Chàng sinh viên 9X với mô hình mảng xanh thảo dược
Ý tưởng được xuất phát từ việc hàng ngày đi ngoài đường, thấy các mảng bê tông vừa xấu vừa chiếm không gian, trong khi đó thành phố ngày càng nóng lên do bức xạ nhiệt gây hiệu ứng nhà kính... Trong đầu Khương chợt suy nghĩ tại sao lại không lấp đầy những mảng không gian “chết” đó bằng những bức tường thực vật. Tuy nhiên, nếu chỉ tiếp cận vấn đề ở mức đó thì chưa đủ, bản thân Khương cũng nhận ra rằng thực tế hiện nay, chúng ta đã quá lạm dụng thuốc hóa học để chữa bệnh thay vì dùng các phương thức chữa bệnh truyền thống bằng thảo dược của nền y học Việt Nam. Mong muốn của Khương là thông qua dự án có thể giáo dục kiến thức thực tiễn cũng như ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. Với danh hiệu Đại sứ môi trường Bayer Việt Nam 2012, Khương đã kết hợp hiện thực hóa những ý tưởng mà mình đã bảo vệ thànhcông ở cả hai cuộc thi (Sáng tạo thanh thiếu nhi TP và Bayer) để cung cấp đến người dân các kiến thức về sức khỏe, ý thức bảo vệ môi trường chung.
Phan Khương cho biết, mô hình Mảng xanh thảo dược được tạo dựng dựa trên các vật dụng phế thải trong đời sống như: ván, bao bố, bàn học sinh, simili, poster quảng cáo, bao nylon đã qua sử dụng nhằm tái chế, tận dụng một cách có hiệu quả để góp phần bảo vệ môi trường sống và hạn chế tối đa lượng rác thải khó phân hủy. Thảo dược được trồng và nhân giống trong các túi nylon đã qua sử dụng, bên trong có chứa đủ lượng đất, độ ẩm và dưỡng chất cần thiết. Sau đó, lắp đặt các túi thảo dược vào hệ thống “mảng xanh”, đồng thời lắp hệ thống túi phân hóa học vào trong các túi tam giác nhỏ bên trên mỗi mảng thảo dược và khởi động hệ thống chứa nước, tưới nước tự động xung quanh.Các loại thảo dược sống và phát triển trong các mảng túi tam giác xen kẽ nhau phủ kín tạo thành “mảng xanh sinh học”.
Bên trên mỗi túi tam giác có một túi tam giác nhỏ đối xứng kích thước bằng 1/5 dùng để chứa phân bón cho cây. Phân tan dựa trên hệ thống nước sau mỗi lần tưới và chảy vào túi đất bên dưới. Bên dưới mỗi loài thảo dược sẽ có các thẻ thông tin được gắn trực tiếp.
Nhóm của Khương sẽ trồng thử nghiệm tại huyện Cần Giờ, TP.HCM và tiếp theo sẽ là huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh bằng việc xâydựng các bảng gỗ và vỏ dừa để trồng các cây dược thảo lên trên, có đính kèm các thẻ thông tin tên gọi và công dụng. Bên cạnh đó, dự án của nhóm sẽ phát cho người dân 1.000 cẩm nang sức khỏe Green Life và 300 thẻ kẹp sách thông minh Smart Bookmarks. Sau ngày 15/8 Khương sẽ kết thúc dự án của mình và trực tiếp báo cáo tại hội trại sinh thái của Đại sứ môi trường Bayer Việt Nam. Nếu thành công, Khương hy vọng dự án sẽ được nhân rộng và đồng thời tiếp tục hoàn thiện các nội dung cẩm nang, sự phong phú các loại thảo dược và thông tin hơn nữa đến người dân việc bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe thông qua các phương thức thân thiện với thiên nhiên. Tiến tới sẽ là hoàn thiện thiết kế, cấu trúc của thảm xanh thảo dược (tưới nước tự động, mỹ quan đô thị) để có thể trồng ở thành phố. Mong muốn của Khương là những ý tưởng sáng tạo khoa học không còn nằm trong hồ sơ, giấy tờ như hiện nay mà bản thân nó phải được đưa ra ứng dụng thực tiễn. Hiện nay, dự án đang xúc tiến chuyển giao mô hình cho Sở y tế TP.HCM để có thể ứng dụng rộng rãi.