Chính sách tôn giáo thời Đinh, Lê
1. Chính sách tôn giáo thời Đinh, Lê nhằm phát triển tam giáo
Tam giáo mà chúng tôi đề cập đến trong bài này là Nho, Phật, Đạo. Trong ba tôn giáo đó thì có hai tôn giáo là sản phẩm văn hóa tinh thần của người Trung Quốc, đó là Nho giáo và Đạo giáo. Riêng Phật giáo mặc dù được ra đời từ Ấn Độ, nhưng khi tồn tại và phát triển ở Việt Nam thì người Việt lại chịu ảnh hưởng rất nặng của Phật giáo Trung Quốc. Sở dĩ có hiện tượng trên, theo chúng tôi, vì các cụ nhà ta khi tiếp nhận văn hóa Phật giáo đã bị khúc xạ bởi ánh sáng của Nho giáo và bị chi phối bởi tư tưởng của Đạo giáo. Người Việt xưa kia quan niệm rằng, những nguyên lý cơ bản của tư tưởng triết học, tư tưởng đạo đức của Nho, Phật, Đạo là giống nhau, chỉ có cách diễn đạt là khác thôi. Chẳng hạn, các cụ quan niệm rằng: Nho giáo có tam cương ngũ thường, úy thiên mệnh (sợ mệnh trời), trung thứ… Đạo giáo có tam nguyên, ngũ khí, tu âm, luyện tính; Phật giáo có tam qui ngũ giới, minh tâm kiến tính. Với Nho gia, quả dục là chính nhân quân tử; với Đạo gia, vận khí là trường sinh bất lão; với Phật gia, vô tâm là bất sinh bất diệt… Về phương diện xã hội, Nho giáo lấy kinh bang tế thế để tề gia trị quốc, bình thiên hạ; Đạo giáo lấy việc luyện thân thể để trường sinh bất lão; Phật giáo lấy minh tâm để viên quang phổ chiếu, tịch diệt làm vui… Như vậy, cả ba tôn giáo đều có mục đích chung là góp phần hoàn thiện cái tâm con người, từ đó góp phần ổn định xã hội. Có lẽ vì nhận thức được điều đó mà các vị hoàng đế triều Đinh, Lê có chính sách phát triển tam giáo.
1.1. Chính sách phát triển tam giáo của nhà Đinh và nhà Lê thể hiện trên lĩnh vực đào tạo
Trước hết là trên lĩnh vực đào tạo của Nho giáo.Các nguồn thư tịch cổ đều cho chúng ta biết rằng, từ đầu công nguyên, khi Sĩ Nhiệp làm thái thú Giao châu, ngài đã chú ý đến việc “dựng học hiệu, dạy lễ nghĩa” (“Hậu hán thư”) cho người Giao châu theo mô hình giáo dục Hán học. Như thế có nghĩa là Nho học đã có mặt ở Việt Nam từ đó. Nhưng rất tiếc, cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa tìm thấy tài liệu nào nói về tình hình giáo dục Nho học từ đó (thế kỷ II) đến trước thời Lý (thế kỷ X) ở Việt Nam . Các thư tịch ghi chép về tình hình thi cử ở Việt Nam chỉ chép từ thời Lý. Nhưng như thế không có nghĩa là thời Đinh, Lê ở Việt nam không có người học Nho. Sách “Thiền uyển tập anh”, một thư tịch quý giá xuất hiện vào thời Trần (1337), khi ghi chép về các vị thiền sư sống vào thời Đinh, Lê đều ghi thuở nhỏ các ngài học nho (Ngô Chân Lưu, Đàm Cứu Chỉ, Thiền Ông, Vạn Hạnh…). Vậy ai dạy Nho học cho các ngài? Sử sách của ta không ghi chép về tình hình trường sở Nho giáo thời đó, nhưng chắc chắn rằng, người dạy Hán học cho các vị tăng sĩ này là các tăng sĩ người Hoa. Bởi vì các vị tăng sĩ người Việt, mặc dù thuở nhỏ có học Nho, nhưng không theo đuổi nghiệp Nho đã dạy, mà đến khi trưởng thành đều phá ngang sang học Phật. Kết quả ấy không có gì khác hơn là nó phản ánh sự ảnh hưởng, thậm chí là sự định hướng của các ông thầy trực tiếp.
