“Chúng ta đang chia đều sự nghèo khổ và yếu kém”
PV- Trong buổi gặp mặt giữa Thủ tướng và các nhà khoa học, một vấn đề bức xúc được đưa ra đó là lương. Vậy theo ông, lương cho các nhà khoa học đã thực sự thoả đáng?
GS.TSKH Trần Xuân Hoài:- Theo tôi, cứ yêu cầu giải quyết vấn đề nâng lương thôi thì không biết thế nào là thoả đáng, của cải của xã hội chỉ có vậy, nước nổi thì thuyền nổi.
- Theo ông, vấn đề lâu nay dư luận phàn nàn về việc Nhà nước chưa thực sự có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với các nhà khoa học, vậy thực chất của sự đãi ngộ đó có phải là lương?
-Theo tôi, người làm khoa học cần nhất lúc này một cơ chế hoạt động khoa học thuận lợi để họ có thể làm ra của cải (trí tuệ quy ra tiền). Trên thế giới, mức lương của người làm khoa học nói chung ở mức đủ sống trên trung bình. Ở nước ta cũng nên như vậy. Đối với người làm khoa học thật sự thì môi trường, điều kiện làm việc, sự đánh giá công bằng và tôn trọng của xã hội quan trọng hơn đãi ngộ vật chất.
- Nếu không có gì quá khó nói, ông có thể cho biết mức lương hiện nay của mình?
- Mức lương nhà nước của tôi hiện có lẽ là cao nhất trong giới nghiên cứu, khoảng 2,7 triệu/tháng (5% vượt khung 6/6-hệ số 8, của tháng lương nghiên cứu viện cao cấp). Nhưng mức lương đó cũng chỉ bằng 1/20 lương của một cán bộ của Viện chúng tôi là thạc sĩ đang được mời nghiên cứu và giảng dạy cùng chuyên ngành ở TU-Dresden Đức.
- Như thế liệu đã là đủ, thưa ông?
- Tôi say mê công việc và yêu quý nơi tôi đang làm, không thể yêu cầu gì hơn vào lúc này. Nhưng tôi nghĩ rằng cần nâng thu nhập ngay cho cán bộ khoa học trẻ có tài, nếu không thì họ sẽ không làm khoa học nữa, dù họ không muốn thế.
- Vậy ông có bình luận gì khi có ý kiến cho rằng hiện nay đang có sự bất bình đẳng về thu nhập giữa người làm khoa học và những ngành nghề khác. Ví dụ như lương của tiến sĩ không bằng lương anh thợ bậc 3?
- Về logic thì đúng là như vậy, nhưng cũng có thể hỏi ngược lại: Liệu anh tiến sĩ đó đã có cống hiến cho xã hội bằng anh thợ bậc ba hay chưa? Tôi đã chứng kiến nhiều cán bộ khoa học bình thường, bằng trí tuệ và tài năng của mình (ngoài lương cứng, không có phong bì) đơn giản chỉ như viết sách, dịch sách, lập trình đơn giản, thiết kế, tư vấn, đào tạo (không cần vốn) hay chế tạo mẫu (cần vốn)…thì thu nhập của anh chắc chắn đã hơn nhiều lần anh thợ bậc ba. Đó là chưa kể đến việc ở các viện, trường của chúng ta còn có các tiến sĩ “giấy” nữa. Theo tôi, cần phải tăng lương hoặc thu nhập chính đáng lên và phải đầu tư tương xứng, nhưng trước khi làm điều này phải cải tạo lại bộ máy và đội ngũ khoa học. Cách trả lương theo kiểu đến hẹn lại lên như hiện nay chẳng khác nào chúng ta đang chia đều sự nghèo khổ và yếu kém. Con người cũng phải được chọn lọc để đãi ngộ chứ không phải là đãi ngộ tràn lan. Đãi ngộ theo sự đóng góp chứ không phải đãi ngộ theo bằng cấp, địa vị. Không để sự lộn xộn, nhập nhằng giữa người làm và không làm khoa học, chấm dứt tình trạng xin – cho trong việc cấp kinh phí, tạo cơ chế tự chủ cho nhà khoa học sáng tạo. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc nhà nước quan tâm nâng cao đời sống cho người làm khoa học.
- Theo ông, nên cải cách chế độ chi trả lương cho người làm khoa học theo hướng nào?
Đây là một thí dụ có thực: Lãnh đạo một Viện có đến 2700 cán bộ khoa học đã tâm sự rằng, thực ra để làm được bằng hoặc nhiều hơn nhiệm vụ khoa học được giao như hiện có, chỉ cần 500 đến 700 cán bộ khoa học thực sự là đủ. Nếu có sự quy hoạch lại cán bộ trong biên chế, để hơn 2000 người còn lại (không còn thích hợp cho sáng tạo khoa học) đem kinh nghiệm và kiến thức sẵn có đi làm việc khác trực tiếp ra tiền ra của, thì chắc chắn quỹ lương trên đầu người cho khoa học sẽ tăng hơn rất nhiều mà không cần phải xin nhà nước, còn khoa học thì phát triển tốt hơn. Theo quan điểm của tôi, nên sàng lọc lại tổ chức và cán bộ khoa học để chọn ra những người làm khoa học thực sự để giao việc và đãi ngộ xứng đáng, chứ không nên lấy thêm tiền thuế đóng góp của dân để chi trả tiền lương đồng đều. Việc luân chuyển cán bộ khoa học với kinh tế, xã hội là một việc bình thường nên làm. Lâu nay cơ chế bao cấp đã ăn sâu quá vào đời sống của chúng ta và làm ta trở nên xơ cứng. Các cán bộ khoa học cũng là người lao động bình thường và đãi ngộ cũng phải công bằng theo đóng góp. Tuy nhiên, lao động khoa học là một dạng sáng tạo cao cấp, đặc biệt, cho nên nếu có ai đó không làm được hoặc có lúc không làm tốt nữa thì thay đổi việc làm là bình thường, nhà nước nên tạo điều kiện ủng hộ để họ có thu nhập cao hơn ở môi trường làm việc mới.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Khoa học và Đời sống,số 88 (1806), ngày 4/11/2005.