Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 14/11/2006 15:27 (GMT+7)

Chuyện kể về cụ Phan Châu Trinh

Má tôi có kể câu chuyện nhân dịp khánh thành nhà Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tại Hà Nội, ngày 6/1/1959. Trước một ngày, ngày 5/1/1959 Bác Hồ được mời đến tổng duyệt lần cuối. Bác dừng lại rất lâu trước các bức ảnh và chỉ đạo: Ảnh hai cụ Phan treo trước tiên, kế đến là Nguyễn An Ninh rồi mới đến ảnh các vị lãnh đạo của Đảng. Còn chú Hà Huy Giáp, Phó Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng thì nói với má tôi: Bác Hồ dạy thế vì phong trào yêu nước do hai cụ Phan đề xướng là trước nhất, rồi đến phong trào yêu nước của Nguyễn An Ninh, mới đến phong trào giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo.

* Mối quan hệ giữa cụ Phan và ông nội tôi (Nguyễn An Khương):

Vào đầu thế kỷ 20, phong trào yêu nước của hai cụ Phan đã vang dội trên cả nước, thì tại xứ Nam kỳ thuộc địa ông nội tôi là cụ Nguyễn An Khương đã mở khách sạn Chiêu Nam Lầu nhằm đón tiếp các bậc chí sĩ khắp ba miền. Chiêu Nam Lầu lúc đó làm ăn phát đạt nên nhiều người tìm đến. Chiêu Nam Lầu nhanh chóng trở thành cơ sở kinh tài cho phong trào Đông Du của cụ Phan Châu Trinh, tổ chức đưa thanh niên Việt Nam sang Nhật du học và tổ chức mua vũ khí từ Trung Quốc. Chiêu Nam Lầu cũng là chi nhánh của phong trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh ở phía Nam, tổ chức in và phân phát tài liệu cải cách giáo dục nâng cao dân trí.

Vì vậy mà hai cụ Phan cùng nhiều chí sĩ yêu nước thời đó đều có ghé Chiêu Nam Lầu và là bạn thân của ông nội tôi. Ông nội tôi thường bảo, dù hình thức đấu tranh hai cụ có khác nhau nhưng đều lo cho vận mệnh của nước, của dân, đều có chung một đích đến, là con dân đất Việt ai cũng phải có trách nhiệm đóng góp cùng các cụ.

Năm 1918 khi ba tôi là Nguyễn An Ninh trốn sang Pháp du học có mang theo bức thư của ông nội tôi viết cho cụ Phan Châu Trinh gửi gắm dạy bảo giúp Nguyễn An Ninh. Kể từ đó cụ Phan đối với ba tôi như con. Cụ đi đâu cũng dắt Inh theo làm phiên dịch. Ngôi nhà số 6 Villa Des Gobelins là nơi ở của cụ trở thành nơi lui tới thường xuyên của ba tôi.

Sau này khi viết quyển sách Nước Pháp ở Đông Dương ba tôi có viết rằng: Cụ Phan thường được các chính khách lớn của Pháp tiếp xúc và cụ được họ kính trọng đón tiếp như một ông vua. Cụ là người Việt Nam được bọn Pháp kính trọng bậc nhất, chính cụ chứ không phải ông Phan Văn Trường hay là ai khác. Và cũng nhờ phiên dịch cho cụ mà ba tôi quen biết các quan chức cao cấp của Pháp như Moutet, toàn quyền Albert Sarraut, toàn quyền Varenne, Pasquier...

Cụ Phan Châu Trinh là người khởi xướng “Hội đồng bào thân ái” nên được hầu hết kiều bào Việt Nam tại Pháp Yêu kính. Hội này những năm sau đổi thành “Hội những người Việt Nam yêu nước” gồm cụ Phan Châu Trinh người cao tuổi nhất, ông Phan Văn Trường, Nguyễn Tất Thành. Năm 1920 có thêm Nguyễn An Ninh vừa tốt nghiệp cử nhân luật, năm 1921 them kỹ sư hoá Nguyễn Thế Truyền.

