Chuyện anh thợ rèn nghiên cứu tia cực tím để xử lý nước nuôi tôm
Thông tin anh thợ chuyên làm cửa sắt Nguyễn Đức Huy (ảnh), sinh năm 1971 tại phường 4, thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên chế tạo thành công hệ thống xử lý nước đìa nuôi tôm bằng tia cực tím đã khiến nhiềuchủ đìa tôm sú ở Phú Yên rất phấn khởi. Liên tục 3 - 4 năm qua, những người nuôi tôm ở Phú Yên lao đao vì tôm bị dịch bệnh "rớt đáy".Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chuyện tôm bị dịch bệnh, trong đó có việc môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chính vì vậy, ngay khi biết được hệ thống xử lý này ứng dụng thành công tại hai đìa tômở khu vực thôn Phước Giang, xã Hòa Tâm, huyện Tuy Hòa, nhiều người đã đến gặp Huy để "đặt hàng" chuẩn bị ứng dụng trong vụ tôm mới cuối mùa đông này.
Xử lý trên 85% vi khuẩn trong nước
Hệ thống lọc nước bằng tia cực tím của Nguyễn Đức Huy có gì? "Toàn những thứ dễ mua dễ kiếm với giá không cao lắm" Huy thổ lộ. Hệ thống này, theo mô tả của Huy, gồm một bể tràn là bồn nhựa chứa nướckhoảng 350 lít, 10 bóng đèn tia cực tím, máng nước bằng tôn hoặc bằng nhựa, nguồn điện phân, lưới mịn "những thứ bán đầy ngoài chợ" và điện năng có công suất 1.000 W lấy từ nguồn máy nổ sục khí. "Khinước được hút vào bể tràn, chúng sẽ được nén và đi qua lưới lọc rồi chảy vào máng, nơi lắp đặt hệ thống đèn chiếu tia cực tím và nguồn điện phân. Tại đây, nhờ cách lắp đặt đèn đặc biệt và hệ thốnglàm xáo trộn, nước sẽ tiếp xúc trực tiếp với đèn nhiều hơn, cộng với nguồn điện phân sẽ khiến số lượng vi khuẩn bị diệt rất cao, trước khi chảy vào đìa tôm" Nguyễn Đức Huy giới thiệu nguyên lý hoạtđộng của hệ thống lọc nước đìa tôm do anh sáng chế như vậy. Theo kết quả mà Huy thử nghiệm tại Trung tâm Y tế Dự phòng Phú Yên, thì mẫu nước nguyên có 3.800 vi khuẩn, khi đi qua hệ thống này chỉ cònchưa tới 500 vi khuẩn, nghĩa là khả năng "sát thương" vi khuẩn đạt đến hơn 85%.
Hệ thống của Huy có công suất lọc khoảng 120 m3/giờ, tổng chi phí khoảng 7 triệu đồng. "Nếu làm tăng thêm công suất thì chi phí sẽ tăng hơn, vì phải mua thiết bị lớn hơn, song cũng không đắt lắm" Huycho biết.
Sau khi chế tạo thành công hệ thống trên, Nguyễn Đức Huy đã thuyết phục được anh Lê Ngọc Hiền ở Phước Giang cho ứng dụng thử nghiệm tại hai hồ của anh này với diện tích khoảng 5.000 m2. Kết quả, anhHiền nói: "Nuôi tôm đạt hay không thì phụ thuộc rất nhiều nguyên nhân, chẳng hạn con giống, xử lý ao đìa, sục khí, thức ăn, thời điểm cho ăn..., môi trường nước chỉ là một trong những yếu tố đó. Tuynhiên, có thể thấy rằng nhờ áp dụng hệ thống này của Huy mà hai đìa tôm của tôi năm nay rất ổn định, đạt năng suất 60 con/kg. Trong khi đó, khoảng 80% số hồ ở khu vực lân cận đều bị lỗ vốn vì tôm bịbệnh dịch, mà nguyên nhân được Sở Thủy sản xác định sau đó là do bị ô nhiễm nguồn nước. Đây là lần đầu tiên tôi trúng tôm sau ba mùa nuôi tại đây".
