Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 24/11/2009 17:05 (GMT+7)

Chứng tâm khí hư suy trong đông y

1. Nguyên nhân bệnh:

Nguyên nhân của chứng tâm khí hư suy phần nhiều là do lo lắng mệt nhọc tổn thương đến cơ thể, hoặc do tiên thiên bất túc, nên tâm khí vốn hư từ bé, hoặc sau thời gian trưởng thành thể lực suy kém, dương khí ngày càng hư suy, hoặc do ốm đau lâu ngày, khí huyết hư suy mà liên lụy đến tâm khí. Hoặc do chứng tý ở tâm, hoặc mắc một số bệnh khác mà dùng thuốc hãm hạ quá mức làm tổn thương dương khí mà sinh ra bệnh.

Mặt khác do công năng của tạng tâm hoạt động không bình thường dẫn đến tâm thần không yên, khí vận hành vô lực làm cho sự lưu thông của huyết không thông suốt.

Chứng tâm khí hư suy thường gặp trong các bệnh như: Kinh quý, hung tý, bất mị, hư lao và điên chứng.

2. Triệu chứng lâm sàng:

Tâm hồi hộp, hay sợ hãi, đoản hơi, thiếu sức, hễ hoạt động là mệt mỏi, vùng ngực thường khó chịu, tinh thần luôn mệt mỏi, tự ra mồ hôi, sắc mặt nhợt nhạt, lưỡi nhạt, rêu mỏng, mạch tế nhược…

3. Biến chứng:

Tâm là đại chủ của các tạng phủ trong cơ thể, về công năng sinh lý tâm chủ về thần minh và chủ về huyết mạch, cho nên biểu hiện của chứng tâm khí hư suy về phương diện tinh thần, ý thức, tư duy, bao gồm cả công năng thần trí và ngôn ngữ bị trở ngại. Thiên bản thần sách Linh Khu viết: “Tâm khí hư thì bi” “Thân thương thì sợ hãi” do đó mà xuất hiện các chứng sợ hãi, hồi hộp không yên, mất ngủ, hay quên, mừng lo, rầu rĩ có khi muốn khóc, có khi cáu giận, có khi nói lảm nhảm một mình…

Ngoài ra khi tâm khí bất túc làm tổn thương đến sự vận hành của huyết mạch mà xuất hiện các chứng khí huyết bất túc có khi cục bộ, nhưng có khi toàn thân, xuất hiện chứng tinh thần mỏi mệt, yếu sức, đoản hơi, ngực đầy khó chịu có khi đau ở vùng ngực, tự ra mồ hôi, miệng môi tím tái, sắc mặt trắng nhợt, lưỡi nhạt, mạch nhược…

Do tuổi tác, giới tính, thể chất của người mắc bệnh khác nhau nên bệnh chứng cũng biểu hiện khác nhau, nhưng chứng tâm khí hư suy thường gặp nhiều ở người tuổi cao, người ốm đau kéo dài thể lực suy kém, thường hay mất ngủ, hung tý, hồi hộp.

Đối với trẻ em thì phần nhiều do tiên thiên phú bẩm bị bất túc, mà yếu ớt, đoản hơi, hồi hộp, hễ vận động là suyễn thở miệng môi tím tái…

Ngoài ra có trường hợp do cảm nhiễm ngoại tà, bệnh tình phát triển. Điều trị không đúng phương pháp hoặc điều trị không kịp thời cũng dẫn đến chứng tâm khí hư suy.

Đối với phụ nữ ngoài các chứng trạng nói trên còn do thai sản, kinh nguyệt, vì tâm khí hư hoả không sinh thổ mà dẫn đến tỳ hư, không thống nhiếp được huyết mạch sinh ra chứng kinh nguyệt quá nhiều, băng lậu, khi sinh đẻ ra nhiều huyết, khí theo huyết thoát mà sinh ra chứng huyễn vậng dẫn đến ra chứng tâm khí hư suy.