Một khía cạnh nữa cùng cần lưu ý là, cái gọi là Nho học mà các vị thiền sư Việt Nam được tiếp thu từ các vị tăng sĩ nước ngoài chắc chắn không còn hoàn toàn là Nho nguyên gốc mà nó đã bị khúc xạ bởi cái nhìn Phật giáo rồi, bởi vậy, khi họ không tiếp tục theo Nho mà đi sâu vào học phật, họ không gặp khó khăn gì, ngược lại còn rất dễ dàng. Nhưng mặc dù như vậy, cũng phải nói thêm rằng các vị tăng sĩ thời ấy cũng cập nhật kiến thức đương thời rất nhanh nhạy.
Hai là, về mặt đào tạo Phật giáo. Truyền thống truyền đăng của Phật giáo từ xưa không đặt ra nhu cầu thành lập trường sở như Nho học, mà trò tìm đến thầy là học theo cách trực chỉ, rồi từ đó hình thành sơn môn, hệ phái. Cũng như cách dạy của Khổng Tử, các vị cao tăng, tùy căn cơ của trò mà dạy cái gì, cách truyền thụ như thế nào và truyền thụ đến đâu. Cách dạy này kích thích khả năng chủ động và ý chí vươn lên của trò, và do đó bó có tác dụng phân loại trình độ học trò rất hiệu quả.
Với phương pháp đào tạo học trò theo sơn môn, pháp phái, mỗi sơn môn thời Đinh, Lê (và cả sau này nữa) là một trường học. Với cách học: trò hỏi gì, thầy trả lời theo trình độ và căn cơ của trò, nếu không hỏi thì thôi, học trò thực sự phải có nhu cầu tự học, tự nghiên cứu rất cao, và như vậy vai trò của thầy chỉ có ý nghĩa gợi mở, hướng dẫn. Thời đó, có lẽ các tăng sinh không học nhiều môn như bây giờ, mà mỗi người theo căn cơ của mình, tự chọn cho mình đi sâu vào một trong ba môn học: kinh, luật hay luận. Trong mỗi môn học lại chọn lấy một bộ kinh, bộ luật hay bộ luận nào đó để rồi sẽ theo đuổi suốt đời. Chính nhờ cách đào tạo đó mà thời xưa có nhiều chuyên gia chỉ chuyên về một bộ kinh, bộ luật hay bộ luận nào đó đã nổi tiếng muôn đời.
Những tăng sĩ thuở đó đâu chỉ có học Nho, học Phật mà họ còn học cả những kiến thức của Đạo giáo (cũng như Nho gia đâu chỉ có học Tứ thư, Ngũ kinh mà còn phải học bách gia chư tử, thiên văn lịch pháp…nữa).
Việc học Đạo giáo của các tăng sĩ thời Đinh, Lê là học cái gì? Theo chúng tôi, kiến thức Đạo giáo ở các tăng sĩ thời Đinh, Lê không nhiều lắm. Bởi vì, nếu ngày nay làm tăng sĩ kiêm cả pháp sư thì thời Đinh, Lê, pháp sư, đạo sĩ có việc của pháp sư, đạo sĩ, tăng sĩ có việc riêng của tăng sĩ. Cái làm tăng thêm uy tín của các cao tăng thời đó là kiến thức về xã hội, quan điểm giải quyết các vấn đề xã hội và một số thủ pháp nghề nghiệp có yếu tố Mật giáo ở họ.
Ba là, về mặt đào tạo của Đạo giáo. Chúng ta biết rằng Đạo giáo là sản phẩm văn hóa tinh thần Trung Quốc. Có nhà nghiên cứu cho rằng nó được truyền sang Việt Nam từ thời Thục Phán An Dương Vương. Thế mạnh hơn hẳn của Đạo giáo (nhất là Đạo giáo phù thủy) so với Nho giáo và Phật Giáo là nó rất gần gũi với tín ngưỡng dân gian, do đó nó có tính phổ biến cao, phổ cập nhanh. Đạo giáo thời Đinh, Lê được lưu truyền trong dân gian chủ yếu là Đạo giáo phù thủy, còn Đạo giáo thần tiên chắc chắn chỉ có ở người theo.
