Cậu học trò với những sản phẩm sáng tạo hữu ích
Hai robot đa năng với hai cái tên: “Robot phun thuốc trừ sâu” và “Robot dọn vệ sinh môi trường” là sản phẩm dự thi của Nguyễn Đức Thịnh, học sinh lớp 8A, trường THCS Thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, Bắc Giang.
Tâm sự với em, tôi được biết hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, bố mẹ em làm ruộng, hàng ngày phải lao động cực nhọc vất vả lắm mới chăm lo được cho hai chị em Thịnh. Bởi vậy, mỗi khi tan học, Thịnh lại vội vàng về nhà giúp đỡ gia đình việc nhà như nấu cơm, lau nhà, chăm sóc vườn cây… Thịnh rất thương bố mẹ, hằng ngày, em được chứng kiến cảnh bố đeo bình thuốc sâu đi phun lúa, khi về nhà lần nào cũng bị say thuốc, mặt đỏ bừng nằm vật xuống giường và mỗi lần bố bị như vậy, em lại vội vàng pha nước chanh cho bố uống để tỉnh lại. Song bố Thịnh còn vất vả hơn mỗi khi phun thuốc cho vườn vải, nhìn bố mình phải ngửa mặt để phun thuốc lên tận ngọn vải, thuốc sâu bay cả vào mặt mũi và quần áo khiến Thịnh thật sự lo lắng cho sức khoẻ của bố sẽ dễ bị nhiễm độc bởi thuốc sâu. Lòng hiếu thảo với cha mẹ đã khiến em luôn nung nấu trong mình một suy nghĩ phải có cách gì đó để giúp bố mẹ dỡ nhọc nhằn. Từ đó, em hình thành ý tưởng sáng tạo “Robot phun thuốc trừ sâu” chạy bằng bánh xích. Em nghĩ bánh xích có thể leo lên đồi dốc, các mắt xích bám đất sẽ giữ xe không thể bị trôi dốc. Mặt khác, “Robot phun thuốc trừ sâu” có thể đi trên bờ ruộng, di chuyển trên mọi địa hình và phun được thuốc lên cây cao, giúp người lao động tránh được độc hại khi phun thuốc.
Tác giả thuyết minh về “Robot dọn vệ sinh môi trường” trước Ban Giám khảo Cuộc thi.
Em bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình bằng cách đi thu gom tất cả những đồ phế thải như các thanh sắt, ống nhựa, cần phun thuốc, mô tơ, dây cáp điện, dây cu roa , ắc quy, trục quay, xích líp xe đạp, cánh quạt… rồi tiến hành lắp ráp. Sau gần một tháng, em đã lắp ráp thành công “Robot phun thuốc trừ sâu”. Bằng cách vận hành đơn giản, robot có thể di chuyển mọi chỗ, mọi nơi và dễ dàng nâng cần phun thuốc lên cao hoặc hạ xuống thấp, có thể điều khiển cần phun thuốc phun xa hoặc gần trong phạm vi nhất định. Đặc biệt, người điều khiển đứng sau hai cánh quạt gió của robot tránh được hơi thuốc sâu bay vào mặt mũi quần áo tránh bị nhiễm độc và đã ứng dụng phun thuốc trừ sâu cho vườn vải nhà mình.
Không dừng lại ở đó, Thịnh lại nảy sinh ý tưởng sáng chế “Robot dọn vệ sinh môi trường”. Thịnh nói với tôi, hằng ngày, em phải đi trên con đường đầy bụi bặm, nhất là khu vực dân cư sinh sống có rất nhiều rác thải bừa bãi, điều đó không những ảnh hưởng đến sức khoẻ mọi người mà còn làm mất mĩ quan đường phố… Em chế tạo ra “Robot dọn vệ sinh môi trường” giúp tiết kiệm sức lao động cho con người, giúp người gom rác không phải trực tiếp tiếp xúc với các loại rác thải tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Mặt khác, robot do em sáng chế ngoài chức năng don vệ sinh còn có chức năng phun tưới nước lên mặt đường cho khỏi bụi, đặc biệt nếu xảy ra hoả hoạn thì có thể phun nước dập tắt đám cháy, ngoài ra nó có thể di chuyển đồ vật từ chỗ này đến chỗ khác một cách rễ dàng. Robot dọn vệ sinh có thể tiến, lùi, quay trái , phải, kéo, hạ băng chuyền, gắp rác thải và đồ vật một cách dễ dàng.
Tiếp xúc trò chuyện với Thịnh, tôi thật sự khâm phục ý tưởng táo bạo và niềm đam mê sáng tạo của em. Năm 2011, tại Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Bắc Giang lần thứ VII, Thịnh đã đoạt giải Nhì với “Máy cần trục liên hoàn” và giải Ba với “Robot dọn vệ sinh môi trường”. Không bằng lòng với những thành tích năm 2011, Thịnh đã quyết tâm sáng chế Robot dọn vệ sinh môi trường với những tính năng vượt trội để tham dự Cuộc thi lần thứ VIII năm 2012.
Kết quả Cuộc thi lần thứ VIII, Nguyễn Đức Thịnh đoạt giải Nhì với mô hình “Robot phun thuốc trừ sâu” và giải Ba với mô hình “Robot dọn dẹp vệ sinh môi trường”.
Hai năm liền, mỗi năm hai ý tưởng sáng tạo độc đáo, Thịnh đã khiến cho các bạn cùng trang lứa và các tác giả cùng tham gia Cuộc thi sự mến mộ bởi ý trí nghị lực, sự thông minh và lòng say mê sáng tạo của mình. Thịnh nói đây là dịp em được thể hiện ý tưởng của mình cho đông đảo các bạn trẻ được biết để có thể đón nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho ý tưởng hoàn thiện hơn, để một ngày không xa ý tưởng của em được ứng dụng rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh, giảm tải được sức lao động cho bà con nông dân và giữ gìn môi trường sạch đẹp.