Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 28/04/2008 17:36 (GMT+7)

Chuyên gia "giải cứu" những bi kịch cuộc đời

Mong muốn duy nhất của ông là, cho đến khi ông không còn làm việc nữa, ông để lại một bệnh viện chuyên khoa Nam học với đội ngũ những người làm nghề mẫu mực.


GS.TS. NGND Trần Quán Anh niềm nở đón khách tại địa chỉ làm việc mới, bệnh viện tư nhân Tâm Anh có văn phòng tọa lạc trên phố Lý Nam Đế. Vẫn là ông với phong thái ung dung, giọng nói nhỏ nhẹ, trầm ấm, mực thước của người thầy nhiều năm trên bục giảng.


Hai năm trước, tôi đã có cơ hội được viết về ông, trong những hồi ức tuổi trẻ ở chiến trường, bom đạn, nơi ông là một người lính cầm dao mổ để cứu chữa thương, bệnh binh. Ông từng là người thầy của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm.


Một chi tiết đặc biệt khác, ông còn là tác giả vở kịch nổi tiếng "Tiền tuyến gọi", viết về những đóng góp to lớn của những người thầy thuốc trong cuộc chiến đấu gian khổ của dân tộc, đã được tái hiện nhiều lần trên sân khấu và màn ảnh.


Lần này được gặp ông là để lắng nghe một câu chuyện hoàn toàn khác, câu chuyện về một người thầy thuốc đã đóng góp rất nhiều tài năng, công sức, để "giải cứu" những bi kịch cuộc đời...


Câu chuyện của chúng tôi liên tục bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại gọi tới phòng làm việc của giáo sư. Có rất nhiều bệnh nhân luôn chờ đợi để được ông thăm khám và tư vấn.


Những vấn đề mà các quý ông gặp phải khi cần tới sự giúp đỡ của GS Anh (mọi người thường gọi GS Trần Quán Anh một cách thân mật như vậy) thường rất thầm kín và tế nhị. Nên trong phòng khám của ông lúc nào cũng chỉ một bệnh nhân, không nhiều hơn.


GS Anh kể: "Những bệnh về nam học là những bệnh gây nên bi kịch trong đời sống gia đình và xã hội. Làm việc trong môi trường này, mỗi ngày tôi gặp nhiều câu chuyện rất thương cảm, nó liên quan đến hạnh phúc gia đình của mỗi con người.


Nhiều người chưa ngồi xuống đã khóc nức nở trước mặt bác sĩ, cho thấy những nỗi khổ riêng tư và thầm kín đã gặm nhấm cuộc sống của họ ghê gớm như thế nào".


GS Trần Quán Anh ngoài chức danh Tổng Thư ký Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam, còn là thành viên Hội Tiết niệu thế giới. Đi nhiều, tiếp xúc nhiều với y học các nước tiên tiến, ông đã sớm nhận ra rằng, Nam học là một ngành rất cần thiết được chú trọng. Nó liên quan đến nhu cầu tự nhiên và thiết yếu nhất của con người, đó là được thỏa mãn tính dục, nâng cao chất lượng cuộc sống.


Các bệnh về nam học ảnh đến hạnh phúc gia đình là một tất yếu. Mà một khi đã ảnh hưởng đến gia đình nó không thể không ảnh hưởng đến xã hội.


Những đánh giá tổng kết đã chỉ ra rằng, khi một người đàn ông mắc phải vấn đề về nam học, không tự tin vào sức mạnh đàn ông của mình, năng suất lao động sẽ giảm, không có ý chí phấn đấu và thường hay chán nản. Thậm chí có những trường hợp nghĩ đến giải pháp tự tử để kết thúc cuộc sống.


Đó còn là nguồn gốc của những căn bệnh suy nhược thần kinh, trầm cảm nếu thời gian chịu đựng kéo dài. Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ quý ông nào, bất kể họ là ai.


Tuy nhiên, để ngành Namhọc được thừa nhận ở Việt Nam không phải chuyện dễ dàng. GS Anh cùng các đồng nghiệp của ông đã trải qua lộ trình nhiều năm tháng để đưa Nam học trở thành một ngành được thừa nhận và phát triển như hôm nay.


GS Trần Quán Anh tâm sự: "Ban đầu chẳng ai quan tâm đến Nam học. Vì xét cho cùng nó không phải là căn bệnh gây chết người ngay lập tức như nhiều căn bệnh hiểm nghèo khác. Sự "phá hủy" của nó là rất âm thầm. Tôi theo đuổi ngành này vì tình cảm với các bệnh nhân. Tôi thấu hiểu nỗi khổ của họ.


Hơn nữa, ở một nước châu Á như Việt Nam mình, quan niệm về những thứ bệnh liên quan đến tình dục còn nhiều khắt khe, thậm chí là sai lạc.


