Cần xem lại chính sách nhân tài
Một minh chứng hết sức quan trọng trong việc nhân tài đưa một đất nước đi đến hưng thịnh là nước Mỹ. Sau thế chiến lần thứ hai, mặc tình ai nghĩ gì, người Mỹ nhìn xa trông rộng đã “hốt” hết tất cả các nhà khoa học trên thế giới, mà đại diện quan trọng nhất phải kể đến là Ambe Anhstanh, nhà vật lý lượng tử thiên tài, người nắm các nguyên tắc phản ứng hạt nhân. Nền trí thức từ đó của người Mỹ tiến bộ một cách vượt bậc. Ngày nay, công nghệ vi tính của người Mỹ có thể xem là bá chủ của thế giới. Không ai là không cần công nghệ này. Từ công nghệ này làm nền tảng cho nhiều công nghệ tự động chính xác khác. Và Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu chất xám nhiều nhất trên thế giới. Từ một nước mới thành lập, chỉ chưa đầy ba bốn trăm năm, so với chúng ta ba bốn ngàn năm, nhưng họ đã trở thành một nước siêu cường quốc.
Các nước như Nhật, Nam Triều Tiên đã đặt giáo dục ưu tiên số một trong các chính sách. Nghe đâu, vào thế kỷ thứ XIX, trong công cuộc canh tân đất nước, Minh Trị Thiên Hoàng đã khuyến khích phụ nữ Nhật lấy những người tài giỏi ở tất cả các nước. Nhờ đó gien di truyền thông minh của người Nhật ngày nay vào loại hàng đầu. Tất nhiên vẫn còn nhiều chính sách khác để khai thác tối đa tiềm năng về trí tuệ, từ đó, dẫu cho người Nhật có bị tàn phá khủng khiếp sau thế chiến thứ hai, phải bắt đầu làm lại từ đầu, họ vẫn thành công một cách vũ bão.
Nền tri thức của một dân tộc có thể xuất phát từ một truyền thống văn hoá có bề dày lịch sử, mà Trung Quốc là một ví dụ. Từ những năm đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã đưa hàng ngàn người sang các nước tiên tiến để học hỏi. Ngày nay, mối dây liên hệ với thế giới của họ là sâu sắc nhất, thâm trầm nhất so với các nước khác. Họ có nhiều nhà khoa học, nhiều doanh nhân tỷ phú, kể cả những chính trị gia nằm rải khắp trên thế giới. Chính sách chiêu hiền đãi sĩ của người xưa ở Trung Quốc cũng là một bài học quý giá đối với chúng ta ngày nay. Thuở xưa ở Trung Quốc có rất nhiều “Mạnh Thường Quân” chiêu hiền đãi sĩ bằng cách nuôi dưỡng hằng nghìn nho sĩ, hiền sĩ, bậc trí giả trong nhà, gọi chung là các môn khách. Các triều đại đều tổ chức được các hội thi để tuyển chon nhân tài. Riêng vua Càn Long còn đặc biệt hơn các bậc tiền bối của mình, đã tổ chức được các cuộc thi, mời những nhân sĩ trí thức có danh tiếng nhưng không có điều kiện tham gia vào các cuộc thi chính thức, kể cả người chống đối tham gia. Nhà vua tự ra đề, tự chấm thi. Ông đã chọn ra được 24 bậc trí giả về phục vụ dưới trướng của mình. Việc làm này đã làm cho mọi người cảm kích và đi theo phục vụ hết mình cho ông.
