Cày xới tiềm năng để thành đạt
Với hơn 40 danh hiệu, bằng khen về một ngành học “thời thượng”, nhiều công ty có thể đặt vào tay anh những vị trí và mức lương tính bằng hàng ngàn đôla. Có thể anh sẽ tung cánh ở một đất nước nào đó. Nhưng nhiều sự lựa chọn có khi phải trả giá bằng sự dũng cảm. Anh chấp nhận “ở lại” với mức lương 800.000-900.000 đồng/tháng.
Gần bảy giờ tối, Trần Minh Triết mới có thời gian tiếp chúng tôi. Nhìn nụ cười tươi khó ai biết người thầy ấy đã làm việc từ 2 giờ sáng.
Hạnh phúc trên giảng đường
Ở tuổi 26, nhắc về sinh viên, người thầy ấy hồn nhiên kể: “Một tuần sau khi bảo vệ luận văn, mình được giao phụ trách hướng dẫn nhóm sinh viên chỉ nhỏ hơn mình hai tuổi. Vui lắm!
Hồi hộp nhất là ngày đầu tiên lên lớp. Mình giảng mà như “hét” đến khát khô cả cổ”. Cũng may, nhờ thành tích đáng nể, người thầy trẻ nhanh chóng được sinh viên tin yêu.
Trần Minh Triết từng được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2001), giải thưởng 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (2001), giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ (2001), hai năm liền nhận huy chương Tuổi trẻ sáng tạo, ba năm liền nhận bằng danh dự của Viện Hóa học hoàng gia Úc… cùng nhiều danh hiệu thủ khoa và những điểm 10 xếp đều sau những đề tài nghiên cứu.Anh bắt tay xây dựng thử nghiệm trang web đầu tiên cung cấp các bài giảng, tài liệu điện tử phục vụ các môn học mình phụ trách. Hình thức này được các bạn sinh viên hoan nghênh và sử dụng hiệu quả.
Các trang web về các môn học khác dần dần được xây dựng. Mô hình này được đề xuất làm công trình thanh niên của chi đoàn cán bộ trẻ. Bên cạnh đó, anh cũng tham gia ban chấp hành chi đoàn cán bộ trẻ tình nguyện hỗ trợ hoạt động nghiên cứu khoa học, học thuật cho sinh viên.
Nói về nghề, thầy Triết tâm đắc: “Sinh viên làm mình trẻ lại. Ngược lại, mình cũng muốn chút kiến thức giúp các em cứng cỏi hơn”. Sư phạm mà không cứng nhắc: “Mỗi sinh viên có thể có sở trường riêng, do đó mình luôn cố gắng phát huy tính chủ động sáng tạo của các em. Trong mỗi bài tập, ngoài những yêu cầu ở mức độ cơ bản, mình gợi ý nhiều hướng mở rộng để các em có thể tự lựa chọn, đào sâu, phát triển”.
Nhiều khi người thầy trẻ cùng sinh viên say sưa thảo luận một đề tài. Cũng chẳng câu nệ chuyện xưng hô, nhưng trước khi hội họp, anh luôn dặn các em: “Trên diễn đàn, đừng gọi thầy là anh nghen! Sẽ bị các thầy rầy đó”. Vậy mà vẫn có sinh viên khi bảo vệ luận văn, bị chất vấn, run quá nên cứ: “Anh Triết hướng dẫn em nên…, anh Triết chỉ em thế này…”.
Nhiều thầy lớn tuổi nhắc nhở: “Phải gọi thầy Triết!”. Nhóm sinh viên đầu tiên anh hướng dẫn ấy đã bảo vệ luận văn đại học với điểm 10.
