Cậu học trò trường Phan và phát minh đạt giải Sáng tạo trẻ toàn quốc
Ngay từ khi còn nhỏ, cậu học sinh chuyên Lý Bùi Anh Quân đã có sở thích tự mày mò, lắp ráp, thiết kế mô hình. Năm lớp 4, với chiếc môtơ lấy được từ một mẫu ôtô đồ chơi, Quân làm ra sản phẩm đầu tiên là chiếc máy chế biến thức ăn cho cá. Giờ nghĩ lại, có lẽ những trò đùa nghịch ấu thơ ấy chính là bước khởi đầu cho những đam mê sáng tạo của em sau này.
Nói về cơ duyên đến với cuộc thi, Quân cho biết, khi nhà trường phát động, em không có ý định tham gia vì muốn tập trung cho việc học. Cho đến tuần cuối cùng, khi các bạn cùng lớp đã hoàn thành xong sản phẩm và nộp lên ban tổ chức thì Quân mới quyết định “nhập cuộc”.
Ý tưởng đến với em thật tình cờ, trong lần cùng dượng lên tham quan Nhà máy mía đường Sông Lam ở xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn chứng kiến những đống bã mía thải ra sau khi sử dụng vừa lãng phí, vừa ô nhiễm môi trường, Quân quyết định nghiên cứu cách thức tái chế nguyên liệu này thành một sản phẩm có ích hơn cho xã hội. Ý tưởng “Tái chế bã mía làm gỗ ép” ra đời từ đó.
Mô hình tái chế của Quân có quy trình hoạt động khá đơn giản. Bã mía sau khi nghiền nhỏ sẽ được trộn với nước ấm ở nhiệt độ 60 - 750C, cho quay li tâm để bắn hết nước và đường còn sót lại rồi đem sấy khô, ép thành gỗ. Các dụng cụ là máy nghiền trộn, máy quay li tâm, máy sấy Quân đều tự mình thiết kế. Quân dùng sẵn chiếc máy xay sinh tố ở nhà, gắn thêm rơle và thanh đun nhiệt trong túi sưởi để tạo thành chiếc máy nghiền trộn. Còn với máy sấy, em nhờ bố mua một chiếc quạt sưởi rồi về thiết kế thêm tấm lưới ở trên.
Tuy nhiên, từ ý tưởng đến mô hình là một quá trình dài đầy thử thách. Do kiến thức cũng như kinh nghiệm chưa nhiều nên trước khi cán đích, Quân đã phải trải qua không ít lần thất bại. Từ việc chia sai tỉ lệ hay nghiền bã mía chưa đủ nhỏ để tạo độ kết dính, cứ mỗi lần làm sai như thế, em lại càng quyết tâm và kiên trì hơn để thành công.
Để khắc phục những khó khăn đó, Quân cùng thầy giáo hướng dẫn Mai Văn Quyền đến tận Khu công nghiệp Nam Cấm (Nghi Lộc) tìm hiểu cách thức sản xuất gỗ ép. Cùng với những kiến thức thực tiễn quý giá, Quân còn lên mạng tìm kiếm thêm thông tin và tham khảo các thí nghiệm đi trước.
Phải mất gần 3 tháng sau đó, em mới hoàn thành sản phẩm của mình. Khi đưa vào thử nghiệm, sản phẩm đã thể hiện rõ tính ưu việt của nó. So với gỗ ép thông thường, sản phẩm của Quân có tính chống chịu hơn và không thấm nước. Quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, không sử dụng hóa chất độc hại, nguyên liệu đơn giản, dễ tìm, giá thành rẻ.
Ấn tượng nhất là trước khi đến với giải Sáng tạo trẻ toàn quốc, đề tài của Quân đã gặt hái được thành công ở nhiều cuộc thi như giải Nhất cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng tỉnh Nghệ An và giải Nhì cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật các trường THPT cấp quốc gia tổ chức tại Vĩnh Phúc.
Nói về cậu học trò cưng Bùi Anh Quân, thầy Mai Văn Quyền, giáo viên hướng dẫn cậu tự hào chia sẻ: “Quân là một học sinh thông minh, làm việc nghiêm túc và chín chắn. Đặc biệt, đức tính kiên trì, không bao giờ bỏ cuộc chính là yếu tố giúp em có được thành công như hôm nay”.
Với thành tích đã đạt được, Quân sẽ có cơ hội tuyển thẳng vào tất cả các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Khi được hỏi về ước mơ sau này, Quân chia sẻ mong muốn sẽ trở thành một chiến sĩ Công an như bố hoặc theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Cùng chúc cho Bùi Anh Quân, cậu học sinh tài năng của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu sẽ sớm hoàn thành được ước mơ của mình và có thêm nhiều phát minh hữu ích, phục vụ cho cuộc sống của mình và nhiều người khác trong tương lai.