Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 04/05/2012 22:07 (GMT+7)

Cần xóa bỏ độc quyền của doanh nghiệp nhà nước

Số liệu về kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam 2007 - 2009 qua điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ suất lợi nhuận trên vốn sản xuất kinh doanh của các DNNN các năm 2007 - 2009 là giao động trong khoảng 3,5 - 4,3%, trong khi đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 9,1 - 11,7%. Còn tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của các DNNN giai đoạn 2007 - 2009 là từ 6,3 - 8,2%, thấp hơn các doanh nghiệp FDI với mức là 10,6 - 13,1%. Điều đó cho thấy hiệu quả hoạt động của các DNNN chỉ bằng khoảng 50% so với các doanh nghiệp FDI. Không những thế, DNNN có biểu hiện của độc quyền trong kinh doanh. Với ưu thế được thành lập từ trước, cho nên nhiều doanh nghiệp lớn trong một số các lĩnh vực kinh doanh có những biểu hiện của tình trạng độc quyền (Petrolimex chiếm tới 60% thị phần xăng dầu cả nước; Tập đoàn điện lực chiếm lĩnh gần hết thị trường từ khâu sản xuất tới truyền tải và bán lẻ; Tập đoàn than, khoáng sản cũng chiếm giữ phần lớn việc khai thác và cung cấp sản phẩm than trên toàn quốc…). Tình trạng độc quyền trong sản xuất kinh doanh đã làm méo mó thị trường, gây thiệt hại lớn tới quyền lợi của người tiêu dùng cũng như lợi ích của Nhà nước, hạn chế sự phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ngoài ra, công tác tổ chức quản lý sản xuất kinh doanh của DNNN chậm được đổi mới, nhiều doanh nghiệp chưa bắt kịp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường, còn có tư tưởng ỷ lại vào nhà nước, sử dụng nguồn tài nguyên, vốn còn lãng phí. Trong thời gian qua, nhiều tập đoàn, tổng công ty sử dụng vốn đầu tư rất dàn trải, đầu tư ngoài ngành thiếu thận trọng vào những lĩnh vực có rủi ro lớn (thị trường tài chính, bất động sản…) gây thất thoát vốn và tài sản của nhà nước, nợ xấu ngày càng có xu hướng tăng lên. Các tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh dưới sự bảo trợ của nhà nước vẫn còn có tư tưởng vì lợi ích nhóm mà bỏ qua lợi ích của toàn bộ nền kinh tế thông qua việc đề nghị Chính phủ quyết định tăng giá bán một số sản phẩm thuộc diện quản lý giá của nhà nước, đòi được hưởng một số những trợ cấp, ưu đãi trong sản xuất kinh doanh hoặc tiếp tục xuất khẩu những sản phẩm mà trong thời gian tới Việt Nam phải nhập khẩu… Như vậy có thể thấy sự cần thiết phải tái cấu trúc DNNN, đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cổ phần hóa, tạo sự bình đẳng trong hoạt động của các doanh nghiệp. Tái cấu trúc các DNNN chính là việc thực hiện xắp xếp lại, tổ chức lại, thực hiện cổ phần hoá, đổi mới chính sách đầu tư… theo hướng hợp lý hơn, thị trường hơn, đảm bảo cho các DNNN hoạt động có hiệu quả, nền kinh tế phát triển bền vững và ổn định. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc phải thực hiện có lộ trình và không nôn nóng. Nhiều người cho rằng phải mạnh tay hơn trong việc tiến hành cổ phần hóa các DNNN lớn, bán hết cho tư nhân, giảm vai trò chi phối của Nhà nước để tăng tính minh bạch và cạnh tranh. Nhưng một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, làm như vậy có phần cực đoan, nếu làm không cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng chuyển tài sản nhà nước cho tư nhân với giá rẻ. (Đã có nhiều trường hợp khi DNNN cổ phần hóa đã định giá rất thấp, lãnh đạo DN tìm cách mua lại cổ phiếu từ người lao động, và cơ sở vật chất của DN nghiễm nhiên chuyển giao thành của tư nhân), bởi thế cần có đánh giá cụ thể hơn nữa đối với khu vực kinh tế này. Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm: Cái khó ở đây là DNNN khá nhiều, vì thế cần có chi phí và thời gian điều chỉnh. Ở thời điểm này, việc tái cấu trúc DNNN phải làm thận trọng vì nó liên quan đến các tập đoàn, tổng công ty lớn và cũng liên quan đến nhóm lợi ích rất hùng mạnh của nền kinh tế. Chúng ta đang phải ứng xử với cái chúng ta “đẻ” ra, có tốt, có xấu. Bởi thế, cần xác định rõ vai trò của DNNN bởi lâu nay chúng ta đang coi nó vừa là DN định hướng lợi nhuận nhưng cũng là một công cụ ổn định kinh tế vĩ mô của xã hội.

