Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 20/01/2005 22:45 (GMT+7)

Charles Darwin - Người làm thay đổi các quan điểm của tôn giáo

Người cha đã buộc cậu phải đến Edinburg học trường đại học Y, nhưng khi tới đó, Darwin lao vào sưu tầm các sinh vật biển, gặp gỡ những người khác quan tâm đến sinh vật và gia nhập vào giới nghiên cứulịch sử tự nhiên. Việc học ở trường Y bị sao nhãng, sau đó cậu bỏ hẳn. Người cha rất thất vọng khi Darwin không thể nào trở thành bác sĩ, nhưng dầu sao cậu cũng phải có một nghề gì đó để vào đời, thếlà người cha quyết định cậu sẽ trở thành một cha đạo ở nông thôn. Nhưng muốn làm giáo sĩ thì phải có học, vì vậy cậu phải đi học. Thế là Charles Darwin lại xuống miền Nam, vào học đại học Cambridge.Trong thời gian này cậu chỉ chú tâm vào hai việc: sưu tầm bọ cánh cứng và săn bắn. ở đây, có hai người rất đồng cảm với sự quan tâm của cậu về khoa học và sau này là bạn cậu, đó là nhà thực vật họcJohn Henslow và nhà địa chất Adam Sedgwick. Henslow đã mở rộng tầm nhìn của Darwin, ông dẫn cậu đi theo những đợt khảo sát thực tập, tiếp đón cậu tại nhà và cho cậu đọc các tác phẩm của nhà thám hiểmvà nhà tự nhiên học nổi tiếng của Đức là Alexander von Humboldt.

Mặc dù học hành phất phơ, Darwin vẫn xoay xở để đạt được mảnh bằng tốt nghiệp đại học vào năm 1831. Tháng 8 năm đó Darwin nhận được một lá thư làm thay đổi cả cuộc đời cậu. Henslow và George Peacok, một nhà khoa học ở đại học Cambridge, đã viết thư thông báo cho Darwin là Chính phủ Anh đang tiến hành khảo sát bờ biển Nam Mỹ và một vài hòn đảo ở Thái Bình Dương. Họ được yêu cầu tiến cử một người để làm việc với tư cách là nhà tự nhiên học cho chuyến đi, quan sát, ghi chép và sưu tầm bất cứ thứ gì liên quan đến các vùng đất mà con tàu ghé thăm. Họ đã chuyển lời mời này đến Darwin. Lời mời khiến Darwin hồi hộp, cậu hầu như không tin vào điều đó. Tại sao người ta lại mời cậu - một người vừa tập tễnh bước vào môn khoa học tự nhiên? Thì ra lý do rất đơn giản: thuyền trưởng con tàu khảo sát là một thanh niên không lớn hơn Darwin bao nhiêu, ông ta cũng muốn có bầu bạn cùng trang lứa trong suốt cuộc hành trình.

Quá sung sướng, Darwin ngay lập tức nhận lời nhưng cậu gặp phải cản trở là cha cậu, ông chỉ muốn cậu có một công việc “xứng đáng” theo ý ông. Ông tuyên bố: Nếu con tìm được bất cứ người nào có lương tri khuyên con nên đi thì ba sẽ bằng lòng.

Chán nản, Charles Darwin bỏ đi chơi thăm bà con, bạn bè trong vùng và đến chỗ ông cậu săn gà gô. Cậu ruột ông- Josiah khi nghe cháu kể lại chuyện bị cha cản trở không cho đi khảo sát ở Nam Mỹ thì rất bức xúc, ông cho rằng đây là dịp may tuyệt vời và ngay lập tức kéo Darwin về nhà thuyết phục cha của Darwin. Cha cậu buộc phải chấp nhận vì rõ ràng cậu Josiah là người “có lương tri”.

Hành trình khám phá thế giới tự nhiên

Ngày 27 tháng 12 năm 1831 con tàu Beagle nhổ neo khởi hành tiến vào Đại Tây Dương mang theo Charles Darwin - người mà sau đó đã làm chấn động nhân loại vì học thuyết của mình.
Darwin đến Nam Mỹ sau 63 ngày lênh đênh trên biển. Nơi đây là một thiên đường giành cho chim thú, côn trùng và thảo mộc. Công việc của Darwin là săn lùng các mẫu vật, lột da và nhồi bông để gửi về quê hương nước Anh. ở Achentina, Darwin đã phát hiện ra một nghĩa địa của những con vật khổng lồ, những “quái vật” đã bị tuyệt chủng. Những mẩu xương đầu tiên mà Darwin khai quật xưa kia thuộc về một sinh vật khổng lồ gọi là Megatherium, tiếp đó là một loài thú gặm nhấm Megalonyx, sau đó là con Scelidotherium, v.v. Hết sức phấn khởi, Darwin đã mang những vật khổng lồ sưu tầm được về tàu khiến thuỷ thủ đoàn tức điên lên vì họ cho là ông làm bẩn tàu. Trong khi đó Darwin nghiền ngẫm kho tàng quý báu của mình, ông đặt câu hỏi: Mối quan hệ giữa các vật hoá thạch và các loài tương cận hiện nay là gì? Tại sao các sinh vật khổng lồ này biến mất? Chúng đã biến mất như thế nào?.

