Cải tiến và ứng dụng KHKT xử lý nước thải cao su
Kỹ sư Nguyến Tấn Hiếu cho biết, việc xử lý nước thải cao su rất quan trọng đối với nhà máy sản xuất, chế biến cao su. Nếu không xử lý loại nước thải này sẽ gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Do đó, anh Hiếu đã mày mò cải tiến thành công hệ thống bơm hóa chất và nuôi cấy, nhân giống thành công vi sinh Aquacleand 32 trong việc xử lý nước thải cao su. Những sáng kiến này đã giúp bảo vệ môi trường, tiết kiệm chi phí, nhân công.
Theo anh Hiếu, trong hệ thống xử lý nước thải phải sử bơm hóa chất. Loại bơm này theo thiết kế ban đầu là phải bơm từ bồn lớn qua bồn nhỏ và phải sử dụng nhiều thiết bị máy móc như: máy bơm chân không, van màng, máy nén khí, hệ thống van tự động, bơm định lượng... vận hành phức tạp, dễ xảy ra sự cố. Nếu người vận hành không kiểm tra thường xuyên thì khi có sự cố và không kịp thời phát hiện sẽ khó khăn cho quá trình vận hành hệ thống. Từ khó khăn đó, anh đã cải tạo lại hệ thống bơm hóa chất phục vụ quá trình xử lý. Không sử dụng nhiều máy móc phức tạp như trước mà trực tiếp gắn bơm định lượng ở bồn lớn, thiết kế lại đường ống lấy nước pha hóa chất nhanh chóng, giúp quá trình xử lý được vận hành liên tục. Máy hoạt động ổn định, tiết kiệm được các thiết bị không cần thiết, tiết kiệm 50% chi phí điện và 50% nhân công vận hành, đặc biệt là chi phí thay thế hệ thống van màng và màng bơm chân không. Ngoài ra, anh tận dụng palet cũ để làm khung đựng mủ serum, nhằm tiết kiệm chi phí bao đựng, vi sinh khử mùi và nhân công. Cải tiến hệ thống ống dẫn khí của bể Aerotank tránh xảy ra sự cố bể đường ống và tiết kiệm chi phí sửa chữa.
Bên cạnh đó, anh Hiếu đã nghiên cứu, nuôi cấy, nhân giống thành công vi sinh Aquacleand 32 nhằm khử mùi cho hệ thống xử lý nước thải, xưởng mủ tạp cao su. Anh Tiến chia sẻ: “Nếu như trước đây, 1 bình Aquacleand 32 với 3,8 lít chỉ pha được 32 lít nước, nhưng khi nhân giống thành công thì 1 bình Aquacleand 32 sẽ cấy được 1 bồn 1.500 lít. Và nếu sử dụng đúng quy trình có thể duy trì vi sinh, chỉ cần bổ sung Aquacleand 32 với số lượng ít. Việc cải tiến này mỗi tháng tiết kiệm cho nhà máy từ 10 đến 12 triệu đồng chi phí”.
Với những sáng kiến này, Kỹ sư Nguyễn Tấn Hiếu đã được Trung ương Đoàn tặng huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” năm 2014.