Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 27/06/2011 18:52 (GMT+7)

Các nghịch lý trong lối sống đô thị hiện nay từ góc nhìn Đà Nẵng

1.Đô thị hóa là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển và hội nhập của Việt Nam , nó không tách rời quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Ở miền Trung - Tây Nguyên, quá trình này diễn ra rất nhanh, đặc biệt là Đà Nẵng - đô thị trung tâm của khu vực. Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển, xuất hiện nhiều nghịch lý về văn hóa, nhất là trong lối sống.

Khi nói đến đô thị hóa, người ta thường nghĩ đến một lối sống văn minh, hiện đại và cùng với nó là nhà cao tầng, siêu thị, với nhịp sống ồn ào, náo nhiệt. Đáng tiếc, chúng ta dường như chỉ quan tâm đến sự phát triển về mặt vật chất mà ít chú ý đến những yếu tố tạo nên đời sống tinh thần của cư dân đô thị. Hiện nay, chúng ta vấp phải những vấn đề như nhịp sống nhanh của đô thị đối ngược với lưu thông hàng hóa theo hướng tiểu nông; sản xuất và lưu thông hàng hóa theo hướng hiện đại đang đối lập với sản xuất buôn bán nhỏ lẻ; quy hoạch đô thị theo hướng hiện đại đang đối lập với kiến trúc tự phát, manh mún, mạnh ai đó làm; đô thị hóa hướng về giá trị cộng đồng, còn ngược lại, con người lại có xu hướng về cá nhân, biệt lập; tăng trưởng kinh tế nhanh với bảo vệ môi trường sinh thái; văn hóa làng xã xen lẫn nơi công sở, v.v…

2.Theo chúng tôi, lối sống đô thị là một khái niệm rộng. Trong giới khoa học, nhất là lĩnh vực văn hóa, tâm lý, xã hội học, quản lý đô thị người ta thường nhắc tới khái niệm lối sống mới, lối sống xã hội chủ nghĩa, lối sống hưởng thụ, lối sống gấp, lối sống tư sản… Trong khi nội hàm của các khái niệm này còn rất mơ hồ, vì thế dẫn đến hiện tượng mỗi người một cách.

Xã hội Việt Nam hiện nay, nếu xét về mặt kinh tế, thực chất đó là thời quá độ với đặc trưng là sự đan xen của nhiều thành phần kinh tế và do vậy tất yếu sẽ hình thành một lối sống quá độ. Lối sống quá độ là sự pha trộn, hỗn tạp những yếu tố cũ quy định hành vi văn hóa, ứng xử và giao tiếp với những yếu tố văn hóa mới hình thành từ nhiều nguồn gốc khác nhau chưa định hình và ổn định. Do vậy, việc xác định một chuẩn mực về lối sống đô thị cho cộng đồng dân cư là rất khó khăn. Lối sống này gắn với những nhóm xã hội, giai tầng, nghề nghiệp và tầng lớp cụ thể.Sự hình thành lối sóng đô thị do nhiều nhân tố ảnh hưởng như sự biển đổi cơ cấu xã hội, dân cư; sự tác động phân cực giàu nghèo; sự chuyển đổi các định hướng giá trị của các nhóm xã hội; sự thay đổi chức năng, vai trò của các bộ phận trong guồng máy điều hành, quản lý đô thị.

Từ cách tiếp cận trên, nhiều nhà xã hội học đô thị ở nước ta thường thống nhất với nhau quan điểm cho rằng, lối sống đô thị ở nước ta là lối sống hỗn tạp, đan xen và chứa nhiều nghịch lý.