Sau mùa “khản cổ với những bài giảng”, bước chân anh lại lặn lội về những xã vùng sâu, vùng xa của đồng bằng sông Cửu Long. Anh cùng các bạn sinh viên phổ cập kiến thức tin học, hướng dẫn các cán bộ địa phương lưu trữ, quản lý dữ liệu bằng máy vi tính…
Đếm lùi thời gian
Tháng 1/2005, Trần Minh Triết bảo vệ thành công luận án thạc sĩ tin học với đề tài “Nghiên cứu một số vấn đề bảo vệ thông tin và ứng dụng” với luận văn điểm 10/10. Tháng 5/2005, anh bảo vệ thành công đề cương nghiên cứu sinh cũng đạt 10/10 điểm. Người thầy 26 tuổi này cũng là đồng tác giả 30 bài báo khoa học tại các hội nghị (trong đó chín bài tại các hội nghị và tạp chí nước ngoài), tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Hiện nay, anh có ba năm để hoàn thành luận án tiến sĩ. Nhưng theo con người tham lam thời gian này: “Mình chỉ còn 2 năm 11 tháng để hoàn thành luận án tiến sĩ. Mình đang đếm lùi thời gian từng ngày…” |
Hằng ngày ngoài giờ lên giảng đường, sinh viên, đồng nghiệp lại bắt gặp Triết miệt mài bên máy vi tính. “Thầy cô truyền đạt những kiến thức cơ bản. Quan trọng nhất vẫn là bản thân tư duy sáng tạo!
Với lợi thế về tiềm năng chất xám, công nghệ thông tin có thể mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế với sự đầu tư tương đối thấp so với nhiều ngành khác. Vậy tại sao không cày xới tiềm năng chất xám ngay trong chính bản thân mình?”.
Anh có thói quen chẳng có khái niệm thứ bảy hay chủ nhật từ thời học sinh, sinh viên. Nhớ năm thứ 3 đại học, Minh Triết cùng bạn Lương Hán Cơ bắt tay thực hiện nghiên cứu khoa học. Đề tài “ Nghiên cứu các phương pháp mã hóa và ứng dụng” là một đề tài khá mới mẻ ở Việt Nam .
Với hai bạn trẻ, những kiến thức này hoàn toàn mới. “Nhưng hầu hết các quốc gia đều tập trung nghiên cứu về mã hóa để phục vụ nhu cầu an ninh quốc phòng.
Hiện nay, ở Việt Nam, nhu cầu nghiên cứu về mã hóa và bảo mật thông tin còn có ý nghĩa phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là phục vụ thương mại điện tử và chính phủ điện tử.
Chúng ta phải có sản phẩm của riêng mình. Nghĩ vậy, hai bạn trẻ miệt mài lùng sục tài liệu từ các thư viện đến các trang web. Có lúc ngủ gục bên máy vi tính. Ròng rã một năm trời, cuối cùng công trình của hai anh cũng hoàn thành và đoạt giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2001.
Cũng trong năm này, Trần Minh Triết được bầu chọn là 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...
Khi nhiều con mắt vẫn soi giá trị con người qua vẻ bề ngoài thì tôi lại gặp một trí thức trẻ vẫn đeo một cặp mắt kính cũ kỹ sáu năm trời chưa thay. Chiếc “alô” anh dùng là chiếc Siemens thời “đồ đá” có tuổi thọ không kém.
Ngỡ những người mang cặp kính dày cộm sẽ rất khô khan, nhưng khi rời khỏi con chuột máy vi tính, bàn tay anh cũng rất lả lướt trên phím đàn piano.
Có người cho rằng chàng trai ấy là “công tử bột”, lúc nào đi lĩnh thưởng cũng có mẹ kè kè bên cạnh. Nhưng ít ai biết được người thầy ấy cũng thật mau nước mắt. Bởi cuộc sống không như một phần mềm hay một lập trình nào.
Anh không có may mắn được thấy mặt cha, nên tất cả sự kính yêu anh dành cho mẹ. “Ngày hạnh phúc của mình không thể vắng mặt mẹ!” - anh nói. Đó cũng là lý do anh chưa đi tu nghiệp nước ngoài.
Mỗi sớm tối, hết việc là anh phóng xe về với mẹ và bà ngoại đã 85 tuổi trong một khu cư xá ở Q.11, TPHCM. “Mình đi rồi, lấy ai thủ thỉ với mẹ và ngoại đây?”- người thầy trẻ chợt nhủ thầm.
Nguồn: dantri.com.vn 3/10/2005