Cần đánh giá khách quan về đội ngũ GS, PGS
Tôi tán thành với ý kiến cho rằng, việc xét các chức danh giáo sư (GS) và phó giáo sư (PGS) hiện nay ở Việt Nam vừa phức tạp, nhiêu khê nhưng vừa có nhiều kẽ hở để một số người không hoặc chưa đủ tiêu chuẩn “lọt sổ” như trường hợp ông Trịnh Xuân Dũnglà một ví dụ. Tuy nhiên, tôi không tán thành với ý kiến của một số người nói rằng số lượng GS và PGS ở Việt Namhiện nay quá nhiều và chất lượng của đội ngũ GS và PGS Việt Nam quá kém, khi họ không dựa trên bất cứ một kết quả khảo sát nào cả.
Về vấn đề thứ nhất, một số người thuờng nói một cách lấy được rằng số lượng GS và PGS (thậm chí cả tiến sỹ) của Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới nhưng hầu như tôi chưa thấy họ đưa ra bất kỳ một số liệu nào để chứng minh? Thực tế như thế nào?
Tôi không có đủ số liệu của tất cả các nước và các trường đại học trên thế giới, chỉ xin lấy số liệu của 2 trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc và Việt Nam là Đại học Quốc Gia Seoul và Đại học Quốc gia Hà Nội để so sánh.
Theo số liệu thống kê mới nhất đăng trên website của hai trường, Đại học Quốc gia Seoul có 32.000 sinh viên và 1.784 giảng viên, trong đó có 1.003 GS, 403 PGSđương nhiệm (ngoài ra còn có 111 giáo sư thỉnh giảng). Trong khi đó, Đại học quốc gia Hà Nội có trên 46.000 sinh viên (20.000 hệ chính quy, và 26.000 hệ tại chức) nhưng chỉ có 1.548 giảng viên, với 108 GSvà 249 PGS,trong đó phần lớn đã xấp xỉ tuổi nghỉ hưu.
Như vậy, trong khi số sinh viên của ĐHQG Hà Nội gần gấp rưỡi ĐHQG Seoul , thì số GS chỉ bằng 1/10 và số PGS chỉ bằng trên 1/2. Nên lưu ý rằng, ĐHQG Hà Nội là trường đại học có số lượng GS và PGS đông nhất Việt Nam hiện nay. Còn nếu so sánh trên phạm vi cả nước, thì số lượng GS của riêng ĐHQG Seoulcũng đã gấp đôi số lượng GS của cả nước Việt Nam cộng lại (theo số liệu mới nhất, số GS còn đuơng nhiệm cả của nước ta chỉ có 572 người). Vậy xin thử hỏi số lượng các GS và PGS ở Việt Nam có nhiều quá hay không?
Về vấn đề thứ hai liên quan đến cái gọi là “chất lượng” và “tiêu chuẩn” của GS và PGS. Không ai phủ nhận là trình độ nhiều GS, PGS của Việt Nam chưa bằng với GS, PGS của nhiều trường đại học trên thế giới, nhưng khác với trường nào, nước nào và ở mức độ như thế nào thì câu trả lời không đơn giản, nếu như không muốn nói lấy được.
Thực ra, trên thế giới, không có một chất lượng chung, tiêu chuẩn chung cho GS và PGS của các trường đại học giữa các nước, thậm chí ngay trong cùng một nước. Có hàng vạn các trường đại học trên thế giới khác nhau về uy tín khoa học, quy mô và chất lượng đào tạo, số lượng và chất luợng của đội ngũ giảng viên. Việc phong các chức danh GS và PGS được thực hiện theo yêu cầu về mặt chuyên môn của từng trường, và vì vậy, tiêu chuẩn và uy tín của các chức danh này cũng khác biệt giữa các trường với nhau, quyền lợi mà các GS và PGS được hưởng cũng rất khác nhau.
Để giành được một vị trí GS hoặc PGS ở các trường Top 10, Top 20 hoặc Top 50 của thế giới (với mức lương từ 50.000 USD/năm trở lên), chắc chắn phải vượt qua những tiêu chuẩn khắc nghiệt hơn nhiều so với vị trí GS, PGS ở các trường thứ 5.000 hay 10.000 (với mức lương chỉ chục nghìn đô hay vài nghìn đô/năm), nhưng cũng vì thế mà uy tín của các GS và PGS đó và các yêu cầu đối với họ cũng cao hơn nhiều.
Vì vậy, tác giả Nguyễn Văn Tuấn trong bài “ Đôi điều về các chức danh khoa bảng ở Việt Nam” (Người Viễn xứ 12/12/2005) sau khi đã phân tích rất kỹ về các tiêu chuẩn quốc tế của GS và PGS cũng phải thừa nhận rằng trong thực tế “tiêu chuẩn và phẩm chất học hàm thường mang tính địa phương; tức là cũng có sự khác nhau giữa các thời điểm, giữa các nước, và thậm chí giữa các trường đại học trong cùng một nước”.
Nói như vậy không phải để coi nhẹ chất lượng và tiêu chuẩn của các GS và PGS Việt Nam, mà để thấy rằng trên thực tế tiêu chuẩn và chất lượng của các GS và PGS cũng phản ánh trình độ phát triển về kinh tế, khoa học kỹ thuật của đất nước, phản ánh những điều kiện làm việc mà họ được hưởng.
Việc một vài người nào đó cố chạy cho đủ các tiêu chuẩn để được khoác danh GS và PGS thì lỗi đó trước hết thuộc về cơ chế chính sách, cơ quan quản lý và trách nhiệm của các Hội đồng chức danh, không nên vin vào đó để đưa ra những đánh giá không đúng về đội ngũ các GS và PGS nói chung.
Tôi cho rằng hiện nay so với yêu cầu, đội ngũ GS, PGS của Việt Nam không chỉ thiếu về lượng mà yếu cả về chất. Có tình trạng đó ngoài nguyên nhân khách quan (trình độ phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật) tất nhiên có nguyên nhân chủ quan, nhưng người chịu trách nhiệm chính không phải là bản thân đội ngũ GS và PGS, những người đang ngày đêm vượt lên những điều kiện làm việc rất khó khăn của mình để giảng dạy và nghiên cứu, mà là Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nhà quản lý trực tiếp ở các cơ sở đào tạo trong cả nước.
Nếu tiếp tục các cơ chế chính sách với đội ngũ GS, PGS như hiện nay (coi trọng các chức vụ quản lý hơn chức vụ chuyên môn, đòi hỏi nghĩa vụ và sự cố gắng về mặt tinh thần hơn là quan tâm đến quyền lợi vật chất và các điều kiện làm việc, đòi hỏi sự tuân thủ hơn là sáng tạo…) thì sự tụt hậu cả về luợng và chất của đội ngũ GS, PGS của Việt Nam so với thế giới không chỉ như hiện nay. Nhìn vào đội ngũ giảng viên tương lai ở Đại học Quốc gia Hà Nội, một trong hai trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn nhất nước, có thể thấy rõ điều đó.
Nguồn: vnn.vn 11/4/2006