Mục tiêu tổng quát của tái cấu trúc là nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư và xã hội; tăng cường năng lực cạnh tranh, qua đó phát huy vai trò chủ đạo của khu vực kinh tế Nhà nước, trong đó DNNN có vị trí quan trọng đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định. Việc tái cấu trúc cần phải theo quan điểm, kinh tế Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế nhiều thành phần. Trong đó DNNN giữ vị trí quan trọng của kinh tế Nhà nước. Bởi vậy, nên tiếp tục củng cố, duy trì DNNN trong những lĩnh vực mà kinh tế tư nhân không thể thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả, những khâu quyết định đến nền tảng phát triển kinh tế của cả xã hội.

DNNN hiện có quá nhiều nhiệm vụ, chỉ nên tập trung vào những nhiệm vụ được xác định cụ thể. Đặc biệt không giao những nhiệm vụ mang tính chính trị cho DNNN. Ngoài ra, việc tái cấu trúc doanh nghiệp phải được thực hiện đồng bộ từ tư duy, thể chế, mô hình hoạt động, đầu tư, tái cấu trúc quản lý nhà nước đối với DNNN. Trọng tâm tái cấu trúc DNNN là tái cấu trúc tập đoàn kinh tế NN và các tổng công ty nhà nước.

Như vậy, trong thời gian tới, chúng ta phải giảm số lượng các DNNN, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tiềm lực tài chính đủ mạnh để phát triển trong điều kiện cạnh tranh hiện nay. Để thực hiện thành công việc tái cấu trúc DNNN, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, chúng ta cần đánh giá lại mô hình tập đoàn kinh tế NN đa ngành, đa lĩnh vực. Các tập đoàn kinh tế Nhà nước chỉ tập trung vào những ngành nghề chính được giao. Hệ thống các công ty con được thành lập chỉ là những doanh nghiệp đóng vai trò ngành nghề phụ trợ. Xóa bỏ các ngân hàng, công ty tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm trong các tập đoàn kinh tế NN; Thoái vốn NN do các DNNN đầu tư ở các định chế tái chính. Vấn đề này cần được sớm giải quyết để khắc phục, ngăn chặn luồng tín dụng “bừa bãi” gây tình trạng nợ xấu cho các tập đoàn kinh tế. Chính phủ cần thiết lập hệ thống giám sát chặt chẽ, tách quyền sở hữu với quyền điều hành sản xuất kinh doanh. Thiết lập mô hình quản trị DNNN tuân thủ các quy tắc quản trị công ty, giúp các doanh nghiệp vững vàng hơn, tự tin và chủ động hơn. Bên cạnh đó, cần khẩn trương thiết lập hệ thống giám sát tài chính đủ mạnh, hiệu quả việc quản lý sử dụng vốn để cung cấp thông tin thường xuyên cho cơ quan quản lý giám sát. Hoàn thiện cơ chế và ban hành quy chế người đại diện và kiểm soát viên trong DNNN trên cơ sở quy định rõ ràng, chặt chẽ về quyền hạn, nghĩa vụ, và lợi ích để tăng cường hiệu quả giám sát. Trao những chế tài đủ mạnh cho cơ quan quản lý, cơ quan giám sát, cơ quan đại diện chủ sở hữu. Sửa đổi các chính sách về thuế, tổ chức, quản lý doanh nghiệp theo hướng xoá bỏ các bao cấp, ưu đãi đối với các DNNN, tạo môi trường bình đẳng giữa DNNN với các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế khác. Xoá bỏ độc quyền kinh doanh đối với một số lĩnh vực kinh doanh đặc biệt, có điều kiện hoặc lĩnh vực đặc thù, chẳng hạn như ngành điện, than, xăng dầu… Tăng cường công tác kiểm soát và giám sát, minh bạch thông tin đối với các DNNN; Tăng cường các chế tài áp dụng và các trách nhiệm cá nhân đối với những DNNN vi phạm các quy định về quản lý, điều hành doanh nghiệp.

Cuối cùng là tiếp tục thực hiện cổ phần hoá các DNNN. Việc tiếp tục thực hiện cổ phần hoá mạnh hơn nữa sẽ làm cho các doanh nghiệp chuyển đổi tốt hơn về tổ chức sản xuất kinh doanh cũng như đáp ứng tốt hơn khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường.

Xem Thêm

Đắk Lắk: Góp ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Ngày 13/6, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức góp ý kiến đối với dự thảo kế hoạch tổ chức hội nghị lấy ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Hà Giang: Góp ý dự thảo sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm
Ngày 13/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (CLSPHH). Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hộivà các chuyên gia TVPB.
Đắk Lắk: Hội nghị phản biện Dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở
Sáng ngày 27/5/2025, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk (Liên hiệp hội) đã diễn ra Hội nghị phản biện và góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Lắk về việc quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.
Xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tập hợp, đoàn kết trí thức KH&CN phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới
Kể từ khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) được thành lập ngày 26/03/1983, Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam đã trải qua 9 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đã thực sự trở thành những mốc son quan trọng, đánh dấu bước phát triển cả về tư duy chính trị lẫn phương thức hoạt động của toàn hệ thống.