu John lớn lên thành một chàng trai, trước khi trở thành Tổng thống, tình yêu sét đánh giữa chàng với Jacqueline cũng bắt đầu từ một bàn ăn ở khách sạn này!

Và cũng tại Omni đây, phe cánh của John Kennedy cũng đã quyết định cho John Kennedy ra tranh cử Tổng thống. Phòng khách lẫn phòng ăn khách sạn đã từng thấp thoáng nhiều bận bóng dáng của Tổng thống Frankin Roosevelt những năm ba mươi thế kỷ trước.

Rồi nhà văn Anh Dicken du lịch đến Mỹ cũng có vài tua ghé nghỉ ở khách sạn. Còn các ông thượng nghị sỹ Hoa Kỳ nữa… Không chỉ có vậy. Một số nhà cách mạng nổi tiếng cũng đã từng làm việc ở đây với tư cách là nhân viên của Parker House: Vị Chủ tịch tương lai của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã từng làm thợ ở tiệm bánh từ năm 1911 đến 1913; Malcolm Little, được nhớ đến như một nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc với biệt danh Malcolm X, đã từng là người chạy bàn ở đây vào đầu những năm 40…

Với cung cách giới thiệu ấy của người quản lý, người ta cứ ngỡ như cái khách sạn này ra đời  là địa điểm để người tài thiên hạ đến đây để mà thử vận may nếu không thì là cái lò, chẳng phải là lò bánh nữa mà là lò luyện nhân tài! Nhưng việc Bác chúng mình, đã từng độ nhật bên cái lò bánh ở khách sạn này đằng đẵng hai năm để nuôi chí lớn, có phải là ngẫu nhiên? 

Theo qui định, khách đến tham quan khách sạn thì phải nộp 10 USD lệ phí mỗi người và chúng tôi cũng đã được dặn trước như thế! Omni của Boston sòng phẳng thẳng đuột như bất kỳ khách sạn nào của nước Mỹ là chỉ bao cấp cho Thủ tướng và các đoàn viên chính thức!

Nhưng bữa nay cũng lạ là ông quản lý khách sạn, chừng như thấy các nhà báo Việt Nam chăm chỉ lắng nghe mình giới thiệu quá đi, hoặc có mối thiện cảm nào đó nên đã lờ tất tật khoản lệ phí cho cánh nhà báo và đoàn tùy tùng!

Cánh an ninh Mỹ chỉ cho chúng tôi xuống tầng hầm khi Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn Việt Nam tới. Tầng hầm. Ba hay hai tầng như thế, tôi không nhớ chính xác nhưng Bác của chúng ta đã ăn ngủ làm việc ở tầng cuối cùng là nơi làm bánh. Hầm nhưng không có cảm giác bí và ẩm thấp . Nền lát gạch nâu đỏ.

Lối đi thoáng đãng. Liệu ngày ấy, hai năm ròng Bác lui cui ở nơi này, hệ thống thông gió và ánh sáng có tuyệt như bây giờ không? Không có thời gian để hỏi vì phải gằn bước để theo kịp một ông trong ban Giám đốc khách sạn đang dẫn Thủ tướng ta đi. Những nhịp chân chậm dần chậm dần. Không phải nhịp của chủ mà là của khách. Những sải chân của Thủ tướng chậm hẳn lại... Ông đang nghĩ gì?

Từ đầu một đường hầm hun hút, tôi đã thấy sực lên mùi bánh… Hàng người doãng ra dần. Tôi đang đứng ở vị trí trung tâm chế biến bánh mỳ bánh ngọt và đâu như nhiều loại bánh khác của Omni. Thấy giới thiệu rằng Omni không thửa bánh như một số khách sạn khác mà theo truyền thống một thế kỷ rưỡi nay tự làm lấy bánh theo bí quyết của mình.

Tôi thầm nghĩ, như vậy là đã nối dài dặc một đường hương thơm thảo non trăm năm nay từ khi anh thợ làm bánh Nguyễn Tất Thành chồn chân ở tầng hầm này. Giọng người giới thiệu chừng như cũng đượm chút ngậm ngùi mà rằng, thời cụ Hồ làm bánh, đâu đã có dây chuyền chạy phăm phăm và dụng cụ nhào bột, pha trộn nguyên liệu hiện đại như bây giờ. Mà cơ bắp là chính. Nhào được mẻ bột rã rời cả tay...