Những năm sống ở Pháp do cuộc sống kham khổ, người khoẻ mạnh như ba tôi không ốm đau là điều may mắn. Người lớn tuổi và sức khoẻ kém như cụ Phan không sao tránh khỏi bệnh tật. Cụ lo cho mình thì ít, cụ lo cho vận mệnh dân tộc thì nhiều, nhiều lần cụ đệ đơn xin được trở về nước nhưng Bộ thuộc địa từ chối. Cụ ước mong có người đủ tài đức về nước nâng cao dân trí, cụ bảo: Dân mình còn u mê thì không bao giờ thoát kiếp nô lệ. Ý muốn của cụ là đúng và sáng suốt nên đã làm thay đổi ý định ban đầu của ba tôi.

Đầu năm 1922, ba tôi đã chuẩn bị xong luận án tiến sĩ, nhưng quyết định bỏ không thi, và chuẩn bị hành trang để về nước hoạt động theo mong muốn của cụ Phan. Biết ba tôi tự nguyện về nước cụ Phan vui nhưng lo, vì Ninh mới 22 tuổi còn quá trẻ để gánh vác chuyện đại sự.

Ba tôi từ chối vào Đảng Cộng sản Pháp, vào rừng tập diễn thuyết, đến nhà in học xếp chữ, nhận làm biên tập cho tờ báo Le Paria. Theo tư liệu mật thám, tờ Le Paria của Hội Liên hiệp Thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo, biên tập là Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn An Ninh.

Làm báo và diễn thuyết là hai hình thức nâng cao dân trí hữu hiệu nhất. Ba tôi bảo làm báo để người có học đọc, còn diễn thuyết để số đông người thất học nghe.

Tháng 10/1922 ba tôi đến Marseille chào từ biệt cụ Phan, người cậu mà ba tôi đã kề cận suốt hơn 4 năm. Cụ dặn dò ba tôi: Cậu kỳ vọng nhiều ở con, từ nay không có người đưa cậu đi đây đi đó, nhưng cậu mừng đã có người về nước mở mắt cho dân mình.

Về nước vài tháng chuẩn bị tiền và cơ sở để ra báo, tháng 2 năm 1923 ba tôi vội trở sang Pháp. Ba tôi ghé Marseille thăm cụ và đề nghị cụ nên trở về Paris sống. Vì lần này sang ba tôi sẽ thuyết phục mời ông Trường về Sài Gòn làm báo, ngôi nhà ông Trường sẽ không có người ở. Cụ Phan đồng ý thu xếp trở về Paris sống ở ngôi nhà 6 Villa Des Gobelins. Mấy tháng ở Pháp ba tôi ban xong công việc với bác Nguyễn Ái Quốc và ông Trường. Tháng 6/1923 bác Quốc sang Nga, tháng 8/1923 ba tôi trở về Sài Gòn, tháng 12/1923 ông Trường xuống tàu về thăm quê. Vậy là trong năm 1923 ba con Rồng ở Paris đã bay xa, một sang Nga, hai về Sài Gòn, còn lại cụ Phan Châu Trinh và bác Nguyễn Thế Truyền nóng lòng chờ đợi.

Về nước ngày 15/10/1923 ba tôi diễn thuyết về “Lý tưởng thanh niên An Nam”. Ngày 10/12/1923 ra báo La Cloche Fêlée số đầu tiên. Ba tôi viết báo viết sách lên án việc bắt giam cụ Phan Châu Trinh không có lý do, không đưa ra xét xử, tự tiện kết án tử hình, rồi đưa đi lưu đày. Ba tôi tố cáo đó là tội ác, là vi phạm quyền tự do con người. Mãi đến năm 1925 ba tôi mới được sang đón cụ Phan và năm 1927 ba tôi sang đón tiếp bác Truyền. Trong lần sang đón bác Truyền 1927, cả ba tôi và bác Truyền được trung ương Đảng Cộng sản Pháp báo cho biết Nguyễn Ái Quốc ghé Paris. Đây là lần cuối cùng ba con Rồng trẻ gặp nhau trên đất Pháp và hẹ sẽ cùng nhau hội ngộ trên Tổ quốc mình.

Để rồi chờ mãi chờ mãi, người của Nguyễn Ái Quốc cử về thành lập Đảng Cộng sản là Châu Văn Liêm và Phạm Văn Đồng thì ba tôi đã gặp, còn Nguyễn Ái Quốc vẫn biệt tăm. Cho đến khi phái đoàn của ông Paul Vaillant Couturiez ghé Sài Gòn cuối năm 1923, ông mới cho ba tôi biết tin Nguyễn Ái Quốc còn sống, ông đã gặp Nguyễn Ái Quốc tại nhà bà Tống Khánh Linh và Nguyễn Ái Quốc không thể về nước được. Kể từ đây giấc mơ hội nghị của những con Rồng không bao giờ thành hiện thực.