Thời đó tại sao người ta phải học Đạo giáo? Cũng khó trả lời cho thật rõ ràng, nhưng chắc chắn đó là do xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Mỗi thời, con người có tính thực dụng riêng của mình. Nếu thời Lý “nửa nước làm sư” (câu nói của Lê Quát) và thời Hậu Lê tuổi trẻ chỉ duy nhất một con đường tiến thân là đi học, thi đỗ làm quan… thì thời Đinh, Lê khi nhà vua không tỏ ra ưu ái đặc biệt với hệ tư tưởng nào thì muốn mở mặt mở mày với đời chỉ còn cách học tất cả những gì mà xã hội cần, trong đó có Đạo giáo.
Những ai là người học Đạo giáo? Có ba loại đối tượng chính. Một là các vị công vương, quí tộc. Họ chủ yếu học Đạo giáo thần tiên để cầu trường sinh bất lão. Hai là những người muốn hành nghề đạo sĩ chuyên nghiệp. Họ học Đạo giáo để mong được tiến thân. Cái mà họ học bao gồm cả Đạo giáo thần tiên và Đạo giáo phù thủy. Ba là các vị tăng sĩ. Họ học Đạo giáo chỉ như là sự tham khảo, mở rộng kiến văn và đôi khi giúp cho việc hành đạo được dễ dàng.
Vậy ai là sự phụ của các đối tượng môn đồ này. Cho đến nay chưa có tài liệu nào đề cập đến, nhưng xét về thế lực đối với xã hội, mục đích và nhu cầu học tập của các đối tượng học trò, rất có thể các vị công vương, quí tộc và các vị muốn học để trở thành đạo sĩ sẽ chọn các ông thầy là các vị đạo sư danh tiếng người Trung Quốc, còn các vị tăng sĩ sẽ chọn chính vị nghiệp sư của mình mà thụ giáo.
Một câu hỏi sẽ được đặt ra là Nhà nước thời Đinh, Lê có chính sách quản lý các cơ sở đào tạo của ba tôn giáo này không và quản lý như thế nào? Xin thưa rằng, cho đến nay chưa thấy sử sách nào nói đến việc hai vương triều Đinh, Lê có chính sách quản lý các cơ sở đào tạo của Nho, Phật, Đạo. Nhưng tìm hiểu cách sử dụng thế mạnh của cả ba tôn giáo đương thời của vương triều Đinh, Lê, chúng ta thấy rằng triều đình không có chính sách quản lý gì cả mà chỉ sử dụng mặt tích cực của kết quả đào tạo, cụ thể là sử dụng thật đắc dụng tài năng, kiến thức các vị tăng sĩ, các vị đạo sĩ vào việc xây dựng và củng cố vương triều của mình. Như vậy, nói là không quản lý mà lại là quản lý, và là sự quản lý rất hiệu quả.
1.2. Chính sách tôn giáo thời Đinh, Lê thể hiện trên lĩnh vực phong phẩm cho các tăng sĩ và đạo sĩ: Tìm hiểu các thư tịch cổ chúng ta thấy trước thời Đinh, Lê và cho đến ngày nay, chưa thấy có triều đại nào-trừ hai triều đại trên-phong phẩm cao quí cho tăng sĩ như vương triều Đinh: Khuông Việt đại sư. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép như sau: “Năm Tân Mùi (971), định ra giai phẩm cho các quan văn võ và tăng đạo (…); cho Tăng thống Ngô Chân Lưu hiệu là Khuông Việt đại sư, cho Trương Ma Ly làm Tang lục đạo sĩ, Đặng Huyền Quang làm Sùng chân uy nghi” (sđd, tr. 155).
Chúng ta đều biết, “Khuông” nghĩa là khuông phò. Khuông Việt đại sư là vị đại sư khuông phò nước Việt. Theo nghiên cứu của GS. Lê Mạnh Thát thì cũng năm đó, Ngô Chân lưu được phong làm Tăng thống. Ông cho rằng: “Tăng thống là một chức quan do triều đình thiết lập trong liên hệ với tổ chức Phật giáo, mà thời Đinh Tiên Hoàng thì đến năm 971 mới thiết lập những phẩm trật không những cho các quan văn vũ mà còn cho cả tăng sĩ” (Lê Mạnh Thát, “Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh”, NXB TP. Hồ Chí Minh, năm 1999, tr.334).