Ngoài ra thời tiết khí hậu cũng là một trong những nguyên nhan sinh ra chứng tâm khí hư suy như: Mùa hạ do quá nóng nực và dễ hao thương tân dịch, cho nên chứng tâm khí hư thường kèm theo chứng tâm âm bất túc. Mùa đông quá lạnh thì dễ tổn hao dương khí, tâm khí hư suy thường thấy ở chứng tâm dương bất túc.

Trong điều trị tuỳ theo tuổi tác, cơ địa và nguyên nhân dẫn đến mà có phương pháp chẩn đoán và điều trị cho thích hợp.

4. Phân biệt chẩn đoán:

* Chứng tâm dương hư và chứng tâm khí hư suy:

Do công năng của tạng tâm bất túc dẫn đến cả hai chứng đều hư. Hai chứng này phần nhiều xuất hiện ở người lớn tuổi mắc bệnh lâu ngày làm cho tâm ngày càng hư suy. Có trường hợp do dùng thuốc hãm hạ quá mức làm cho dương khí của tâm bị tổn thương mà sinh ra bệnh. Do dương khí bất túc, sức lưu thông kém, khí không đủ để vận chuyển huyết, huyết không đủ để chuyển tải khí, làm ch tâm thần mất đi sự ổn định công năng bảo vệ của tâm bị sút kém mà xuất hiện các triệu chứng như yếu sức, đoản hơi, hồi hộp, tự ra mồ hôi, mạch hư nhược, nhưng giữa hai chứng này thì chứng tâm dương hư suy nguy hiểm hơn chứng tâm khí hư suy.

Tạng tâm thuộc hoả, là thái dương trong dương tâm khí càng hư suy thì dẫn đến tâm dương hư, trong chứng tâm khí hư suy và chứng tâm dương hư thì chứng tâm dương hư có 2 đặc điểm nổi bật đó là tâm dương hư bao giờ cũng xuất hiện hàn chứng, cho nên tay chân thường lạnh, thân thể lạnh, do hàn làm ngưng trệ sự lưu thông của khí huyết, khác với chứng tâm khí hư suy thì huyết đi không lưu lợi nên vùng ngực đau, sắc mặt nhợt nhạt, tái xanh, môi tím tái, mạch trầm tế, hoặc trầm trì. Nội dung thứ hai là tâm dương hư nên không thể hoá khí thành thuỷ, cho nên dẫn đến chứng thuỷ ẩm ứ đọng ở bên trong mà sinh ra chứng đầu; mắt choáng váng, tiểu tiện ít không lợi, lưỡi trắng trơn, mạch trầm huyền, đó là những nội dung để phân biệt chẩn đoán giữa hai chứng.

* Chứng tâm huyết hư với chứng tâm khí hư suy:

Thạch xương bồ
Thạch xương bồ
Sự sinh thành của tâm huyết phải nhờ vào sự hoá sinh của tâm khí. Do khí huyết tác dụng lẫn nhau, sự vận hành của huyết mạch là nhờ sự thúc đẩy của tâm khí, nhưng tâm khí lại lấy công nănglàm cơ sở, nếu tâm khí hư thì tâm huyết cũng bất túc, ngược lại huyết hư thì khí cũng hư suy, cả hai chứng đều hư và dẫn đến các chứng trạng như tim hồi hộp, đoản hơi, sức khoẻ yếu. Nhưng một khíacạnh lại chú ý đến huyết hư, một khía cạnh chú ý đến tâm khí hư đó là sự phân biệt chẩn đoán giữa hai chứng.

Nhưng cũng cần lưu ý, chứng tâm khí hư suy là do công năng hoạt động của tạng tâm bất túc, dẫn đến thần không có chủ nên huyết vận hành không có lực mà xuất hiện các chứng như hồi hộp, đoản hơi, ngực đầy khó chịu ra mồ hôi, sắc mặt trắng nhợt, mạch tế, khác với chứng tâm huyết hư là chỗ chứa đựng của tâm không đủ, thần minh không giữ được bên trong cho nên chứng trạng chủ yếu là hồi hộp không yên, hay quên, sắc mặt xanh nhợt, ngủ kém, lưỡi nhạt, mạch tế vô lực.

