Các nhà khoa học Pháp, Mỹ giành Giải Nobel Hoá học 2005
Các chất hữu cơ chứa nguyên tố cacbon. Các nguyên tử cacbon có thể hình thành những chuỗi dài và các vòng, liên kết với các nguyên tố khác chẳng hạn như hydro và oxy, hình thành liên kết đôi, v.v... Tất cả sự sống trên Trái đất được dựa trên những hợp chất cacbon này. Tuy nhiên, con người có thể tạo ra các hợp chất cacbon này thông qua quá trình tổng hợp chất hữu cơ.
Từ ""hoán vị"" có nghĩa là ""đổi chỗ"". Trong các phản ứng hoán vị, các liên kết đôi giữa các nguyên tử cacbon bị phá vỡ và được tạo ra bằng cách làm cho các nhóm nguyên tử đổi chỗ cho nhau. Phản ứng xảy ra với sự trợ giúp của các chất xúc tác đặc biệt. Hoán vị có thể được so sánh với một vũ điệu mà trong đó các cặp đổi bạn nhảy cho nhau.
Vào năm 1971, GS Yves Chauvin (Viện Dầu mỏ Pháp) đã giải thích chi tiết cơ chế của các phản ứng hoán vị và những loại hợp chất kim loại hoạt động như chất xúc tác trong những phản ứng đó. Như vậy, lúc đó ông đã biết công thức và bước tiếp theo là phát triển các chất xúc tác. Năm 1990, GS Richard Schrock (Viện Công nghệ Massachusetts) là người đầu tiên tạo ra một chất xúc tác cho hoán vị. Đó là một hợp chất kim loại rất hiệu quả. Hai năm sau, GS Robert Grubbs (Viện Công nghệ California) lại cho ra đời một chất xúc tác còn tốt hơn nữa, ổn định trong không khí và có rất nhiều ứng dụng.
Hoán vị được sử dụng hàng ngày trong ngành công nghiệp hoá chất, chủ yếu là để tạo ra các loại dược phẩm và những chất dẻo tiên tiến. Nhờ có những đóng góp của ba nhà khoa học trên mà các phương pháp tổng hợp chất hữu cơ tốt hơn đã ra đời. Đó là những phương pháp hiệu quả hơn (ít phản ứng hơn, cần ít nguyên liệu hơn và tạo ra ít chất thải hơn), dễ sử dụng (ổn định trong không khí, ở nhiệt độ và áp suất bình thường) và thân thiện hơn với môi trường (các dung môi không gây thương tích, phế thải ít độc hại hơn). Đó là một bước tiến vĩ đại đối với ""ngành hoá chất xanh"", giảm chất thải độc hại thông qua tiến trình sản xuất thông minh hơn. Hoán vị là một ví dụ về tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học cơ bản phục vụ lợi ích của con người, xã hội và môi trường.
Các Giải Nobel hoá học phản ánh những khám phá và thành tựu bắt nguồn từ các cuộc điều tra vật chất, các tiến trình của sự sống trong hơn 100 năm qua. Bắt đầu bằng Giải Nobel Hoá học đầu tiên (1901) dành cho Jacobus H. van"t Hoff, những thành tựu này không chỉ bổ sung hiểu biết của con người về các tiến trình hoá học, cơ sở phân tử của chúng, mà còn là nền tảng cho những tiến bộ công nghệ chúng ta đang được hưởng ngày nay. Cho tới nay đã có 148 nhà khoa học được trao tặng Giải Nobel hoá học. Giải Nobel Hoá học 2005 gồm một tấm séc gần 1,3 triệu USD (chia đều cho ba người), huy chương Nobel và bằng chứng nhận. Giải thưởng sẽ được trao vào ngày 10/12 - ngày mất của Nobel năm 1896.
Nguồn: vnn.vn 5/10/2005