Chúng tôi cũng đồng quan điểm với GS. Lê Mạnh Thát. Và như vậy, cũng là vào thời Đinh, chức vị Tăng thống, Tăng lục của Phật giáo và Sùng chân uy nghi của Đạo giáo cùng được thiết lập. Như chúng tôi đã trình bày, sau thời Đinh không còn vương triều nào ban danh hiệu Khuông Việt đại sư cho vị cao tăng nào nữa, nhưng chức vị Tăng thống và Tăng lục đến thời hậu Lê vẫn thấy còn được duy trì, nhưng địa vị thực của các vị này đối với xã hội đã khác nhiều, bởi vì, nếu Tăng thống ở thời Đinh được bàn chính sự cùng hoàng đế và các vị quan trong triều, thì đến thời Lê, chức vị Tăng thống chỉ có ảnh hưởng trong giới tăng sĩ thôi.
Cùng với chính sách phong hàm phẩm cao cấp cho các tăng sĩ, thời Lê Long Đĩnh còn quy định về phẩm phục cho tăng đạo. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho chúng ta biết: “Năm Bính Ngọ (1006), đổi lại quan chế và triều phục cho các quan văn võ và tăng đạo” (sđd,tr.181). Qua đây chúng ta biết rằng, triều đình nhà Đinh và nhà Lê đã xếp tăng đạo là một ngạch quan trong triều đình, ngang hàng với các quan văn võ khác.
1.3. Cùng với chủ trương phong hàm cao cấp cho các cao tăng và đạo sĩ tiêu biểu: Triều đình Đinh, Lê còn có chính sách cở mở đối với các tăng sĩ bằng cách cho phép các tăng sĩ từ khắp nơi đến Đại Việt để hành đạo.
Chẳng hạn như Ma Ha người gốc Chiêm Thành, Sùng Phạm người gốc Trung Quốc đã dành cả cuộc đời đến Việt Nam hành đạo, đồng thời, nhà vua trọng dụng các nhân tài của cả thiền phái Vô Ngôn Thông (Ngô Chân Lưu, Đa Bảo…), của cả thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi (Đõ Pháp Thuận, Ma ha, Thiền Ông…) mà không hề có phân biệt đối xử gì. Điều đặc biệt, thời kỳ này có những người không xuất gia nhưng lại chuyên làm việc phật sự. Đó là trường hợp Bối Đà. Sách “Thiền uyển tập anh” cho chúng ta biết về cha Ma Ha như sau:
“Cha Ma Ha là Bối Đà, am hiểu sách lá bối, giữ chức quan Bối trưởng (cũng gọi là Đà Phan) dưới triều Tiền Lê (…). Năm 24 tuổi nối nghiệp cha, trụ trì Quan Ái (s.đd,tr.182).
Cùng với những chính sách cởi mở trên đây, triều đình nhà Lê còn tổ chức đoàn sứ bộ sang nhà Tống xin kinh “Đại tạng”. Về sự kiện này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép như sau:
“Đinh Mùi, năm thứ 14 (1007), mùa xuân, sai em là Minh Xưởng và Chưởng Thư ký là hoàng Thành Nhã dâng tê ngự trắng cho nhà Tống và xin kinh “Đại tạng” (sđd,tr.183).
Chuyến đi này kéo dài đến mùa xuân năm Kỷ Dậu (1009), đoàn sứ bộ mới về nước.
“Đại tạng” là bộ sách vô cùng đồ sộ, bao gồm tất cả kinh, luật, luận của Phật giáo, có giá trị rất lớn trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Lê Ngọa Triều mặc dù bị người đương thời và người đời sau nguyền rủa vì làm cái việc róc mía trên đầu sư, nhưng riêng việc thỉnh kinh này cũng rất đáng ghi nhận trong chính sách phát triển Phật giáo.
Tóm lại, chính sách tôn giáo của vương triều Đinh và Lê, mặc dù chưa được chính sử ghi chép đầy đủ (hoặc có thể có ghi chép nhưng đã không còn), nhưng qua những cứ liệu trên đây, chúng ta cũng thấy được phần nào sự cởi mở trong quan niệm về tôn giáo của hai vương triều này. Đặc biệt, với sự kiện phong phẩm cho các tăng đạo cùng một loạt với các quan văn võ của triều đình, chúng ta thấy được hoàng đế Đinh Tiên Hoàng đã xếp tăng đạo có vị trí ngang hàng với các quan chức cao cấp của triều đình. Sự kiện này đặt cầu nối cho chính sách sử dụng nhân tài trong giới tăng sĩ và đạo sĩ.