Ông Paul Vaillant Couturier là người giới thiệu Nguyễn Ái Quốc vào Đảng cũng là người muốn giới thiệu Nguyễn An Ninh vào Đảng nhưng ba tôi từ chối để chuẩn bị về nước hoạt động.

* Thời gian ba tôi (Nguyễn An Ninh) sang Pháp đón cụ Phan về.

Năm 1924 sau tiếng bom của Phạm Hồng Thái mưu sát toàn quốc Merlin ở Quảng Châu, muốn xoa dịu lòng dân ở thuộc địa, Bộ thuộc địa Pháp đã chấp thuận đơn xin về nước của cụ Phan, lúc này bệnh cụ đã nặng, ngày xưa đó là bệnh nan y. Cụ Phan viết thư cho ông nội tôi nhờ cho Nguyễn An Ninh sang đón cụ về. Được tin ba tổi vội vàng thu xếp công việc, ba tôi vừa mới cưới má tôi được hai tháng.

Ba tôi bàn với hai người bạn thân là bác Khánh Ký tên thật là Nguyễn Đình Khánh, chủ hiệu ảnh, quen thân với cụ Phan từ ngày ở bên Pháp, và bác Huỳnh Đình Điển chủ khách sạn Bá Huê Lầu, bác Điển chưa biết cụ Phan nhưng đã ái mộ cụ từ lâu. Hai bác góp phân nửa tiền, còn phân nửa má tôi lấy tiền nhà là đủ lộ phí cho chuyến đi.

Kế hoạch ba tôi bàn với hai bác khi đón cụ về, trước tiên là chữa bệnh cho cụ, sẽ có rất đông đồng bào đến thăm sức khoẻ. Khi nào bệnh cụ thuyên giảm mới lên kế hoạch làm việc theo ý của cụ. Lúc chữa bệnh cụ ở nhà ba tôi tại Mỹ Hoà (nơi có Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh bây giờ) khi cụ khoẻ xuống Sài Gòn ở khách sạn Bá Huê Lầu số 54 đường Pellerin (Pasteur bây giờ).

Ông nội và ba tôi cũng bàn rất kỹ việc chăm sóc cụ. Tính cụ Phan rất khẳng khái, không muốn phiền bạn bè, cả cuộc đời cụ đã hy sinh chịu đựng quá nhiều, ba tôi dặn má tôi không được để cụ phiền lòng, chăm sóc cho cụ mau khoẻ để cụ sống được lâu, vì má tôi nấu ăn rất giỏi. Lo nhất là việc đi đường, suốt một tháng lênh đênh trên biển, ăn uống sinh hoạt sợ cụ không chịu nổi rồi trở mệt, phải chuẩn bị bồi bổ cho cụ mấy tháng trước khi xuống tàu. Phải lo đủ thuốc men, sữa, một tháng trên biển.

Tháng 1/1925 ba tôi sang Pháp, đây là lần sang Pháp thứ tư của ba tôi, chủ yếu làm việc với cụ và kết hợp một phần công việc của ba tôi. Từ ngày ông Trường về nước cụ Phan vẫn ở lại ngôi nhà 6 Villa Des Gobelins với sự giúp đỡ của bạn bè Pháp và kiều bào Việt Nam. Thấy Ninh sang đón cụ rất yên tâm.

Theo kế hoạch cụ đã vạch sẵn sẽ có nhiều cuộc gặp gỡ: cám ơn một số quan chức Pháp, mít tinh gặp gỡ kiều bào, mít tinh gặp gỡ sinh viên Việt Nam, từ giã bạn bè thân hữu người Pháp. Lịch làm việc nhiều, cụ mệt nhưng rất vui, cụ nới với ba tôi chưa lúc nào cụ vui như vậy, cụ còn nhắc: buồn nhất là lúc ba tôi sang mời ông Trường về, cụ cứ chờ không biết bao giờ mới tới lượt mình được về nước.

