Cậu bé nhặt banh và... Einstein
“Chỉ cần một cái điện thoại, chế biến một tí xíu là thành cái khóa cửa ngay. Đầu tiên là nối nguồn điện của máy với một nam châm điện. Sau đó là thiết kế một thanh sắt làm chốt cửa. Rồi, bây giờ phải đăng ký dịch vụ chỉ nhận cuộc gọi từ một hoặc vài số nhất định của người trong nhà. Như vậy khi gọi vào số của cái khóa cửa thì nó sẽ nạp điện cho nam châm, hút thanh sắt về phía mình và... xin mời vào”. Đó là ý tưởng mà Lâm “khuyến mãi” cho chúng tôi sau khi giới thiệu sản phẩm kính hiển vi của mình.
“Nguyên lý của cái kính này là xem ngược, cái tiêu bản phải để sát vào mắt, chiếu đèn xe máy cách chừng 5m và chỉnh độ gần xa của cái kính lúp để thấy rõ nhất” - vừa nói cậu bé vừa thoăn thoắt tháo lắp những đoạn... ống nước nhựa và chiếc kính lúp dành cho trẻ em.
Một anh bạn nghiên cứu về quang học cầm cái kính và... ngưỡng mộ: “Một hiện tượng quang học bình thường thôi, nhưng chưa ai làm như thế cả. Kể cũng thú vị”. Lâm bảo cậu ta đã mang cái kính hiển vi của mình đến chào hàng ở tiệm chuyên doanh nhưng đi đến đâu cũng bị từ chối vì “giống đồ chơi trẻ con quá...”.
Hai năm trước, mẹ con Mai Sỹ Xuân Lâm từ Sa Đéc, Đồng Tháp khăn gói lên TP. Hồ Chí Minh. Học hết lớp 12 trường bổ túc văn hóa, Lâm xin được một chân nhặt banh cho sân tennis nằm trong bệnh viện quân đội. Từ sáng đến khuya, trong khi đôi chân đuổi theo những quả bóng lăn thì đầu óc cậu bé lại vướng bận những chuyện rất vĩ mô. “Em cũng không biết sao nữa, mẹ nói em khùng, mấy chú trong sân banh cũng nói em khùng khi nghe những ý tưởng của em... Nhưng em tin là có ngày em sẽ trở thành nhà phát minh”.
Và Lâm bắt đầu hành trình trở thành nhà phát minh bằng việc... nhịn ăn. “Chỉ cần 2.000 đồng là có thể vô mạng đọc tin được hơn nửa tiếng, đủ để biết chuyện thế giới đang diễn ra như thế nào”, Lâm kể vanh vách những website chuyên đề mà mình hay xem. Nhưng cứ nhịn ăn để vô mạng và suy nghĩ thì không còn sức để... nhặt banh và sáng tạo, Lâm xin vào làm ở một tiệm Internet gần nhà cho tiện việc... nghiên cứu. Cậu trai 18 tuổi này chấp nhận “cày” mọi thứ, từ việc giữ xe cho khách, lau chùi máy đến nhiều việc không tên khác...
“Đọc xong bài báo “Thông khùng và vũ trụ” là em tìm anh Thông khùng liền, hai anh em trao đổi nhiều thứ lắm. Em mong ngày anh Thông bay vào vũ trụ cũng là ngày em trở thành một nhà phát minh như Einstein”, Lâm đẩy cặp kính cận lên, cười hiền lành mà mắt ánh lên niềm đam mê khó tả...
Nguồn:www.tuoitre.com.vn ngày 7/7/2004