Chàng trai dân tộc Cao Lan sáng chế máy tróc vở, thái sắn
Thoạt đầu nghe giới thiệu về chiếc máy tróc vỏ và thái sắn, tôi cứ nghĩ chắc chủ nhân làm ra nó phải có bằng kỹ sư hay ít nhất cũng phải học hết Cao đẳng, nhưng thật bất ngờ đó lại là một thanh niên trẻ, người dân tộc Cao Lan, trình độ mới chỉ học đến lớp 10.
Lâm Văn Liêm (24 tuổi) là người con thứ 2 trong gia đình thuần nông có 3 anh em. Cuộc sống từ nhỏ của Liêm đã gắn bó với nương rãy, đồi rừng. Nhà Liêm làm nhiều nương rẫy lắm, năm nào cũng trồng khoảng 8 ha sắn, có năm thu hoạch cả trăm tấn sắn tươi. Vì công việc của gia đình nhiều, anh cả thì đã lấy vợ ra ở riêng, bố mẹ đã già yếu nên học đến lớp 10, Liêm phải nghỉ học ở nhà lao động giúp đỡ gia đình. Việc trồng, chăm sóc, thu hoạch sắn đã rất vất vả nhưng thu hoạch về phải sơ chế (tróc vỏ, thái sắn và phơi khô) để tiêu thụ được còn gian khổ hơn. Để tróc vỏ (làm cho vỏ đen bửng bên ngoài củ sắn bong ra) và thái xong cả mấy chục tấn sắn, vụ mùa nào gia đình Liêm cũng phải lao động quần quật suốt ba tháng trời. Liêm tâm sự: “Có nhiều khi tay chân em mỏi rời rã, lưng quặn đau nhưng vẫn phải làm...!”
Với mong muốn làm sao giải phóng được bớt sức lao động cho gia đình đỡ khổ, Lâm Văn Liêm đã bắt tay vào việc nghiên cứu và chế tạo chiếc máy tróc vỏ, thái sắn. Chẳng cần bản vẽ kỹ thuật, Liêm chỉ mường tượng trong đầu chiếc máy cần có hai phần: phần 1 là lồng đựng tróc vỏ sắn phải làm sao cho bên trong gồ ghề để khi quay lồng, sắn quay theo va vào thành lồng trượt vỏ sắn ra; phần 2 là khung máy và thái sắn, phải thiết kế làm sao cho máy thái cùng lúc được nhiều củ sắn và người làm không bị đau lưng. Sự hoạt động của lồng quay tróc vỏ và máy thái sắn dựa vào lực vòng quay của mô tơ điện qua các dây tải dòng dọc.
Vậy là Liêm bắt tay vào chế tạo máy. Ban đầu lồng tróc vỏ sắn được Liêm đóng bằng cây giàng, nhưng khi hoạt động thử thấy độ bền và hiệu quả không cao nên em đổi sang đóng bằng gỗ. Các thanh gỗ được đẽo theo hình chữ V và ghép lại với nhau thành hình tròn, mặt ngoài phẳng, mặt trong nhọn. Trên lồng để cửa đóng mở được để đổ sắn vào và lấy sắn ra. Còn phần khung máy thái sắn, Liêm mua sắt về và thuê máy hàn để tự gia công. Sau hơn 6 tháng miệt mài lao động sáng tạo, nhiều đêm Liêm thức trắng, cuối cùng chiếc máy cũng được hoàn thành. Vụ sắn năm đó, chiếc máy của Liêm đã phát huy hiệu quả với công suất rất cao. Chỉ cần ba lao động làm cùng với máy tróc vỏ - thái sắn, trung bình mỗi ngày cũng có thể tróc vỏ và thái được khoảng 14 tấn sắn tươi, tương đương với công sức của 100 người lao động thủ công. Thực tế chiếc máy do Liêm chế tạo ra rất dễ sử dụng, chỉ cần cắm điện vào là chạy. Người già, người trẻ đều sử dụng được hết. Sắn tróc vỏ và thái ra đến đâu được Liêm quẳng lên lò sấy khô và bán hết ngay đến đó. Nếu thuê được nhiều lao động để thu hoạch sắn, nhà Liêm chỉ làm khoảng nửa tháng là xong cả 8 ha, chẳng nặng nhọc gì nữa. Trong vụ sắn năm nay, gia đình Liêm cũng thu hoạch được trên 50 tấn sắn. Hiện nay chiếc máy tróc vỏ, thái sắn của Liêm vẫn đang hoạt động rất hiệu quả.
Từ khi chế tạo thành công chiếc máy này, nhiều người dân trong vùng đã thán phục tài năng của Liêm. Hàng chục người đã đến xem và học tập cách để làm theo. Vì thế giờ đây ở xã vùng cao Đèo gia đã có trên dưới 100 chiếc máy tróc vỏ sắn, tuy nhiên với máy đồng thời làm được hai công dụng tróc vỏ và thái sắn thì vẫn chỉ có duy nhất chiếc của Lâm Văn Liêm. Tâm sự với Liêm, tôi hỏi em đã đi đăng ký bản quyền sáng chế chiếc máy này chưa? Liêm nở nụ cười bầy tỏ: Em chỉ nghĩ rằng mình làm ra chiếc mày này để đỡ công lao động cho gia đình chứ có biết đến bản quyền, bản quyết gì đâu.
Theo chúng tôi nhận thấy, chiếc máy tróc vỏ và thái sắn của Liêm có hiệu quả ứng dụng rất cao trong lao động sản xuất, nhất là đối với những địa phương sản xuất sắn nguyên liệu tập trung. Vì thế nếu được chỉnh chu thêm về kỹ thuật và sản suất nhiều thành hàng hoá, chắc chắn sẽ được nhiều nhiều người ưa chuộng.