Chín Lân - “Nhà nông sáng tạo”
TỪ BỊ CHÊ...
Tôi quyết định đến Cồn Tàu xã Tam Hiệp- huyện Bình Đại để tham quan vườn nhãn của nông dân Nguyễn Ngọc Lân. Tôi cùng anh Sáu Lợi, Chủ tịch Hội nông dân xã Tam Hiệp, đi từ đầu cồn đến cuối cồn để đến nhà anh Chín Lân. Xung quanh chúng tôi toàn vườn nhãn, đa số là nhãn xuồng cơm vàng, trái sai oằn. Tôi đem thắc mắc của mình hỏi, anh Sáu Lợi cười rồi chỉ tay vào mấy vườn nhãn hai bên đường trả lời: “Chú sai bét. Trái như vậy mà ít gì. Không khéo mùa mưa có gió đi ngang gãy nhánh chứ bộ chơi sao. Mới hôm qua, vườn nhãn của Chín Lân có luồng gió mạnh đi qua làm gãy nhánh, rụng trái coi như mất mấy triệu bạc”. Con đường chính trong xã để đến các ấp mỗi lúc thu hẹp lại vì đến cuối cồn. Rẽ vào vườn nhãn rộng mênh mông đi phải khom, né tránh những chùm nhãn sai trái trên đầu, tôi đến được nhà anh Chín Lân. Sau một hồi làm quen, anh bắt đầu câu chuyện đem giống nhãn xuồng cơm vàng thay thế vườn nhãn tiêu da bò rồi phất lên vùn vụt nhờ giống nhãn này nghe thật thú vị.
Anh Chín Lân cũng là người chạy theo phong trào trồng nhãn vào thời điểm những năm trái nhãn long có giá. Mới đầu 5 công đất của gia đình từ trồng mía anh chuyển sang trồng nhãn long. Thấy mọi người trồng nhãn tiêu da bò bán mấy chục ngàn đồng một kg anh lại bắt chước bỏ ra gần 5 chỉ vàng đi huyện Chợ Lách mua bo về ghép thay đổi vườn nhãn long. Khi nhãn cho trái, anh chín bán cũng được 17 - 18 ngàn đồng/kg. Năm 1996, một tối xem ti-vi có phát bản tin nói về hội thi trái ngon ở Long Định - Tiền Giang, anh biết được thông tin trái nhãn xuồng cơm vàng của ông Phan Văn Tư ở Bà Rịa - Vũng Tàu được chấm giải nhất. Anh mê nhất khi ông Tư lấy dao xẻ trái nhãn ra làm 2 thấy cơm nhãn rất dày, gỡ ra ráo queo. Hơn 1 tuần sau anh cùng người bạn đi xe đò ra đến tận nhà ông Tư để tham quan vườn nhãn và cốt ý cũng để tìm giống mới đem về trồng thử.
Anh Chín Lân kể: “Ra đó thấy vườn nhãn chừng 150 gốc của ổng tôi mê hết biết. Lúc đó đem theo hơn 1 triệu đồng tôi bóp bụng bỏ ra mua 100 bo nhãn với giá 10.000 đồng/bo đem về”. Bà xã anh thấy chồng mình cầm có mấy khúc nhãn cây (bo nhãn trên các khúc nhãn) được bó gọn lại nói trị giá cả triệu đồng chị lo ngại hỏi: “Trồng có ăn không ông? Sao mà tôi thấy hiu quá”. Anh cũng đâu biết trước đành trả lời đại: “Thành công chứ bà, bộ bà không thấy vườn nhãn tiêu của mình tốt mịch sao!”. Ai dè đâu, 100 bo nhãn anh chín ghép chỉ sống được có 6 bo, song bo nào lên phát triển cũng rất tốt. Thấy làm được, anh lấy bo chạy ghép sang những cây nhãn khác thêm được 25 cây nhãn nữa.
Mấy cây nhãn xuồng cơm vàng ghép đầu tiên sau hơn 1 năm ra trái rất sai. Lần đầu tiên anh Chín Lân hái 7 kg đem qua chợ Mỹ Tho bán chung với nhãn tiêu. Cả 2 vợ chồng anh lại một phen méo mặt vì nhãn tiêu da bò đem qua bán hết liền, còn nhãn xuồng cơm vàng không ai để ý đến. Cũng may là có một bạn hàng gợi ý bán cho bà, để khi khách mua nhãn tiêu da bò bà cho kèm theo. Tới 7 kg nhãn xuồng cơm vàng, trái nào trái nấy thật lớn vậy mà anh chỉ bán được... 7.000 đồng!. Giận quá, số nhãn xuồng cơm vàng còn ở nhà anh không bán nữa, để dành ăn và cho người quen.
THÀNH ĐẶC SẢN
Nhãn xuồng cơm vàng được đóng thùng đưa đi bán với giá cao. |
Anh Chín Lân khẳng định rằng nhãn xuồng cơm vàng cho năng suất trái không thua gì những loại nhãn khác nếu như biết cách chăm sóc phù hợp. Loại nhãn này chăm sóc rất dễ, không cần phân thuốc nhiều, vì bỏ nhiều phân sẽ bị thối trái còn xịt thuốc nhiều trái bị bong. Với kinh nghiệm của mình, anh cho cây ra trái mùa nghịch bằng cách xử lý nước chứ không xiết nhánh vì sẽ ảnh hưởng sức khỏe cây, làm giảm năng suất vụ tiếp theo. Khi tôi hỏi về thị trường của nhãn xuồng cơm vàng, anh Chín Lân nói chắc mẻm: “Cứ yên tâm. Tôi đã đi nhiều nơi thấy nhãn này còn ít người trồng lắm. Hơn nữa số nhãn của tôi tới mùa hái trái chỉ ngồi nhà bán. Thương lái họ tìm đến mua chở đi tiêu thụ ở nước ngoài”.
Nguồn: baocantho.com.vn31/7/2004