* Đối với chứng tâm tỳ đều hư với chứng tâm tỳ khí hư suy

Cả hai chứng đều có một nguyên nhân là do hao thương tâm khí. Do tâm khí hư suy cho nên sức yếu, mệt mỏi, hồi hộp, đoản hơi.

Đối với chứng tâm tỳ đều hư là do khí và huyết nên có liên quan đến hai tạng tâm và tỳ, có thể do tỳ hư việc hoá sinh đồ ăn thức uống kém và dẫn đến khí và huyết của tạng tâm suy kém. Hoặc do thận dương hư mà thận âm mất đi sự ấm áp, hoả không sinh được thổ mà dẫn đến tỳ khí hư suy, thường xuất hiện các triệu chứng như: Đoản hơi, hồi hộp, kém ăn, bụng chướng đầy, ngủ kém, hay quên luôn mệt mỏi, đại tiện phân nhão, hoặc phân lỏng, còn đối với chứng tâm khí hư suy thì không có các chứng trạng của chứng tỳ hư đó là những lý do để phân biệt chẩn đoán giữa hai chứng.

* Đối với chứng tâm phế khi hư với chứng tâm khí hư suy.

Vị trí của tâm và phế đều ở thượng tiêu về sinh lý có quan hệ chặt chẽ với nhau nên khi sinh bệnh thường ảnh hưởng trực tiếp đến nhau. Chứng tâm phế khí hư thường xuất hiện từ từ và liên lụy đến phế, hoặc ho lâu ngày làm tổn hại phế, do phế khí hư dẫn đến tâm khí hư mà hình thành chứng tâm phế khí hư, phế chủ khí chủ về hô hấp, bên ngoài hợp với bì mao do đó chứng tâm phế khí hư thường xuất hiện các triệu chứng ho, thiếu khí, đoản hơi, suyễn, dễ cảm mạo, tâm hồi hộp, nếu bệnh nặng thì suyễn thở, miệng môi tím tái, không nằm được, mặt và tay chân phù thũng, chất lưỡi nhạt, mạch tế, đó là chứng tâm phế khí hư, khác với chứng tâm khí hư suy. Như vậy chứng tâm phế khí hư có chứng ho, thiếu khí nên nặng hơn chứng tâm khí hư suy.

* Đối với chứng tâm đởm khí hư với chứng tâm khí hư suy.

Nguyên nhân là do khí của can đờm bị hư yếu, mộc không sinh được hoả mà dẫn đến tâm khí hư suy. Hoặc do tâm khí hư suy ảnh hưởng đến đởm, trong Đông y tâm chủ thần minh, đởm chủ quyết đoán, khi tâm khí yên ổn thì đởm khí không bị sa sút việc quyết đoán được dứt khoát. Do đó khí hư làm cho tâm thần không yên mà sinh ra sợ hãi hồi hộp không yên, có lúc hoảng hốt, xuất hiện chứng “Tâm đởm đều khiếp” làm việc gì cũng sợ hãi, khi ngủ hay mơ mộng hư phiền, ngủ kém mà dẫn đến đởm khiếp tâm hư.

Như vậy chứng tâm đởm khí hư là do khí cơ của can đởm không được xơ tiết, hoặc do tân dịch không được phân bố ngưng kết lại mà thành đờm trọc, hoặc do khí uất hoá hoả kết hợp với đàm nhiệt mà sinh ra bệnh, đó là những nhân tố khác nhau giữa hai chứng.

5. Phương pháp điều trị:

5.1. Chứng kinh quý trong chứng tâm khí hư suy

Triệu chứng lâm sàng: bệnh nhân có cảm giác trong tâm rỗng không, bàng hoàng khó chịu, hay sợ sệt, tinh thần mệt mỏi, hồi hộp, đoản hơi ra mồ hôi, mạch vô lực hoặc kết đại.

Phương pháp điều trị: Dưỡng tâm, ích khí, an thần.

Bài thuốc thường dùng: Dưỡng tâm thang.