3.Với diện tích hơn 1.256 km 2, bao gồm vùng nội đô có diện tích 205,87 km 2, có 7 quận, huyện với 47 phường nằm dọc theo sống Hàn, 11 xã của huyện Hòa Vang và huyện đảo Trường Sa, thành phố Đà Nẵng đang nổi lên là địa phương có nền kinh tế phát triển nhanh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) liên tiếp 2 năm dẫn đầu cả nước. Ở lĩnh vực kết cấu hạ tầng đô thị cũng được xem là điểm sáng khi thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch và chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, hiệu quả và những tác động tích cực, tính lan tỏa thì còn nhiều bất cập. Việc xác định Đà Nẵng là một trong những đô thị lớn của cả nước theo Nghị quyết 33 - NQ/TW của Bộ Chính trị với vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung và cả nước, Đà Nẵng xây dựng nhóm các giải pháp lớn sau: một là, duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 14% năm, chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại. Phát triển công nghiệp có chọn lọc, tập trung vào những ngành có hàm lượng công nghệ cao; hai là, xây dựng và phát triển nhanh dịch vụ, đầu tư phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung phát triển những sản phẩm có tính đặc thù. Xây dựng Đà Nẵng thành đầu mối quá cảnh và giao lưu hàng hóa, dịch vụ của miền Trung - Tây Nguyên, khu vực ASEAN; ba là, quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống chuỗi đô thị một cách đồng bộ, từ kết cấu hạ tầng đến đô thị vệ tinh, tránh tập trung quá mức vào nội đô, theo hướng văn minh, hiện đại đảm bảo không gian đô thị xanh - sạch - đẹp. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, tạo cơ chế thông thoáng, môi trường thuận lợi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tranh thủ thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư lớn như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc…, đầu tư những dự án lớn mang tính đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội; phát triển văn hóa, xã hội, y tế, thể thao, nâng cao chất lượng đào tạo, thực hiện bình đẳng giới, tiếp tục thực hiện chương trình "thành phố 5 không, thành phố 3 có" bảo đảm phát triển môi trường đô thị bền vững.

Từ thực tế phát triển kinh tế - xã hội ở Đà Nẵng trong những năm qua, nhất là trên lĩnh vực văn hóa, lối sống, chúng ta dễ nhận thấy những nghịch lý cơ bản sau:

3.1. Nhịp sống nhanh, gấp gáp của đô thị đối lập với thói trì trệ, tĩnh của lối sống tiểu nông. Khi nói đến đô thị, chúng ta thường hình dung đó là môi trường ồn ào với nhịp sống nhanh, nhiều biến động. Nhưng thực tế hiện nay ở Đà Nẵng cho thấy, nhịp sống đó đang đối lập với lối sống tiểu nông. Hay nói đúng hơn là đang có sự đan xen, trung hòa giữa lối sống nông thôn truyền thống và lối sống đô thị. Ở nhiều phương diện, khó có thể rạch ròi những gì là đặc trưng của cư dân đô thị và của nông thôn vùng ven. Lối sống đô thị là quá trình chuyển tiếp các kinh nghiệm sống của nông thôn vùng ngoại ô, vốn là lối sống thanh bình, yên ả, mang đậm tính tiểu nông trong sản xuất, tiêu dùng sang lối sống nhanh và mạnh mẽ của đô thị. Lối sống này ở Đà Nẵng là sự pha tạp giữa tính chất đô thị hóa, công nghiệp hóa với chăn nuôi, trồng trọt, nghề thủ công, dịch vụ thương mại nhỏ.

Quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh ở Đà Nẵng, chính điều này đã tạo ra trong tâm lý những biến đổi ngược chiều. Đó là, anh nông dân vùng ven thường quen với công việc đồng áng, trồng trọt và chăn nuôi bỗng chốc trở thành cư dân đô thị; chị tiểu thương ở đô thị, công chức trong các cơ quan nhà nước xem chừng gốc gác lai là những cư dân vùng thôn quê chuyển dịch vào thành phố làm ăn sinh sống. Chính điều này đã tạo ra một lối sống đô thị nhuốm màu nông thôn, là sự pha tạp giữa tĩnh và động. Và tất yếu, những người vùng ven thôn quê ấy, anh ta đã mang toàn bộ tư tưởng, tác phong, lối hành xử ở vùng quê anh ta vào thành phố và nhanh chóng tác động đến những nguyên tắc của đô thị bởi tính vô tổ chức và những thói quen cố hữu của mình. Đó là thủ phạm cho sự hỗn tạp, suy nghĩ vụn vặt, làm ăn tản mạn, tính vô tổ chức, đề cao kinh nghiệm bản thân, ngại và không tiếp cận các tri thức khoa học.