Các buổi họp mặt đều do cụ chủ trì, theo tư liệu mật thám một số buổi mít tinh đông hàng 200-300 người dự. Suốt từ tháng 2 tháng 3-4-5 có hàng chục cuộc mít tinh, có ghi chép đầy đủ của mật thám. Cuộc mít tinh nào cụ cũng dành thì giờ cho Ninh diễn thuyết tố cáo bóp nghẹt tự do ở Đông Dương, Nguyễn An Ninh còn bảo nếu không cải cách chính sách cai trị vài năm nữ sẽ có cách mạng nổ ra, sẽ có Đảng Cộng sản giải thoát cho dân nô lệ. Chính vì vậy mà phiên toà xét xử đầu tiên của Ninh năm 1926 quan toà đã dùng những lời lẽ này làm chứng cứ để buộc tội.

Sau một tháng lênh đênh trên biển ngày 26-6-1925 tàu Fontainebleau cập bến cảng Sài Gòn. Đồng bào nghe tin Nguyễn An Ninh đón cụ Phan về nước kéo xuống chật bến cảng, người đông nghẹt. Bạn bè của ba tôi đã đưa sẵn xe ngay cầu cảng, ba tôi và các chú dìu cụ vào xe, cụ mệt lắm nhưng vẫn vẫy chào đồng bào, cụ rất xúc động. Tình hình sức khoẻ của cụ không thể về ngay Hoóc Môn vì đường rất xa. Ba tôi cho xe về khách sạn Chiêu Nam Lầu số 49 đường Charner (Nguyễn Huệ bây giờ) xe phải chạy một vòng qua nơi khác để tránh đồng bào tụ tập theo, nhưng đồng bào vẫn nhận ra chiếc xe hơi khi xe đỗ trước khách sạn. Ba tôi phải xin lỗi đồng bào, hẹn bà con sẽ gặp lại ở Hoóc Môn khi nào cụ khoẻ.

Ba ngày sau cụ mới tỉnh táo và ba tôi đưa cụ về Hoóc Môn để ông Nguyễn An Cư là em ông nội tôi, danh y nổi tiếng đất Sài Gòn xem mạch bốc thuốc cho cụ. Bệnh cụ thời đó là nan y, không thể chữa khỏi, thuốc chỉ để bồi bổ cơ thể kéo dài sự sống mà thôi.

Nghe tin cụ Phan về Mỹ Hoà, Hoóc Môn ở nhà của Nguyễn An Ninh đồng bào lục tỉnh kéo đến thăm từng đoàn, còn đồng bào Sài Gòn ngày nào cũng đến. Khách nườm nượp, cụ vui vẻ tiếp khách, cụ mệt ông nội tôi tiếp thay, ông nội tôi mệt ba tôi tiếp đỡ. Còn má tôi thì lo trà nước liền tay. Thấy cụ Phan ốm đau, già so với tuổi, đồng bào thương lắm, càng kính trọng cụ, đồng bào càng góp nhiều tiền, quà để cụ chữa bệnh. Quà thì cụ nhận, còn tiền thì cụ từ chối.

Người bạn già thân đầu tiên đến thăm cụ là cụ Nguyễn Sinh Huy (thân sinh Bác Hồ). Sau đó bạn bè từ miền Trung và con cái cụ cũng vào thăm. Độ một tháng sau da dẻ cụ đã hồng hào, đi đứng vững vàng, từ chỗ chỉ húp nước soupe cụ đã ăn được cơm, ngày 3 bữa 3 lưng chén. Cụ khen nhàn ở không khí trong lành mát mẻ, má tôi nấu ăn ngon. Khi cụ đi lại nhanh nhẹn hơn, ba tôi đưa cụ xuống khách sạn Bá Huê Lầu. Cụ Phan đề ra 4 yêu cầu:

- Cụ muốn nói chuyện với đồng bào.

- Cụ muốn báo Da Cloche Fêlée tục bản có nhà in riêng.

- Mở một trường tư thục lớn.

- Mở một hội quán làm diễn đàn và nơi tụ họp của những người yêu nước.

