Câu chuyện vắc xin Sabin năm xưa
1957 - 1958. Ngày đó phân nửa đất nước mới được giải phóng ba bốn năm. Khó khăn thiếu thốn đủ mọi bề nhưng toàn dân đang phấn khởi ra sức hàn gắn vết thương chíên tranh, trong kế hoach “3 năm phục hồi kinh tế văn hoá”.
Một vụ dịch lớn sảy ra. Bệnh bại liệt đang gây tử vong hàng trăm trẻ em ở Hà Nội và một số tỉnh, làm cho tất cả gia đình có con nhỏ đều hoang mang lo sợ. Phải bằng mọi cách chặn đứng cơn dịch, và phòng bệnh lâu dài. Lúc bấy giờ trên thế giới đã có vắc xin Salk dạng tiêm hiệu quả cũng chưa thật cao, mà khó khăn lớn của ta là không có ngoại tệ để nhập và cũng không nhập được từ Mỹ.
Một số thông tin quan trọng:Liên Xô đã thành công trong việc nghiên cứu và chế tạo vacxin Sabin, một vacxin mới dạng uống và có hiệu quả cao. Hơn nữa, việc sản xuất vacxin này dựa trên phương pháp cấy siêu vi trên thận khỉ, loại Maccacus Rhesus mà may thay có ở nước ta. Sáng kiến táo bạo của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Y tế đã được Bác sĩ Bộ trưởng Hoàng Tích Trý, một chuyên gia hàng đầu về vi trùng học, đồng tình và ủng hộ: cử chuyên gia trẻ Tiến sĩ Hoàng Thuỷ Nguyên lập tức sang Liên Xô học sản xuất vắc xin Sabin. Chỉ mấy tháng sau, trở về nước,Tiến sĩ Hoàng Thuỷ Nguyên cùng ê kíp của Anh đã khắc phục mọi khó khăn về phương tiện kỹ thuật và đã ra đời mẻ vắc xin đầu tiên.
Có gì đảm bảo những liều vắc xin này đạt tiêu chuẩn? Sản phẩm đầu tay này nhanh chóng được mang sang Liên Xô nhờ kiểm định. Từ đội ngũ kỹ thuật, đến Bộ trưởng, Thứ trưởng và cả cán bộ các Vụ, Cục ở Bộ hồi hộp nóng lòng chờ đợi. Vô cùng mừng thay, phía Liên Xô trả lời và khen ngợi: tuyệt đối.
Đã chuẩn bị sẵn, việc sản xuất được xúc tiến ngay. Và nhờ đó, hàng vạn trẻ em được “uống” vắc xin, thoát khỏi tử vong, mà nếu còn sống thì tàn tật suốt đời. Các gia đình cũng thoát khỏi cơn ác mộng.
Một bài toán hóc búa đã được đặt ra. Tại Hà Nội thì khá dễ, có thể cho trẻ uống ngay lập tức khi vắc xin được mang đến. Còn ở các tỉnh xa, làm sao để vận chuyển và bảo quản vắc xin, luôn phải được giữ ở nhiệt độ (0 0). Một sáng kiến nảy ra, được áp dụng ngay tại Thanh Hoá. Theo chỉ định của Bộ, Viện ấn định với Ty Y tế (lúc đó chưa gọi là Sở) ngày cho uống vắc xin toàn tỉnh, với một lịch nghiêm ngặt. Sau 4 giờ ở Hà Nội đến tỉnh lỵ (160km), vắc xin được đựng trong thùng nước đá đã được chuyển đến Ty Y tế. Ở đó cán bộ y tế các huyện đã được triệu tập chờ sẵn, với thùng nước nhỏ hơn. Lập tức vắc xin được phân phối sang thùng nhỏ mới, và từ đó xe cứu thương mang về huyện lỵ. Tại đây cán bộ y tế xã đã túc trực từ một giờ trước với phích nước đá, và nhận phần vắc xin được chia. Tuỳ địa bàn xa hay gần, vắc xin đến xã sau 3-5 giờ sau đó. Do được báo trước, trẻ em ở các xã, các xóm đã được triệu tập và gần như tất cả các em đều được uống vắc xin phòng bại liệt Sabin ngay trong ngày.
Những năm sau đó, tuy bệnh bại liệt chưa phải được thanh toán trên miền Bắc nước ta, nhưng rõ ràng bệnh đã bị đẩy lủi, rất xa.Nhân dân không còn trong cảnh hãi hùng.
Cần nói thêm là để có đủ khi đáp ứng sản xuất trong nước, và còn xuất sang Liên Xô, Viện Vệ sinh Dịch tễ lại có sáng kiến nuôi khỉ trên một hòn đảo riêng biệt, Hòn Rều, dược gọi là Đảo Khỉ, ngoài Vịnh Cẩm Phả (Hạ Long). Chính đồng chí Thiệt, trưởng phòng quản trị của Viện đã nghiên cứu thực hiện công trình này.
Từ các sự kiện trên đây, mấy bài học đã được rút ra:
- Theo Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, đường lối y tế cách mạng là trong điều kiện của nước ta, phải biết ứng dụng những thành tựu mới nhất của khoa học tiên tiến trên thế giới, không riêng về vệ sinh phòng dịch, mà về mọi mặt của lĩnh vực bảo vệ sức khoẻ;
- Dù gặp muôn vàn khó khăn, nhưng có sự tập trung ý chí và trí tuệ của đông đảo cán bộ và nhân dân, cộng với sự chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy tắc, các công tác sẽ được hoàn thành đầy đủ, đã chu đáo lại an toàn;
- Không nên nệ khó khăn mà buông lơi các yêu cầu kỹ thuật. Nếu buông lơi thì mục tiêu sẽ không đạt được (mà hậu quả cũng khó lường).
Tưởng câu chuyện về vắc xin năm xưa, soi rọi vào tình hình Prorixvừa qua, chắc giúp chúng ta suy ngẫm.