Câu hỏi cuối cùng của M. Kalashnhikov
Ông viết về “một cơn đau không sao chịu nổi” giày vò ông suốt nhiều năm tháng qua, về những chiêm nghiệm thiện - ác cuối đời. TTCT trích dịch một phần bức thư này. (*)
Nhà thờ tăng, nhưng cái ác không bớt đi...
“Tôi đã cống hiến cho sự nghiệp thiết kế nhiều năm tháng cuộc đời. Tôi đã chế tạo hơn 150 mẫu súng trường chỉ với một mục tiêu duy nhất: bảo vệ Tổ quốc tôi khỏi sự xâm lấn của quân thù.
Không ai có thể thuyết phục tôi thay đổi niềm tin vào trí tuệ nhân dân, vốn từng khuyên “Hãy giữ thuốc súng luôn khô ráo”, “Chuẩn bị xe trượt từ mùa hè”, bởi tôi quá hiểu thuốc súng và xe trượt tuyết chúng tôi như thế nào vào những năm 1920, 1930, và sau này là vào những ngày trước Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Tôi - người lính mà số phận đã trải qua thử thách của năm 1941, qua những tháng đầu của cuộc chiến khủng khiếp và định mệnh của dân tộc chúng tôi. Thật may mắn, tôi đã sống sót dù bầm dập và thương tích, những vết thương mà 70 năm sau vẫn còn nhắc nhở.
Vâng, cơ thể chịu đựng cái đau, nhưng nỗi đau thực thể đó chẳng là gì so với những vết thương tâm hồn mà chúng ta trải qua trong đời. Vết thương tâm hồn năm 1941 ngày đêm không để tôi yên. Tại sao lại như thế, tại sao một cường quốc, một nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh, một trường phái thiết kế mạnh như thế với bao nhiêu mẫu vũ khí tuyệt vời được chế tạo, nhưng khi lâm cảnh chiến trường, tôi và các đồng đội không thể bảo vệ mình?
Chúng tôi không có súng tự động và tiểu liên mà chỉ có súng trường huyền thoại của Mosin (**), ba người một khẩu. Và số phận đã xui khiến cho chàng thanh niên Altai ngày hôm qua, con trai của những người bị trục xuất và đi đày ở vùng rừng rậm Siberia, một thượng sĩ lái tăng, trở thành nhà thiết kế vũ khí, sau bốn năm lao nhọc nhất đã biến giấc mơ về một vũ khí kỳ lạ, súng trường AK-47, thành hiện thực.
Sau chiến tranh và cho đến thời gian gần đây nhất tôi đã lao động miệt mài, khổ nhọc ngày đêm không ngưng nghỉ cho đến khi tạo ra được một kiểu mẫu với những đặc tính hoàn thiện nhất. Chúng tôi luôn song hành với thời đại, có lúc còn vượt qua đối thủ Mỹ của mình ở điểm nào đó, dẫu ở góc độ con người chúng tôi vẫn là bạn bè, mặc dù phục vụ cho những hệ thống xã hội khác nhau, không thể nào hòa hoãn cùng nhau.
Và thế giới cho đến năm 1991 là như thế: chao đảo, giận dữ, mâu thuẫn. Nhưng nó là như thế mặc cho chiến tranh và xung đột làm bùng nổ giao tranh, người chết, trong đó có phần lỗi của khẩu súng trường tự động của tôi.
Nỗi đau tâm hồn tôi không thể nào chịu nổi vẫn chỉ là một câu hỏi không lời đáp: nếu khẩu tự động của tôi cướp đi mạng sống con người, thì tôi, Mikhail Kalashnikov, 93 tuổi, con của những nông dân, giáo dân Thiên chúa và Chính thống giáo, có lỗi hay không trước cái chết của con người cho dẫu đó là kẻ thù?
Càng sống lâu bao nhiêu, câu hỏi đó càng thường xuyên xoáy vào óc tôi hơn, tôi càng chìm sâu hơn vào những suy tưởng và giả đoán về việc đấng tối cao để con người có những khát khao tội lỗi như thù hận, tham lam, gây hấn... để làm gì.