Việc Lưu Bị khấu kiến ba lần mới cầu được Khổng Minh về giúp viêc quân cho mình, chúng ta mới thấy vai trò của nhân tài vô cùng to lớn trong việc canh tân và giữ yên xã tắc. Một khía cạnh khác trong bài học “Lưu Bị kiến Khổng Minh” là những người lo lắng cho quốc gia xã tắc thướng chán ghét chuyện đời thường. Họ đặt lợi ích dân tộc lên trên tất cả chứ không phải phường “giá áo, túi cơm” chỉ lo vun vén cho cá nhân mình. Chính vì vậy họ mâu thuẫn với bọn xu nịnh, bọn hống hách, cậy quyền cậy thế. Lão tử, Trang Tử cũng là những bậc trí thức kì tài nhưng lại thích sống ở vùng quê thôn dã, lánh xa thói đời gian trá. Ở Việt Nam ta cũng không ít bậc bác học thích ở ẩn, vui thú điền viên. Chẳng hạn Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thích về sống với “Ao thu lạnh lẽo” của mình; Nguyễn Trãi sau khi hoàn thành “nghiệp đế “ cho vua Lê lợi đã về Côn Sơn làm nghề dạy học. Quan trường vốn là chốn tranh đua thì làm sao những người nhìn lợi ích non sông trên hết có đất để mà sống, để mà cống hiến hết mình. Nói tóm lại, ôn cố tri tân, các bậc trí thức hiền sĩ còn nằm rải rác đâu đó rất nhiều, nếu không khơi dậy được lòng nhiệt quyết của họ thì khó mong đất nước hưng thịnh.
Trong những cơ quan Nhà nước hiện nay cũng có tình trạng như thế. Những bậc trí thức này thường khép mình để mong được xã hội đánh giá đúng công sức mà họ bỏ ra. Họ cứ ngỡ có đủ tài năng thì có thể được tin cậy. Họ đặt lợi ích quốc gia lên trên nên không cần thiết phải suy nghĩ nhiều về danh lợi. Họ không cần chiêu số điêu ngoa. Nhưng, bọn tiểu nhân thì ngược lại. Chúng đặt lợi ích cá nhân lên trên tất cả, cho nên không thủ đoạn nào mà chúng từ. Bợ người trên đạp người dưới là chuyện thường tình đối với bọn này. Và người thật sự tài năng là một hiểm hoạ đối với chúng. Cho nên chúng quyết tâm bóp cho chết. Nên hệ quả là không ít người tài thì ra đi, kẻ tiểu nhân bất tài thì ở lại. Cách đây mười năm, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tổng kết mấy yếu tố nguy cơ làm chệch hướng của Đảng. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh yếu tố Đảng bị mất người tài.
Lịch sử cho thấy, thời nào biết thu phục nhân tâm, trọng dụng nhân tài thì thời ấy hưng thịnh. Để quyết chống giặc Nguyên Mông, nhà Trần đã cho tổ chức hội nghi Diên Hồng để xin ý kiến các bô lão. Một người đan giỏ như Phạm Ngũ Lão, một dân vạn chài như Yếu Kiêu, một người huấn luyện voi chiến như Quản Tượng đều được tìm kiếm và trọng dụng. Nhớ lại câu chuyện cổ tích Thánh gióng đánh giặc Ân. Vua ban chiếu cho rao khắp vạn dân tìm người tài ra giúp nước, so lại, ngày nay chúng ta có đầy đủ các công cụ để tìm kiếm người tài mà làm chưa tốt.
Ngay thời điểm nước sôi lửa bỏng, cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh ra lời hiệu triệu: Những việc cần làm ngay. Ông “xắn tay áo lên”, bắt tay vào cuộc làm ngay những việc cần thiết cho thời điểm đó. Công việc chiêu hiền đãi sĩ là công việc liên tục hàng đầu của một quốc gia mà từ trước tới nay chúng ta chỉ hô hào mà chưa từng có một “chiến dịch phải làm ngay”. Ngày xưa chỉ dùng loa giấy mà còn truyền lệnh được khắp nước, còn ngày nay hệ thống thông tin quá hoàn hảo, chả lẽ không phát động được. Hãy đọc trên mặt báo và tìm kiếm những điều mới mẻ từ mọi tầng lớp vọng về, chứ đừng để thông tin “loang chảy như nước đổ lá môn”. Người tài có ở khắp nơi, vấn đề là tìm kiếm và trọng dụng.
Người tài ắt sẽ lôi kéo người tài. Người tài thường trọng người tài và săn lòng tiến cử những người tài làm việc đắc lực, phục tùng đắc lực. Cho nên, nếu chúng ta không trọng dụng, dẫu chỉ một nhà trí thức có tâm huyết lỗi lạc, thì chúng ta có khả năng đánh mất hằng vạn nhà trí thức có tâm huyết khác.
Nguồn: Kinh tế nông thôn cuối tuần, số 38(110),