Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 31/12/2007 15:31 (GMT+7)

Cao Xuân Hạo - Nhà ngữ học lớn

1. Trong số những nhà nghiên cứu làm nên diện mạo của Việt ngữ học từ khi có nền đại học Việt Nam , phải kể đến tên tuổi của Cao Xuân Hạo. Từ năm 1956, khởi đầu là những bài giảng, bài báo về ngữ âm và âm vị học từ những năm 1980 trở đi, là những công trình về ngữ nghĩa và ngữ pháp tiếng Việt, Cao Xuân Hạo có những đóng góp vừa sâu sắc vừa bao quát đối với Việt ngữ học và trong một chừng mực nào đó, cả với ngữ học nói chung. Tiếng Việt - mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩalà tuyển tập phần lớn những thành tựu chủ yếu của Cao Xuân Hạo trong hơn 40 năm nghiên cứu; trong đó, có công trình chưa bao giờ xuất bản hay đã sửa chữa nhiều so với bản gốc. Đây là cuốn sách làm vinh dự cho nhà xuất bản. Không phải ngẫu nhiên mà nhà xuất bản Giáo dục chọn cuốn sách này làm một ấn phẩm kỉ niệm 20 năm ngày thành lập chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh.

2. Quả vậy, tuyển tập cho thấy ở nhiều vấn đề Việt ngữ học, Cao Xuân Hạo là người khai phá hoặc là người đầu tiên đặt lại vấn đề. Chẳng hạn bài “ Nhận xét về các nguyên âm của một phương ngữ ở tỉnh Quảng Nam” miên tả hiện tượng biến đổi toàn bộ các nguyên âm trong âm tiết có chung âm, một phát hiện lạ lùng đối với toàn thể khối ngôn ngữ vùng Đông Nam Á, vì theo A. G. Haudricourt ở khu vực này các hệ thống nguyên âm dù là của những ngôn ngữ khác nhau về nguồn gốc, tỏ ra rất bền vững. Chỉ đến Cao Xuân Hạo, với “ Một số biểu hiện của cách nhìn Âu châu đối với cấu trúc tiếng Việt”, mới có một sự phê phán quyết liệt sự phân biệt vô căn cứ động từ với tính từ như hai từ loại khác nhau, mới có việc nhận định trong tiếng Việt không có chủ ngữ/ vị ngữ như những khái niệm ngữ pháp, mà chỉ có sự phân biệt đề/ thuyết. Trước Cao Xuân Hạo đã có một Nguyễn Tài Cần - tiếp thu tinh thần của các nhà Đông phương học Liên Xô như Polivanov, Dragunov, Jakhontov - chủ trương trong tiếng Việt, tiếngcó một cương vị ngôn ngữ học thực sự, nhưng phải đến Cao Xuân Hạo với bài “Về cương vị ngôn ngữ học của “ tiếng””,thì vấn đề mới được bàn luận một cách thấu đáo trên bình diện lí thuyết cũng như bình diện thực tiễn, nhờ phát huy thành tựu của người đi trước. Trước Cao Xuân Hạo, có gần một chục giải pháp âm vị học cho các nguyên âm hẹp của tiếng Việt, nhưng phải đến Cao Xuân Hạo với hai bài “ Về cách phân tích âm vị học một số vận mẫu có nguyên âm ngắn trong tiếng Việt” và “ Thêm mấy giải pháp âm vị học cho các vận mẫu có nguyên âm ngắn của tiếng Việt”, thì mới có một sự phân tích hiển ngôn, rõ ràng và cặn kẽ ưu và khuyết điểm của từng giải pháp một, để rồi từ đó, tác giả đề xuất giải pháp của mình. Đã có không ít tác giả bàn đến trọng trong tiếng Việt, nhưng phải đển bài “ Trọng âm và các quan hệ ngữ pháp trong tiếng Việt” (1978) của Cao Xuân Hạo thì lần đầu tiên trọng âm tiếng Việt mới được phân tích kĩ lưỡng và giới nghiên cứu mới nhận thức trọng âm như một “tiêu chí hình thức” để nhận diện một loạt các quan hệ ngữ pháp trong tiếng Việt và hai mươi năm sau những nhận định của Cao Xuân Hạo hoàn toàn được xác nhận khi kiểm nghiệm bằng những phương tiện hiện đại. Như thế là bên cạnh các tiêu chí thuộc về trục kết hợp (syntagmatic), Cao Xuân Hạo hiến cho giới nghiên cứu cả những tiêu chí thuộc trục đối vị (paradigmatic), vốn rất ít được chú ý. Điều quan trọng là Cao Xuân Hạo đã hé cho thấy trọng âm có thể là một thử thách sinh tử đối với tính vững chắc của một số quan niệm ngữ pháp trong tiếng Việt.