Năm 2004, đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế có bố trí một buổi để tôi được nói chuyện trước Quốc hội về ngành Nam học. Tôi đã phân tích để các đại biểu Quốc hội hiểu về sự ảnh hưởng của các bệnh thuộc về Nam học trong cuộc sống và chỉ xin Quốc hội hai điều.


Thứ nhất, hãy coi đây là một bệnh phải chữa, chứ không phải là trò khuyến khích, khiêu dâm. Thứ hai, nếu đã coi họ là bệnh nhân thì phải bình đẳng trong khám và chữa bệnh. Vì bệnh này là bệnh tế nhị, khó nói, cần phải tạo một điều kiện tốt và hợp lý để bệnh nhân được bình đẳng trong việc khám và điều trị".


Mày mò "khai sơn phá thạch", có lúc tưởng chừng như mình đang "húc đầu vào đá", nên khi Trung tâm Nam học (thuộc Bệnh viện Việt - Đức) ra đời do chính ông làm Giám đốc, GS Trần Quán Anh đã rất vui mừng, vì những nỗ lực để ngành Nam học được thừa nhận của ông cuối cũng đã có kết quả tốt.


Từ bước đi đầu tiên ấy, GS Anh dốc mọi tâm huyết của mình vào việc làm sao để Nam học được phát triển rộng rãi. Xã hội hiện đại với tốc độ hoạt động chóng mặt của nó đã gây ra nhiều áp lực và để lại những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe con người, đặc biệt là sức khỏe tình dục.


Sau nhiều năm điều trị bệnh nhân Nam học ở Bệnh viện Việt - Đức, GS Anh tổng kết, bệnh nhân mắc các chứng bệnh về Nam học phần lớn là giới doanh nhân, trí thức.


Ông nói: "Mỗi bệnh nhân đến với tôi là một bi kịch, chẳng ai giống ai. Vợ chồng đã ly hôn vì căn bệnh này là một bi kịch. Vợ chồng chuẩn bị ly hôn, đến bệnh viện với hy vọng níu kéo tình yêu, hạnh phúc gia đình cũng bởi không thỏa mãn được sinh lý là bi kịch. Trong trường hợp này, người chồng thường chủ động ly hôn vì mặc cảm, vì không muốn vợ khổ, nhưng người vợ thì không.


Người chồng bất lực, người vợ đi ngoại tình, biết mà không thể trách vợ là bi kịch. Vợ chồng cố sống với nhau, cố che giấu để giữ gìn nền nếp, gia phong... cũng là bi kịch".


Vì vậy, theo GS Trần Quán Anh, những căn bệnh Nam học cũng chính là những căn bệnh xã hội, bởi nó có sức tàn phá gia đình ghê gớm. Cũng theo ý kiến của ông, rất cần phải có chương trình phổ cập kiến thức về Nam học cho toàn dân.


Hiện nay, cả nước mới chỉ có một số trung tâm Nam học, chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong các trường đào tạo nghề y cũng chưa có Khoa Nam học.


GS Trần Quán Anh đã tham gia giảng dạy ở Trường đại học Y Hà Nội trong nhiều năm. Bộ môn Nam học ông phải tự viết giáo trình, truyền nghề cho sinh viên theo kinh nghiệm nghiên cứu và thực hành của chính bản thân.


Nhận thấy tầm quan trọng của việc điều trị căn bệnh này trong đời sống hiện đại, một số trường đại học và một số bệnh viện tuyến tỉnh đã quyết định thành lập Khoa Nam học.


Và tất nhiên, vị GS đầu ngành Trần Quán Anh lại bận rộn đi về như con thoi. Ông có mặt ở bất cứ nơi nào cần sự giúp đỡ, tư vấn của ông, để giúp các bệnh nhân tìm lại hạnh phúc của mình.


Tiếng là đã về hưu, nhưng ông thấy mình còn bận rộn hơn cả lúc còn đương nhiệm. Tham gia các hội đồng chấm thi luận án tiến sĩ y khoa, vẫn phải đảm nhiệm vai trò cố vấn Trung tâm Nam học Bệnh viện Việt - Đức mà ông đã "trót" thành lập. Rồi giảng dạy hàng tuần ở Trường đại học Y.


Bây giờ lại kiêm thêm vị trí Giám đốc Bệnh viện Tâm Anh, bệnh viện chuyên khoa về Namhọc đầu tiên ở Việt Nam , với quy mô 100 giường bệnh.


Nói về hai chữ Tâm Anh, ông nhẹ nhàng giải thích: "Tôi đặt cái tên đó là để nói lên tâm nguyện của mình. Suốt đời tôi chỉ có một nguyện vọng là đưa ngành Nam học đi đến chỗ được thừa nhận và phát triển.


