Chàng trai đam mê công nghệ mới
Cha mẹ đã qua đời, anh chị em lập gia đình ra riêng, vậy là chàng út Lê Quang Khôi một mình lập thân với mảnh bằng kỹ sư sinh học. Kể từ năm 1997 đến nay, anh bạn trẻ gắn chặt mình với Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ khoa học công nghệ tỉnh Tiền Giang. Hiện giờ, với chức danh Phó xưởng Công nghệ sinh học, Khôi quản lý khoảng chục nhân viên nhưng với anh, quản lý con người không cực bằng quản lý những thứ "công nghệ mới" bởi nếu không cẩn thận trong mọi việc thì sẽ “xôi hỏng bỏng không”.
Hiện nay, nhiệm vụ chính của Trung tâm là hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trong tỉnh trồng các loại nấm rơm, nấm mèo, nấm bào ngư, nấm linh chi. Mỗi thứ mỗi kiểu, mà nông dân không phải ai cũng nắm bắt nhanh được kỹ thuật. Mùa hè xanh vừa qua, Khôi đã khá vất vả khi về các xã Tân Điền (huyện Gò Công Đông), Mỹ Chánh, Mỹ Phong (TP Mỹ Tho) hướng dẫn cho khoảng 120 hộ dân kỹ thuật trồng nấm. Hướng dẫn tại ruộng chưa đủ, anh còn tham gia chương trình Bạn nhà nông của Đài truyền hình Tiền Giang để hướng dẫn được nhiều người hơn. Chính vì vậy mà bà con ở Bến Tre, Vĩnh Long, kể cả Củ Chi (TP.HCM) đua nhau tìm đến địa chỉ Trung tâm tại 555 Ấp Bắc, P.5, TP Mỹ Tho để được "mắt thấy tai nghe" Khôi tư vấn. Hiện nay, mỗi ngày Trung tâm có thể tung ra thị trường khoảng 10.000 bịch meo giống với giá rất "hữu nghị", chủ yếu là giúp nông dân cải thiện thu nhập.
Với Khôi, nấm vẫn chưa là tất cả. Hôm chúng tôi đến, sau khi hướng dẫn khách "mãn nhãn" với các loại nấm, anh bạn trẻ tiếp tục dẫn chúng tôi đến mấy cái hồ xi măng phủ kín lưới ni lông bên trên. "Hồ nuôi gì vậy?". Khôi trả lời tôi bằng cách hé giở một phần góc lưới: ôi thôi bên dưới lóc nhóc ếch con. Trước sự ngỡ ngàng của tôi, anh Nguyễn Minh Trí, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Tiền Giang tiếp lời Khôi: "Ếch Thái Lan đấy! Ông Khôi đang nuôi ếch Thái Lan. Cái loại ếch này dễ nuôi, chóng lớn, lãi nhiều nhưng cũng phải có bí quyết riêng. Bí quyết ra sao, anh cứ hỏi ông Khôi, tôi thì chịu!".
Chuyện đột phá vào cái mới như ếch Thái Lan, nấm linh chi chưa phải là hết đối với anh chàng Khôi vốn hay tìm tòi khám phá này. Ngược thời gian một chút vào thời điểm năm 1998, khi mới ở tuổi 23, Khôi đã mạnh dạn tấn công vào lĩnh vực chế phẩm E.M (Effective Microorganisms - Vi sinh vật hữu hiệu). Công nghệ này của Nhật, người nghiên cứu sẽ sử dụng giống gốc nhân sinh khối và lên men để tạo ra các sản phẩm sinh học phục vụ: giải quyết ô nhiễm môi trường, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia cầm... Thời gian qua, Khôi đã tham gia dự án E.M cấp tỉnh, dự án nuôi cấy mô cấp bộ... Chính vì những đóng góp này mà năm 2002, Khôi được tỉnh cử đi học cao học ngành công nghệ sinh học nhưng đến nay anh vẫn chưa thể thu xếp được do công việc tại Trung tâm còn quá bộn bề.
Chia tay anh bạn trẻ Ủy viên thường vụ Đoàn khối dân chính đảng tỉnh Tiền Giang, chúng tôi nhớ câu nói đùa của anh Trí: "Khôi là một cán bộ Đoàn rất năng nổ và nhờ gắn bó với phong trào mà ổng tìm được vợ đấy, một cô gái rất xinh đang công tác ở ĐH Tiền Giang".
Nguồn: thanhnien.com.vn 4/11/2005