Với tuyển tập này, người ta có dịp thấy rõ một loạt khái niệm quan trọng nhất, làm thành bộ công cụ phân tích của Việt ngữ học như âm vị, thanh điệu, âm tiết, trọng âm, hình vị, từ, ngữ, chủ vị, chính phụ, đẳng lập, tình thái, loại từ, động từ, tính từ, danh từ…. đến Cao Xuân Hạo đã không thể giữ nguyên như trước được nữa. Đóng góp của Cao Xuân Hạo đối với Việt ngữ học quả thật to lớn.

3. Cao Xuân Hạo thuộc vào số rất ít nhà ngữ học Việt Nam vượt lên khỏi cái địa vị thuần tuý cung cấp tư liệu minh hoạ cho các lí thuyết ngữ học của phương Tây, để đĩnh đạc tranh luận với giới ngữ học quốc tế. Bài “ Vấn đề âm vị trong tiếng Việt”, tuy ngắn nhưng đủ sức lật nhào định nghĩa quen thuộc về âm vị như một “tổng thể các đặc trưng thoả đáng được thực hiện đồng thời” (André Martinet, La description phonoligique, avec application au parler franco - provencal d’Hauteville (Savoie),Genève: Droz, 1956, tr 40), trên cơ sở chỉ rõ tính chất phi chức năng của tiêu chí đồng thời, được du nhập một cách trái phép vào định nghĩa âm vị; từ đó cho thấy âm vị học hiện đại không hề là một khoa học phổ quát như người ta nhầm tưởng, mà chỉ phản ánh thực tế của các ngôn ngữ châu Âu mà thôi. (Sau này, Cao Xuân Hạo phát triển các luận điểm trong bài báo này thành một công trình hơn 300 trang, viết bằng tiếng Pháp, do Hội Ngôn ngữ học và Nhân loại học Pháp quốc (SELAF) xuất bản với nhan đề Phonologie et linéarité: réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine,1985. Hai bài “ Chiết đoạn và siêu đoạn trong ngôn ngữ học phương Tây và trong tiếng Việt” và “ Nguyên lí ‘tuyến tính của năng biểutrong âm vị học” là trích dịch từ cuốn sách này). Chứng minh của Cao Xuân Hạo là một cú sốc cho giới chuyên môn, đến nỗi Jean - Pierre Chambon khi điểm bài báo trên, phải thốt lên những lời nồng nhiệt sau đây: “Có lẽ chính cái hướng do Cao Xuân Hạo chỉ ra - chứ không phải hướng của ngữ pháp tạo sinh cải biến - mới thật là cái hướng mà ta phải theo để tìm đến một cuộc cách mạng Copernic thực sự của ngữ học hiện đại” ( Revue des langues romanes,tome LXXXII. No. 1978 fasc. 1. pp. 205 - 210).

