Chữa bệnh bằng nhiều hình thức kết hợp trong Đông y
Họ và tên: Lê Thị Trâm; tuổi 28, quê quán: Nghi Lộc, Nghệ An.
Lịch sử và diễn biến của bệnh: Khi mới sinh ra khuôn mặt cháu bình thường như bao đứa trẻ khác. Năm lên 8 tuổi người nhà phát hiện 2 bên má của cháu hơi lệch nhau: Bên phải to hơn bên trái, miệng hơi lệch nhẹ. Mẹ cháu đưa đi điều trị bằng châm cứu nhưng vì quá sợ đau nên cháu không chịu chữa. Cháu vẫn khỏe mạnh và học hành bình thường.
Đến năm 19 tuổi (học đại học năm thứ 2) xuất hiện triệu chứng tuyến nước bọt tiết rất nhiều gây khó chịu và ảnh hưởng tới nói năng giao tiếp với mọi người. Bệnh nhân cảm nhận nước bọt tiết nhiều về phía bên trái. Hiện tượng đó ngày càng nặng thêm dẫn đến tự ti ít nói ít tiếp xúc với mọi người.
Năm 20 tuổi (học Đại học Thái Nguyên năm thứ 3) tình hình bệnh càng ngày càng trầm trọng kể cả về bệnh lý và tâm lý. Cháu đã đi khám ở bệnh viện Thái Nguyên được chẩn đoán là viêm khớp thái dương hàm do tuyến nhờn ở 2 xương hàm bị khô gây ra tiếng kêu khi miệng cử động. Bác sỹ kê đơn cho thuốc về nhà uống sau 2 tuần uống thuốc bệnh vẫn không đỡ mà cơ thể lại bị phù lên. Sau đó cháu đi khám ở Viện Răng hàm mặt (Hà Nội) được giải thích là 2 xương hàm của cháu phát triển không đều nhau, bên phải phát triển mạnh hơn bên trái và kê đơn thuốc cho. Uống để giảm tiết nước bọt. Bệnh không đỡ cháu lại đến bệnh viện 108 (Quân đội) một bác sỹ chủ nhiệm khoa khám và chẩn đoán “Liệt mặt ngoại biên” và được giải thích là bệnh này không chữa được mà chỉ có thể giữ được mức độ thẩm mỹ cho khuôn mặt bằng cách giải phẫu để miệng cho cân chứ không bình phục hoàn toàn còn không nói gì đến việc tiết nước bọt. Cháu cảm thấy buồn chán thất vọng và mệt mỏi đi về quê. Gia đình đem đến bệnh viện tâm thần (Nghi Lộc) cũng được chẩn đoán là liệt dây thần kinh ngoại biên nhẹ, cho uống thuốc giảm tiết nước bọt uống một thời gian thấy miệng khô, khó chịu, người rất mệt mỏi, bệnh nhân lại đến Bệnh viện Ba Lan khám. Ở đây cho chụp phim đầu mặt phát hiện bệnh nhân thiếu một răng số 8. Cuối cùng cũng không giải thích được gì và cũng không có phương pháp gì để chữa cái bệnh mà cháu rất quan tâm đó là tăng tiết nước bọt. Tình trạng sức khỏe ngày càng suy sụp, nên đã tìm đến thầy thuốc Đông y để chữa.
Ngày 18/3/2007 bệnh nhân đến phòng khám của Bs. Hoành.
Tình trạng lúc vào: Toàn thân mệt mỏi, bơ phờ, hồi hộp, da xanh sạm, người gày, ăn ít, vẻ mặt lo lắng…
Khám: góc hàm bên phải to hơn bên trái, miệng có nhiều nước bọt ứa ra mép mùi hôi khó chịu (bệnh nhân luôn giữ một chiếc khăn mùi xoa trong tay). Môi lưỡi nhợt, rêu trắng, mạch trầm tế.
Chẩn đoán: hư lao thể Tầm Tỳ hư - rệu nước miếng.
Phép trị: ích khí, kiện Tỳ, định Tâm, giảm tiết.
Phương pháp điều trị: Dùng tổng hợp cả thuốc sắc châm cứu và bấm huyệt.
Châm cứu: Theo công thức huyệt châm cứu chữa rệu nước miếng của tác giả Lê Quý Ngưu là chính.
Bấm huyệt: Theo phương pháp bấm huyệt thập thủ đạo của bà Huỳnh Thị Lịch.
Thuốc uống 2 ngày 1 thang. Châm cứu, bấm huyệt ngày 1 lần. Sau 2 ngày đầu điều trị bệnh nhân thấy có chuyển biến tốt, nước miếng ít rệu hơn. Đặc biệt bớt căng thẳng, ngủ ngon giấc, ít hồi hộp. Sau khi châm cứu, bấm huyệt và uống thuốc hết 6 thang thuốc bệnh gảim khoảng trên 60%. Sau 3 tuần bệnh nhân lên được 2kg, trông khuôn mặt đầy đặn nên khó phát hiện bên má nào to hơn, đặc biệt miệng gần như bình thường chỉ khi nào nói chuyện nhiều nước miếng mới tiết nhiều hơn một chút. Do điều kiện ôn thi nên bệnh nhân xin nghỉ châm cứu, bấm huyệt và lấy thuốc về củng cố tiếp.
Thêm lời kết của bệnh án: Đây là một căn bệnh chưa gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Nhưng nó cũng gây rất nhiều phiền toái. Nhất là bệnh nhân lại là một nữ sinh viên. Tuy nhiên bệnh cũng đa dạng và phức tạp. Quá trình điều trị qua nhiều cơ sở (7 nơi) trong đó có cả tuyến tỉnh, trung ương, chuyên khoa, do bệnh nhân nôn nóng, lo lắng nên không lưu lại được một nơi nào lâu để theo dõi và chẩn đoán cho thỏa đáng. Bệnh nhân càng lo lắng bệnh càng nặng thêm đưa đến suy sụp về thể lực và tinh thần có lúc bi quan, tiêu cực.
Cuối cùng bệnh nhân đến điều trị bằng Đông y là thích hợp. Ngay từ đầu đã sử dụng cho bệnh nhân nhiều biện pháp tổng hợp (thuốc - châm cứu - bấm huyệt - động viên) nhằm giải tỏa tâm lý và giải quyết từ gốc (Tỳ - Tâm) khi bệnh nhân có chiều hướng chuyển biến thì bệnh tiến triển rất nhanh. Bệnh nhân hết lo lắng, vui vẻ, tin tưởng càng làm cho kết quả điều trị ngày càng tiến bộ. Để bệnh nhân yên tâm thầy thuốc đã giải thích cho bệnh nhân: Đông y hoàn toàn có khả năng để chữa bệnh cho cháu (tăng tiết nước bọt - rệu nước miếng) còn góc hàm hơi to một chút có thể là do dị dạng bẩm sinh không ảnh hưởng gì đến sức khỏe cả. Tôi động viên: cháu mập như hiện nay thì không một chàng nào phát hiện được bên má này to hay nhỏ. Cho nên cháu phải giữ gìn sức khỏe. Bệnh nhân cười rất tươi. Mãn nguyện và cảm ơn.