Chiếc máy gặt và niềm đam mê sáng chế của một thợ cơ khí
Ông Hải sinh năm 1958, trong một gia đình làm ruộng tại xã Thạch Môn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Say mê nông nghiệp ông đã nộp đơn tham gia làm công nhân Bộ Thủy lợi. Năm 1991 về hưu nhưng đam mê kỹ thuật vẫn thôi thúc ông theo đuổi nghiệp "máy dầu". Ngay sau khi nhận sổ hưu, ông dồn hết toàn số tiền có được mở một xưởng kỹ thuật sữa chữa xe máy ở khối phố 10, phường Bắc Hà. Từ một cơ sở nhỏ, ông đầu tư các thiết bị hiện đại và đến nay xưởng của ông là một trong những xưởng cơ khí lớn có đủ máy móc tiên tiến chuyên sửa chữa và đại tu các chi tiết kỹ thuật cao cho các tiệm sửa xe máy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Tháng 2/2010, tình cờ trong một lần có người nhờ sửa hộ máy gặt do nhà máy Bông Lúa ở Sài Gòn sản xuất bị hỏng, ông đã tìm hiểu và nghiên cứu mọi chi tiết của chiếc máy. Máy gặt được sửa xong nhưng bản tính đam mê kỹ thuật, ông đã nảy sinh ý tưởng phải sản xuất thử một chiếc máy gặt lúa từ phụ tùng, vật liệu cũ của chiếc xe máy mà gia đình đang có.
Đầu năm 2011, ông quyết định sản xuất máy gặt sử dụng động cơ xe máy cũ. Ban ngày ông làm việc cho khách hàng, ban đêm ông tranh thủ gia công sản xuất các bộ phận của máy, trong khoảng 2 tháng ông đã hoàn thành các chi tiết và có có một chiếc máy gặt hoàn chỉnh.
Hào hứng là thế nhưng khi đưa ra thử nghiệm thì máy đã không làm việc được như tính toán, các hạn chế đã bộc lộ như khi động cơ làm việc, một số chi tiết máy không phù hợp hệ thống truyền động. Bên cạnh đó, máy không có hộp số, hộp bánh răng đưa lưỡi gặt không phát huy được tác dụng, gặt không đều, không hết lúa... đã làm cho máy không thể hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả.
Việc sản xuất thất bại, hụt hẫng, vợ con cũng sinh tư tưởng phản đối, sợ ông vất vả, chi phí cho sản xuất máy gặt tốn kém không mang lại lợi nhuận nên gia đình đã can ngăn không cho ông tiếp tục niềm đam mê của mình. Đây là lần thất bại lớn nhất làm ông có phần chững lại bởi trước đó từ khi còn là công nhân đến khi về hưu, ông đã sản xuất, sáng tạo ra nhiều loại máy như tời bê tông, tời máy cưa CD mà chưa lần nào thất bại.
Thế nhưng, niềm đam mê đã thôi thúc ông phải tìm ra cho được nguyên lý, các nguyên nhân và chi tiết hạn chế của máy và quyết tâm sản xuất chiếc máy thứ 2. Với phương châm cái gì dùng được thì để nguyên, chi tiết nào sai thì làm lại, cái gì chưa có phải bổ sung ... sau 2 tháng mày mò cuối cùng chiếc máy "thế hệ 2" cũng đã được ra đời.
Vụ đông xuân năm 2011 là vụ mùa đáng nhớ nhất của “nông dân phố thị” Trương Minh Hải, ông đã cho máy chạy thử trên đồng ruộng xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên. Máy chạy hoàn hảo, không xảy ra lỗi kỹ thuật, từ 4 giờ chiều cho tới 7 giờ tối máy đã gặt được một mẫu ruộng. Mặc dù chạy thử, máy đã cho thấy những ưu điểm vượt trội so với máy Bông Sen trên thị trường về năng suất, hiệu quả và việc sử dụng nhiên liệu. So với máy Bông Sen, máy của ông đã cho năng suất gấp đôi, thời gian gặt rút ngắn từ 10 - 15 phút/sào, và tiêu hao 4 - 5 ngàn đồng tiền xăng. Đây là một kết quả ngoài sự mong đợi mà ông không hề nghĩ tới.
Kể từ đó, ông đã mang máy gặt nhãn hiệu "Hải G" về lại Thạch Môn để gặt giúp anh em xóm làng miễn phí, người dân nơi đây đánh giá cao về chiếc máy và trình độ cơ khí của ông. Khi đã thử nghiệm ổn định, bà con các xã như Thạch Hạ, Thạch Đài, Thạch Bình, Phường Nguyễn Du và ã Thạch Quý đã liên tục “gọi” máy của ông đến gặt. Mặc dù không đưa ra giá nhưng bà con đã tự nguyện trả cho ông 50 ngàn đồng/ sào và từ chỗ thử nghiệm, máy gặt của ông không những vận hành tốt mà còn .. kinh doanh hiệu quả.
