Cậu học sinh đam mê sáng tạo
Phần mềm dành cho người khuyết tật
Sinh ra trong một gia đình thuần nông. Cả bố lẫn mẹ đều là nông dân. Tuy nhiên, Đậu Bá Kiên luôn học rất giỏi nhiều năm liền, đặc biệt Kiên rất mê tin học. Đam mê tin học từ năm lớp 6, ngoài giờ học Kiên thường miệt mài với chiếc máy tính rồi làm ra các mô hình để thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo của mình. Với em, gần như ngoài việc học ra em chỉ có niềm vui thích duy nhất với những thao tác trên máy, những phút thư giãn hiếm hoi của em cũng chính là thời gian suy nghĩ tìm ý tưởng mới để sáng tạo.
Ông Đậu Bá Cẩn (bố của Kiên) cho biết: Dù nhà không khá giả gì nhưng tôi vẫn tạo điều kiện cho cháu thỏa sức đam mê sáng tạo. Cháu nó rất ngoan, đặc biệt từ khi học lớp 6 đến giờ, cháu đã biết nghiên cứu phần mềm tin học. Mỗi lần cháu nó đi học về, chưa kịp ăn cơm là liền ngồi vào chiếc máy vi tính, mày mò nghiên cứu. Đến khi biết cháu đã tự tìm tòi phương pháp sử dụng công nghệ dành cho người khuyết tật thì quả tôi cũng bất ngờ, đương nhiên cháu cũng nhận được sự giúp đỡ của thầy cô bạn bè cháu, nhưng tôi cho đây là một sự sáng tạo.
Ngay khi Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ V được phát động, Kiên đã đăng ký đề tài và miệt mài thực hiện ý tưởng. Sau 10 ngày mày mò, tự mình tìm hiểu tài liệu, em đã viết thành công “Phần mềm KF Mouse - giải pháp công nghệ dành cho người khuyết tật”.
“Em thấy một số người khuyết tật không sử dụng được hoặc sử dụng rất khó khăn khi làm việc với máy tính, chính vì thế mà em nghĩ ra phần mềm này để giúp đỡ mọi người” - Kiên nói.
Sản phẩm này đã gây ấn tượng mạnh với nhiều người bởi ngoài khả năng ứng dụng thực tế, phần mềm còn mang tính nhân văn cao do sáng tạo này giúp người khuyết tật không còn đôi tay sử dụng được máy tính ở mức độ đơn giản. Để có được thành công đó, Kiên phải tự dịch những tư liệu của nước ngoài, việc làm này vượt quá khả năng một học sinh. Chính vì vậy, sản phẩm này là thành quả đạt được bằng công sức, niềm say mê của cậu học trò 16 tuổi khi tự mày mò để thực hiện ý tưởng của mình.
KF Mouse là một phần mềm miễn phí, được thiết kế hỗ trợ cho những người khuyết tật có thể làm việc với máy tính một cách dễ dàng và bình thường. Điểm đặc biệt ở phần mềm này là Kiên đã sử dụng thành công thư viện mã nguồn mở OpenCV và các ngôn ngữ lập trình C++ và C# để hoàn thiện thuật toán và giao diện của phần mềm. Phần mềm sử dụng việc nhận diện con mắt của người dùng máy tính dựa vào việc chớp mắt và kích thước của mắt, sau đó dựa vào tọa độ so sánh với màn hình giúp cho việc điều khiển chuột dễ dàng.
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, Kiên chia sẻ: “Em vẫn chưa hài lòng lắm với phần mềm này nên sau khi ổn định việc học, em sẽ tiếp tục hoàn thiện phần mềm với nhiều chức năng hơn như có thể đo cảm xúc của người dùng để máy có thể đưa ra những câu chia sẻ hay chúc mừng khi cần”. Sản phẩm của Kiên đã đoạt Huy chương bạc tại Cuộc thi - Triển lãm Sáng tạo khoa học công nghệ trẻ Quốc tế (IEYI) lần thứ 9 - 2013 diễn ra tại KualaLumpur - Malaysia.
Phần mềm chấm bài thi trắc nghiệm
Theo Kiên, hiện nay các trường học đặc biệt là trường đại học có nhiều môn thi dưới hình thức trắc nghiệm. Việc chấm bài thi trắc nghiệm chủ yếu là thủ công do đó sẽ mất nhiều thời gian, cần nhiều giám khải và dễ gây sai sót trong quá trình chấm, cũng như khó khăn trong việc cập nhật và tiềm phần chấm sai. Bên cạnh đóm các thiết bị và phần mềm hỗ trợ chấm bài thị trắc nghiệm hiện nay còn khá đắt và khó lưu động vì kích thước to, không phải trường học nào cũng có điều kiện trang bị được.
Xuất phát từ những khó khăn đó nên Kiên đã có ý tưởng xây dựng phần mềm chấm trắc nghiệm bằng phương pháp xử lý ảnh được ra đời với mong muôn giúp cho thầy cô chấm các bài trắc nghiệm nhanh hơn, giảm chi phí so với việc mua máy, cũng như có kết quả chấm chính xác.
Kiên chia sẻ: “Phần mềm được viết bằng ngôn ngữ lập trình C#, sử dụng thư viện xử lý ảnh Aforge với kích thước khá nhỏ gọn, giao diện phần mềm khoa học và dễ dàng sử dụng”. Phần mềm gồm 3 phần: nhập đáp án, nghĩa là đáp án có thể được chụp từ một đề cho trước hoặc là bằng file excel, có thể chia thành nhiều mã đề khác nhau để chấm, trong đó, file excel chưa mã đề và đáp án; nhập bài làm, bài được chụp bằng máy ảnh hoặc điện thoại thông thường, tối đa có 100 câu và bài làm có ghi mã đề để so sánh, cũng như mã học sinh để phân biệt bài làm giữa các học sinh; chấm bài, dựa vào đáp án cho trước và bài làm để xuất ra kết quả dưới dạng file excel, file này có thể được xử lý để đưa lên website hoắc các trang nhập điểm.
Như vậy, với sản phẩm này đã đạt giải Nhất trong Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Bình Phước lần thứ VI (2014).
Box: Những năm qua,e m Đậu Bá Kiên đã tham gia Cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng và Cuộc thi tin học trẻ Bình Phước từ năm học lớp 6 đã đạt 21 giải thưởng; trong đó có 02 giải đặc biệt và 4 giải nhất cấp tỉnh; giải nhất, nhì và ba toàn quốc; 02 lần tham gia Cuộc thi và Triển lãm sáng tạo khoa học công nghệ trẻ Châu Á tại Malaysia đều đạt giải nhì - Huy chương bạc.