Tại sao người lại để nạn huynh đệ tương tàn và cái ác vượt ra khỏi khuôn khổ bản thiện của con người, trở thành đạo lý và chuẩn mực chính trị do ai đó và ở đâu đó dựng nên?... Mọi thứ xung quanh tôi đều thay đổi, chỉ có con người và suy nghĩ của họ không thay đổi: họ vẫn ghen tị, độc ác, tàn nhẫn và không lúc nào yên như tự bao giờ...
... Đã 20 năm chúng tôi sống trong một đất nước khác. Dường như có một cái gì đó bị phá vỡ từ bên trong, một sự trống rỗng tâm hồn, còn trong tim là một mất mát không sao tìm lại được... Và lại còn nỗi lo cho tương lai con cháu... Một lần nữa, giống như vào những năm chiến tranh nóng bỏng, người dân lại tìm đến thánh thần, đến suy tưởng về chỗ đứng của mình trên Trái đất và trong vũ trụ.
Nhà thờ và tôn giáo được củng cố trong xã hội Nga. Điều đó rất đáng mừng. Nhưng đó cũng là điều không thể không lo âu. Vâng, số đền thờ, tu viện trên đất chúng ta gia tăng nhưng cái ác vẫn không bớt đi! Cái ác lại mang những hình thái khác, tinh vi hơn. Dưới ngọn cờ của thiện tâm và mặt nạ của lòng tốt, cái ác xuất hiện, lẻn vào nhà, vào gia đình chúng ta như tên trộm đêm rồi dụ huấn chúng ta những cơ sở luân lý và tinh thần của chúng.
Cái thiện và ác cùng tồn tại, ở cạnh nhau, đấu tranh với nhau và đáng sợ nhất là hòa hoãn cùng nhau trong tâm hồn của con người - đấy tôi đã đi tới kết luận này vào buổi hoàng hôn cuộc đời trần thế của mình. Nó giống một loại động cơ vĩnh viễn mà tôi muốn chế tạo vào những năm tuổi trẻ.
Ánh sáng và bóng tối, thiện và ác - hai mặt của một thể thống nhất, không thể tồn tại mà thiếu nhau. Chẳng lẽ tạo hóa đã xây dựng nên như thế? Và nhân loại phải vĩnh viễn vật vờ sống trong tương quan đó?...”.
Thích chế tạo máy cắt cỏ hơn súng trường
Tờ Tin Tứcđã chụp lại bức thư đánh máy dài hai trang A4, có đánh dấu ngày 9-6-2012. Những người không ủng hộ giáo hội đã ngay lập tức cho rằng đây là bức thư giả, một nỗ lực nhằm “ghi điểm” trên cái chết của nhà sáng chế vũ khí. Tuy nhiên, văn phòng của đại giáo trưởng Kirill khẳng định bức thư là thật.
Thư ký báo chí của đức cha Kirill, ông A. Volkov, cho biết đức cha Kirill đã trả lời lá thư này: “Giáo hội có quan điểm rõ ràng về vấn đề này: khi vũ khí phục vụ cho Tổ quốc, giáo hội ủng hộ những người chế tạo cũng như những binh sĩ phải sử dụng nó. Bởi ông ấy làm ra khẩu súng để bảo vệ nước mình chứ không phải để những kẻ khủng bố Saudi Arabia sử dụng”.
Con gái của Kalashnhikov, bà Elena Mikhailova, nói bà không biết về lá thư này, và có thể nó được viết với sự hỗ trợ của cha xứ nhà thờ địa phương Izhevsk. Bà cũng nói cha mình không phải là người quá tin vào tôn giáo, và vào sinh thời ông Kalashnhikov ít khi nào để lộ cảm xúc.
Bà nói: “Tôi còn nhớ năm 1999 tôi đem cho ông một thánh giá và mang vào cổ ông, phải nói là tôi buộc ông mang vào thì đúng hơn. Xong tôi nói: “Cha làm dấu thánh đi” thì ông đáp: “Không, cha không thể, tay cha không nhấc lên được”, rồi ông chỉ đơn giản đặt tay lên trước tim mình”.