Làm được điều đó, đã đành là phải hiểu rất sâu thành tựu của ngữ học hiện đại, nhưng quan trọng không kém, là nhờ Cao Xuân Hạo bám rất chắc vào mảnh đất tiếng Việt, hoàn toàn nhập thân và tâm lí ngôn ngữ của người bản ngữ, quan sát cái thực tế nói năng của người Việt, lấy đó làm nơi kiểm nghiệm lại lí liận của ngữ học hiện đại. Nhờ là một dịch giả của hàng vạn trang sách, Cao Xuân Hạo thường xuyên có dịp so sánh đối chiếu những cách diễn đạt của tiếng Việt và của các thứ tiếng châu Âu, rút ra được những điểm dị đồng giữa hai loại hình ngôn ngữ. Và khác với rất nhiều nhà ngữ học cố gắng gò bằng được tiếng Việt cho vừa cái khuôn lí luận đã có, Cao Xuân Hạo can đảm sửa đổi cái chuẩn tắc vốn được giới ngữ học thừa nhận. Rất nhiều bài trong tuyển tập này được viết trong tinh thần chống lại quan điểm dĩ Âu vi trung (europeocentrism) như vậy.

Chính cái tinh thần phê phán đối với ngữ học hiện đại phương Tây khiến cho Cao Xuân Hạo đặc biệt trân trọng và đánh giá công bằng các thành tựu của quá khứ. Chẳng hạn ở bài “ Hai cách miêu tả hệ thống thanh điệu của tiếng Việt”, Cao Xuân Hạo tuân thủ hoàn toàn các chuẩn tắc của âm vị học hiện đại, nhưng lại chứng minh một cách không thể nào bác bỏ rằng ở tiếng Việt, giải pháp sáu thanh điệu “hiện đại” tỏ ra kém hiệu quả hơn nhiều so với giải pháp tám thanh điệu truyền thống, khiến cho những ai vì sùng mộ “hiện đại” mà rẻ rúng truyền thống như một cái gì lạc hậu, phải giật mình trước thành tựu của người xưa. Cũng vậy, bài “ Trương Vĩnh Ký, nhà ngữ học” chỉ rõ cái người đồng thời với Ferdinand de Saussure ấy, cái người bị giới ngữ học Việt Nam chê cười là cổ lỗ ấy, thực ra là thuộc vào hàng những người đi tiên phong trong việc xây dựng nền ngữ pháp cách, một trong những thành phần chủ yếu của ngữ pháp chức năng hiện đại và chính là một trong những người đầu tiên trên thế giới đã xác định được tư cách danh từ của các “loại từ”.

4. Dễ hiểu là tại sao nhiều bài trong tuyển tập lại có một giọng văn vừa mỉa mai vừa chua chát. Cao Xuân Hạo ngạc nhiên trước những nhà ngữ học “ lấy làm thoả mãn với dăm bảy thí dụ chợt nghĩ ra trong vài giây, vào những khoảnh khắc xuất thần của thiên tài” và dường như Cao Xuân Hạo tự xếp mình vào hạng “ những người trần tục tầm thường, còn lâu mới dám nghĩ rằng mình là thiên tài, đành phải từ bỏ mối hi vọng có được giây phút tương tự, để dành hàng buổi, hàng tuần, hàng tháng, hàng năm nếu cần, lần giở từng trang từ điển hòng kiểm tra lại những phát hiện sáng chói mà các bậc thiên tài đã thực hiện, và hễ có cơ may thì tự mình tìm ra những quy tắc khác ít mang dấu ấn của thiên tài nhưng lại vượt qua được sự thử thách của một quá trình kiểm nghiệm kì khu, để lần mò tới những sự thật có thật trong tiếng Việt chứ không phải trong tiếng Pháp hay tiếng Nga” (“ Một số biểu hiện của cách nhìn Âu châu đối với cấu trúc tiếng Việt” ). Phê phán một tác giả chủ trương chỉ nên nhận định rằng “ trong tiếng Việt âm tiết nhiều lúc trùng với hình vị”, một nhận định có thể dùng cho mọi ngôn ngữ có thể tưởng tượng được, chứ còn ở đây lại là tiếng Việt, một ngôn ngữ mà hơn 90% hình vị là âm tiết và trong 100% trường hợp, biên giới hình vị trùng với biên giới âm tiết, Cao Xuân Hạo bình: “[…] nói như vậy chỉ cho thấy một quyết tâm nhắm mắt trước sự thật mà không có cách gì lay chuyển nổi” (“ Về cương vị ngôn ngữ học của ‘tiếng’”). Nhận xét về tình hình không kiếm sách vở ngữ học áp đặt cho người đọc một giải pháp nào đó mà không hề giải thích, Cao Xuân Hạo gọi đấy là chuyện vấn đề ngữ học “ được giải quyết bằng những sắc lệnh” (“ Ngữ đoạn và cấu trúc của ngữ đoạn”). Đứng trước sự kiện đã, đang, sẽcứ bị nhiều nhà nghiên cứu cho là diễn tả ý nghĩa quá khứ, hiện tại và tương lai, Cao Xuân Hạo nhận định ba từ này “ trong một thời gian rất dài (hơn 3 thế kỉ) và mãi cho đến ngày nay vẫn còn bị hiểu sai, và có lẽ đến ba thế kỉ sau vẫn thế thôi, vì hình như cách hiểu sai đó là một tín điều thiêng liêng nào đấy được sùng kính hơn sự thật của ngôn ngữ rất nhiều, mà dù có đưa hàng vạn bằng chứng lấy trong thực tế hàng này của tiếng Việt cũng không sao thuyết phục được lấy một người nào trong số tín đồ của giáo phái đó” (“ Tiền giả định và hàm ý trong một số từ tình thái tiếng Việt”). Có thể đọc thấy đằng sau sự mỉa mai, chua chát đó là tâm trạng buồn nản trước tính chất thủ cựu của ngữ pháp nhà trường.

Văn khoa học thường lạnh lùng, khách quan. Cho nên, cái chua chát mỉa mai ấy khiến cho tuyển tập có một phong vị đặc sắc và do đó (phải thủ thật) thêm cuốn hút người đọc.

5. Cuốn sách mời gọi nhưng không dễ đọc. Và nếu người ta trút bỏ mọi định kiến, theo dõi cách lí giải của tác giả bằng mọi ngữ liệu mình thu thập được và - quan trọng nhất là - bằng những sự kiện thực sự chi phối hành vi, và cảm thức của người bản ngữ, thì kết quả thật đáng bất công. Tán thành Cao Xuân Hạo hay không chưa hẳn là vấn đề, nhưng kể từ khi công trình này xuất bản, những ai nhiệt thành với bộ môn Việt ngữ học sẽ không thể không thấy mình đối mặt trước những thách thức mà cuốn sách đặt ra.

(*) Nhân đọc cuốn Tiếng Việt - Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa,Hà Nội, Nxb Giáo dục, 1998.

Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống, 11 (145) - 2007, tr 1

Xem Thêm

Nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam
Người phụ nữ này là nữ tiến sĩ Tây học đầu tiên của Việt Nam. Tên tuổi của bà từng nổi đình nổi đám, thậm chí cánh mày râu trước khi gặp cũng phải chuẩn bị lời ăn tiếng nói cẩn thận.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Thách thức lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW là thể chế, hạ tầng và nhân lực
Nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu. Điều này đòi hỏi sự đầu tư bài bản, định hướng rõ ràng và cam kết lâu dài từ cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học.
Gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Liên hiệp Hội Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức buổi gặp mặt cán bộ hưu trí Xuân Ất Tỵ 2025. Đây là hoạt động thường niên của LHHVN nhằm bày tỏ sự quan tâm cũng như lòng tri ân sâu sắc của lãnh đạo, người lao động cơ quan LHHVN đối với các thế hệ đi trước.
Viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương
Trong những năm qua, VUSTA luôn chú trọng thực hiện các hoạt động thiện nguyện, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Năm 2024 đã đánh dấu đậm nét những nỗ lực không ngừng nghỉ của VUSTA trong các hoạt động vì cộng đồng. Ngay đầu Năm mới 2025, VUSTA thực hiện chương trình thiện nguyện và xây dựng nông thôn mới, viết tiếp hành trình trao gửi yêu thương tại tỉnh Cao Bằng.