Nghe người giới thiệu nhắc đến lần thứ hai, cả khối người Việt dưới tầng hầm như mới sực tỉnh. Thì ra ông đang mời khách nếm mẻ bánh mới được sản xuất bằng dây chuyền tiên tiến. Tôi ngó Thủ tướng cầm một chiếc bánh lên, động thái cẩn trọng như nâng thứ gì mong manh lắm rồi bẻ ra một mẩu nhỏ: “Ăn đi các đồng chí, ăn để nhớ Bác mình...” Giọng ông như rưng rưng như mang một sắc độ khác dưới tầng hầm…

Rời khách sạn, chỉ còn ít giờ chuẩn bị để lên đường đi Canada . Tới lúc này tôi mới sực nhớ đến  những dòng chữ lấp lánh trên cái tờ gấp láng cóng ban nãy rút vội ở quầy lễ tân khách sạn Omni Ho Chi Minh Was a Pastry chef in Parker’s kitchen from 1911-1913. The table that he worked on is still in the bakeshop (Hồ Chí Minh đã từng đảm đương vị trí phụ trách món bánh nướng trong nhà bếp của Parker từ năm 1911 đến 1913).Chiếc bàn mà Hồ Chí Minh đã từng làm việc trong tiệm bánh. Trời đất, chiếc bàn đang nằm ở đâu? Bằng gỗ hay chất liệu gì? Hình thù kích cỡ ra sao? Tôi không biết... Quả tiếc ơi là tiếc! Nhưng lúc ấy, tôi đang có mối bận tâm khác.

Là do một sơ suất đến được Boston mà tôi không gặp được Kenvin Bowen mặc dù đã có thư giới thiệu trước bằng e-mail của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Một cái xó của Boston có Kenvin Bowen. Anh lính Kenvin Bowen những năm sáu mươi đã qua những đêm phục kích Việt cộng dưới chân núi Bà Đen của đất Tây Ninh.

Mấy năm ở chiến trường Nam Việt Nam đã khiến Bowen chán nản. Về Mỹ năm 1968, trong hàng ngũ của những người tham gia biểu tình chống chiến tranh xâm lược Việt Nam , tiếng nói của cựu binh Bowen là trọng lượng lắm. Bằng tiền bán hoa do làm vườn gom góp được suốt mấy năm, Kenwin Bowen trang trải cho một chuyến sang Parisvới mục đích là chia vui với Hiệp định Paris vừa ký kết...

Về sau này Kenvin Bowen bắt đầu làm thơ mà bài thơ đầu tiên và cũng là tên một tập thơ sau này của ông rất nổi tiếng, từng đoạt Giải thưởng ở Mỹ. Đó là bài Chơi bóng rổ với Việt cộng mà độc giả Việt nam nhiều người biết qua bản dịch của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Tại Boston sau này đã ra đời Trung tâm Kenvin Bowen nổi danh. Trung tâm như một đầu mối, như một sức hút nhân bản nhân văn tập hợp những ý tưởng, những tấm lòng nhằm xoa dịu nỗi đau của các cựu binh do hội chứng Việt Nam gây ra...

Nhiều nhà văn nhà thơ không chỉ của Boston mà từ khắp nước Mỹ thường xuyên lui tới căn nhà của Bowen, căn nhà hào hiệp (chữ dùng của nhà thơ Hữu Thỉnh) lúc đầu là nơi đặt trụ sở của Trung tâm. Hầu hết các nhà văn nhà thơ Việt Nam sang Mỹ đều đã tới trung tâm, tới nhà hai vợ chồng hai đứa con Kenvin Bowen thân thiết ấm áp...

Những Nguyễn Khải, Lê Lựu, Trần Đăng Khoa... Hữu Thỉnh đã ru cho con Bowen ngủ. Lê Minh Khuê từng trổ tài nấu bún bò. Nguyễn Duy xì bã thuốc lào vung vãi vv... Hai vợ chồng Bowen đã sang lại Việt Nam . Biết tôi đã đến được Omni nhưng không đến, không gặp được Kenvin Bowen, Nguyễn Quang Thiều cứ lắc đầu mãi...

Nhưng khi nghe Nguyễn Quang Thiều kể lại, tôi mới biết anh thở dài như thế là vì cơn cớ gì! Kenvin Bowen và một người Việt nữa ở Boston là dịch giả kiêm nhà thơ Nguyễn Bá Chung vốn là khách quen của Omni. Quen do thế này. Hai ông lúc đầu thì nằn nì xin mua lại chiếc bàn mà Bác Hồ đã từng nhào bánh.

Nhưng Omni không bán. Sau họ nghĩ cách là tìm thợ khéo ở Boston chế tác cái bàn y chang như chiếc bàn kia. Nhưng qua nhiều lần thương thảo đổi chác, Ban giám đốc khách sạn Omni vẫn không thông vì họ nói đó là báu vật của khách sạn mặc dù chiếc bàn mà Kenvin Bowen cho chế tác đẹp (?) hơn nhiều chiếc bàn cũ kỹ kia!

Loay hoay lao tâm khổ tứ với chuyện ấy bởi hai ông tâm niệm rằng, một ngày đẹp trời nào đó, nếu mua nếu đổi được chiếc bàn ấy, họ sẽ tìm cách chuyển hiện vật ấy về Việt Nam cụ thể là về Bảo tàng Hồ Chí Minh!

Nghe chuyện của Thiều, tôi chợt bâng khuâng... Lạ, vừa xa Boston đấy thôi thế mà đã nhớ?

Nguồn: Tienphongonline.com.vn  9/7/2005

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.