Máy gặt tự chế tại triển lãm kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Bắc Trung Bộ năm 2012
Anh Nguyễn Văn Vinh (Thạch Đài, Thạch Hà) hào hứng chia sẻ: "Tôi có 4 sào ruộng ở địa hình trũng nên các máy khác gặt hoạt động rất khó khăn, vậy mà máy của bác Hải chỉ gặt chưa đầy 40 phút, xăng thì chỉ hết vài chục ngàn. Thấy cái máy rất hay, giá cũng hợp lý nên tôi đang có ý định rủ anh em góp tiền cùng mua một chiếc".
Thành công là vậy nhưng không dừng lại ở đó, đầu năm 2012, ông Hải tiếp tục sản xuất chiếc máy “thế hệ 3" với các bộ phận cải tiến nhằm giảm sức lao động của người lái và di chuyển trên đường nhẹ nhàng. Nhận thấy nhiều máy trên thị trường phải ra vào số khi sát chân ruộng, nhiều ruộng địa hình hẹp nên rất bất tiện, ông đã cải tiến bộ ly hợp chuyển hướng giúp máy có thể di chuyển nhịp nhàng, gặt được sát bờ ruộng và trên cả địa hình trũng. Hệ thống đèn cũng được trang bị giúp máy hoạt động được cả ban đêm lẫn ban ngày. Đặc biệt, ông đã chế tạo thêm bộ phận gom lúa hết sức hiệu quả. Sau khi gặt, máy của ông chia lúa thành từng ôm nhỏ dọc theo ruộng, rất dễ cho nông dân thu gom, buộc thành bó. Đây là các ưu việt mà máy bán trên thị trường không có được.
Sáng chế đã thành công phần nào nhưng trong ông lại có niềm trăn trở mới, đó là sau vụ mùa máy lại nằm im, không phát huy được hiệu quả. Từ thực tiễn nếu máy sản xuất chỉ phục vụ gặt lúa thì mỗi năm thời gian cũng chỉ vài chục ngày máy phát huy tác dụng, vậy phải làm sao kết hợp được trên một chiếc máy nhiều công dụng. Từ trăn trở đó ông nảy sinh ý tưởng đầu tư chế tạo thêm bộ phận là mặt phẳng và gieo tự động. Sau khi gieo thử, hạt lúa mầm đã được gieo thẳng hàng nhưng độ đều và độ găm sâu chưa đạt. Đây là ý tưởng mới đang được ông thử nghiệm và cải tiến cho phù hợp, và nếu thành công thì đây sẽ là một chiếc máy hoàn hảo giúp nông dân tiết kiệm được thời gian, công sức mà sản xuất lại hiệu quả.
Trao đổi với chúng tôi ông Hải cho biết, một chiếc máy gặt do ông sản xuất có chi phí từ 20 - 25 triệu đồng, rẻ gấp 3 lần so với một máy bán trên thị trường nhưng lại có ưu điểm vượt trội về công suất, tiêu hao ít năng lượng, các thiết bị có độ bền cao. Đặc biệt, các thiết bị nguyên vật liệu đều có thể tận dụng và tự sản xuất tới 90% chi tiết, và cũng rất dễ tìm như động cơ xe máy cũ (dung tích 90cc), các chi tiết máy nổ đã cũ. Ông cũng cho biết, chi tiết khó nhất hiện nay là lưỡi gặt, hiện ông chưa thể chế tạo được trong khi nó có giá lên tới 4 triệu đồng trên thị trường. Để giảm giá thành cho máy, ông dự định cho người con trai cả vào tận nhà máy Bông Sen (Sài Gòn) học kỹ thuật sản xuất chi tiết này.
Khi chúng tôi gặp để viết bài, ông Hải đang bận rộn kiểm tra lại các chi tiết thuật của máy để tham gia Triển lãm kết nối cung - cầu công nghệ khu vực Bắc Trung Bộ năm 2012 do Bộ KH&CN và UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức. Dù rất tự hào về sản phẩm của mình được lựa chọn nhưng ông cũng bộc bạch mong muốn lớn nhất bây giờ là được tư vấn về kỹ thuật để sản phẩm hoàn thiện hơn về lâu dài có thể sản xuất sản phẩm có quy mô, đồng bộ. Ông Hải cũng cho biết, trước mắt sẽ làm hồ sơ tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Hà Tĩnh lần thứ VII trong năm tới với hy vọng nếu đoạt giải, các cơ quan, đơn vị quan tâm sẽ tạo điều kiện để ông thực hiện ước mơ đưa máy ra thị trường.