2. Chính sách tôn giáo thời Đinh, Lê thể hiện trên lĩnh vực sử dụng nhân tài trong giới tăng sĩ và đạo sĩ và kết quả của chính sách tôn giáo, xét về phương diện chính trị xã hội đương thời
2.1. Chính sách tôn giáo thời Đinh, Lê thể hiện trên lĩnh vực sử dụng nhân tài trong giới tăng sĩ và đạo sĩ.
Trong điều kiện chưa có tầng lớp quan lại được tuyển chọn từ môi trường đào tạo Hán học mà trình độ học vấn của hoàng đế và các vị đại thần lại rất hạn chế… thì chủ trương sử dụng nhân tài trong giới tăng sĩ và đạo sĩ của triều đại Đinh, Lê là đắc dụng.
Các vị cao tăng khi đó được triều đình vời đến giao nhiệm vụ, trước hết là để tiếp đón sứ giả. Thời Đinh, mối bang giao của nước ta là với nhà Tống (Trung Quốc) và Chiêm Thành. Nhưng mối quan tâm trên hết và trước hết trên mặt trận ngoại giao của nhà Đinh, nhà Lê khi đó là đối phó với nhà Tống. Nhà Tống cũng như các triều đại Nguyên, Minh, Thanh sau này là nước lớn. Đại Việt chỉ là một nước chư hầu nhỏ bé của họ. Bởi vậy, mỗi lần sứ giả của thiên triều sang, họ gây cho vua tôi Đại Việt không ít phiền toái. Để tránh được những điều phiền toái và không làm mất thể diện quốc gia, triều đình phải chọn vị quan tiếp sử giả thật giỏi giang, uyên bác. Vào thời kỳ đó, đáp ứng được đòi hỏi này, chỉ còn cách tìm đến các vị cao tăng. Ngô Chân Lưu, Đỗ Pháp Thuận… đã được dùng vào việc đó và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: năm Đinh Hợi (987) nhà Tống lại sai Lý Giác sang. Khi đến chùa Sách (nay thuộc huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương), vua sai pháp sư là Thuận giả làm giang lệnh ra đón. Giác tính thích nói chuyện văn thơ. Lúc ấy nhân có hai con ngỗng lội trên nước, Giác ngâm đùa rằng:
Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha.
(Song song một đôi ngỗng
Ngửa mặt nhìn chân trời).
Pháp sư đương cầm chèo, theo vần làm bối đưa cho Giác xem:
Bạch mao phô lục thủy
Hồng trạo bãi thanh ba
(Nước xanh phô lông trắng
Chèo hồng sóng biếc bơi).
Giác lấy làm lạ, khi về đến sứ quán, gửi cho Thuận bài thơ trong đó có câu:
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu
Khê đàm ba tĩnh kiến thiềm thu.
(Ngoài trời lại có trời soi nữa,
Sóng lặng khe đầm bóng nguyệt thâu).
“Thuận đem bài thơ này dâng vua, Vua cho gọi nhà sư Ngô Khuông Việt (tức Ngô Chân Lưu) cho xem. Khuông Việt nói: “Thơ này có ý tôn bệ hạ không khác gì vua Tống” (sđd.tr.172).
Có vị cao tăng thời Đinh, Lê còn được nhà vua hỏi về vận nước dài ngắn thế nào (Đỗ Pháp Thuận), có vị được “vua Lê Đại Hành ba lần thỉnh về triều để hỏi han việc nước” (“Thiền uyển tập anh”, Nxb, Văn học, H., 1990,tr.183).
Mặc dù có nhiều đóng góp vào công cuộc bảo vệ và xây dựng vương triều, bảo vệ đất nước, nhưng sau khi hoàn thành nhiệm vụ và về cuối đời, các vị cao tăng lại lui về chốn thiền môn hành đạo. Sách “Thiền uyển tập anh” viết về thiền sư Đỗ Pháp Thuận như sau:
“Trong buổi đầu, khi nhà Tiền Lê mới sáng nghiệp, sư có công hoạch định chiến lược. Khi thiên hạ thái bình, sư không nhận chức của triều đình phong thưởng” (sđd, tr.180).
