Chàng trai xứ dừa lai tạo giống xoài đặc sản
Chủ nhân của giống xoài này là anh Nguyễn Thanh Sơn (ấp phú Đa, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách). Anh Sơn cho biết: Lai tạo được giống xoài tứ quí, cao sản cho trái suốt năm này là cả một quá trình nghiên cứu thực nghiệm. Nguồn gốc bắt đầu từ cây xoài tứ quí trong vườn nhà ông ngoại vợ của tôi”. Ngày xưa, vườn của ông ngoại vợ anh trồng xoài bằng hạt, chưa am hiểu kỹ thuật tháp ghép như bây giờ. Trong vườn có một cây cho trái quanh năm, trái nhỏ, hạt to, ăn sống có vị chua chua, ngọt ngọt khá ngon. Năm 1995, thấy cây xoài tứ quí của ông ngoại già cỗi, anh muốn giữ giống, nên lấy bo (mắt ghép) về tháp vào cây xoài vườn nhà đã cao lớn. Gốc ghép là cây xoài trồng bằng hạt, không rõ giống xoài gì. Một năm sau, cây xoài cho trái sai, mùi vị không khác gì giống gốc.
Anh Sơn suy nghĩ: Cây dừa xiêm trồng dưới tán dừa ta, khi ra hoa sẽ thụ phấn chéo. Những trái dừa lấy làm giống trồng, sẽ cho thế hệ dừa xiêm trái to, nước nhiều. Tại sao mình không thử giống xoài tứ quí lai tạo cho ra giống trái to, chất lượng ngon hơn, nếu được thụ phấn với xoài cát Hòa Lộc. Anh bắt tay vào cuộc... Kết quả đúng như phán đoán, những bông xoài tứ quí sau khi thụ phấn với xoài cát Hòa Lộc đậu trái rất to. Anh Sơn chọn một trái to nhất, lấy hạt ươm trồng... Sau ba năm chăm sóc, nóng lòng muốn biết kết quả thử nghiệm của mình ra sao, anh xử lý “bắt” cây xoài trồng hạt này cho trái sớm. Cây xoài đơm bông, đậu trái rất sai, mỗi chùm từ 7-9 trái và trong khi đó hoa vẫn ra, đậu tiếp trái non. Từ đó đến nay, cây xoài này vẫn giữ đặc tính xoài tứ quí của ông ngoại vợ anh là cho trái suốt năm nhưng trái to, hạt nhỏ, mùi vị rất ngon được nhiều người ưa chuộng.
Từ cây xoài đầu tiên này, anh Sơn đã nhân ra hàng chục ngàn cây giống bằng phương pháp vô tính (tháp) trồng ở vườn nhà, cung cấp ra thị trường và gởi trồng ở nhiều vùng đất khác nhau như: Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh... Tất cả đều thích hợp thổ nhưỡng và sinh trưởng tốt... Anh Sơn khẳng định: Giống xoài cao sản này tháp vào các gốc ghép ươm hạt khác nhau đều cho trái có “phẩm chất” như cây mẹ. Tuy nhiên, nên dùng gốc ghép là xoài bưởi thì cây sinh trưởng mạnh, ít sâu bệnh và sau 18 tháng là có thể cho trái. Giống xoài cao sản này có ưu điểm là ra bông và cho trái quanh năm mà không cần xử lý hóa chất như những giống xoài khác. Trong đó có hai vụ cho trái nhiều, thời điểm thu hoạch vào trước Tết Nguyên đán và rằm tháng tám (âm lịch).
Anh Nguyễn Thanh Sơn cho chúng tôi xem biên bản thẩm định khá thuyết phục của Sở NN&PTNN Bến Tre: Đây là giống xoài cao sản sinh trưởng mạnh, ít sâu bệnh, nhanh cho trái, trái quanh năm và năng suất cao. Cây trồng hạt 6 năm tuổi cho trên 60 trái/vụ/cây. Cây trồng gốc ghép 3 năm tuổi cho trên 60 trái/vụ/cây. Trọng lượng trái trung bình 800-900 g (cá biệt có trái cân nặng 1,5 kg) cơm dày trên 90%, trái xanh cơm màu vàng, chín vàng đậm. Hạt nhỏ, không xơ, độ brix (ngọt) trung bình 15,5%...
Giống xoài này đã được Trại thực nghiệm Cái Mơn đưa vào chương trình quản lý nâng cao chất lượng cây giống tốt của huyện Chợ Lách. Bộ NN&PTNT cũng cấp giấy chứng nhận là “địa chỉ xanh vườn giống” vào năm 2002. Vì là giống mới, nên anh Sơn đã lấy tên của mình ghép vào thành “xoài cao sản Thanh Sơn”. “Thương hiệu” này ngày được nhiều người biết đến. Anh Sơn cho biết, hiện giá bán bình quân 25.000đồng/kg. Riêng vườn xoài nhà anh được siêu thị Co.op Mart Mỹ Tho và TPHCM đặt mua với giá 30.000-35.000 đồng/kg. Ngoài ra, du khách rất ưa chuộng những quả xoài tứ quí Thanh Sơn mỗi khi về Bến Tre.
Nguồn: baocantho.com.vn16/3/2006