Hoàng kỳ         16g

Viễn chí            8g

Phục thần         12g

Chích thảo        4g

Xuyên qui         12g

Đại táo             12g

Xuyên khung    8g

Hoắc táo nhân 16g

Bạch linh          12g

Bá tử nhân        12g

Bán hạ              10g

Nhân sâm         8g

Nhục quế         4g

Sinh khương     4g

Ngũ vị tử          6g

Hoặc có thể dùng bài Quì tỳ thangđể điều trị.

Ngày uống 1 thang sắc 3 lần uống 3 lần trước khi ăn, uống khi thuốc còn ấm.

5.2. Chứng bất mị trong chứng tâm khí hư suy.

Triệu chứng lâm sàng: Thần thức lơ mơ, ban ngày buồn ngủ nhưng ban đêm lại tỉnh táo, hoặc ngủ được thì không thành giấc, khi thiếp đi thì thấy chiêm bao, có khi chiêm bao dẫn đến sợ hãi…

Phương pháp điều trị: Dưỡng tâm an thần.

Bài thuốc thường dùng: An thần định chí hoàn.

Phục thần                     12g

Phục linh                       12g

Nhân sâm                     8g

Viễn chí                        8g

Long xỉ             12g

Thạch xương bồ           8g

Chu sa vừa đủ làm áo.

Các vị thuốc trên tán bột làm viên, mỗi viên 6g, ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 2 viên trước khi ăn.

5.3. Chứng hung tý trong chứng tâm khí hư suy.

Triệu chứng lâm sàng: Đau vùng ngực từng cơn, tâm hồi hộp khó chịu, đoản hơi, suyễn chứng, mệt mỏi, ra mồ hôi.

Phương pháp điều trị: Tuyến tý, thông dương, ích khí.

Bài thuốc thường dùng: Nhân sâm thang.

Nhân sâm         12g

Can khương     8g

Bạch truật         12g

Camthảo         6g

Ngày một thang sắc uống lúc đói, tuỳ chứng và sức khoẻ của bệnh nhân mà gia giảm cho thích hợp.

Có thể dùng bài Sinh mạch tán gia giảm để điều trị

Nhân sâm         12g

Mạch môn        8g

Ngũ vị tử          8g

Ngày một thang sắc uống lúc đói, tuỳ theo chứng của bệnh nhân cũng có thể kết hợp giữa hai bài.

5.4. Chứng hoảng loạn trong chứng tâm khí hư suy.

Triệu chứng lâm sàng: Bệnh nhân bất an, tinh thần hoảng hốt, sợ ồn ào, thích nằm một mình, hay cười, hay khóc một cách thất thường, có khi nói lảm nhảm một mình.

Phương pháp điều trị: Ninh tâm, an thần.

Bài thuốc thường dùng: Thần sa diệu hương tán

Hoàng kỳ         16g

Xạ hương         2g

Hoài sơn           12g

Nhân sâm         12g

Phục linh           12g

Viễn chí            8g

Phục thần         12g

Mộc hương      16g

Cát cánh           8g

Chu sa 8g

Chích thảo        4g

Tuỳ chứng có thể gia giảm cho thích hợp. Ngày 1 thang sắc uống. Thần sa thuỷ phi khi thuốc nguội cho vào uống, uống lúc đói.

5.5. Do tâm khí hư suy xuất hiện chứng hư lao.

Triệu chứng lâm sàng: Mất ngủ, mỏi mệt, đoản hơi, di mộng tinh, hay vã mồ hôi…

Phương pháp điều trị: Bổ ích tâm khí.

Bài thuốc thường dùng: Thập toàn đại bổ thang.

Nhân sâm         12g

Chích thảo        6g

Bạch truật         12g

Đương quy       8g

Bạch linh          12g

Thục địa           12g

Hoàng kỳ         12g

Bạch thược       10g

Nhục quế         6g

Xuyên khung    8g

Ngày một thang sắc uống, tuỳ chứng và thể trạng của bệnh nhân có thể gia giảm cho phù hợp, thuốc uống lúc đói, khi thuốc còn ấm.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Liên hiệp Hội Việt Nam là điểm tựa tin cậy của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ
Trong chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia..
Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.