Ca ghép tim nhân tạo đầu tiên cho người
Tim hoàn toàn nhân tạo mang tên Carmat do GS-BS Alain Carpentier (người đồng sáng lập viện Tim TP.HCM cùng Viện sĩ-TS Dương Quang Trung) sáng chế.
Ngày 24.9, cục An toàn dược phẩm quốc gia Pháp đã cho phép công ty Carmat thử nghiệm ghép tim Carmat cho bốn bệnh nhân thuộc ba cơ sở bệnh viện ở Pháp. Ngày 18.12, các bác sĩ bệnh viện châu Âu Georges-Pompidou ở Paris đã tiến hành ca phẫu thuật ghép cho một bệnh nhân bị thiểu năng tim ở giai đoạn cuối (danh tính không được công bố). Tim Carmat đã bảo đảm lưu thông bình thường về sinh học. Bệnh nhân đã tỉnh táo và trò chuyện với gia đình.
Công ty Carmat cho biết phải đợi đến khi đủ bốn bệnh nhân được ghép tim an toàn thì công ty mới có thông báo chính thức. Giai đoạn đầu của cuộc thử nghiệm ghép tim (kéo dài một tháng tính từ khi ghép tim Carmat cho bệnh nhân thứ tư) chú trọng đến tính chất an toàn của vật ghép. Giai đoạn 2 kéo dài trong sáu tháng nhằm đo lường tính hiệu quả của tim ghép.
Công ty Carmat dự kiến sẽ mở rộng số ca thử nghiệm lên 20 bệnh nhân và tăng số cơ sở bệnh viện thực hiện ghép ở Pháp cũng như ở nước ngoài. Theo kế hoạch, giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân ghép tim sẽ kết thúc trước cuối năm 2014. Sau đó, công ty sẽ tiến hành kinh doanh ở châu Âu và thực hiện các thử nghiệm cần thiết để được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ phê chuẩn.
Tại châu Âu, công ty Carmat ưu tiên cho các thị trường Pháp, Đức, Ý. Một quả tim Carmat hoàn toàn nhân tạo nặng 900 g có giá từ 140.000 euro đến 180.000 euro. Về sinh học, tim ghép tương thích với 86% nam giới và 20% nữ giới. Công ty Carmat dự kiến sẽ tiến hành chế tạo tim nhân tạo nhỏ hơn để phù hợp với thể hình của nữ giới.