Theo Darwin, có những thay đổi nào đó trong những điều kiện sống đã tiêu diệt những loài thú khổng lồ. Nhưng là những thay đổi nào? Vì sao tất cả đều bị huỷ diệt? Những bản sao nhỏ hơn của chúng như con lười, con ta-tu và con Capybana sao còn tồn tại? Những loài thú này có cạnh tranh với các loài thú khổng lồ và ngốn hết thức ăn của chúng hay không?.

Hành trình men theo bờ biển phía Đông càng ngày càng làm Darwin hiểu thêm nhiều điều về sức mạnh của tự nhiên và tác động của nó. Trên dải núi Anđét, ông bắt gặp những lớp vỏ sò hoá thạch còn sót lại trên đỉnh núi. Khi tàu bỏ neo ở bờ biển Chilê, ông chứng kiến núi lửa phun. Không lâu sau đó ở thành phố Conception ông đã chứng kiến hậu quả khủng khiếp của động đất làm thay đổi bề mặt của vùng đất đó… Ông luôn quan sát, ghi chép cẩn thận mọi điều. Ngày 15/9/1835 tàu đến quần đảo Galapagos, đây là một nơi bảo tồn thế giới động vật tự nhiên cực kỳ phong phú. Darwin đã bị mê hoặc bởi các sinh vật trên đảo và khám phá ra nhiều điều lạ như rùa ở các đảo khác nhau có những dấu hiệu khác nhau, chỉ một loài chim Kim Oanh cũng có những kiểu mỏ khác nhau, v.v. Sau cuộc hải trình đến Thái Bình Dương, qua ấn Độ Dương và tiến lên phía bắc vượt Đại Tây Dương, vào tháng 10/1836, sau 5 năm lênh đênh khắp châu Mỹ ông đã về quê hương nước Anh. Ông hết sức ngỡ ngàng và thích thú khi thấy mọi người đều biết đến ông và công việc của ông, thì ra họ đã đọc những bức thư và xem các mẫu vật ông gửi về. Hiệp hội địa chất đã chấp nhận ông làm thành viên và sau đó bổ nhiệm ông làm thư ký Hiệp hội. Tiếp theo là thời gian bận rộn nhất, Darwin phải nghiên cứu tất cả các mẫu vật ông đã sưu tập như quan sát xếp loại, ghi chép các kết quả. Ông đã cho phát hành bộ sách gồm 5 tập mô tả việc nghiên cứu động vật qua chuyến đi khảo sát, ông còn viết một quyển nhật ký hành trình có tên “Nhật ký về những cuộc khảo sát trong cuộc hành trình trên tàu Beagle”.

Năm 1842 Darwin bắt đầu công việc làm ông nổi tiếng trên toàn thế giới sau này. Ông quan sát và làm thí nghiệm không biết mệt mỏi như chọn bồ câu, nghiên cứu việc thụ phấn của những cây nhựa ruồi, lai tạo những loại bắp cải và phân tích các kết quả. Darwin nghiên cứu một lý thuyết để kiểm tra ngược lại các khám phá, để hình dung và kiểm tra lại một lần nữa.

Thuyết tiến hoá gây chấn động thế giới

Năm 1838 tình cờ ông đọc được quyển sách của nhà kinh tế học người Anh nổi tiếng Thomas Malthus có tên: “Tiểu luận về nguyên tắc dân số”. Thomas mô tả tương lai bi thảm của loài người do gia tăng dân số qúa nhanh, cứ 25 năm dân số sẽ tăng gấp đôi. Nguồn dự trữ lương thực không gia tăng nhanh như vậy, do đó con người luôn bị nạn đói đe doạ. Những yếu tố kiểm soát được dân số là những thảm họa như chiến tranh, đói kém và bệnh dịch, nếu một số người còn sống thì số khác phải chết, cuộc sống chính là một cuộc đấu tranh triền miên…

