Chuyện một ông già sáng chế chiếc xe tình yêu
Tình yêu...
Chuyện bắt đầu từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20. Người vợ yêu quý của ông bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người bên trái phải điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, rồi Trung tâm phục hồi chức năng và chỉnh hình. Hơn nửa năm đưa đón, nâng đỡ tận tâm như vậy cuối cùng theo ông trời "dường như cũng thương tình tấm lòng của tôi" khi người vợ hiền từ đã có thể dò dẫm từng bước dù là chống gậy. Ông và bà sáng lên niềm hy vọng mãnh liệt về tiến triển của căn bệnh hiểm nghèo. Thương ông, bà cũng quyết tâm tập đi dù có lúc không có ông bên cạnh.
Thật không may cho bà, trong một lần tập luyện tại nhà, bà bị ngã chấn thương cột sống. Hai căn bệnh dồn ép trong người khiến bà nằm tại chỗ, gân co rút, cơ teo lại từng ngày.
Ông Trữ nhớ lại: "10 năm trời đằng đẵng như thế, nhìn vợ, tôi xót xa vô vùng". Chính vì vậy, ông quyết tâm phải làm một cái gì đó để giúp vợ có thể tập đi, đứng ngay trong nhà.
Nghĩ là làm. Hằng ngày ông góp nhặt kiến thức, hỏi thăm các bác sĩ chuyên khoa, mày mò với các con ốc, vít... để chế tạo xe tập đi, đứng cho người vợ. Ông nhận thấy các dụng cụ tập luyện ở Trung tâm chấn thương chỉnh hình vẫn còn nhiều khiếm khuyết như người bệnh khi tập đi mỏi gối không thể ngồi xuống nghỉ được hay rất dễ bị ngã nếu không có người túc trực đằng sau nâng đỡ... Hơn nữa, chúng lại cố định về chiều cao nên rất khó khăn cho người quá cao hoặc quá thấp.
Thời gian trôi đi, ông Võ Văn Trữ cũng không nhớ nổi mình đã dành bao nhiêu ngày để mày mò nghiên cứu, đo vẽ rồi đặt thợ làm khung, tháo rồi lắp từng con ốc, thanh sắt... nhưng chiếc xe như ý vẫn chưa ra hình ra dáng! Đến lúc này, người vợ yêu quý của ông qua đời. Mọi người trong gia đình cứ ngỡ, vậy là ý tưởng "làm cái gì đó cho vợ" của ông đã chấm dứt.
... Tình người
Nhưng ông Trữ lại nghĩ khác. Cố nén buồn đau, ông lao vào công việc bằng một niềm say mê mãnh liệt hơn là làm sao để những người bị bệnh như vợ mình bớt đau khổ.
Năm 2001, chiếc xe tập đi, đứng của ông ra đời dù còn nhiều vấn đề về kỹ thuật cần hoàn thiện. Dù vậy, nghe tin, những gia đình có người thân bị bệnh bại liệt đã tìm đến ông xin dùng thử. Người đầu tiên sử dụng là ông P.C.H., bị tai biến mạch máu tập luyện trong vòng sáu tháng đã có nhiều tiến triển, tự tin rất nhiều khi tập luyện với xe.
Một bệnh nhân khác bị tường nhà đè liệt nửa người cũng đã tìm được niềm vui sống khi cho biết "chiếc xe giúp nghỉ ngơi ngay tại chỗ mà không cần người nâng đỡ".
Tiếng lành đồn xa, nhiều người từ Quảng Nam cũng lặn lội đến nhà hỏi mượn. Ông Trữ không nỡ từ chối bất kỳ ai. Thành công bước đầu, ông bỏ thêm tiền túi làm năm chiếc xe để cho nhiều người bị bệnh như vợ ông tập đi, đứng. Đến nay đã có rất nhiều người hỏi mượn xe và chỉ sau một thời gian ngắn tập luyện đã thu được kết quả khả quan, hầu hết đều đi lại được sau vài tháng tập luyện. Ông Trữ cho biết cơ chế hoạt động của "xe tập đi đứng an toàn" dễ thao tác, có cửa mở để người bệnh đi vào. Điểm nổi trội là xe có thể xoay chuyển để tập luyện trong không gian hẹp.
Ngoài ra, hai bánh xe có thể gập lại để đi lọt qua khung cửa rộng 70 cm. Hơn nữa, một phát kiến quan trọng của xe này là có bộ phận đỡ hai bên nách bệnh nhân để người bệnh tập làm quen và có thể đứng vững trong giai đoạn đầu tập luyện.
Tuy nhiên thành công lớn nhất của xe lại nằm ở chỗ bộ phận đệm da với những sợi dây buộc chắc chắn để người bệnh ngồi nghỉ ngơi khi mỏi chân và xe này có thể nâng lên, hạ xuống tùy theo thể trạng người sử dụng.
Không giấu giếm thành quả, ông Trữ khẳng định "sẵn sàng chuyển giao mẫu mã cho đơn vị nào muốn sản xuất đại trà" bởi ông chỉ nghĩ một cách đơn giản rằng "như thế đã làm cho vợ tôi vui vì chiếc xe này đã giúp được nhiều người".
Một tin vui khác cũng đến với ông, khi Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP Đà Nẵng đã chọn chiếc xe tập đi đứng an toàn dự thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ VIII.
Nguồn:Thanh Niên, www.nhandan.com.vn 22/11/2005.