Cau Cao Nhân cao giá: Cây kinh tế mũi nhọn của Thuỷ Nguyên
Đến xã Cao Nhân (huyện Thuỷ Nguyên, Tp Hải Phòng) những ngày đầu thu, nhìn những chiếc xe thồ chở đầy cau tươi trên đường làng đã cho chúng tôi cảm nhận được nơi đây là vùng đất trời phú cho nghề trồng cau. Theo lời các bậc cao niên, đất Cao Nhân vốn tơi xốp, đậm phù sa, điều kiện tự nhiên về nguồn nước tốt, rất thích ứng cho cây cau sinh trưởng.
Cau hồi sinh từ đổi mới
Cũng không còn nhớ rõ cau Cao Nhân có tự bao giờ, ông Hoàng Văn Thắng - chủ tịch UBND xã Cao Nhân cho biết: “Toàn xã có 2.560 hộ dân thì phần lớn đều trồng cau. Mỗi năm, cau cho một vụ, mỗi vụ thu hoạch khoảng từ 300 ngàn đến 3 triệu đồng/cây/năm. Trung bình mỗi hộ có từ 30 đến 70 cây, thu nhập mỗi năm cũng khoảng 45 triệu đồng trở lên”.
Trước đây, Hải Phòng chỉ có 2 nơi nổi tiếng về trồng cau là xã Cao Nhân (Thuỷ Nguyên) và Đằng Hải (Hải An). Do không có đầu ra, giá cau lại rẻ, mức độ tiêu thụ chỉ theo mùa vụ nên cây cau gần như không có tiếng tăm gì trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn,bấp bênh. Đã có lúc, dân Cao Nhân không sống được bằng nghề trồng cau, đành bỏ làng đi tìm kế mưu sinh. Tuy nhiên, cứ mỗi vụ cau về, người dân rời làng lại quay trở về hái cau, thu gom mang sang tỉnh xa bán cũng là cách để giữ lấy truyền thồng nghề. So với những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống người dân ở Cao Nhân đã khá lên rất nhiều. Các thôn Thái Lai, Nhân Lý, ai ai cũng đua nhau trồng cau, làm kinh tế vườn. Cây cau lâu nay vốn chỉ đơn thuần trồng đem bán cho người tiêu dùng vào việc cúng tế, lễ lạt ở quê, nay bỗng hồi sinh trở thành nguồn thu nhập chính cho mỗi gia đình. Diện tích trồng cau của Cao Nhân được mở rộng gấp đôi từ 100 đến 200 ha so với trước. Nhiều người dân xa quê bấy lâu nay cũng đã quay về trồng cau với ước vọng làm giàu trên chính quê hương mình. Cau Cao Nhân bước vào thời kỳ hưng thịnh kể từ đó.
Nghe tiếng cau ở đây chất lượng tốt, giá rẻ, sản lượng lớn, nhiều đoàn thương gia Trung Quốc đã tìm đến Cao Nhân hỏi đặt mua cau. Người dân Cao Nhân vui mừng vì có cơ hội sống tiếp với nghề cha ông để lại. Cau Cao Nhân bỗng trở lên đắt giá. Nếu trước đây, cau chỉ tính quả để bán thì nay bán theo cân. Mỗi cân cau có giá từ 3 đến 5 ngàn đồng. Cau Ông chủ (loại cau non) dùng làm kẹo có giá trung bình 300 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng/cây/năm. Đối với cau đẹp dùng để cưới xin, lễ lạt cho thu hoach 3 triệu đồng/cây/năm. Ban đầu, cau tươi được tập trung vận chuyển qua biên giới xuất cho bạn hàng. Sau do thời gian vận chuyển quá dài, đường sá không thuận lợi, bảo quản không đúng qui cách, cau bị đỏ quả, chất lượng giảm sút. Để khắc phục tình trạng trên, phía đối tác đã chuyển giao công nghệ, tiến hành sơ chế cau (luộc, hấp, sấy...) ngay tại địa phương. Cung không đủ cầu, đơn đặt hàng ngày càng nhiều trong khi cau Cao Nhân không đáp ứng hết, bởi nếu so với cau ở các vùng khác, chất lượng cau Cao Nhân trội hơn hẳn: thơm ngon, ngọt, đậm nước, đậu quả đúng vụ giáp Tết. Dân buôn cau Cao Nhân đành phải đi lùng mua cau ở một số nơi khác. Cao Nhân trở thành trung tâm sơ chế, xuất khẩu cau ra nước ngoài.
Phát triển du lịch sinh thái
Tiềm năng, giá trị kinh tế đối với đời sống người dân xã Cao Nhân đã và đang được khẳng định. Nắm bắt được hiệu quả ấy, UBND huyện Thuỷ Nguyên và xã Cao Nhân xác định đây là kinh tế mũi nhọn chính của địa phương. Nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực giúp cây cau đứng vững đã được triển khai, xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích cây trồng, đầu tư kỹ thuật chăm sóc, cải tạo thường xuyên đất màu, tìm kiếm giống cau mới, chất lượng cao...
Đối với mỗi sản phẩm, ngành nghề, thị trường tiêu thụ luôn là bài toán khó. Song với cau Cao Nhân, đầu ra cho sản phẩm tương đối ổn định, thuận lợi. Tuy nhiên vấn đề đặt ra, làm sao giữ được thương hiệu cau và nguồn sản phẩm? Nếu chỉ tính tới lợi nhuận trước mắt mà quên việc mở rộng, khai thác gía trị vốn có của cây cau đối với đời sống tinh thần con người thì thật lãng phí! Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân ở thôn Thái Lai bộc bạch về những lo lắng cho cau Cao Nhân trong tương lai khi nguồn tiêu thụ sản phẩm sơ chế không bền vững, mang tính giai đoạn này. Cũng có nhiều người tâm huyết với cây cau Cao Nhân, luôn trăn trở tìm hướng đi mới để tiếp tục khẳng định thương hiệu của cau làng mình. Ông Thắng, Chủ tịch xã hồ hởi: cây cau ở Cao Nhân không chỉ là nghề truyền thống giúp phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của nhân dân mà còn là nét đẹp văn hoá truyền thống của nông thôn Hải Phòng. Bên cạnh việc thu hoạch sản phẩm cau, chúng tôi cũng đang xúc tiến biến đất cau Cao Nhân thành vùng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lý tưởng ở Hải Phòng”. Quả thật, có về vùng cau Cao Nhân mới thấy hết được nét đẹp yên bình thư thái của nơi thôn dã. Các tour du lịch nội đô, du khảo đồng quê, du lịch sông Giá... đều coi Cao Nhân là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách với những thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất Thuỷ Nguyên: di chỉ Tràng Kênh, Hang Lương, đền thờ Trần Quốc Bảo, chùa Mỹ Cụ...
Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam - No.198 [ 2006-10-04 ]