Đọc sách của Malthus, lập tức Darwin liên tưởng đến thế giới động thực vật. Động thực vật gia tăng còn nhanh gấp nhiều lần con người. Tất cả mọi sinh vật đều phải ganh đua nguồn thức ăn, phải đấu tranh với nhau để tồn tại. Những loài tồn tại được là những loài thích ứng tốt nhất với hoàn cảnh, chúng có đặc điểm nhỏ so với đồng loại của chúng. Khi tồn tại chúng sẽ sinh sản con cái và cháu chắt của chúng cũng với hình thức như thế. Ông đã đưa ra ý tưởng các loài trên thế giới không phải được hình thành bởi sự sáng tạo đơn giản, đột ngột của Thượng đế. Thay vào đó chúng đã phát triển, tiến hoá từ những loài có mặt sớm hơn. Sức mạnh làm cho các loài mãi tiến hoá đó là sự chọn lọc tự nhiên. Quá trình bảo tồn các đặc điểm giúp cho một cá thể sinh tồn. Trong mỗi loài những đặc điểm riêng sẽ truyền từ thế hệ những con vật sống sót này đến thế hệ tiếp theo, sau cùng chúng được chia sẻ bởi một số lớn cá thể. Bây giờ tất cả những cá thể này đều là thành phần của một loài mới, khác với loài mà từ đó nó đã phát sinh.

Từ loài mới, một hoặc thậm chí nhiều hơn các loài mới hơn có thể xuất hiện. Đến lượt chúng, chúng cũng có thể đã thay đổi ngày càng nhiều và khác nhau cũng như khác với loài đã sinh ra chúng.

Darwin đã bỏ ra chừng 14 năm để hoàn thiện lý thuyết của ông. Năm 1856 ông bắt tay vào viết quyển sách lớn “Nguồn gốc các loài” - đây là công trình vĩ đại của đời ông. Năm 1859, quyển sách được xuất bản đã gây chấn động dư luận. Quyển sách chỉ gồm 600 trang, nêu những quan điểm dứt khoát về nguồn gốc loài người. Ông viết ở những trang đầu: “Tôi tin chắc rằng động vật bắt nguồn hầu hết từ 4 hoặc 5 ông tổ mà thôi, còn thực vật cũng thế hoặc ít hơn”. Tiếp theo là một gợi ý có tính thăm dò, cho rằng tất cả các loài động thực vật có thể bắt nguồn từ một dạng tổ tiên đơn độc. Từ quan điểm thuần lý thì con người là gì nếu không phải là một loài … động vật.

Cuốn sách của Darwin lúc đầu chỉ được in với số lượng rất khiêm tốn là 1250 bản, nhưng vừa xuất hiện nó đã bán rất chạy và nhà xuất bản phải in thêm rất nhiều. Cuốn sách đã bị giáo hội đả kích kịch liệt bởi theo Darwin viết trong sách thì con người không phải “được tạo nên theo hình ảnh của Thượng đế” như những rao giảng của Kinh thánh, con người không phải là chúa tể của sự sáng tạo, những kẻ vượt trội hơn mọi vật khác trên thế giới mà chỉ là những sinh vật như bất cứ sinh vật nào khác, được tiến hoá từ những sinh vật đầu tiên.

Giới khoa học, ngược lại, chấp nhận chủ thuyết của Darwin, đến năm 1870 có đến ba phần tư các nhà sinh vật học nước Anh theo thuyết tiến hoá, năm 1880, hầu hết họ ủng hộ quan điểm của Darwin. Trên đà thắng lợi, năm 1867 Darwin đã viết sách về nguồn gốc loài người có tên: “Hậu duệ của con người” công bố năm 1871, khẳng định loài người và loài khỉ cụt đuôi đã tiến hoá từ cùng một tổ tiên như nhau: một loài bốn chân.

Cũng như cuốn trước, cuốn sách này đã tạo ra sự náo động trong dư luận và giáo hội gay gắt phản đối. Darwin chẳng hề quan tâm đến điều đó, ông tiếp tục viết tiếp cuốn sách có tên: “Biểu lộ cảm xúc ở người và loài vật” bàn về những cách thức mà loài người và loài vật biểu lộ cảm xúc, Darwin đã công bố những khám phá về sự biểu lộ và cử chỉ chung cho cả hai loài. Chân lý thuộc về ông, Darwin đã được tặng thưởng Huân chương Copley của Hiệp hội Hoàng gia về những công trình nghiên cứu địa chất, động vật học và sinh vật học của ông.

Ngày 19 tháng 4 năm 1882 Charles Darwin mất, hưởng thọ 73 tuổi. Ông đã được Chính phủ Anh tổ chức tang lễ với nghi thức Quốc tang và được chôn tại tu viện Westminster ở London - nơi chỉ dành cho các vĩ nhân.

Duy Anh
(Trích lược từ Anna Sproule, Charles Darwin, NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội 2002)

Xem Thêm

Những bác sĩ phẫu thuật Việt Nam nổi tiếng thế giới
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với văn hóa, ẩm thực mà còn ngày càng chứng minh sự tiến bộ trong lĩnh vực y học và phẫu thuật. Dưới đây là danh sách những bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng của Việt Nam được thế giới ghi nhận.

Tin mới