Còn Thiền sư Vạn Hạnh thì được vua Lê Đại Hành tham vấn đủ mọi việc. Từ việc chống lại đội quân xâm lược của nhà Tống do Hầu Nhân Bảo cầm đầu cho đến phương sách đánh Chiêm Thành… Thiền sư đều có ý kiến xác đáng, nhưng khi viên tịch, ngài cũng nằm trong vòng tay của các đệ tử trước cửa thiền. Khuông Việt đại sư có công giúp triều đình nhà Đinh rất nhiều, nhưng khi tuổi cao cũng xin cáo quan trở về dựng chùa trên núi quê nhà… Những thực tế trên đây chứng tỏ các tăng sĩ mang trí tuệ công sức ra giúp triều đình là xuất phát từ nghĩa vụ công dân chứ không phải mưu cầu công danh, phú quí, quan cao lộc trọng gì. Đó thật là phẩm chất đáng quí.
2.2. Kết quả của chính sách tôn giáo, xét về phương diện chính trị xã hội đương thời
Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho chúng ta biết rằng, dưới thời Lê Ngọa Triều, chính thể đổ nát, vua độc ác, ngu tối, quan lại kéo bè kết cánh, lòng dân không yên. Thiền sư Vạn Hạnh thấy trước sẽ có sự thay đổi lớn trên chính trường. Với vốn tri thức của Nho, Phật, Đạo, Vạn Hạnh thực hiện kế hoạch gây dư luận trong dân gian về việc ủng hộ Lý Công Uẩn lên ngôi thay thế nhà Lê. Từ việc tung dư luận về chuyện bốn xung quanh mộ Hiển Khánh vương có tiếng ngâm thơ mà nội dung mỗi bài đều hàm chứa nội dung dự báo người phủ Thiên Đức (quê hương Lý Công Uẩn) sẽ lên làm vua, rồi chuyện cây gạo bị sét đánh tạo ra nét chữ mà ghép lại thì là một bài sấm thi “Thụ căn diểu diểu…”. Và cũng chính ông, khi Lê Ngọa Triều vừa băng hà đã yến bảng ở các ngả đường:
Tật lê trầm Bắc thủy
Lý tử thụ Nam thiên
Tứ phương can qua tĩnh
Bát biểu hạ bình an.
(Tật lê chìm biển Bắc,
Cây Lý mọc trời Nam
Bốn phương binh đao lặng
Tám hướng chúc bình an).
(“Thiên triều uyển tập anh”, sđd, tr.190).
Còn với sư Đa Bảo (trụ trì chùa Kiến Sơ, Phù Đổng), cách tạo dư luận chuẩn bị cho việc nhà Lý thay thế nhà Lê cũng tỏ ra phù hợp với thị hiếu đương thời. Ngài nhìn tướng mạo Lý Công Uẩn khi còn nhỏ, phán luôn: “cậu bé này cốt tướng chẳng phải tầm thường. Ngày sau làm vua ắt là người này”. Lúc đó, lý Công Uẩn tỏ ra sợ hãi, Đa Bảo quả quyết luôn: “Mệnh trời đã định như thế, dù muốn trốn tránh cũng không được”.
Sử dụng khối kiến thức vốn có của mình để đưa ra kịch bản cho cuộc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, không có đầu rơi máu chảy… các vị cao tăng thời Lê đã ghi vào lịch sử nước nhà những trang sử thật tươi sáng.
Tóm lại, với chính sách phát triển cả ba tôn giáo Nho, Phật, Đạo; xếp tăng đạo là một ngạch quan trong triều đình và sử dụng tài năng của các tăng sĩ, đạo sĩ một cách hiệu quả, triều đình nhà Đinh và nhà Lê đã là những vương triều đầu tiên ở Việt Nam biết sử dụng sức mạnh trí tuệ của các nhà tu hành vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, tạo tiền đề cho việc chuyển giao quyền lực giữa nhà Lê sang triều Lý một cách hòa bình, êm đẹp. Những chính sách tôn giáo của triều Đinh, Lê là cơ sở rất quan trọng cho việc hình thành chính sách tôn giáo của triều Lý sau này.
Để vinh danh các vị cao tăng đã có nhiều công lao với dân tộc và để các thế hệ trẻ sau này mãi mãi ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân, nhân diễn đàn này, chúng tôi xin được đề xuất: thành phố Ninh Bình của chúng ta cần có những đường phố mang tên các vị thiền sư danh tiếng như Khuông Việt, Đa Bảo, Pháp Thuận, Thiền Ông, Sùng Phạm, Vạn Hạnh… chẳng hạn./.