Chắp cánh cho những công trình khoa học
Anh là Thứ trưởng có uy tín của một Bộ mới - Bộ Tài nguyên và Môi trường. Những công trình khoa học - công nghệ do anh đề xuất ý tưởng ban đầu và chủ trì quá trình nghiên cứu - triển khai trong ngành đo đạc và bản đồ phục vụ công tác điều tra cơ bản đã đạt được những kết quả xuất sắc, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rộng lớn, được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005. Cũng trong năm đó, anh còn có vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.
Thành tựu mở đường
Vốn là một học sinh thông minh và ham học, sau khi vào Trường Đại học Bách khoa, được phân công theo học ngành đo đạc và bản đồ, mặc dù không đúng với nguyện vọng, anh Đặng Hùng Võ vẫn phấn đấu học tập cho tốt, đồng thời học thêm ngành toán (của Đại học Tổng hợp thời đó) để mở mang thêm kiến thức về toán rất cần cho việc nghiên cứu phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ. Ngay từ năm thứ 3 đại học, anh đã đề xuất và thực hiện đề tài tính chuyển toạ độ theo hệ thống đo đạc ở miền Nam (thời kỳ trước giải phóng) sang hệ thống toạ độ quốc gia ở miền Bắc. Đề tài này được thực hiện thành công với sự phối hợp của Phòng bản đồ Bộ tổng tham mưu. Đó là nguồn động viên lớn giúp người sinh viên có nhiều hoài bão yên tâm với nghề được phân công và càng hứng thú đi sâu nghiên cứu phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ. Một thuận lợi lớn đối với anh là sau khi tốt nghiệp được phân công về Trường Đại học Mỏ - Địa chất làm cán bộ giảng dạy, có điều kiện học thêm và nghiên cứu. Một câu hỏi lớn đặt ra lúc này là phải làm gì để góp phần thay đổi hiện trạng còn quá lạc hậu của công nghệ đo đạc và bản đồ ở nước ta. Luôn trăn trở với câu hỏi đó và ra sức học hỏi, đọc thêm tài liệu của nước ngoài, chỉ sau hai năm làn cán bộ giảng dạy, đến năm 1970, thầy giáo trẻ tuổi Đặng Hùng Võ đã xác định được hướng nghiên cứu đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đó là việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ vệ tinh vào lĩnh vực đo đạc bản đồ, mà lúc đó tưởng như quá xa vời nhưng sau này lại chính là “điểm tựa” quan trọng nhất để hiện đại hoá ngành đo đạc và bản đồ, đáp ứng kịp thời yêu cầu sớm hoàn thành công tác điều tra cơ bản toàn bộ lãnh thổ và lãnh hải khi nước nhà thống nhất.
Đến khi có cơ hội đi làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan (năm 1980), thì lúc này Đặng Hùng Võ đã có đủ tự tin để lựa chọn những đề tài nghiên cứu có tính hiện đại, khó về lý luận khoa học, đồng thời có triển vọng ứng dụng ở nước ta và đem lại hiệu quả lớn. Niềm tự hào về đất nước và lòng tin ở chính mình đã giúp anh thực hiện thành công những đề tài như vậy.
Năm 1984, anh đã bảo vệ đạt kết quả xuất sắc luận văn tiến sĩ tại Trường Đại học Bách khoa Vác-sa-va (Ba Lan) về đề tài “Ứng dụng công nghệ trắc địa vệ tinh để xây dựng lưới thiên văn - trắc địa - vệ tinh”. Một năm sau, anh nhận được giải thưởng xuất sắc trong nghiên cứu khoa học của Ba Lan (tính đến lúc đó anh là người nước ngoài duy nhất được trao giải thưởng này).
Được mời ở lại Ba Lan làm cộng tác viên khoa học, ba năm sau, anh tiếp tục bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ khoa học với đề tài “Chỉnh lý phi tuyến các lưới trắc địa lớn” và trở thành một trong những người sáng lập nhóm nghiên cứu trắc địa quốc tế. Đạt được những kết quả nghiên cứu vừa có giá trị khoa học ở tầm cao vừa có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, anh được nhiều nước như Ba Lan, CHLB Đức, Hà Lan... mời ở lại làm cộng tác viên khoa học, hứa hẹn những điều kiện làm việc thuận lợi và có mức thu nhập cao. Nhưng đấy không phải là mục tiêu và ước mơ của nhà khoa học trẻ tuổi này. Đất nước đang trong giai đoạn nhiều khó khăn, còn bộn bề những công việc phải lo toan, rất cần những nhà khoa học có năng lực và giàu tâm huyết tham gia xây dựng đất nước sau bao năm chiến tranh tàn phá. Đấy là tiếng gọi thiêng liêng nhất đối với người trí thức nặng lòng với đất nước.
Sẵn sàng chấp nhận những thử thách mới
Trở về nước lúc này, công cuộc đổi mới chỉ mới bắt đầu, đất nước đang còn bị cấm vận, còn thiếu thốn mọi bề từ vốn đầu tư, trang thiết bị kỹ thuật cho đến đội ngũ cán bộ và công nhân đã quen làm việc theo cách cũ và nếp cũ, còn nhiều do dự đối với công nghệ mới; tổ chức nghiên cứu - triển khai chưa gắn bó hữu cơ với sản xuất kinh doanh... Vấn đề đặt ra lúc này là phải xác định thật trúng “điểm đột phá” để làm xoay chuyển tình hình, đó là việc lựa chọn triển khai công nghệ mới có ý nghĩa “đòn bẩy” của cả quá trình đổi mới công nghệ đi đôi với việc xây dựng mô hình triển khai thích hợp nhằm gắn kết chặt chẽ giữa khoa học và sản xuất, tạo ra động lực nội tại của quá trình phát triển sản xuất và cũng là động lực thiết thân đối với người lao động (kể cả cán bộ kỹ thuật và công nhân).
