“Cây sáng kiến” của doanh nghiệp
Triệu Thành Đạt là người dân tộc Nùng, sinh ra tại xã Yên Phúc, huyện Văn Quan (Lạng Sơn). Đây là huyện vùng cao còn nghèo, trình độ dân trí chưa cao nên Anh đã ý thức được điều đó và quyết tâm học tập từ nhỏ. Tốt nghiệp THPT, Đạt thi vào Khoa Điện khí hoá công nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên. Ngoài học tập trên lớp, Đạt còn tập trung nghiên cứu về chương trình quản lý máy biến áp, thí nghiệm định kỳ trạm biến áp, cải tạo thiết bị cấp nguồn điều khiển... và đã tham gia nhiều hội thảo khoa học về các vấn đề điều khiển, vận hành thiết bị điện được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương khen thưởng.
Như là duyên nghiệp với các ý tưởng sáng tạo, từ đam mê nghiên cứu khoa học khi còn là sinh viên, nhiều lần Đạt được Tập đoàn Hoá chất Việt Nam khen thưởng. Đến khi tốt nghiệp đại học loại khá đúng dịp Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tuyển kỹ sư điện. Vượt qua nhiều vòng phỏng vấn trực tiếp và trình bày các phương án xử lý nhanh, chính xác các tình huống, sự cố cụ thể trong dây chuyền sản xuất, anh được nhận về công tác tại xưởng Điện. Được làm đúng chuyên ngành đào tạo. Đây thực sự là niềm vui lớn, tạo động lực thúc đẩy anh tiếp tục thi đua lao động sáng tạo.
Từ thực tế công việc, anh luôn suy nghĩ đưa ra nhiều giải pháp cải thiện điều kiện làm việc, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, làm lợi cho đơn vị. Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh được Hội đồng khoa học của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đánh giá cao như: " Thiết kế, chế tạo, lắp đặt bộ điều khiển và hệ thống tín hiệu, điều khiển lò gia nhiệt tinh chế công trình 678 tại phòng khống chế DCS-NH3". Đề tài này góp phần cải thiện quá trình theo dõi, đưa các tín hiệu về trung tâm điều hành, hạn chế sự cố, giảm bớt nhân lực điều hành máy. Cùng đó là một số đề tài trong công tác sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ máy móc thiết bị, theo dõi công tác vận hành các tổ máy như: " Thực hành thao tác vận hành các động cơ bơm và van nước tuần hoàn 1 cho công nhân vận hành xưởng Nước và xưởng Điện". Các sáng kiến đem lại hiệu quả kinh tế cho Công ty, đồng thời thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất và xuất hiện nhiều "cây sáng kiến" tại đơn vị, đưa xưởng Điện trở thành đơn vị "đầu tàu" có nhiều đề tài cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm nguyên liệu.
Đạt không chỉ là kỹ sư trẻ tài năng, anh còn là cán bộ đoàn nhiệt huyết, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thanh niên.Là Bí thư Chi đoàn xưởng Điện, Anh cùng Ban Chấp hành triển khai các phong trào xung kích tình nguyện đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên đem lại lợi ích cho đơn vị. Với Anh: "Làm khoa học và tham gia hoạt động phong trào như bổ sung cho nhau để dung hoà cuộc sống".
Hiện nay, công việc của Đạt là theo dõi, quản lý, điều hành hệ thống thiết bị điện phục vụ quá trình sản xuất đạm. Tuy mới công tác được 3 năm nhưng anh luôn trăn trở, nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đến nay, đã có 4 đề tài nghiên cứu được áp dụng vào quy trình sản xuất.
Hiện tại, anh cùng một số cộng sự dự định thiết kế chế tạo hệ thống đo lường điều khiển 2 phân đoạn trạm điện 380V lò 67 xưởng nhiệt đưa tín hiệu về phòng trực của công nhân vận hành để theo dõi, giám sát từ xa, đồng thời thiết kế tủ khởi động chạy thử động cơ cao thế tại xưởng Điện... Khi các giải pháp này hoàn thành có thể tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng nếu phải chi phí mua máy mới, đồng thời có thiết bị kịp thời phục vụ sản xuất.