Chủ tịch Nước phát biểu tại Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ
Ngày 21/5, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ tôn vinh trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu năm 2022.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ
Vusta.vn trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Thưa các nhà khoa học, các trí thức tiêu biểu,
Thưa các đồng chí và các bạn!
Hôm nay trong niềm vui và khí thế của những ngày tháng 5 lịch sử, tôi rất vui mừng thay mặt Đảng và Nhà nước tới dự Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2022 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Đây là một hoạt động có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc. Không chỉ thể hiện sự quan tâm, coi trọng, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với trí thức, sự kiện còn góp phần ghi nhận các cá nhân có nhiều đóng góp tiêu biểu, xuất sắc. Từ đó động viên, khuyến khích sự nỗ lực và vươn lên của cộng đồng trí thức khoa học công nghệ cả nước - một trong những lực lượng trụ cột của cách mạng và tầm nhìn Việt Nam 2045.
Thưa toàn thể các đồng chí,
Có một điều mà ai trong chúng ta đều nhớ và cần tiếp tục truyền lại mạnh mẽ cho thế hệ mai sau. Đó là, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn quý trọng hiền tài và đội ngũ trí thức, coi hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu. Ngay từ khi mới giành lại được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu cũng đã nói: "Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài."
Học tập tư tưởng của Bác Hồ trong việc trọng dụng người tài đức, trong bối cảnh toàn cầu hóa và xu thế phát triển của khoa học và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quan điểm nhất quán của Đảng ta về phát triển đất nước là "phải bằng và dựa vào khoa học và công nghệ," "phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước."
Rõ ràng, nhiệm vụ trao cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà là hết sức to lớn và ngày càng nặng nề. Trong đó, "…phát hiện, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu trong hoạt động sáng tạo khoa học và công nghệ" cũng được xác định là một nhiệm vụ quan trọng đối với Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Nhiệm vụ này cũng cần được làm tốt hơn để thực hiện tốt những chiến lược quan trọng của quốc gia hướng đến tầm nhìn Việt Nam năm 2045.
Thưa các đồng chí,
Hoạt động tôn vinh trí thức khoa học-công nghệ tiêu biểu là một hình thức thi đua yêu nước, có ý nghĩa nhân văn rất lớn, thể hiện sự quan tâm, coi trọng, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với trí thức, đồng thời cũng là để khích lệ và ghi nhận các cá nhân có nhiều đóng góp tiêu biểu, xuất sắc trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và của Liên hiệp Hội nói riêng.
Việc tổ chức xét chọn, tôn vinh trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu của Liên hiệp Hội Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn đối với đội ngũ trí thức khoa học-công nghệ của cả nước. Danh hiệu Trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu không chỉ mang đến niềm tự hào đối với chính bản thân người được tôn vinh và gia đình mà còn trở thành niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao đối với Liên hiệp Hội và các hội thành viên để tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ nước nhà, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, củng cố vững chắc nền tảng liên minh công nhân-nông dân-trí thức, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng ta luôn nhất quán xác định khoa học-công nghệ là quốc sách. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một đột phá chiến lược của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu hiện nay. Đội ngũ các nhà trí thức khoa học công nghệ Việt Nam chính là hạt nhân của tiến trình này.
Từ khi ra đời vào ngày 29 tháng 7 năm 1983 đến nay, Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học-công nghệ Việt Nam trong nước và nước ngoài, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học-công nghệ quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội, ổn định tình hình tư tưởng chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh. Nhiều nhà khoa học đã được Đảng và Nhà nước vinh danh là Anh hùng lao động như Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Lương Định Của, Giáo sư Bùi Huy Đáp, Giáo sư-Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng, Nhà nghiên cứu Trương Hoàng Chương và nhiều nhà khoa học khác đã được tặng thưởng nhiều Huân, huy chương cao quý.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tập hợp được trên 3,7 triệu hội viên, trong đó có 2,2 triệu trí thức khoa học-công nghệ chiếm 32,5% đội ngũ trí thức của cả nước, hoạt động tại 154 hội thành viên, trong đó có 91 Hội ngành toàn quốc, 63 Liên hiệp Hội tỉnh, thành phố, gần 600 tổ chức khoa học-công nghệ trực thuộc.
Đội ngũ hội viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng đội ngũ trí thức khoa học-công nghệ trong cả nước đã góp phần quan trọng tạo nên năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia. Năm 2021, Việt Nam duy trì vị trí top 45 quốc gia đổi mới sáng tạo dẫn đầu toàn cầu, là quốc gia có vị trí dẫn đầu về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong số các nền kinh tế thu nhập trung bình thấp được xếp hạng. Đặc biệt năm nay, với cách làm khách quan, khoa học, công khai, minh bạch, Liên hiệp Hội đã chọn được 106 trí thức khoa học tiêu biểu năm 2022. Trong đó có nhiều nhà khoa học lớn tuổi có nhiều cống hiến lớn lao, nhiều nhà khoa học trẻ, đại biểu nữ đã có nhiều đóng góp cho Tổ quốc.
Thưa các đồng chí!
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng tự nhìn thẳng, đề cập thẳng thắn trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII rằng "Năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp. Công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả còn hạn chế; Mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp, vẫn còn phụ thuộc vào bên ngoài."
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay đã mở ra cơ hội để nước ta rút ngắn khoảng cách, tăng tốc phát triển.Vị thế và yêu cầu của đất nước đang đòi hỏi đội ngũ trí thức khoa học-công nghệ nước nhà hãy miệt mài hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa cho cuộc sống từ các công trình nghiên cứu, phát minh, sáng chế của mình. Với vai trò là tổ chức đại diện cho trí thức khoa học-công nghệ, là bộ phận cấu thành quan trọng trong hệ thống chính trị ở nước ta, Liên hiệp Hội Việt Nam và các tổ chức thành viên cần làm tốt hơn nữa vai trò tham vấn chính sách khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ chế chính sách về tài chính, điều kiện làm việc, đãi ngộ… cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ; kết nối tốt hơn các nhà khoa học,xây dựng khối đại đoàn để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Nhân nhịp này, tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, các bộ ngành quan tâm cụ thể hơn đến nhà khoa học và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật để các đồng chí có nhiều đóng góp cho sự phát triển của các địa phương và của đất nước. "Nhiệt huyết thiếu đi tri thức là lửa thiếu đi ánh sáng." Giấc mơ Việt Nam thịnh vượng chỉ có thể được soi đường bằng ánh sáng của tri thức. Tôi mong rằng thành công của các nhà khoa học được vinh danh hôm nay sẽ tiếp tục truyền cảm hứng, tạo ra động lực lan tỏa thúc đẩy đội ngũ trí thức khoa học-công nghệ Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển của nước nhà.
Cảm ơn các đồng chí, quý vị đại biểu và các bạn./.