Cải tiến dàn cày 7 chảo phục vụ ngành Nông nghiệp
Tốt nghiệp Trường Công nhân kỹ thuật Khánh Hòa năm 1985, ông Khoa gắn bó với Trạm máy kéo Nam Diên Khánh từ năm 1988 đến 1993. Năm 1994, ông Khoa liên kết với Trường Trung cấp nghề Diên Khánh mở cơ sở cơ khí.
Ông Lê Ngọc - Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh: Sản phẩm khung dàn cày cải tiến thích hợp với nhiều địa hình đã được người tiêu dùng chấp nhận. Sản phẩm đã được sự bình chọn của 3 cấp huyện, tỉnh và khu vực. Thời gian tới, sản phẩm sẽ tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. |
Tại cơ sở cơ khí nông nghiệp của mình, ông thấy nhiều nông dân đem khung dàn cày 7 chảo tới sửa chữa và cho biết những dàn cày này chỉ cày được 1 mùa đã hư hỏng. Qua nghiên cứu và kiểm tra thực tế, ông Khoa nắm được điểm yếu của khung dàn cày nhập khẩu này. Dàn cày có 1 bánh lái, 1 trục chỉ, 1 khung lắp ráp 7 chảo cày có xuất xứ từ những nước nông nghiệp phát triển với các cánh đồng sản xuất được cải tạo đất chuyên làm nông nghiệp. Tuy nhiên, với địa hình phức tạp của những vùng đất đồi núi cao nguyên Việt Nam, khung dàn cày này có nhiều điểm chưa phù hợp. Từ ý tưởng cải tạo dàn cày 7 chảo, ông Khoa đã cho công nhân của mình đi cày ngoài đồng để nắm được đặc điểm thổ nhưỡng thực tế… Về xưởng, ông cùng công nhân mày mò nghiên cứu về góc độ dàn cày, khung cày, bánh lái trục chỉ…
Ông Khoa cho biết: “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật khung dàn cày tốn nhiều công sức. Các góc độ phải chuẩn xác, khi ra thực địa nếu sai lệch một chút là phải làm lại từ đầu. Các công nhân trong xưởng đã cùng nghiên cứu cải tiến từng bộ phận, sau gần chục lần cải tiến mới đạt kết quả và được nông dân tin dùng, đặt hàng”. Ông Huỳnh Triển - nông dân ở Diên Sơn chia sẻ: “Trước kia, dùng loại dàn cày chưa cải tiến, mỗi mùa tôi đều phải sửa chữa từ 2 - 3 triệu đồng, nay dùng loại cải tiến từ 3 đến 5 vụ mới phải sửa chữa nên tiết kiệm nhiều chi phí”.
Năm 2012, khung dàn cày 7 chảo của Cơ sở cơ khí nông nghiệp Văn Khoa được nông dân đánh giá cao. Số lượng đơn đặt hàng tăng dần, đến nay trung bình mỗi tháng cơ sở sản xuất 15 sản phẩm. Với giá thành 13 triệu đồng/sản phẩm, mỗi năm đem lại doanh thu cho cơ sở hơn 2 tỷ đồng. Ngoài thị trường chính là miền Nam và miền Trung - Tây Nguyên, hiện nay, sản phẩm khung dàn cày của cơ sở đã tiếp cận thị trường miền Bắc, Lào, Campuchia… Cơ sở của ông Khoa đang tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương trung bình 6 triệu đồng/tháng và 10 lao động thời vụ với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.
Năm 2013, ông Khoa đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm khung dàn cày 7 chảo cải tiến. “Thật vinh dự khi khung dàn cày cải tiến của chúng tôi được Cục Công nghiệp địa phương trao giải Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đây là sự động viên rất lớn khi những cải tiến của một cơ sở nhỏ như chúng tôi được Nhà nước biết đến và công nhận. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và cải tiến các dụng cụ sản xuất nông nghiệp khác, giúp người nông dân sản xuất hiệu quả, tiết kiệm chi phí, làm giàu trên những cánh đồng quê hương”, ông Khoa chia sẻ.