Các thành phố lớn chuẩn bị thích ứng với biến đổi khí hậu như thế nào
Cơn bão Sandy là cơn bão tồi tệ nhất trong lịch sử New York. Cách đây hai năm, một cơn bão khủng khiếp đã đổ bộ vào thành phố này, đường phố bị ngập nước, dây cáp điện bị đứt làm cho nhiều vùng của New York phải sống trong cảnh tăm tối. Chứng kiến mức độ tàn phá ghê gớm của thiên tai, thị trưởng thành phố lúc bấy giờ là ông Michael Bloomberg đã nhận thức được rằng New York phải làm gì đó để thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trái đất nóng lên không phải là nguyên nhân gây ra cơn bão Sandy, nhưng nó đã làm cho sức tàn phá của cơn bão trở nên vô cùng tai hại – đây là điều mà các nhà nghiên cứu đã nhanh chóng đi đến đồng thuận. Bloomberg rút ra kết luận: “Các thành phố trên thế giới đang tiếp tục phát triển nhanh chóng, vì vậy phải khẩn trương thích nghi với biến đổi khí hậu ngay tại địa bàn sinh sống của mình.”
Trong khi công tác thu dọn sau bão còn đang tiếp diễn thì thị trưởng Bloomberg đã đưa ra kế hoạch của mình: trong tương lai, Big Apple sẽ được giao trách nhiệm xây những con đê và cửa cống mới cũng như phải thiết lập mạng lưới điện chịu được bão và lũ lụt. Đối với New York, thành phố có tới 850 km bờ biển, đây là một nhiệm vụ cực kỳ to lớn. Chi phí cho dự án lên tới 20 tỷ đôla.
Thích nghi và tăng trưởng kinh tế để hạn chế hậu quả của biến đổi khí hậu
Không chỉ mình New York phải chuẩn bị ứng phó với thời tiết tồi tệ trong tương lai. Ngay cả chuyên gia của 48 quốc gia nghèo nhất thế giới cũng đang soạn thảo những “chiến lược thích nghi với biến đổi khí hậu”.
Những dự án này đánh dấu một bước ngoặt trong việc ứng xử với tình trạng trái đất nóng lên. Nó được thúc đẩy bởi nhận thức mà nhà kinh tế Richard Tol thuộc Đại học Sussex của Anh và từng là chuyên viên của Hội đồng Khí hậu thế giới của Liên hiệp quốc (IPCC) đã phát biểu: “Không chỉ có việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà cả việc thích nghi và tăng trưởng kinh tế cũng có thể hạn chế hậu quả của biến đổi khí hậu.”
Cho đến nay những nhà bảo vệ môi trường và các chính khách chủ yếu quan niệm, cơ hội duy nhất trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là giảm mạnh mẽ lượng khí thải carbondioxide (CO2). Giờ đây người ta nhất trí với quan niệm: hầu như không thể chặn đứng việc trái đất nóng lên, cũng nghĩa là con người phải thích nghi với nó - điều này đã được thể hiện trong bản báo cáo lần thứ ba của IPCC mới đây.
Còn có một vấn đề về nhận thức cần bổ sung, cũng được thể hiện trong báo cáo của IPCC hồi cuối tháng Ba vừa qua về việc ứng xử với việc trái đất nóng lên: “Hậu quả của biến đổi khí hậu không phải là một vấn đề riêng biệt, phải chống lại hậu quả này cùng với cuộc đấu tranh chống đói nghèo, tình trạng kém phát triển và chính sách tồi tệ.” Bởi tình trạng đói nghèo càng trầm trọng và sự kém cỏi của các chính trị gia càng lớn bao nhiêu thì tác động của trái đất nóng lên càng bộc lộ rõ rệt hơn bấy nhiêu.
Chống nóng cho thành phố
Chiến lược thích nghi thành công như thế nào giờ đây thể hiện qua nhiều dự án được triển khai trên khắp thế giới. Chúng ta hãy cùng nhau dạo một vòng đến những điểm nóng của biến đổi khí hậu để xem những gì người ta đang làm.
London bắt đầu tìm cách thích nghi với biến đổi khí hậu ngay từ khi trong IPCC hầu như chưa ai đề cập đến vấn đề này: Năm 2004 cơ quan quản lý công viên đã cho trồng thêm nhiều cây xanh, mở rộng diện tích bãi cỏ và để cho các con suối trở lại với dòng chảy vốn có của chúng. Thành phố đã đầu tư 24 triệu Euro cho dự án “East London Green Grid”. Giờ đây chủ trương này được mở rộng cho thành phố London kể cả vùng ngoại vi. Đến năm 2025, London sẽ có một mạng lưới diện tích xanh che phủ rộng khắp trong đó diện tích trồng cây chiếm 25% diện tích thành phố, hiện tại tỷ lệ này là 20%.