3.2. Sự đối lập giữa sản xuất và lưu thông hàng hóa theo hướng hiện đại với sản xuất buôn bán nhỏ lẻ. Bộ mặt kinh tế của thành phố đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng hiện đại, trong đó công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 49,95%; dịch vụ chiếm 45,8%; nông-lâm-thủy sản chiếm 4,17%. Trong thời gian gần đây, Đà Nẵng tập trung mọi nguồn nhân lực xây dựng kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị với nhiều dự án lớn của Chính phủ như mở rộng cảng và đường vào cảng Tiên Sa, xây dựng cầu Tuyên Sơn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi và hầm đường bộ Hải Vân, hiện đại hóa bưu chính - viễn thông, hoàn thiện 5 khu công nghiệp với diện tích 1.400ha để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, cải tạo và nâng cấp các tuyến đường lớn, bê tông hóa các kiệt, hẻm, mở rộng không gian đô thị lên gấp 3 lần so với trước khi Đà Nẵng được trở thành đô thị loại 1, hơn 70.000 hộ dân được thành phố tái định cư, nhiều khu đô thị mới hình thành, tuyến đường như Liên Chiểu - Thuận Phước, Sơn Trà-Điện Ngọc và nhiều dự án xây dựng cầu qua sông Hàn,v.v.. Sự phát triển đồng bộ trên nhiều mặt như vậy đã tạo những thay đổi rõ rệt trong lối sống cư dân ở thành phố Đà Nẵng. Trong hoàn cảnh như vậy, không gian địa - văn hóa sẽ có nhiều biến đổi sâu sắc, nhất là về lối sống. Đà Nẵng hiện nay được xem là một mắt xích trong "mạng lưới đô thị toàn cầu" của Việt Nam như đánh giá của nhà quy hoạch đô thị nước ngoài. Đó là các "siêu đô thị" với các khu đô thị mới, cư xá khép kín, nhà ở cao cấp, các dịch vụ như siêu thị, nhà hàng, công viên, sân golf, khu vui chơi giải trí riêng biệt dành cho người có thu nhập cao. Đây là hình ảnh của "đô thị toàn cầu" và đối lập với nó là lối sản xuất mang tính nhỏ lẻ của một bộ phận không nhỏ cư dân.

Quan hệ kinh tế và kế sinh nhai của cư dân đô thị hiện nay được chi phối từ quan hệ tiền hàng, mọi mặt của đời sống xã hội diễn ra hết sức phức tạp. Cách thức sản xuất của người dân vẫn là sự đan xen giữa sản xuất nhỏ của kinh tế hộ gia đình có trang bị máy móc với một nền sản xuất công nghiệp mang tính hiện đại. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, ở nơi đây không còn tồn tại khái niệm "nông nhàn" và cũng không có khái niệm "công nhân". Các khu chợ ngoại vi đón nhận các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, các đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống và cả các phương tiện, kỹ thuật hiện đại từ thành phố.

3.3. Quy hoạch đô thị theo hướng hiện đại đang đối lập với kiến trúc tự phát, manh mún, mạnh ai nấy làm. Trong những năm gần đây, Đà Nẵng được xem là hình mẫu của công tác qui hoạch đô thị ở Việt Nam . Chính nhờ điều này mà bộ mặt thành phố có nhiều thay đổi, nhưng nhìn chung vẫn manh mún, chưa xứng với tiềm năng của thành phố, chưa đúng với tinh thần Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung, đó là quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống chuỗi đô thị vệ tinh, tránh tập trung quá mức vào nội đô, theo hướng văn minh, hiện đại bảo đảm không gian đô thị xanh - sạch - đẹp… Hiếm có quốc gia nào trên thế giới có kiểu quy hoạch đô thị như nước ta, tình hình đó dẫn đến cảm giác khu đô thị ở thành phố vẫn là làng thu nhỏ với đủ thứ sinh hoạt cộng đồng của nông thôn mà lại không có một tầm nhìn chiến lược lâu dài. Chẳng hạn, việc di dời, giải tỏa, đền bù xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị ở Đà Nẵng đã và đang nảy sinh những vấn đề kinh tế - xã hội bức xúc, tác động tiêu cực đến tiến trình xây dựng lối sống văn minh đô thị. Hơn mười năm qua, thành phố chú trọng hơn vấn đề tập trung đổi đất lấy hạ tầng mà chưa chú ý nhiều đến việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động sau khi họ đã phải nhường đất canh tác nông nghiệp cho phát triển khu công nghiệp, cho hệ thống hạ tầng cơ sở. Mặc dù được nhận một khoản tiền đền bù tương đối, nhưng lại âm vào tình cảnh không công ăn việc làm. Điều này được nhiều người ví như việc thành phố chỉ cho họ con cá chứ không cho họ cái cần câu. Không chỉ vậy, nếu nhìn toàn diện và với tầm chiến lược, chúng ta sẽ thấy sự bất hợp lý đối với một thành phố biển đó là, trong tương lai không xa người dân Đà Nẵng sẽ trở thành khách trên chính mảnh đất của quê hương mình. Bởi như chúng ta thấy, phần lớn diện tích bờ biển, bãi biển đẹp và thuận lợi để phát triển cho ngành du lịch và dịch vụ của thành phố đã và đang thuộc sở hữu của các tập đoàn kinh tế của nước ngoài. Đây cũng là nghịch lý đã và đang đặt ra cho chúng ta suy ngẫm.