Cụ muốn vậy nhưng sức khoẻ lại không cho phép. Tổ chức cho cụ nói chuyện xong cụ lại mệt phải đưa về Hoóc Môn. Khi khoẻ lại đưa xuống Sài Gòn. Cứ như vậy trong suốt mấy tháng liền, cụ nói chuyện với đồng bào được hai lần. Đi lục tỉnh được hai lần (Mỹ Tho và Trà Vinh). Bạn bè điền chủ của ba tôi ở lục tỉnh đồng ý mua máy in. Ông Đốc Phủ Lê Văn Mầu hứa cho đất và tiền để cất trường. Ông Nguyễn Phan Long hứa quyên góp xây hội quán.

Đến tháng 12 năm 1925 sau lần diễn thuyết thứ hai thì cụ Phan xuống sức nhiều, ba tôi vội đưa cụ về Hoóc Môn, nhưng lần này sức khoẻ cụ không hồi phục nổi. Biết sức mình không còn sống bao lâu, cụ Phan muốn xuống Sài Gòn, muốn tiếp tục diễn thuyết, muốn về miền Trung thăm cụ Phan Bội Châu. Thể theo nguyện vọng của cụ với tinh thần còn nước còn tát. Cả bác sĩ và lương y cùng phối hợp để cố giữ sức lực cho cụ, lúc này hầu như cụ không ăn uống được gì, chỉ kéo dài sự sống bằng thuốc. Đầu óc cụ vẫn tỉnh táo sáng suốt, vẫn nằm tiếp chuyện bạn bè.

Tháng cuối cùng cụ không thể thở được, rất mệt nhọc. Ba tôi và chú Trần Huy Liệu đã bàn kế hoạch tang lễ cho cụ, dự kiến đồng bào sẽ đưa đi đám rất đông. Phải đảm bảo an toàn trật tự để không có cớ cho bọn cầm quyền cản trở đàn áp. Đám táng của cụ sẽ biến thành một cuộc biểu dương lực lượng quần chúng khổng lồ có kỷ cương khiến bọn Pháp phải khâm phục. Việc bảo đảm trật tự cho đám tang do hai tổ chức đảm nhận: một nhóm “Jeune Annam” do chú Trần Huy Liệu huy động, trên cánh tay phải đeo vòng tang đen có một đường sọc vàng. Hai là tổ chức Thanh niên Cao Vọng của Nguyễn An Ninh (mật thám gọi là Hội Kín Nguyễn An Ninh) do các cốt cán phụ trách, đeo băng đen trên cánh tay mà không có sọc vàng để dễ nhận ra nhau. Lực lượng này hướng dẫn bà con đi theo hàng ngũ có trật tự và theo lộ trình đã bàn trước: từ đường Pellerin qua đường Norodom, rẽ trái sang đường Paul Blanchy đi thẳng xuống nghĩa địa Gò Công ở Tân Sơn Nhất. Nào ngờ sở Mật thám Nam kỳ phối hợp với Đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu giăng bẫy bắt ba tôi. Bọn chúng sợ Nguyễn An Ninh giương cao ngọn cờ của cụ Phan để mưu đồ việc lớn. Chúng tổ chức mít tinh ở đường Lanzarotte mời Nguyễn An Ninh, diễn thuyết vào sáng 21-3-1926, rồi lấy cớ đó để bắt ba tôi. Trong khi bọn Lập Hiến là những người chủ toạ, là ban tổ chức buổi mít tinh thì không ai bị bắt.

Khoảng 10 giờ sáng ngày 24-3-1926, chúng đọc lệnh bắt ba tôi tại nhà ở Mỹ Hoà. Ngay chiều hôm đó, cả Sài Gòn hay tin và đồng bào kéo đến chật trước cửa Khám lớn Sài Gòn đòi thả Nguyễn An Ninh. Ngay đêm đó khoảng gần 10 giờ đêm cụ Phan qua đời tại khách sạn Bá Huê Lầu nhằm ngày 11-2 âm lịch.

Sáng hôm sau các nhà báo Sài Gòn đều đăng 2 tin quan trọng: cụ Phan từ trần và Nguyễn An Ninh bị bắt.

Trong tù ba tôi rất lo, nên khi chú Trần Huy Liệu vào thăm, ba tôi căn dặn: hãy lo đám tang cụ Phan chu đáo như đã bàn và qua báo chí giáo dục thanh niên noi theo hương của bậc tiền bối trọn đời vì nước, vì dân.