Kết quả, thảm thực vật sẽ giúp hạn chế hiệu ứng hòn đảo nhiệt. Tại trung tâm London, nhiệt độ có thể cao hơn 7 độ so với vùng lân cận nhưng việc bổ sung sự xanh hoá nhằm cho thành phố này không bị nóng lên trong những năm tới.
Các thành phố còn có một loạt giải pháp khác để phản ứng trước việc nhiệt độ tăng lên. Thành phố Doha (Qatar) đang áp dụng một biện pháp xử dụng năng lượng rất hiệu quả. Tại đây có hai khu vực các công trình xây dựng không được làm mát bằng máy điều hoà nhiệt độ thông thường, mà dùng bơm nước lạnh 5,5 độ C dẫn vào các toà nhà. So với sử dụng điều hoà nhiệt độ thông thường, phương án này giảm tới 40% nhu cầu về năng lượng.
Các thành phố của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thực sự là một tấm gương tốt. Tại dự án khu dân cư Masdar với khoảng 40 nghìn người và chừng 50 nghìn khách vãng lai, các toà nhà được bố trí thích hợp để luôn hút gió và không khí luôn thông thoáng – không khí thoáng đãng mát mẻ làm cho nhiệt độ mùa hè ở Masdar giảm khoảng 20 độ C so với vùng sa mạc cát ở xung quanh.
Tại những thành phố đã hình thành, nhiều khi có thể cải thiện tình hình qua việc cải thiện công tác tổ chức. Thí dụ sau mùa hè khắc nghiệt năm 2003 làm nhiều người chết, chính quyền thành phố Paris đã phát triển một kế hoạch khẩn cấp. Trong tương lai, khi xẩy ra các đợt nắng nóng gay gắt, những người cần sự hỗ trợ có thể đăng ký với cơ quan chính quyền để được bố trí chỗ ở thích hợp.
Mùa hè 2011, một nhà báo của hãng Thông tấn Ả rập Al Jazeera đã có một phát hiện gây chấn động dư luận: Tại vùng Lakonia, vùng ven biển ở phía nam Hy Lạp, nhiều công nhân làm việc trong các trang trại trồng cam, chanh đã bị bệnh sốt rét, trong khi đó căn bệnh này được coi là đã bị tuyệt diệt ở châu Âu từ năm 1970. Trong bài phát biểu trên đài truyền hình, bác sĩ Apostolos Veiziz làm việc cho tổ chức thiện nguyện Bác sĩ không biên giới đã nêu những lý do về việc trở lại của căn bệnh nhiệt đới này: “Do khủng hoảng tài chính, chính phủ không có tiền để tiến hành phun thuốc trừ muỗi”. Đồng thời nhiệt độ tăng làm cho muỗi phát triển một cách bột phát.
Nhà chức trách Hy Lạp đã điều xe của cơ quan phòng dịch tiến hành thử máu cho công nhân nông nghiệp đồng thời phát thuốc cho họ. Ngoài ra, họ cũng tiến hành phun thuốc trừ muỗi. Việc làm này thu được kết quả, hai năm sau, người ta chỉ ghi nhận được ba ca sốt rét ở Hy Lạp.
Biến đổi khi hậu không chỉ làm cho bệnh sốt rét mà nhiều bệnh truyền nhiễm khác trở nên trầm trọng hơn, trong đó có bệnh sốt xuất huyết và bệnh gây sốt hồi quy do bọ chét truyền, bệnh viêm màng não, bệnh sốt ở thung lũng Rif (châu Phi) và bệnh tả. Vì thế các chuyên gia y tế ở Senegal, Malawi và Ghana được sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu khí hậu ở châu Âu đang xây dựng một hệ thống dự báo dịch bệnh.
Trong dự án mang tên Qweci, các bệnh viện thông báo qua vô tuyến một số loại bệnh, trong đó có các trường hợp bị bệnh sốt rét, tới Trung tâm thu nhận thông tin. Đồng thời các vệ tinh cung cấp dữ liệu về thời tiết đối với tất cả các vùng. Khi số ca bệnh tăng lên và thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của côn trùng thì các thầy thuốc ở các khu vực sẽ được báo động. Điều này giúp cho việc cung ứng thuốc kịp thời và cảnh báo người dân tại khu vực có nguy cơ phát bệnh. Các nhà nghiên cứu đang hoàn thiện hệ thống này để có thể dự báo phát sinh dịch bệnh trước sáu tháng.