3.4. Đô thị hóa hướng về giá trị cộng đồng, còn ngược lại, con người lại có xu hướng hướng về cá nhân, biệt lập. Đô thị hóa sẽ làm rạn vỡ các mối quan hệ gắn bó từng là cơ sở cho cả hai lối sống: nông thôn và thành thị, nó làm biến dạng cộng đồng nông thôn và ngược lại càng làm méo mó các quy chuẩn của cộng đồng thành thị. Nói theo ngôn ngữ hiện đại là nông thôn hóa thành thị và thành thị hóa nông thôn. Thực tế cho thấy rất rõ ở Đà Nẵng trong hơn mười năm qua. Vấn đề đặt ra phải tìm ra được các biện pháp để ngăn chăn và hạn chế những mặt tiêu cực của lối sống tiểu nông trong xã hội đô thị. Với lối sống đô thị, người ta quen lấy hệ giá trị làm qui chuẩn chung cho cộng đồng, còn ngược lại, lối sống tiểu nông lại luôn hướng về lợi ích manh mún của cá nhân, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, tạm thời. Đó chính là lực cản to lớn kìm hãm quá trình đô thị hóa hiện nay ở Đà Nẵng. Tư duy tiểu nông luôn đề cao kinh nghiệm, "sống lâu lên lão làng". Kỳ thực tri thức kinh nghiệm rất quan trọng trong hoạt động sống của con người, nó phù hợp với phương thức trồng trọt và chăn nuôi, sống trong môi trường đô thị thì hoàn toàn khác, nếu tuyệt đối hóa kinh nghiệm trở thành chủ nghĩa kinh nghiệm thì ngay tức khắc phải đối mặt với những hệ lụy mà nó gây ra. Người quản lý xã hội, nhất là ở đô thị phải dựa trên tri thức khoa học, phải được đào tạo một cách bài bản, phải được thử thách qua hoạt động thực tiễn, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Thực tế ở thành phố trong nhiều năm qua cho thấy, cán bộ cấp phường, xã thường là những người đã về hưu, hoặc dựa trên kinh nghiệm qua nhiều năm công tác. Các chi hội cơ sở lại tập trung những cán bộ hết tuổi lao động song họ lại được giao trọng trách quyết định mọi vấn đề như quy hoạch cụm dân cư, sinh hoạt cộng đồng, trật tự an ninh ở phường. Chính điều này đã tạo ra sự đối lập giữa những giá trị mang tính cộng đồng với sự co cụm, cá nhân biệt lập. Bởi lẽ, chính tư duy hạn hẹp của đội ngũ cán bộ đã lão hóa như đã đề cập ở trên sẽ là lực cản to lớn trong việc hướng tới những giá trị cộng đồng và là sức ì của quá trình đô thị hóa.

3.5. Hiện nay đang có sự mâu thuẫn lớn ngay trong chiến lược giữa tăng trưởng kinh tế nhanh với bảo vệ môi trường sinh thái

Hội đồng Phát triển thế giới về môi trường và phát triển (WCED) của Liên Hiệp Quốc trong báo cáo "Tương lai của chúng ta" năm 1992 đã khẳng định: "sự phát triển đáp ứng được yêu cầu của hiện tại nhưng không gây trở ngại cho việc đáp ứng nhu cầu của thế hệ mai sau". Đối với các nước đang phát triển, quá trình đô thị hóa, trong đó có Việt Nam, đều buộc phải sử dụng triệt để nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên và chỉ khi sử dụng nguồn lợi này một cách có hiệu quả thì mới góp phần vào quá trình tăng trưởng kinh tế. Song, nếu khai thác nguồn tài nguyên này một cách quá mức, dẫn đến hệ sinh thái bị mất cân đối nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường gia tăng thì chúng ta phải trả giá đắt.

