Chuyện ông "Kỷ răng"
“Kỷ răng” bây giờ là “trùm” phẫu thuật tạo hình, mổ môi vòm miệng của cả nước dẫu cả nước bây giờ không thiếu những bàn tay trả lại vẻ đẹp trên gương mặt con người như ở BV 108, 103, Viện Răng hàm mặt Hà Nội, TP.HCM... Để có thương hiệu này, thiên hạ ngỡ “Kỷ răng” từ thuở thiếu thời phải mê răng lắm và cái niềm mê ấy đã đưa ông lên những bậc vinh quang. Nhưng không. Nghề chọn ông chứ không phải ông chọn nghề. Chàng Hoàng Quốc Kỷ ngày trẻ toan thi vào Bách khoa, ngành vô tuyến vậy mà số phận run rẩy thế nào mà hồ sơ lại lạc sang Trường đại học Y Hà Nội. Cái chất nghệ sĩ trong ông có từ ngày ấy nên ngỡ theo học vô tuyến để được... gặp người giữa không trung! Trong cái khoảng không ấy, nhìn lên bầu trời có biết bao lời nhắn gửi, yêu thương và hờn giận, nhớ thương và chạy trốn... Không vào được Bách khoa nhưng chàng sinh viên trẻ lại tự an ủi mình rằng: Thôi thì thân thể con người cũng như cái ti vi, dây dợ lằng nhằng nhưng anh thợ vô tuyến cứ tháo tung ra chọc chỗ này ngoáy chỗ kia thế nào cũng tìm ra bệnh chứ anh “thợ sửa người” không thể phanh bụng người ta ra được nếu không biết chắc bệnh ở đâu. Tự an ủi thế rồi mà... vẫn hụt! Khi nghe tin học nha khoa, anh Kỷ nào biết răng lợi là gì ngoài khái niệm “vặn răng người khác”. Mà không “vặn răng” thì cũng phải chọc chọc gõ gõ như anh tuần đường bên ngành đường sắt thui thủi một mình gõ từng cái bu lông thanh ray tà vẹt để xiết, để vặn chứ không hoành tráng như thầy thuốc khác, một người mổ, lắm người bên cạnh phụ hoặc bác sĩ đi buồng là cứ phải cả tốp trong sự chờ đợi và ngưỡng mộ của cả dãy bệnh nhân. Ấy là chưa kể khám chữa răng nhưng hơi thở cứ vô tư xộc ra từ dạ dày...
Thoắt đấy đã mấy chục năm và vào năm 2000, anh em bạn bè đồng nghiệp ở BV Việt Nam - Cu Ba quây quần tụ họp kỷ niệm ca thứ 6.000 của Hoàng Quốc Kỷ. Mà thôi, con số cũng chỉ là con số và cái làm nên thương hiệu “Kỷ răng” lại là... chữa răng không đau! “Thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng” các cụ đã bảo rồi nhưng người ta tìm đến “Kỷ răng” là để tránh cái phiền toái mà các cụ đã tổng kết. Đơn giản như trồng răng giả chẳng hạn là phải chữa , khoan tủy hai chiếc răng bên cạnh để bắc cầu giữ cho răng giả yên vị. Và như thế, dính đến tủy thì... thôi rồi! Ấy là chưa kể sót tý tủy nào là đau nhức còn hơn bị tra tấn. Vậy mà cách đây 15 năm, “Kỷ răng” bỏ qua việc lấy tuỷ , cắm một thứ đặc biệt vào hàm chỗ định trồng răng giả như thể ta bắt vít nở vào tường để 6 tháng sau “vít” liên kết với xương hàm, chỉ việc gắn răng giả vào, yên tâm làm nhiệm vụ đến suốt đời. Dân ta nghèo nên cái sự tốt và rẻ cũng dễ làm người ta nhớ. Cái răng “trong vít nở” (từ kỹ thuật gọi là “implant” nha khoa) nói trên ở Mỹ không dưới 4.000 USD nhưng “Kỷ răng” làm chỉ hết hơn 500 USD. Thế là BV Việt Nam - Cu Ba chỉ là BV thành phố mà khách từ TP.HCM bay ra, Việt kiều bay về tới tấp, tìm đến.
