Cặp “Hai Lúa” cùng ý tưởng
Từ bản vẽ trên nền đất...
Thành lập công ty với số vốn đăng ký kinh doanh 4 tỉ đồng ngay đầu năm mới là ước mơ ngoài hiện thực của 2 nông dân miệt Đồng Tháp Mười - Tô Hồng Quân và Đặng Văn Tiễn, bởi hiện tại họ vẫn ở trong căn nhà cấp 4. Nguồn vốn thành lập công ty do người bạn cũ của anh Quân hồi còn học đại học đầu tư 3 tỉ đồng, phần còn lại là vốn của anh và anh Tiễn.
- Nợ thế chấp căn nhà của mẹ anh Quân ở thị trấn Mộc Hóa vẫn chưa trả cho ngân hàng. Hai anh lại vay nợ tiếp để lập công ty?- tôi chân tình hỏi.
Anh Tiễn cười xòa:
- Tụi này đã chuẩn bị trả nợ ngân hàng, còn vốn 1 tỉ đồng là tiền định giá sở hữu trí tuệ sản phẩm của tụi tui tạo ra. Bạn bè tin tưởng nhau nên định giá vậy. Quân được bổ nhiệm làm giám đốc công ty, Tấn (bạn Quân) giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, còn tui thì phụ trách kỹ thuật.
Cả hai anh cùng khởi nghiệp ở tuổi 43. Cách đây 5 năm, họ cùng nhau phác thảo bản vẽ mô phỏng công cụ sạ tỉa trên nền đất nhà anh Quân. Ý tưởng gặp nhau và họ gắn kết cùng “đồng cam cộng khổ” vượt lên khó khăn về kinh tế. Trong thời gian đó, người dựa vào đồng lương của vợ (anh Tiễn), người sống nhờ vào những đồng lời từ bán nước đá lẻ (anh Quân) và đôi khi họ trở thành “kẻ khùng” trước mắt mọi người, do vốn liếng chẳng bao nhiêu mà bày đặt làm chuyện lớn.
Đó là đầu năm 2000, khi xem chương trình thời sự các đài phát thanh- truyền hình ĐBSCL thường xuyên giới thiệu về giải pháp sạ lúa thành hàng. Sau khi quan sát và nghiên cứu cơ cấu vận hành của giải pháp này, Tô Hồng Quân đã phác thảo ý tưởng. Anh Quân cho biết: “Tôi nghĩ, nếu để hạt lúa rơi xuống đứt khoảng thì lúa sẽ phát triển trông giống như mình cấy tay mà nông dân trồng lúa đã làm lâu đời. Đây là giải pháp luôn đem lại năng suất vượt trội so với cách gieo trồng khác, nên ngày đêm nghiên cứu để thực hiện công cụ đó”. Cuối năm 2000, Quân đã phác thảo sơ bộ công cụ gieo hạt thành cụm và nguyên lý hoạt động cơ bản, nhưng anh không trồng lúa mà thu nhập chính của gia đình nhờ bán nước đá lẻ. Anh đem ý tưởng của mình trao đổi với anh Đặng Văn Tiễn- một người bạn từng làm ăn với mình.
Sau 5 phút trao đổi cùng bản vẽ trên nền đất, Quân đã thuyết phục được Tiễn. Cả hai bắt tay cùng thực hiện ước mơ... làm khoa học! Xuất thân từ nông dân, “tay ngang” nên cả hai đều không biết gì về cơ khí, chẳng có xưởng để thực hiện và phải đem “ý tưởng” năn nỉ các cơ sở cơ khí quen biết ở thị trấn Mộc Hóa cùng hợp tác sản xuất. Anh Quân nhớ lại: “Gần một tháng cật lực làm các bộ phận của hộp phân phối hạt, đạt một ít kết quả thì chủ cơ sở tuyên bố không hợp tác làm tiếp vì họ cho rằng giải pháp này khó thành công. Thanh toán chi phí và tìm đến cơ sở khác, nhưng họ đều từ chối. Đứng trước khó khăn đó, chúng tôi bạo gan lấy số tiền dành dụm, vay nóng để mua máy tiện, khoan... về tiếp tục gia công”. Gần 40 triệu đồng làm vốn là tài sản rất lớn đối với họ. Rồi chưa từng thao tác trên máy cơ khí, nên phải mất gần 1 năm tự mày mò cách sử dụng và “thực hành song” trên máy, đến cuối năm 2001 chiếc máy đầu tiên mới ra lò.