Cũng giống như một số nước đang phát triển khác, tình trạng ô nhiễm môi trường do tăng trưởng kinh tế gây ra ở Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng là điều không tránh khỏi, đang là một trong những vấn đề bức xúc đòi hỏi phải giải quyết cấp bách. Ngày 23-11-2010, tại Đà Nẵng đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề "Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường". Hội thảo đã thu hút gần 100 nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực môi trường trong và ngoài nước. Các chuyên gia cùng với các cấp quản lý của thành phố đã xác định mục tiêu chiến lược là đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ chính thức công bố danh hiệu thành phố môi trường với 23 tiêu chí như chỉ số đầu tư cho bảo vệ môi trường là trên 1,5% GDP của thành phố, GDP bình quân là 2.500 USD/người, tỉ lệ người dân nội thành sử dụng nước sạch là trên 95% (tỉ lệ ngoại thành là trên 70%), diện tích thành phố cây xanh đô thị đạt 6-8m 2/người… Tuy nhiên, từ quá trình đô thị hóa rất ngoạn mục ở Đà Nẵng trong những năm qua, dường như chúng ta đang mải chạy theo các chỉ số tăng trưởng kinh tế mà bất chấp tình trạng môi trường sống đang bị hủy diệt. Ô nhiễm môi trường đã và đang là thách thức lớn chính đối với tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa ở của thành phố. Theo thống kê sơ bộ, hiện mỗi ngày toàn thành phố thải ra khoảng 100.000m 3nước thải, trong đó có gần 40.000m 3là nước thải công nghiệp và phần lớn trong số đó đều thải trực tiếp ra sông, hồ. Điều này khiến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Bình quân mỗi ngày thành phố cũng thải ra gần 1.700 tấn rác thải. Phấn đấu để xây dựng thành phố môi trường, nhưng hiện nay hệ thống cây xanh ven đường, công viên cây xanh của thành phố vẫn còn hết sức khiêm tốn, đây chính là một trong những nghịch lý lớn đòi hỏi cần phải có chiến lược nhằm thực hiện cho được mục tiêu phát triển bền vững theo hướng bình đẳng và cấn đối giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

3.6. Văn hóa làng xã xen lẫn nơi công sở

Quá trình đô thị hóa đang chứng kiến nhiều nghịch lý đáng buồn, trong đó phải kể đến sự xen lẫn giữa lối sống công nghiệp nơi công sở với văn hóa làng xã của người nông dân. Đâu đó trong công sở ở nước ta nói chung, Đà Nẵng nói riêng vẫn còn hiện diện tính chất công thần của văn hóa làng quê. Như chúng ta đã biết, trong làng xã Việt Nam truyền thống, những người có công thường được đề cao, điều này hoàn toàn hợp lý, hợp tình trong cung cách ứng xử của văn hóa truyền thống, bởi như người Việt quan niệm: "Ở đời muôn sự của chung, hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi". Điều là đúng trong cách ứng xử truyền thống của làng quê, nhưng trong xã hội hiện đại, đặc biệt trong công sở hiện nay, chính bệnh công thần này lại là lực cản rất lớn cho quá trình chuẩn hóa, chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ. Bởi nó sẽ dẫn tới tệ quan liêu, hách dịch, bè phái, cục bộ địa phương, sự trì trệ trong cách nghĩ cách làm. Thực tế cho thấy, khi đi tới nhiều cơ quan, công sở, chúng ta vẫn dễ dàng bắt gặp sự hiện diện cố hữu của vấn nạn đề cao kinh nghiệm cá nhân, ngôi thứ theo kiểu họ hàng, tông tộc. Chính điều này đã dẫn tới hệ lụy là thói vô kỷ luật trong chấp hành giờ giấc, tùy tiện trong cung cách ứng xử không theo chức năng, nhiệm vụ công việc mà theo quan hệ huyết thống, họ hàng như bố - con, chú - cháu, cô - chú, v.v.. Nguy hại hơn là việc chúng ta đã ngang nhiên mang văn hóa làng vào trong công sở, đó là: hương khói, cúng bái, lập bàn thời ngay tại nơi làm việc; nội trợ cho gia đình ngay tại cơ quan để tiết kiệm chi phí điện, nước; lấy của chung làm của riêng, lợi dụng việc chung để hành xử công việc cá nhân. Để xây dựng một nếp sống văn minh, hiện đại nơi công sở thiết nghĩ cần phải khắc phục triệt để những vấn nạn này.

