Chế tạo máy cày từ... nửa chiếc xe đạp
Nét mặt tươi rói khi được về Thủ đô tham dự buổi lễ tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013”, người đàn ông 57 tuổi ở thôn Ngọc Thạch (xã Đại Hồng, Đại Lộc, Quảng Nam) nhỏ nhẹ: “Cái khó ló cái khôn thôi mà” khi được hỏi về sáng kiến máy cày đa năng của mình.
Anh Đồng thủ thỉ: Quê anh ở vùng đất phù sa nhưng lụt lội, muốn có được đường cày thẳng tắp cũng khó. Nhà anh neo người, không có trâu bò để kéo cày nên việc làm nông rất vất vả, vì thế anh tự chế tạo công cụ cày ruộng.
Sẵn nghề gò hàn trong tay, sau một thời gian nghiên cứu, năm 1983, anh Đồng đã chế thành công máy cày gieo hạt giống không dựa vào sức kéo, được tận dụng từ các bộ phận của xe đạp cũ như tay lái, phuộc, sườn và vành.
Tuy nhiên, sau khi sử dụng ít lâu, anh Đồng nhận thấy chiếc máy này vẫn còn nhiều bất tiện, chẳng hạn máy vẫn có chiếc cuốc cồng kềnh gắn theo, hơn nữa, máy vẫn phải dùng sức rất nhiều, nên hầu như chỉ lao động khỏe mới làm được.
Thế là anh lại tiếp tục nghiên cứu để cải tiến. Chiếc máy cày thế hệ thứ hai ra đời không chỉ gọn nhẹ hơn nhờ “mất” cái cuốc, mà quan trọng nhất là công suất đã tăng gấp đôi.
Hữu xạ tự nhiên hương
Thấy gia đình anh Đồng sử dụng chiếc máy cày tự chế, ban đầu bà con xung quanh tò mò, nhưng rồi họ nhanh chóng nhận thấy chiếc máy đó rất hữu dụng, giảm từ 6 - 7 công lao động/sào đất, giá thành lại rẻ, khoảng 300.000 đồng/chiếc, nên đã đặt anh làm những chiếc máy tương tự.
Hiện nay, chiếc máy cày đa năng được thiết kế từ các bộ phận của xe đạp cũ có công dụng “4 trong 1” (cày rắc hàng, xớt cỏ bệ, vuông hàng, cào rác) đã trở thành một công cụ không thể thiếu đối với nhiều gia đình nông dân trồng lạc, trồng ngô ở vùng đất bồi ven sông Vu Gia, Thu Bồn. Anh Đồng chia sẻ rằng chiếc máy cày đa năng đã khiến "trâu bò vùng này... thất nghiệp", như lời nhận xét dí dỏm của nhiều người dân địa phương.
Anh Đồng cho biết, trung bình mỗi tháng anh bán được 5 - 7 chiếc máy cày tự chế và khi vào vụ thì có thể lên đến 30 chiếc. Bạn hàng của anh ở khắp mọi miền của Tổ quốc, từ vùng núi cao Tây Bắc, đến miền Trung quê hương anh, và vào đến tận Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên do đường sá xa xôi nên việc vận chuyển cũng rất khó khăn, anh lại sáng chế ra việc thu gọn sản phẩm rất “chuyên nghiệp” khi cắt rời một số bộ phận của chiếc cày ra để gửi đến cho khách hàng và kèm theo một bản vẽ chi tiết để khách hàng sau khi nhận hàng có thể thực hiện việc ráp nối những bộ phận rời thành chiếc máy cày đa năng hoàn chỉnh.
Hiện nay, anh Lương Minh Đồng đang tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện để sớm “trình làng” công dụng thứ 5 của chiếc máy cày, đó là thiết kế hộp gieo giống tự động. Anh cho biết, ý tưởng về chức năng này đã được ấp ủ, nghiên cứu từ lâu và trong vụ gieo hạt sắp tới, sẽ đem ra thử nghiệm rồi nâng cấp, cải tiến sản phẩm.
“Chiếc hộp gieo giống được thiết kế theo nguyên lý: Trong lúc cày hàng thì hạt giống tự động rơi phía sau, khoảng cách giữa các hạt giống có thể điều chỉnh. Với chiếc máy này, người nông dân sẽ bỏ hẳn công đoạn “khom lưng bỏ hạt giống” như trước” - Anh Đồng lý giải.
Với những sáng tạo, phát minh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân Lương Minh Đồng đã giành được giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Nam lần thứ IV (năm 2010 - 2011), Bằng Lao động Sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và được trao tặng nhiều Bằng khen.
Được vinh danh là một trong 62 nông dân xuất sắc nhất cả nước năm 2013, anh Đồng xúc động nói: “Đây là động lực để cho tôi phấn đấu nghiên cứu, sáng chế và sản xuất ra nhiều nông cụ hữu dụng hơn nữa cho nông dân cả nước”.