Nhiều chuyện tương tự làm nên thương hiệu “Kỷ răng”. BV Việt Nam - Cu Ba vốn là nhà thờ cũ (và bây giờ vẫn có nhà thờ chen ở giữa) cũng xập xệ lắm rồi nhưng kẹt không thể cải tạo, phát triển vì không có đất, không có... sổ đỏ. Nhưng đất và “sổ đỏ” trong trái tim thầy thuốc ở đây thì không thiếu. Không ít thầy thuốc mọi miền tìm về đây xem “Kỷ răng” biểu diễn thao tác đẩy lùi xương hàm dưới trên màn hình vi tính phóng to. Kỹ thuật này giúp cho khối người có mặt lưỡi cày nhô hẳn cằm ra ngoài lùi được vào mấy cm, đẹp trai, xinh gái hẳn. Không giấu nghề, “Kỷ răng” truyền hết cho đồng nghiệp và Việt Nam - Cu Ba bây giờ trở thành bệnh viện chuyên khoa sâu ở Thủ đô mà nhiều bệnh viện trung ương cũng phải tìm đến “nhờ vả” trong những ca gãy xương hàm mặt đi kèm đa chấn thương, chấn thương sọ não...
Để có một thương hiệu, không thể muốn mà được. Cái gốc của thương hiệu nhiều khi mọc ra từ chữ tâm trong lòng. Năm 1991, Hoàng Quốc Kỷ sang Pháp học nội trú khoa chấn thương chỉnh hình. Ông nội ông là cụ Hoàng Xuân Hãn , bác ông là giáo sư mắt Hoàng Xuân Thanh ở Paris có thể giúp cháu ở lại nhưng nỗi nhớ nhà và ước mong làm đẹp cho người Việt cứ thôi thúc thắng cả những thuận lợi vật chất là nỗi khát khao của không ít người lúc bấy giờ. Về nước, Hoàng Quốc Kỷ được phân công làm phó Khoa răng hàm mặt của BV Việt Nam - Cu Ba. Khoa ngày ấy thiếu người thế là mọi việc từ phẫu thuật, điều trị nội nha đến phục hình ông gánh cả. Bận tít mù. Bận đến mức đi trực cũng phải mang con đi cùng. Cái lúc một mình là phẫu thuật viên ấy không phải cái gì cũng làm được. Không làm được thì... giở sách! Chuyện mổ môi vòm miệng bây giờ đối với “Kỷ răng” là chuyện vặt chứ ngày ấy là cả một nỗi cam go. Thế là không giấu dốt ông tìm đến thầy. Sự học thật vô cùng và đối với Hoàng Quốc Kỷ, “cứ hở ra là học”! Năm 1996, lần đầu tiên ông đi Mỹ học chuyện phẫu thuật nụ cười. Học kỹ thuật đã đành, ông học cả cách tổ chức, tìm nguồn tài trợ của họ . Và có lẽ ông “Kỷ răng” ngoài bàn tay vàng của mình còn được biết đến như một con người tiên phong của “phẫu thuật nụ cười “ ở nước ta mà sau này, chính ông cũng là nhân tố quan trọng trong phong trào “vì nụ cười trẻ thơ”.
Vẫn là cái tâm. Vẫn là chuyện thương hiệu. Với Hoàng Quốc Kỷ, cái mặt cái miệng có sự cố thì đấy là tận cùng của đau khổ. Khó tìm được hạnh phúc đã đành mà đến xin một việc làm cũng khó. Nhưng phẫu thuật dù là phẫu thuật gì cũng cần đến tiền và oái ăm thay, người cần đến ông phẫu thuật rặt những người nghèo. Buổi đầu không dễ. Thế là phải... đi xin. Xin ở chùa Quán Sứ, ở khách sạn, ở doanh nghiệp, ở bất cứ đâu nếu nơi đó có một trái tim và một tấm lòng. Đấy là cuộc hành trình thắp những nụ cười. Đấy còn là hành trình nối những tấm lòng nhân ái bằng chính uy tín từ “thương hiệu” của mình. Tiếng lành đồn xa, công việc của ông, khát khao của ông được vị Phó Chủ tịch nước lúc ấy là bà Nguyễn Thị Bình biết đến. Và “Vì nụ cười trẻ thơ” ra đời.
Người có tâm thường hay cả nghĩ và động lòng trắc ẩn. “Thỏa nguyện” chuyện sửa lại khiếm khuyết cho đồng loại chưa đủ. “Kỷ răng” nhìn bà con từ các tỉnh đến trung tâm ông, bệnh viện ông và cứ lẩm nhẩm tính toán rất... kinh tế thị trường!. Nghĩa là bà con dù có được miễn phí thì từ tỉnh xa về cũng tốn đến 3 triệu. Mà 3 triệu có khi là cả một gia tài. Có bận, một ông đưa con từ Lào Cai về BV của “Kỷ răng” nhớ tiếng suối quá, đêm mở vòi nước cho chảy róc rách như tiếng suối mới ngủ được. Tưởng ông tiếc nước, tiếc điện máy bơm nào ngờ ông lặng đi. Và thế là chữ tâm trong lòng ông thôi thúc dẫn cả đoàn đến với đồng bào như cái đận còn trẻ trong trường y tham gia trong đoàn mang tên Đặng Văn Ngữ “phẫu thuật tiền phương”. Hàng trăm chuyến đi để phẫu thuật tại chỗ cho bà con vùng sâu vùng xa đầy khó khăn mệt nhọc nhưng cứ nghĩ người trước mặt sẽ ăn không sặc, nói tự nhiên như mình là quên hết mệt nhọc rồi.