Thay đổi phương pháp canh tác
Cách đây ít lâu, nếu nói đến “Pink Lady”, có lẽ nhiều người Đức không biết đây là tên một loại táo. Ngày nay người trồng táo ở Đức cũng trồng loại táo này do trái đất nóng lên. Pink Lady chịu được các đợt nắng nóng tốt hơn so với nhiều giống táo khác, vì vậy trước đây giống táo này chủ yếu chỉ được trồng ở nam Châu Âu như Pháp và Italia.
Do biến đổi khí hậu và do ảnh hưởng của các đợt nắng nóng gay gắt, các chuyên gia dự báo từ năm 2050 năng suất nhiều loại cây trồng sẽ bị giảm tới 25%, đặc biệt là với ngô và lúa mì. Vì vậy cần có những giải pháp thích ứng nếu không trong tương lai sẽ bị thiếu hụt lương thực, thực phẩm vì dân số thế giới vẫn tiếp tục tăng lên.
Tuy nhiên ngay cả ở Đức, người nông dân cũng có cơ hội để thích nghi – thí dụ họ có thể thay đổi phương pháp canh tác, cải thiện công tác thuỷ lợi hoặc trồng các loại cây khác. Điều hết sức quan trọng là việc chọn những giống cây trồng chịu được sự thay đổi khí hậu.
Các nhà nghiên cứu về giống cây trồng cho rằng cây kê có tính chịu hạn cao, có thể thay thế ngô, điều này có tầm quan trọng đặc biệt. Những loại cây trồng có bộ rễ sâu có sức chịu hạn tốt hơn. Những giống cây trồng có khả năng chịu hạn hán cao có thể có năng suất cao hơn so với các giống bình thường tới 15% – nhờ đó bù đắp được cho việc giảm sản lượng do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo IPCC, đến năm 2100, mực nước biển có thể tăng từ 30 đến 100 cm. Hiện tại quá trình này còn diễn ra chậm chạp. Vì vậy London dự định sẽ tôn cao hệ thống chống lũ lụt – Thames Barrier – sớm nhất vào năm 2070. Ở Vịnh Đức (Deutsche Bucht), đến giữa thế kỷ này, con đê ở đây vẫn còn chắc chắn. Nhưng theo Ngân hàng Thế giới, giá trị tài sản ở các thành phố ven biển bị đe doạ đến năm 2050 tăng lên gấp mười lần.
Với những vùng đồng bằng dân cư đông đúc bị lún do khai thác nước quá nhiều, mực nước biển dâng lên 1 cm cũng trở thành vấn đề – do đó việc thích nghi là hết sức cần thiết.
Ngay cả quần thể sinh vật biển cũng có phản ứng với việc biến đổi khí hậu. Các đàn cá cũng tiến ra vùng nước mát hơn. Theo Viện Alfred-Wegener ở Bremerhaven thì tại vùng Biển Bắc trong mấy thập niên qua đã có khoảng 40 loài cá mới di cư đến đây, trong đó có loài cá sác đin và cá rô, trong khi loài cá dorsch lại tiến dần lên phía bắc. Những người đánh cá cũng cảm nhận được tình hình này: Ở vùng vĩ độ cao sản lượng đánh bắt cá tăng; nhưng ở vùng biển nhiệt đới sản lượng đánh bắt đến năm 2050 có nguy cơ giảm một nửa, đây là cảnh báo của IPCC. Để thích ứng, người ta buộc phải đánh bắt những loài cá khác.
Việc nuôi trồng thuỷ sản cũng có thể góp phần bảo đảm cung cấp chất đạm cho con người. Trước đây việc nuôi trồng hải sản thường tập trung ở miền duyên hải – và đẩy lùi rừng ngập mặn có tác dụng bảo vệ, chống xâm lấn. Hiện nay có những cách tiếp cận ít gây tổn hại hơn – nuôi cá ở nội địa: thí dụ một số doanh nghiệp ở Đức như Neomar nuôi cá biển như loài cá doraden. Hàn Quốc hiện cũng tiến hành các dự án nuôi trồng hải sản tương tự.
Biết đâu người kế tục ông Bloomberg, ông Bill de Blasio, sẽ phát hiện ra việc câu cá đại dương ngay trong vùng nội địa của New York – và coi đây cũng là một cách để thành phố của ông chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu.