Căng thẳng phòng chống dịch
Lơ là với dịch
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tính đến ngày 15/3/2011, cả nước đã có 24 tỉnh xuất hiện dịch lở mồm long móng (LMLM), 5 tỉnh có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày và thậm chí, dịch tai xanh bắt đầu tái xuất hiện tại Hà Tĩnh.
Nói về nguyên nhân dẫn tới những diễn biến phức tạp này, ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y cho hay, bệnh LMLM có dấu hiệu bùng phát là do người chăn nuôi kém hiểu biết, không hợp tác với chính quyền địa phương để khai báo và tiêu huỷ. Đặc biệt, công tác giám sát ở một số địa phương còn yếu, dẫn đến việc phát hiện chậm và có hiện tượng giấu dịch. Ông Năm dẫn chứng, tại Bắc Giang và Lạng Sơn, chính quyền địa phương đã có nhiều sai phạm trong công tác phòng chống dịch bệnh. Thực tế, dịch LMLM xảy ra ở Bắc Giang từ ngày 17/1/2011 thuộc 6 xã của 4 huyện nhưng tỉnh lại không báo cáo, không chịu công bố cũng như không triển khai các biện pháp phòng chống kịp thời khiến dịch lây lan mạnh.
Một nguyên nhân khác khiến dịch bệnh năm nay xảy ra với tốc độ nhanh và mạnh hơn, đó là, chủng vi -rút gây bệnh LMLM đã khác hẳn trước kia.
Ông Phan Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) thông tin, trước đây, bệnh LMLM chủ yếu xuất hiện trên trâu, bò nhưng từ đầu năm đến nay, bệnh lại chủ yếu xảy ra ở lợn, sau đó mới lây sang trâu, bò; tỷ lệ chết của động vật non và lợn rất cao. Có một điều đáng chú ý là, nếu trước đây vi -rút gây ra bệnh này chủ yếu là dòng địa phương thì nay xuất hiện ở dòng Malaysia 98.
Biện pháp hữu hiệu hiện nay để có thể phòng chống dịch bệnh là tiêm vắc-xin. Sở dĩ thời gian qua, dịch bệnh lây lan nhanh là do các ổ dịch chưa tiêm phòng, không được kiểm dịch, kiểm soát giết mổ chặt chẽ. Ông Kỳ thừa nhận, qua kiểm tra, cán bộ ngành thú y đã phát hiện ra điều này. Một số địa phương được Nhà nước hỗ trợ vắc-xin và báo cáo lên Cục đã thực hiện tiêm phòng đầy đủ nhưng điều đáng buồn là dịch vẫn xảy ra.
Lo lắng vắc-xin?
Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, để phòng chống dịch, các tỉnh có nguy cơ cao cần khẩn trương triển khai tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, cả nước hiện có 22 triệu con lợn, 15 triệu con trâu, bò, trong khi lượng vắc-xin dự trữ trong kho chỉ còn khoảng 1 triệu liều. Với số lượng ít ỏi như vậy, việc phòng chống khó mà nói tốt là tốt.
Một điểm đáng nói nữa là, trong khi Việt Nam vẫn chưa chủ động sản xuất được các loại vắc -xin thì việc vắc-xin cúm gia cầm nhập về muộn hơn so với mọi năm do các nước xung quanh đang bị dịch cũng gây trở ngại lớn. Trước nguồn cung vắc-xin căng thẳng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cho biết, Bộ sẽ cho phép thử nghiệm 100.000 liều vắc-xin LMLM hỗ trợ từ Trung Quốc, đồng thời, liên hệ với một số nước có dịch để tìm nguồn vắc -xin thích ứng với chủng vi-rút gây bệnh ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Cục Thú y phải cấp tốc tìm thêm nguồn vắc -xin mới và huy động sự chung tay của các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Để giải quyết vấn đề này, Cục Thú y giao cho các đơn vị nghiên cứu, khảo nghiệm lại xem chủng vắc-xin đang dùng có bảo hộ được cho loại cúm hiện tại.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Cục Thú y phải chỉ đạo các địa phương quyết liệt phòng chống dịch. Không nên chỉ nói mà phải chỉ đạo cụ thể, phải có hướng dẫn giết mổ đối với các gia súc bị LMLM, cách chế biến để diệt hết vi-rút trong thịt, làm thế nào để người dân vẫn tận dụng được thịt gia súc mắc bệnh, chứ không nên chỉ bắt phải tiêu huỷ...”.
Để khắc phục tình trạng buông lỏng việc tiêm phòng tại các địa phương, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi thông tư về chế độ cho cán bộ tham gia chống dịch.
Để khống chế, dập tắt ngay dịch LMLM, cúm gia cầm và tai xanh, ngày 14/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số biện pháp cấp bách. Theo đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT thành lập các đoàn đi kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch tại các địa phương và báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ kết quả phòng chống dịch. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xuất dự trữ quốc gia vắc -xin LMLM, thuốc sát trùng để hỗ trợ các địa phương và bổ sung đủ cơ số theo quy định về dự trữ quốc gia. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mức hỗ trợ kinh phí phù hợp cho lực lượng tham gia phòng chống dịch. |