Sau khi trao đổi thống nhất ý kiến trong lực lượng cán bộ chủ chốt và được lãnh đạo cấp trên phê duyệt, công nghệ được lựa chọn để đột phá là “Công nghệ định vị vệ tinh toàn cầu GPS” và mô hình tổ chức triển khai là “Liên hiệp Khoa học - sản xuất trắc địa bản đồ” do GS.TSKH Đặng Hùng Võ làm Tổng giám đốc. Có thể coi đây là mô hình “doanh nghiệp khoa học” được hình thành sớm ở nước ta (từ năm 1990) và hoạt động có hiệu quả không những ở trong nước, mà còn thực hiện những công trình trắc địa ở nước ngoài do Ngân hàng Phát triển châu Á đầu tư và tổ chức đấu thầu.
Việc triển khai thành công mô hình mới này trong hoạt động khoa học công nghệ thể hiện sự nhảy bén trước xu thế đổi mới cơ chế quản lý, đã đi trước nhiều năm trong việc thực hiện chủ trương “chuyển các tổ chức nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sang hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp dưới các hình thức phù hợp” như văn kiện Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ.
Cơ chế hoạt động của doanh nghiệp khoa học cùng với giải pháp tăng cường hợp tác giữa khu vực nghiên cứu ứng dụng với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đã làm thay đổi tư duy công nghệ ngay từ thực tế sản xuất, giải quyết kịp thời vốn đầu tư và tổ chức lại lực lượng lao động khi áp dụng công nghệ mới.
Kết quả tổng kết đã cho thấy việc áp dụng công nghệ mới GPS thay thế công nghệ cũ rút ngắn được thời gian thi công từ 3 đến 10 lần, giảm giá thành từ 2 đến 3 lần, còn độ chính xác thì tăng tới 10 lần, khoảng cách đo tăng 1500 lần. Hơn thế, công nghệ mới còn cho phép đo trong mọi điều kiện thời tiết; xác định được toạ độ tức thời của các đối tượng chuyển động; không còn phải dựng cột tiêu cao để đo và chặt cây thông hướng giữa các điểm đo như kỹ thuật đo trước đây. Hiệu quả đem lại do việc áp dụng công nghệ mới là rất to lớn. Tính từ năm 1992 đến 2004, thực hiện công nghệ này đã tiết kiệm được 55,7 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để xây dựng các điểm toạ độ quốc gia; còn tiết kiệm vài lần nhiều hơn trong việc xây dựng lưới toạ độ các cấp hạng phục vụ đo vẽ bản đồ địa hình, quản lý đất đai, khảo sát giao thông, phân giới cắm mốc biên giới Việt - Lào, Việt - Trung trên đất liền và trên biển... do các ngành và các địa phương thực hiện.
Thành công của việc ứng dụng công nghệ GPS đã tạo đà cho ngành trắc địa bản đồ tiếp tục đổi mới công nghệ trong các khu vực khác như xử lý số ảnh hàng không - vệ tinh, đo vẽ bản đồ địa hình và địa chính bằng kỹ thuật số, đo đạc lập bản đồ địa hình đáy biển... Tính đến năm 2000, toàn bộ công nghệ của ngành đo đạc và bản đồ đã chuyển từ thế hệ tương tự sang thế hệ số, đưa nước ta vươn lên thuộc nhóm 3 nước (cùng với Singapore và Malaysia) đứng đầu ASEAN về trình độ công nghệ trong lĩnh vực này đã đạt trình độ khá trên thế giới. Như vậy là từ năm 2000, ngành trắc địa bản đồ đã thực hiện được mục tiêu phát triển khoa học công nghệ như văn kiện Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: “Phấn đấu đến năm 2010, năng lực khoa học và công nghệ nước ta đạt trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực trên một số lĩnh vực quan trọng”.
GS. Đặng Hùng Võ cũng là người chủ trì và trực tiếp thực hiện một số phần trong công trình “Xây dựng Hệ Quy chiếu và Hệ Toạ độ quốc gia VN-2000”. Công trình này đã xác định được một hệ khung toạ độ hiện đại của một đất nước thống nhất, đạt trình độ khoa học cao, phù hợp nhất với lãnh thổ nước ta, vừa bảo mật quốc gia vừa được nối chính xác với hệ toạ độ quốc tế và khu vực... Hệ thống điểm toạ độ quốc gia đã được chỉnh lý hỗn hợp vệ tinh - mặt đất đạt độ chính xác rất cao (dẫn toạ độ từ Hà Nội tới TP. Hồ Chí Minh chỉ sai số 2 dm).
Đạt được kết quả đáng tự hào đó, các tác giả của những công trình nói trên - mà người có công đầu là GS.TSKH Đặng Hùng Võ - đã biết chắp “đôi cánh” kỳ diệu cho những công trình nghiên cứu - triển khai của mình: đó là giá trị khoa học ở tầm cao và giá trị ứng dụng thực tiễn ở tầm rộng lớn.
Có được đôi cánh kỳ diệu đó, những công trình khoa học sẽ bay cao và bay xa khi bắt gặp được luồng gió đổi mới cơ chế quản lý theo đúng yêu cầu khách quan của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và từng bước xây dựng nền kinh tế tri thức.
Nguồn: Vietnamnet; T/c Thông tin và phát triển, số 2, 8/2006, tr 7