Lịch sử từng ghi nhận sự sám hối của những nhà chế tạo vũ khí. Một thí dụ điển hình là kỹ nghệ gia Thụy Điển Alfred Nobel, người làm giàu nhờ phát minh thuốc nổ. Chính nhờ một cáo phó sai đăng trên một tờ báo Pháp năm 1888, viết rằng “Người buôn cái chết đã chết” và: “Tiến sĩ Alfred Nobel, người đã trở nên giàu có sau khi phát minh cách thức giết người nhanh chóng hơn bao giờ hết, đã qua đời ngày hôm qua” được cho là đã khiến Nobel quyết định lập quỹ giải thưởng mang tên ông.
Tương tự là chuyện của người chế tạo bom nguyên tử Robert Oppenheimer (1904-1967, Mỹ). Chấn động và dằn vặt vì sức hủy diệt mà vũ khí nguyên tử gây nên sau hai trận ném bom Hiroshima và Nagasaki, ông đã trở thành chiến sĩ tích cực đấu tranh chống lại việc áp dụng các vũ khí mới tương tự.
Sau chiến tranh, với tư cách cố vấn chính cho Ủy ban Năng lượng hạt nhân Mỹ, ông đã vận động cho việc kiểm soát năng lượng nguyên tử trên toàn thế giới và tránh khỏi cuộc chạy đua hạt nhân với Liên Xô. Ông đã khiến nhiều chính trị gia và các nhà khoa học khác nổi giận bởi quan điểm chính trị này và bị tước quyền an ninh (quyền được biết nhiều bí mật quốc gia) trong một phiên điều trần chính trị ở Mỹ năm 1954.
Súng trường tấn công mang tên Kalashnhikov trở thành một trong những phát minh xuất sắc nhất thế kỷ 20. Được hoàn thiện từ năm 1947 và hai năm sau trang bị cho quân đội Liên Xô, các biến thể AK-47 của Kalashnikov đã và đang được trang bị trong quân đội hơn 50 quốc gia.
Trên cơ sở súng trường Kalashnhikov đã xuất hiện khoảng 150 nguyên mẫu vũ khí quân sự và dân sự có kích cỡ khác nhau, trong đó có các súng máy hạng nhẹ, súng trường và súng ngắn Saiga. Mikhail Kalashnhikov tiếp tục tích cực làm việc cho tới cuối những năm 1980 với vai trò giám đốc thiết kế tại nhà máy Izhevsk, công ty đầu tiên sản xuất AK-47. Ông đã nhận được nhiều huân chương, huy chương quốc gia với phát minh của mình.
Có thể nói bức thư được báo Tin Tức công bố này đã cho thấy một góc con người khác của nhà thiết kế Kalashnhikov, người trong suốt cuộc đời không ít lần đối mặt với câu hỏi về sự hủy diệt do vũ khí ông làm nên. Có lần ông đã biện minh: “Tôi đã sáng chế ra nó (AK-47) để bảo vệ đất mẹ. Tôi không tiếc nuối và không chịu trách nhiệm về việc các chính khách dùng nó như thế nào”.
Nhưng cũng đã có lúc Kalashnhikov thừa nhận: “Tôi từng tự hào về phát minh của mình, nhưng tôi cũng buồn vì (phát minh này) bị bọn khủng bố sử dụng. Tôi thích sáng chế một cái máy có thể giúp nông dân trong công việc đồng áng hơn, thí dụ một cái máy cắt cỏ”.
Trên thực tế, tại bảo tàng mang tên ông ở Izhevsk có một máy cắt cỏ mà ông chế tạo để dùng trong ngôi nhà của mình ở miền quê. Tuy nhiên, ông không được thế giới biết đến bởi chiếc máy cắt cỏ này!
Sinh năm 1919, Mikhail Kalashnhikov là con thứ 17 trong một gia đình nông dân khá giả. Vào thời Stalin năm 1930, gia đình ông bị tịch thu hết đất đai và cả gia đình bị lưu đày đến Siberia. Khi nước Nga Xô viết kêu gọi thanh niên lên đường ra trận để bảo vệ Tổ quốc, Kalashnhikov đã đăng ký tuyển quân và được phân vào một lữ đoàn xe tăng. Nhưng chỉ vài tháng sau khi Hồng quân mở mặt trận phía đông, xe tăng của Kalashnhikov bị trúng đạn và ông bị thương. Chính trong bệnh viện ông suy nghĩ về việc phát minh một mẫu súng trường tiện dụng. |