Chế tạo máy bơm nước tiết kiệm từ động cơ xe máy cũ
Sản phẩm của ông đã được trao giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh lần thứ V năm 2013. Đây là phần thưởng xứng đáng để Nguyễn Văn Quang tiếp tục có những sáng tạo mới, góp phần thúc đẩy phong trào lao động, sáng tạo của hội viên nông dân trong tỉnh.
Hiện thực hóa ước mơ
Ý tưởng chế tạo ra một chiếc máy bơm nước của ông bắt nguồn từ khi ông còn rất nhỏ, khi ấy ông cùng gia đình gánh vác việc đồng áng. Là con thứ trong gia đình đông anh em nhưng chưa bao giờ ông ỷ việc cho anh chị. Nghề nông chẳng quản mưa, nắng, nhọc nhằn, song vì vóc người nhỏ nên việc khiến ông ngại nhất là phải đi tát nước. Khi ấy, việc này chủ yếu dựa vào chiếc gầu giai hoặc gầu sòng. Những đôi bàn tay chai sạn phồng rát, tiếng nước ì oạp và tiếng chão tre kẽo kẹt tát nước đến khuya cứu úng, hạn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Uớc mơ lớn nhất của ông khi đó là tạo ra một chiếc máy bơm nước để mọi người đỡ cực nhọc. Tuy vậy, ước mơ ấy ông đành phải gác lại, nhường chỗ cho việc học hành, quân ngũ và gia đình cùng những lo toan chồng chất…
Năm 1988, sau khi xuất ngũ, ông xây dựng gia đình. Khi con trai đầu lòng còn ẵm ngửa vợ chồng ông đã ở riêng. Gia sản chỉ có mấy sào ruộng và căn nhà nhỏ cũ kỹ. Trước khó khăn, ông phải làm nhiều nghề, từ đào đãi vàng, khai thác rừng, cửu vạn tại tỉnh Lạng Sơn, thồ sắn khô vượt mấy chục cây số xuống bán tại làng Vân Hà (Việt Yên), rồi sang tận huyện Quế Võ (Bắc Ninh) mua rau khoai lang về nuôi lợn…
Năm 1997, ông chuyển sang làm nghề xe ôm. Đây chính là ngã rẽ của cuộc đời Nguyễn Văn Quang. Ngày đó, chiếc xe Min-khơ là phương tiện "kiếm sống” của gia đình nên ông giữ gìn rất cẩn thận, chỉ cần hỏng hóc nhỏ là ông lập tức ra cửa hàng xe máy của người em họ trong thôn cùng mày mò sửa chữa. Thấy ông có khiếu nên người em họ đã truyền nghề, sau thời gian ngắn, ông trở thành thợ "cứng”.
Đầu năm 2003, ông vay mượn, dồn tiền mua sắm dụng cụ, máy móc và xây một quán nhỏ, mở cửa hàng sửa chữa xe máy tại nhà. Cách đây 3 năm, ông thu gom hàng trăm chiếc xe máy cũ thanh lý về tháo dỡ để lọc bán sắt vụn và phụ tùng. "Mặc dù đã cũ nhưng động cơ của chúng chỉ cần sửa sang đôi chút vẫn dùng tốt, khi đó, ước mơ chế tạo máy bơm nước trong tôi chợt ùa về. Tôi nghĩ, đây chính là thời điểm tốt nhất để thực hiện ước mơ đó!” - ông Quang kể.
Bắt tay vào chế tạo, ông tiến hành loại bớt những bộ phận không cần thiết của động cơ như phần ly hợp, hộp số để giảm trọng lượng máy. Đồng thời cải tạo, làm mới hệ thống điện, tiện thêm trục quay, khớp nối với hộp sên và cánh quạt guồng hút nước; hàn giá đỡ máy và làm mới nhiều chi tiết khác. Sau thời gian mày mò, chế tạo, tìm kiếm phụ tùng lắp ráp, tháng 2-2012, chiếc máy bơm do ông sáng chế đã thành công. Đây cũng chính là lý do mà ông đặt tên là máy bơm nước 212. Nhìn những tia nước tuôn chảy từ cỗ máy, không chỉ ông mà cả gia đình và bà con hàng xóm đều vui mừng.
Sản phẩm hữu năng – đa dụng
Bên cạnh máy bơm nước 212, hiện trên thị trường và người dân đang sử dụng có 2 dòng chính là máy động cơ nổ và máy động cơ dùng điện. Các loại máy động cơ nổ chủ yếu của nước ngoài sản xuất như: Máy bơm Cole của Mỹ và các dòng máy bơm do Trung Quốc sản xuất (động cơ 4 kỳ, dùng xăng nguyên chất); máy bơm Min-khơ do Liên Xô (cũ) sản xuất (động cơ 2 kỳ, dùng xăng pha dầu nhớt).
Các loại máy trên đều có chung nhược điểm: Cồng kềnh, nặng, khó mang vác, di chuyển trên đồng ruộng. Hơn nữa, các loại máy này thường khởi động bằng dây kéo nên hay bị đứt, hỏng lại tốn nhiên liệu, công suất không cao. Thêm đó, loại máy bơm nước chạy bằng động cơ điện không thông dụng vì trên đồng ruộng thường xa nguồn điện. Ngoài khắc phục những nhược điểm nêu trên, máy bơm 212 được đánh giá là "siêu bền” và dễ sửa chữa vì tính năng, kỹ thuật chế tạo của động cơ xe máy vượt trội so với động cơ bơm nước, phụ tùng thông dụng. Hơn nữa, động cơ xe máy có hệ thống bơm dầu bôi trơn, lại được chế tạo thêm bộ phận làm mát bằng nước nên thời gian làm việc có thể kéo dài, liên tục.
Ông Nguyễn Văn Minh, cùng thôn Cò - một trong nhiều người thường xuyên mang máy bơm nước ngoại nhập đến cửa hàng của ông Quang sửa chữa nói: "Hiện gia đình tôi và hàng chục hộ trong thôn đã chuyển sang dùng máy bơm nước 212. Loại máy này khởi động bằng chân, vừa tiện dụng lại vừa kinh tế”.
Được nhiều người tin dùng nên từ năm 2012 đến nay, gia đình ông đã sản xuất hơn 300 máy bơm (giá bán khoảng 2 triệu đồng/chiếc), thu lãi hàng trăm triệu đồng. Hiện sản phẩm của ông có mặt tại nhiều địa phương trong nước như: Thái Nguyên, Hải Phòng, Lạng Sơn, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng… Có nguồn xe máy cũ dồi dào, ông dự định sẽ mở rộng sản xuất, đưa sản phẩm tới nhiều vùng miền trong cả nước.