4.Hơn mười năm sau khi chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng để trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã đạt được những tiến bước tiến quan trọng trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nơi đây được xem là "điểm hội tụ" - là đòn bảy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Vì vậy, để giải quyết các nghịch lý trong quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng hiện nay, theo chúng tôi cần phải giải quyết đồng bộ các nhóm giải pháp sau đây:

Một là, cần phải tiến hành đồng bộ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn chặt với việc thay đổi lối sống mang tính hiện đại của cư dân đô thị trong phát triển kinh tế và tiếp biến văn hóa. Đây là giải pháp quan trọng nhất, bởi, một đô thị được xem là hiện đại thì trước hết phải bắt đầu từ sự thay đổi trong cung cách làm ăn cũng như ý thức người dân theo hướng công nghiệp. Nếu chỉ chú trọng đến sự phồn thịnh về kinh tế, với việc mở rộng, nâng cấp kết cấu hạ tầng cơ sở, chỉnh trang đô thị mà lãng quên việc tạo dựng lối sống hiện đại, phương thức sản xuất kinh doanh hướng tới thị trường mở, hội nhập thì sự phát triển đó cũng chỉ mang tính hình thức, manh mún. Khi các nhu cầu thiết yếu của người dân như phương tiện đi lại, nhà, môi trường sống hài hòa, v.v… được đảm bảo thì mới tạo dựng được cơ sở vững bền cho tiến trình phát triển của một đô thị theo hướng hiện đại.

Hai là, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý đô thị theo hướng hiện đại. Thực tế cho thấy, chỉ trên cơ sở của cơ chế và những chính sách mang tính đồng bộ, cứng rắn, được đảm bảo bằng sự cưỡng chế pháp luật thì hiệu quả việc đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, cho quy hoạch đô thị theo hướng hiện đại mới được đảm bảo. Khi qui hoạch đô thị, chúng ta cần mạnh dạn tham khảo kinh nghiệm từ các thành phố lớn, văn minh trên thế giới, nhưng cũng phải dựa trên đặc thù về mặt kinh tế - xã hội của địa phương. Cần phải có chiến lược dài hạn trong quy hoạch theo "tư duy nhiệm kỳ". Phải quyết liệt hơn nữa việc xử phát các lỗi như dựng trái phép, không theo quy chuẩn, lấn chiếm lòng lề đường. Trong chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý đô thị phải thực hiện chuẩn hóa, tránh lối tư duy kinh nghiệm mang tính tự phát tiểu nông.

Ba là, tăng cường công tác giáo dục nhằm nâng cao ý thức công dân hướng tới các giá trị cộng đồng, hạn chế tính tự phát, tư hữu của lối sống tiểu nông. Như trên đã đề cập, quá trình đô thị hóa ở Đà Nẵng hiện nay vẫn là sự đan xen giữa lối sống tiểu nông làng xã với sự náo nhiệt của thị thành. Bởi vậy, để hướng người dân tói những giá trị mang tính cộng đồng của không gian đô thị hiện đại thì cần tăng cường giáo dục trách nhiệm công dân, ý thức cộng đồng trong sinh hoạt thường ngày cho cư dân ở cụm dân cư, khối phố, phải xử phạt nghiêm những hành vi thiếu văn hóa nơi công cộng, tránh cung cách suy nghĩ "chuông làng nào làng đó đánh, thánh làng nào, làng đó thờ". Việc nâng cao ý thức cộng đồng trong lối sống đô thị cần phải xuất phát từ nền tản gia đình. Vì vậy, các chính sách kinh tế lớn của thành phố nên dành một phần ưu tiên cho gia đình, tạo cơ hội cho các gia đình phát triển hài hòa, vì theo chúng tôi, nếu gia đình được giáo dục một cách đồng bộ sẽ là bệ đỡ vững chắc cho việc hình thành lối sống đô thị. Sở Giáo dục và Đào tạo nên kết hợp với các cơ quan chức năng của thành phố để lồng ghép các chương trình, hoạt động ngoại khóa về giáo dục lối sống đô thị cho học sinh phổ thông nhằm hình thành các nguyên tắc ứng xử phù hợp, nhẹ nhàng mà hiệu quả để lớp trẻ có được những nhận thức phù hợp về công dân của một đô thị hiện đại.