Đến chiếc máy đầu tiên hiện thực khi chiếc máy đầu tiên hoàn thành. Rồi họ tiếp tục đau đầu với bài toán “đất thử nghiệm” (cả hai đều không có làm ruộng) và tiếp tục nhờ vả một người bạn cho mượn 3 công đất ở thị trấn Mộc Hóa để kiểm chứng kết quả. Năng suất thu hoạch khá, nhưng còn một số nhược điểm như: trọng lượng máy nặng, bánh xe kéo cao... Qua nhiều lần cải tiến, thực nghiệm sống trên những miếng ruộng của người thân ở xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, mãi đến vụ đông xuân 2002-2003, năng suất đạt gần 7 tấn/ha, cả hai thở phào nhẹ nhõm. Anh Quân cho biết: “Lúc đó, chúng tôi mới thở phào vì công cụ đã có thể tồn tại trong thực tế sản xuất nông nghiệp, nhưng còn khuyết điểm: lúa vón cục trong quặng nhả hạt, nên số hạt gieo trong một nhúm không đồng đều và một số hạn chế trước đó chưa được khắc phục tối ưu. Chúng tôi tiếp tục cải tiến khắc phục”.
Để tránh nhược điểm “lúa vón cục” hầu như phải thay toàn bộ cấu trúc của công cụ. Anh Tiễn cho biết thêm: “Với yêu cầu này, chúng tôi phải tìm nhiều nguồn đầu tư, kể cả dùng căn nhà của mẹ ruột Quân đi thế chấp ngân hàng được 50 triệu đồng và vay ở ngoài 20 triệu. Cũng may, trong 6 tháng tiếp tục nghiên cứu, cùng với kinh nghiệm của các vị lão nông, chúng tôi đã thành công”. Sự kiên trì và khát khao thực hiện ước mơ làm khoa học của hai nông dân tận vùng sâu Đồng Tháp Mười đã được công nhận. Mặc dù nợ vay sản xuất vẫn chưa trả được, nhưng niềm đam mê sáng tạo đã thắp lên trong họ “ngọn lửa nghị lực” để tiếp tục bước tới...
Khát khao thực hiện ước mơ
Ông Tô Hồng Quân |
Tháng 7-2004, công cụ đạt mức hoàn chỉnh, lập hồ sơ và gởi đi dự thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Long An và đạt giải nhì hội thi. Quyền sở hữu trí tuệ của anh Tô Hồng Quân và Đặng Văn Tiễn trên máy sạ tỉa được sát lập với tỷ lệ 55- 45%. Nhớ lại những ngày cùng nghiên cứu, anh Tiễn cho biết: “Có những lúc chúng tôi cãi nhau kịch liệt, Nhưng cãi nhau để làm sao có sản phẩm tốt, chứ không vì tư lợi cá nhân. Gần 20 năm quen biết, tôi rất tôn trọng Quân và anh ấy cũng vậy”.
Quân dáng người thấp đậm, da bánh mật, Tiễn cao gầy- hình thức bên ngoài rất khác nhau, nhưng trùng nhau về ý tưởng. Hiện tại, một số doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, đặt vấn đề hợp tác làm ăn, họ bỏ vốn, hai anh bỏ công cùng bản quyền tác giả để sản xuất máy sạ tỉa, nhưng cả hai đều từ chối vì không muốn rời khỏi quê hương. Anh Tiễn bộc bạch: “Mộc Hóa là nơi chúng tôi lớn lên và từ bản vẽ trên nền đất Mộc Hóa này, chúng tôi mới có công cụ sạ tỉa hiện tại. Hơn nữa, tụi này muốn đóng góp chút sức của mình cho vùng Đồng Tháp Mười phát triển”. Tính đến đầu năm 2006, công cụ máy sạ tỉa đã được bán trên 60 cái đi các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Long An.
Mặc dù có cơ sở sản xuất máy sạ tỉa từ năm 2001, nhưng cả hai đều không muốn dừng lại. Quân có nhiệm vụ tìm đối tác, qua những chuyến mua nguyên liệu ở TP Hồ Chí Minh, anh hỏi thăm và tìm đến một số bạn bè hồi cùng học chung Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh). Và một người bạn (anh Tấn) cùng một đồng sự đã chấp nhận đầu tư vốn để thành lập công ty ở Mộc Hóa. Đó là thành công vượt ngoài sự mong đợi của họ. Việc thành lập công ty có vốn đầu tư là bàn đạp để họ tiếp tục hoàn thành sản phẩm với công nghệ cao hơn. Anh Tiễn cho biết: “Hướng tới, chúng tôi sẽ cơ giới máy sạ tỉa bằng sức kéo của máy động lực thay vì dùng sức người kéo như hiện tại. Rồi gắn thêm thiết bị trên máy để có thể vùi hạt cây trồng cạn (đậu nành, đậu xanh) xuống lòng đất và sản xuất thêm máy gom lúa, máy xếp dãy...”.
Từ ý tưởng dựa vào mô hình thang leo cây để tạo ra khung máy sạ tỉa và một số công cụ của máy công nghiệp để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh là cả một chặng đường đầy trắc trở. Song, họ đã vượt qua và biến ước mơ thành hiện thực. Cặp “Hai Lúa” của Đồng Tháp Mười giờ đã trở thành những ông chủ doanh nghiệp.
Nguồn: baocantho.com.vn ngày 17/1/2006