Sáng chế nhờ... đọc báo và coi tivi
Chúng tôi ngạc nhiên và ban đầu cũng nghi ngờ khả năng của Nguyễn Đức Huy khi được anh cho biết không phải là một người hiểu nhiều về vật lý, còn trình độ học vấn thì mới... tốt nghiệp THPT! Huy thổlộ: "Tôi là con thứ 10 trong một gia đình có đến 14 người con. Gia cảnh khó khăn quá nên tốt nghiệp xong lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ năm 1988 tôi phải nghỉ, gác lại giấc mơ vào Đại học Kinh tế hằngấp ủ. Sau thời gian phục vụ trong quân đội, tôi về lại quê và học nghề làm cửa sắt để kiếm sống. Năm 2002, xem tivi, đọc báo thấy người nuôi tôm trong tỉnh bị lỗ dữ quá, tôi thấy xót xa... Cũng nhờxem truyền hình và đọc báo mà tôi biết được người ta dùng tia cực tím để diệt khuẩn trong sản xuất nước tinh khiết, trong quân đội người ta cũng dùng loại tia này để xử lý một số hóa chất. Vậy là tôiđến thư viện tỉnh ở gần nhà vào những giờ rảnh và tìm đọc những tài liệu có liên quan đến tia cực tím, sau đó về nhà tự chế tạo mô hình. Phải mất hai năm và nhiều lần thất bại, tôi mới cho "ra lò"được sản phẩm đầu tiên và áp dụng thử nghiệm tại hai đìa tôm của anh Hiền".
Chưa có ở Việt Nam
Đó là lời khẳng định của một số chuyên gia về thủy sản ở Phú Yên khi nói về hệ thống lọc nước bằng tia cực tím của anh thợ cửa sắt Nguyễn Đức Huy. Kỹ sư Lê Văn Thứng, nguyên Phó giám đốc Sở Khoa học- Công nghệ - Môi trường tỉnh Phú Yên (vừa được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), người đã đọc hồ sơ về hệ thống lọc nước của Huy để hướng dẫn giúp anh đăng ký bản quyền sángchế với Cục Sở hữu Công nghiệp, nhận xét: "Tia cực tím được ứng dụng để diệt khuẩn ai cũng biết, nhưng ứng dụng cho một thể tích nước lớn phục vụ cho đìa nuôi tôm sú thì, theo tôi, Nguyễn Đức Huy làngười đầu tiên ở nước ta nghĩ ra điều này". Anh Nguyễn Minh Phát, chuyên viên nuôi trồng thủy sản (Sở Thủy sản Phú Yên), cũng đồng ý với ý kiến của ông Thứng: "Tia cực tím đã được áp dụng cho cáctrại nuôi tôm giống với một thể tích nước rất nhỏ, nước cũng được xử lý tương đối kỹ trước khi đưa qua tia cực tím xử lý tiếp. Nước qua tia cực tím ở các trại giống thường đi thẳng qua đèn, còn Huyđã nghĩ ra cách đặt các bóng đèn ziczac chứ không thẳng, khiến nước tiếp xúc với tia cực tím nhiều hơn; thêm vào đó, Huy cũng nghĩ ra cách đưa nguồn điện phân vào đây để phân hủy một số chất độc, vìthế khả năng diệt khuẩn cao hơn. Đây là một cách làm hay, một phát hiện rất mới. Là một người theo dõi nuôi trồng thủy sản, tôi có thể khẳng định là đến nay công nghệ này chưa được ứng dụng vào nuôitôm thịt ở bất cứ đâu trong nước ta".
Một thắc mắc được đặt ra là, trong 85% vi khuẩn mà "máy lọc" của Huy tiêu diệt chắc chắn có nhiều vi khuẩn có lợi cho sự phát triển của tôm. Anh Nguyễn Minh Phát nói: "Khi sử dụng hóa chất để xử lýhồ, người nuôi tôm cũng mong muốn là diệt được toàn bộ vi khuẩn có trong nước, cả lợi lẫn hại, sau đó sẽ tái tạo những vi khuẩn có lợi trong quá trình nuôi. Tuy nhiên, dùng hóa chất thì ít nhiều đềuđể lại dư lượng trong nước, tất yếu ảnh hưởng đến sự phát triển của tôm; nhiều chủ đìa dùng quá lượng cho phép sẽ khiến tôm chậm lớn, thậm chí mắc bệnh. Riêng xử lý vi khuẩn trong nước bằng tia cựctím, nếu đạt hiệu quả, thì ít tốn thời gian và công sức, lại không để lại bất cứ chất độc hại nào".
Được biết, hiện tại, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Yên đang giúp Nguyễn Đức Huy hoàn tất các thủ tục cần thiết để có thể đăng ký bản quyền sáng chế hệ thống này trong thời gian sắptới.
Nguồn: Nguyễn Quốc Khương, (Báo Người lao động)