Ba tôi can ngăn việc náo động, khuyên đồng bào hãy bình tĩnh đừng lo gì cho Nguyễn An Ninh, tạo cớ cho bọn chúng đàn áp. Vì vậy mà chú Trần Huy Liệu tập trung lo đám tang. Ngày an táng cụ là 4/4/1926, đúng 1 tháng sau ngày 5/5/1926 chú Trần Huy Liệu mới phát động tổng đình công đòi thả Nguyễn An Ninh.

Đám tang cụ Phan diễn ra đúng như ba tôi dự định, một đám tang lớn nhất từ trước đến nay, với cả trăm ngàn người dự, lại là lần đầu tiên xảy ra trên một đất nước dân tình còn u mê. Một đám tang trang nghiêm, trật tự không ồn ào với cả tấm lòng của dân chúng. Bọn thực dân hoảng sợ, chúng không muốn sự kiện như vậy xảy ra. Chúng không ngờ đúng 1 năm sau, sự kiện trên được lặp lại cũng hàng trăm ngàn người từ các tỉnh đổ về thần tốc trong một đêm.

Buổi lễ tổ chức nhanh gọn, bí mật hoàn toàn cho đến khi chúng hay biết thì buổi cúng giáp năm đã giải tán. Chỉ có khác là cúng giáp năm 1927 ba tôi và chú Trần Huy Liệu tiến hành vào đêm 13/3 rạng sáng 14/3/1927 tức ngày 11/2 Âm lịch đúng ngày giỗ theo tục lệ của dân tộc Việt Nam. Báo chí ngày đó đưa tin về lễ cúng giáp năm diễn ra 2 ngày 13 và 14/3/1927 (thật ra chỉ có sáng 14/3). Từ tờ mờ sáng đồng bào lục tỉnh từ các ngõ thành phố đổ về mộ cụ trang nghiêm, trật tự. Các tỉnh xa phải hành quân từ đêm trước. Cả Sài Gòn bỏ việc nối đuôi nhau tiến vào khu mộ. Ba tôi và chú Liệu đọc điếu văn nói rõ công lao của cụ Phan đối với dân với nước. Xong lễ đồng bào, phấn khởi tự giải tán trong trật tự. Cốt cán chỉ huy hành quân kéo lên nhà ba tôi ở Mỹ Hoà hàng trăm người để rút kinh nghiệm việc huy động quần chúng, tổ chức hành quân và được má tôi đãi cơm với mấy con heo quay.

Báo chí ngày đó viết về đám tang cụ, về lễ cúng giáp năm một cách trang trọng. Trong quyển Hội kín Nguyễn An Ninh trang 41, Việt Tha (Lê Văn Thử) đã viết: Trông vào đám tang nhà đương cuộc đo được trình độ giác ngộ của dân chúng, nó khác hẳn với mấy năm về trước. Họ bảo: “Đây là do Nguyễn An Ninh đưa cụ Phan Châu Trinh về xứ, và đưa luôn sự giác ngộ của dân chúng Đông Dương”.

Cuối cùng thì tôi xin mượn câu đối của ba tôi viết từ Khám lớn gửi ra khi nghe tin cụ Phan mất, ba tôi gửi ra hai câu đối, một câu đã được in nhiều trên các sách, còn một câu chúng tôi hiện lưu tại Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh như sau:

Công chi sinh, sinh ích vu thời

Tạo hoá kỳ sinh, sinh hữu tử

Công chi tử, tử lưu vu hậu

Anh hùng chi tử, tử như sinh.

Tạm dịch:

Ông đã sinh, sinh để có ích cho đời.

Tạo hoá mà sinh, sinh phải có mất

Ông đã mất, mất để lưu danh hậu thế

Anh hùng mà mất, mất vẫn như còn.

Nguồn: T/c Xưa & Nay, số 258, 4/2006, tr 26

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ khóa XV
Tuần làm việc thứ hai, Quốc hội tập trung cho công tác lập hiến, lập pháp, thảo luận về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao.
Công đoàn VUSTA tổ chức hội nghị triển khai công tác, phổ biến những điểm mới Luật Công đoàn (sửa đổi)
Ngày 9/5, Công đoàn Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (Công đoàn VUSTA) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động nửa đầu nhiệm kỳ (2023 -2028), triển khai công tác công đoàn đồng thời phổ biến những điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) tới công đoàn viên.