Bốn là, cần cụ thể hóa chính sách trong chiến lược tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường vào cuộc sống nhằm hướng tới xây dựng Đà Nẵng trở thành "thành phố môi trường" theo hướng bền vững. Ai cũng thừa nhận rằng, phát triển kinh tế mù quáng sẽ dẫn đến hệ quả là hủy diệt môi trường sống. Sự phát triển kinh tế theo hướng hiện đại một cách ý thức, sáng suốt với sự giám sát chặt chẽ của pháp luật và sự đồng thuận của toàn xã hội thì vấn đề bảo vệ môi trường sẽ được đảm bảo. Để thực hiện được điều này, theo chúng tôi cần phải: Thứ nhất, cần thay đổi nhận thức của các chủ thể kinh tế, đó là không phải tăng trưởng bằng mọi giá mà hủy hoại môi trường sinh thái, mọi sự phát triển đều phải hướng tới tương lai, sự vững chắc về kinh tế trong tương lai chính là nhờ sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường của hiện tại. Thứ hai, nên đưa các vấn đề môi trường vào trong quá trình lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong phát triển kinh tế phải đặc biệt coi trọng những giải pháp về môi trường, cần sớm đưa bảo vệ môi trường thành một ngành kinh tế, thành chính sách kinh tế điều tiết hoạt động phát triển. Phải xem đây là mục tiêu, là điều kiện để nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Thứ ba, cần khai thác và sử dụng một cách có hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân tạo trong phát triển kinh tế-xã hội. Có chính sách cụ thể đối với việc khuyến khích mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế và bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng công nghệ mới, thực hiện chuyển giao công nghệ, thực hiện công nghệ "xanh và sạch". Thứ tư, sử dụng biện pháp kinh tế trong quản lý môi trường bằng việc đánh thuế các sản phẩm có thể và gây ô nhiễm môi trường, thu lệ phí các hoạt động kinh tế gây ô nhiễm môi trường, kiên quyết cấm hoạt động đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường theo Luật Môi trường.

Năm là, thực hiện các biện pháp cụ thể và cấp bách có tính chất hành chính để hạn chế đến mức thấp nhất việc mang tính văn hóa làng xã vào trong công sở. Thực tế cho thấy, người Việt thường mang nặng dấu ấn của văn hóa nghĩa tình, rằng, "trăm cái lý không bằng một tí cái tình", "phép vua thua lệ làng", "một giọt máu đào hơn ao nước lã", v.v… Đây là rào cản lớn cho quá trình hiện đại hóa chính sách cải cách hàng chính ở Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng. Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, theo chúng tôi cần phải thực hiện một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn các biện pháp hành chính, cụ thể như tiếp tục đẩy mạnh công tác chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở; có cơ chế rõ ràng và minh bạch trong việc sử dụng cán bộ, hạn chế lối tư duy kinh nghiệm, cục bộ, bản vị trong bố trí và sắp xếp cán bộ; nghiêm cấm tuyệt đối các cơ quan công quyền, hành chính sự nghiệp lập bàn thờ, bát hương nơi công sở; khuyến khích gìn giữ và phát triển các lễ hội truyền thống, nhưng phải hướng về giá trị văn hóa cộng đồng, chống và tránh đến mức tối đa việc trục lợi và tạo môi trường cho mê tín dị đoan phát triển.

Đô thị hóa luôn gắn liền với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đà Nẵng đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để khẳng định vị thế là đô thị trung tâm của khu vực. Vì vậy, việc tạo dựng lối sống văn hóa, hiện đại cho cư dân đô thị trở thành yêu cầu bức thiết của quá trình lối sống đô thị hóa. Điều này sẽ tạo nền móng vững chắc hình thành tạo nên một hình ảnh đẹp trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế. Đây cũng là tiêu chí quan trọng để Đà Nẵng hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố môi trườngtheo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của cụm từ này.

Xem Thêm

Đắk Lắk: Góp ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng
Ngày 13/6, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức góp ý kiến đối với dự thảo kế hoạch tổ chức hội nghị lấy ý kiến văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Hà Giang: Góp ý dự thảo sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm
Ngày 13/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) tỉnh đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá (CLSPHH). Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hộivà các chuyên gia TVPB.
Đắk Lắk: Hội nghị phản biện Dự thảo Nghị quyết về bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở
Sáng ngày 27/5/2025, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk (Liên hiệp hội) đã diễn ra Hội nghị phản biện và góp ý đối với Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Đắk Lắk về việc quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Phú Thọ: Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Sáng ngày 20/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo lấy ý kiến của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

Tin mới

Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Công nghệ mới trong xử lý chất thải góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngày 3/7, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo người sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.