Chàng trai tìm voọc giữa rừng già
Đồng bào Ba na, Gia Rai ven các cánh rừng thuộc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn Kon Chư Răng (Gia Lai) đã nhẵn mặt một gã trai râu ria xồm xoàm, đi hết vùng này đến vùng khác ghi ghi, chép chép, thỉnh thoảng mang theo đồ đạc vào rừng ở hàng chục ngày.
Chàng "Rôbinxơn" máu lửa
Hơn một buổi chờ đợi chúng tôi mới gặp được Long. Dáng người anh chắc nịch, nụ cười hồn nhiên, râu ria để như... Rôbinxơn trong truyện! Biết chúng tôi đợi lâu, Long phân bua: "Ở đây không có điện thoại, internet nên mình phải chạy mãi ra trung tâm huyện Mang Yang (Gia Lai) truy cập trao đổi tin tức và... chát chút xíu với vợ, xem mặt con (mới 8 tháng tuổi). Vào đây hai tháng rồi, nhớ quá!".
Long kể về một buổi chiều năm 1997, nhà động vật học Tilo Nadler giật mình bởi trong số động vật rừng mà cơ quan chức năng vừa thu giữ từ những kẻ vận chuyển lậu, sau đó được đưa về Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng của Vườn quốc gia Cúc Phương có một con vật lạ. Quan sát kỹ con vật, ông khẳng định đây là một loài voọc mới. Phát hiện này đã gây chấn động giới nghiên cứu động vật học.
Hơn ba năm sau, Long - chàng trai "máu lửa" với loài voọc chà vá chân xám đã đi sâu nghiên cứu với đề tài thạc sĩ: "Nghiên cứu tập tính sinh thái và bảo tồn loài voọc chà vá chân xám". Anh đã bảo vệ thành công tại Đại học Cambridge của Anh quốc năm 2003 và bây giờ đang làm tiếp đề tài này với luận án tiến sĩ tại Đại học Oxford.
Vượt rừng già theo dấu voọc
Voọc chà vá chân xám. |
Long kể: "Đoàn đi phải gùi theo lương thực, mỗi lần vào rừng ở gần nửa tháng. Nhiều lúc chạy theo đoàn voọc cả ngày muốn đứt hơi. Còn nhớ cách đây hơn một tháng, hôm đó đoàn đi từ sáng sớm đến 11 giờ trưa thì bất ngờ thấy từ trên những tán cây cao có những chú voọc ngồi vắt vẻo. Mọi người đều bỏ ăn trưa, không ai dám gây ra tiếng động mạnh bởi sợ chúng chạy mất. Mãi đến 5 giờ chiều, đàn voọc mới đi. Cả đoàn lúc đó mới quây bạt nghỉ chân, tìm chỗ nấu nướng. Hay mới đây, mình phát hiện được khá gần một đàn bảy con... Gian nan nhất là theo dấu đàn voọc thu thập phân chúng về làm xét nghiệm. Tìm phân chúng giữa rừng già bạt ngàn được ví như tìm kim đáy biển. Hễ thấy phân chúng là mọi người reo lên! Còn theo được đàn voọc đến khi chúng nghỉ cũng là một kỳ công. Chiều hôm trước biết chúng nghỉ ở đó thì sáng hôm sau mình phải dậy từ 4 giờ để tiếp cận, sẵn sàng quan sát và... thu nhặt phân".
"Qua công trình nghiên cứu này, mình sẽ tìm ra những tập tính sinh thái của loài voọc chà vá chân xám để có điều kiện xây dựng khu vực bảo vệ loài này tránh nguy cơ tuyệt chủng. Hội động vật Frankfurt(Đức) là một trong những nơi tài trợ cho công trình nghiên cứu của mình cũng đồng quan điểm này. Đây là loài rất nhạy cảm với sự biến đổi môi trường nên mình rất lo nếu chính quyền nơi đây không có những biện pháp bảo vệ quyết liệt. Thấy những con voọc bị bắn chết đem làm cảnh ở một số nhà quanh vùng này mà đau. Mình định đi quanh các làng, tổ chức những buổi tuyên truyền về loài voọc quý hiếm này. Hy vọng tất cả đều chung tay!" - Long tâm sự.
Nguồn: nhandan.com.vn