Từ trước tới nay, chúng ta mới chỉ có vài trung tâm điều trị bệnh cho các quý ông, như thế là chưa tương xứng. Trung tâm Nam học ở Bệnh viện Việt - Đức thường xuyên bị quá tải, rất khó phù hợp với chủ trương xã hội hóa ngành Y.


Bệnh viện chuyên khoa Nam học Tâm Anh sẽ được xây dựng với hệ thống khám và chữa bệnh chuẩn nhất. Chúng tôi lấy chất lượng khám chữa bệnh là tiêu chí số 1 để xây dựng thương hiệu".


Chúng ta đã thấy trong thực tế có một số phòng khám hay bệnh viện tư nhân "treo đầu dê bán thịt chó", nặng về tính chất thương mại mà không chú trọng nhiều đến y đức. GS Anh nói rằng ông rất sợ những cái "thùng rỗng kêu to", khoa trương để thu lợi nhuận.


Là người chịu trách nhiệm toàn bộ về chuyên môn của bệnh viện, GS Anh rất kỹ càng khâu tuyển nhân lực. Đó là những người giỏi, có kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp.


Ông yêu cầu các cộng sự của mình phải rất thận trọng, mẫu mực trong các khâu khám và chữa bệnh, không được ỷ lại vào máy móc, công nghệ. Ông dùng từ "mẫu mực thị phạm" để nói về các động tác khám bệnh chuẩn xác mà đội ngũ y bác sĩ ở bệnh viện phải nhất định tuân thủ.


Đã đi và chứng kiến nhiều trung tâm khám chữa bệnh lớn trên thế giới, ông kết luận: "Ngay cả ở những nước tiên tiến, nơi có nền y học phát triển nhất, người ta vẫn tôn trọng các động tác mẫu mực trong khám bệnh". Bởi vậy, nhiều học trò nhắc đến thầy Trần Quán Anh là nhắc đến một người thầy rất nghiêm khắc trong làm nghề.


GS Trần Quán Anh kể, khi ông nhận nhiệm vụ mới ở Bệnh viện Tâm Anh, cả gia đình bên vợ ông đã phản đối quyết liệt. Mọi người cho rằng, không cần ông phải kiếm được nhiều tiền hơn, mà cần ông dành thời gian cho gia đình, vợ và các con nhiều hơn.


Biết rằng mong muốn ấy của gia đình là chính đáng. Gần nửa thế kỷ làm nghề ông cũng muốn được nghỉ ngơi lắm chứ. Nhưng vì tâm nguyện của ông chưa hoàn thành nên ông vẫn tiếp tục công việc: "Tôi không ham làm giàu, vì ở tuổi tôi bây giờ ăn không được bao nhiêu. Nhưng tôi thương các bệnh nhân của tôi. Họ cần tôi.


Có bệnh nhân ở tỉnh xa tìm đến tôi và ngậm ngùi: "Em đi tìm bác sĩ suốt nửa năm nay rồi", thì tôi sao có thể làm ngơ với họ?".


Mỗi khi có một cặp vợ chồng hoan hỉ báo rằng họ đã tìm lại được cảm giác hạnh phúc. Hay một cuộc điện thoại của một bệnh nhân tuổi đời rất trẻ nhưng mắc chứng "bất lực", có lần đã muốn tự tử nay đã tìm lại sự mạnh mẽ vốn có của mình.


Một người bị dị tật ở cơ quan sinh dục, từng lẩn trốn cuộc đời vì biết mình không thể lấy vợ sinh con nay đã lấy vợ và sinh con. Một cặp vợ chồng hiếm muộn bồng đứa bé đẹp như tranh đến gặp bác sĩ và bảo: "Nhờ ông mà chúng con mới có nó đấy".


Tất cả những câu chuyện có hậu như vậy là phần thưởng lớn đối với GS.BS Trần Quán Anh. Mong muốn duy nhất của ông là, cho đến khi ông không còn làm việc nữa, ông để lại một bệnh viện chuyên khoa Nam học với đội ngũ những người làm nghề mẫu mực.


Tôi chào GS Anh ra về, vì biết phía ngoài cánh cửa phòng ông có nhiều bệnh nhân đang chờ đợi để được gặp ông. Những câu chuyện ông kể làm tôi suy nghĩ mãi. Có những căn bệnh có thể gây chết người nếu không được cứu chữa kịp thời.


Nhưng riêng ngành Nam học mà GS Anh đang theo đuổi dường như còn mang một ý nghĩa tinh thần khác. Nó nhân văn hơn những gì thuộc về dao kéo mà chúng ta hằng nghĩ. Mong sao mỗi ngày lại có thêm những bi kịch cuộc đời được "giải cứu", nhờ tài năng và tâm sức của GS.TS.NGND Trần Quán Anh.


Nguồn: tintuconline.vietnamnet.vn (20/04/08)

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.