Người có tâm thường hay nghĩ cả đến cả những điều tưởng nhỏ dễ bị lãng quên. Vào đầu năm 2003 lần đầu tiên Hà Nội triển khai hoạt động cấp cứu răng miệng. Bấy nay cấp cứu chỉ quan tâm đến hàm mặt chứ chuyện đau răng không phải chuyện chết người, sáng hôm sau tìm ông nha sĩ cũng không sao. Khi trái tim đập cùng nhịp với nhân dân, “Kỷ răng” thấm được nỗi đau con người bởi cái răng sâu quậy phá suốt đêm thì cái đêm ấy thành đêm dài vô tận. Một nỗi đau không chết người cũng cần được chia sẻ kịp thời và sự xuất hiện phòng cấp cứu răng miệng tại 37 Hai Bà Trưng ngoài ý nghĩa dịch vụ y tế còn mang trong đó cả ý nghĩa nhân văn, cả tấm lòng thầy thuốc.
Ông Giám đốc BV Việt Nam - Cu Ba đã có một thương hiệu như phần thưởng của cuộc sống ghi nhận, trao tặng. Bệnh viện ông lãnh đạo cũng thành một thương hiệu. Để có được điều này, “Kỷ răng” không cố gồng mình lên theo cách gọi bây giờ ở bên ngành giáo dục là bệnh thành tích. Cứ sống như mọi người, chia sẻ lo toan cùng họ thì mọi người cũng chia sẻ cái khó của lãnh đạo mà nghe, mà làm theo kiểu “tâm phục khẩu phục”. Ông khiển người chứ không khiển việc vì dẫu có giỏi đến mấy cũng làm sao có thể làm thay nghĩ hộ cho cả trăm con người. Cái cách khiển người của ông cũng lạ lắm. Ấy là khiển không khí làm việc trong cơ quan. Mà không khí làm việc lại bắt đầu từ từng nét mặt nhân viên. Nét mặt nhân viên không thể có theo mệnh lệnh, nội quy, chỉ thị mà là kết quả của sự thoải mái và tin cậy trong lòng. Vẫn là cái ông đứng đầu. Thượng bất chính hạ tắc loạn ngay. Xem ra chuyện ra quy chế này nọ không khó mà cái khó, thậm khó lại là... chuyện làm gương. Vốn chịu học nên “Kỷ răng” cũng chịu dạy cho những người thích học. Cán bộ trẻ thích ông, gần ông không phải vì cái chức giám đốc mà vì họ “khai thác” được nhiều từ cái mỏ chuyên môn trong ông. Có vài anh đang làm cho các hãng nước ngoài, lương cao ngất ngưởng lại xin đầu quân về chỗ ông với lương tháng đôi ba triệu nghe cứ như bịa. Nhưng đó là sự thật bởi vật chất rất quý nhưng hạnh phúc con người không chỉ là vật chất. Về với ông, họ được học, được là chính họ để thể hiện tiềm năng, hoài bão trong mình. “Kỷ răng” biết thổi vào học trò, đồng nghiệp niềm say mê từ chính mình và đó cũng còn là một phần làm nên thương hiệu của ông chăng.
Gặp BS. Hoàng Quốc Kỷ trong một buổi chiều thu se lạnh, hỏi ông:
- Nếu ngày còn trẻ, nghề không chọn anh không khéo bây giờ anh là...
Chả đợi nói hết câu, ông giám đốc có thương hiệu “Kỷ răng” cười hề hề:
- Thì lại chả đập dăm cái tivi, vài trăm “con” di động rồi ấy chứ... Nhưng tiếng là không theo được ngành bách khoa vô tuyến...
Tôi nhìn ông giám đốc. Cái mơ ước ngày nào được “gặp người trên sóng” giữa bao la bầu trời ấy tuy chẳng thành nhưng hàng ngày ông vẫn “gặp người trên sóng” đấy thôi bởi nỗi nhớ của bệnh nhân, lòng yêu của bè bạn bay đến ông cũng là thứ sóng diệu kỳ dọc ngang, bay khắp bầu trời...
Nguồn: suckhoedoisong.vn (25/10/07)