BS Trần Hữu Nghiệp: những dấu chân để lại
Là một trí thức, tốt nghiệp đại học Y khoa Hà Nội năm 1937, sau khi tu nghiệp tại Pháp trở về ông mở bệnh viện tư tại Mỹ Tho để cứu giúp người bệnh. Lòng yêu nước, sự trung thành với dân tộc đã khiến ông rời bỏ cuộc sống giàu có để tham gia giành chính quyền năm 1945, trở thành uỷ viên tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh thị xã Mỹ Tho. Rồi ông bí mật rời bỏ gia đình tham gia kháng chiến, cứu chữa cho các chiến sĩ Vệ quốc đoàn. Năm 1946, ông trong đoàn bốn người của tỉnh Bến Tre đi chuyến vượt biển đầu tiên ra Bắc báo cáo tình hình với Chủ tịch Hồ Chí Minh và xin Trung ương chi viện vũ khí cho Nam bộ kháng chiến. Ông được phân công ở lại Hà Nội nhận nhiệm vụ ở cục Quân y. Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông cùng các ông Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám thành lập đảng Xã hội. Năm 1947, ông tham gia đoàn công tác của Chính phủ mở đường bộ vào Nam. Ông cùng bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng thành lập sở Y tế quân dân y Nam bộ. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc để rồi sau đó mười năm, khi đã ở tuổi 55, ông lại về Nam chiến đấu. Vậy là ông đã “đi vào đi ra” suốt chiều dài đất nước tới bốn lần, bằng cả đường biển cho đến vượt Trường Sơn.
Từng là trưởng ban huấn luyện bộ Y tế, hiệu trưởng trường Cán bộ y tế Trung ương, hiệu trưởng trường Cán bộ y tế trung cao cấp miền Nam, cố vấn cho bộ Y tế, ông góp sức đào tạo gần như toàn bộ lớp trí thức tài năng của ngành y, đồng thời trực tiếp chữa trị cho bệnh nhân, thương binh từ các bệnh viện cho đến chiến trường. Có thời kỳ ông là thầy thuốc riêng cho Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong nhiều chuyến công tác nước ngoài. Thời kỳ chiến tranh, ông cùng tập thể thầy giáo ngành y chăm sóc sức khoẻ cho nhiều lãnh đạo Trung ương cục miền Nam như Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh…
Lễ cưới BS Nghiệp tại Bến Tre năm 1938. |
Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp – nhà văn Hằng Ngôn có một tài sản văn chương mà nhiều nhà văn chuyên nghiệp phải ngưỡng mộ. Ông không viết văn như một thú vui, ông viết như một cách sống. Đến hôm nay, gia đình cũng không có đủ hoàn toàn các tác phẩm của ông. Với nhiều cuốn sách chuyên môn hướng dẫn rất thực tế cho người sử dụng, ta có thể kết luận chưa có ông thầy thuốc hiện đại nào nói chuyện với bệnh nhân nhiều như bác sĩ Trần Hữu Nghiệp. Ông có những cuốn như Nói chuyện với người hút thuốc lá, Nói chuyện với người uống rượu, Nuôi con, Chữa bệnh cho con khi xa thầy thuốc… chỉ vẽ trong cảm thông, như lúc nào cũng ở bên cạnh người bệnh. Ngoài sách chuyên môn, vị bác sĩ này còn để lại những tác phẩm lớn mà phải một bộ tổng tập mới chứa nổi.
Tác phẩm Thời gian trong mắt tôi của Trần Hữu Nghiệp giàu giá trị văn chương, phản ánh sinh động cuộc sống ở miền Nam, vùng quê với ngày đầu kháng chiến, nhớ những người hy sinh vì đại nghĩa. Ngòi bút của nhà văn Trần Hữu Nghiệp đã lưu giữ cho chúng ta chân dung của bao con người hy sinh, sống cống hiến không suy tính cho đất nước, cho lẽ phải. Ông miêu tả những binh chủng đặc biệt của đội quân tóc dài, một đoạn đường đẫm máu và nước mắt, chuyện tình yêu, mẹ và con, những con người như Phạm Ngọc Thạch mà chính ông tham gia khiêng linh cữu trong đêm mai táng trên vùng tả ngạn Vàm Cỏ Đông, năm 1968. Ông có nhiều trang viết rất rung động về bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, luật sư Trịnh Đình Thảo, cho đến các nhân vật nữ trong ngành y thời kháng chiến của Nam bộ. Ông còn viết rất nhiều bài trên các báo, tạp chí như Tổ quốc, Thống nhất, Vui sống thời 1946 cho tới trước chiến dịch Điện Biên Phủ.
Học trò của thầy Nghiệp rất nhiều, có người sau này làm bộ trưởng Y tế, và nhiều thầy thuốc thành danh. Họ không quên những ngày học trong rừng kháng chiến với các bài học làm người thiết thực mà thầy đã dạy họ từ việc đừng đi chân đất, nên đi guốc mộc nhưng đừng kéo lê, tôn trọng người khác, cho đến việc đi vệ sinh trong rừng…
Như nhiều gia đình Việt thời ấy, gia đình ông cũng chịu cảnh xa cách Bắc – Nam giữa vợ chồng con cái, thậm chí con trai ông, giáo sư Trần Hữu Dũng (hiện dạy đại học Mỹ) cũng chỉ được gặp lại cha khi anh đã gần 50 tuổi. Người chủ của trang báo điện tử nổi tiếng Viet-studies luôn tiếc vì anh chẳng bao giờ biết hết về cuộc đời sôi động của cha mình. Những người con của ông đều thành đạt, là các trí thức nổi tiếng, họ đều hiểu giá trị của cha là “sự hoà hợp giữa tính bộc trực thẳng thắn của người Nam bộ và sự tế nhị của một người trí thức sống nhiều, biết nhiều, thấu hiểu và quan tâm đến người khác”.
Trong tác phẩm Nhớ lại và suy nghĩ, Trần Hữu Nghiệp viết: “Đứng nhìn lại vết chân mình trên cánh đồng lương tâm trong hành trình 40 năm và thu hoạch cuối mùa đời, tôi rất bằng lòng đã đổ mồ hôi. Và nếu phải bắt đầu đi lại cuộc đời, con đường đã theo là duy nhất đúng. Tôi cứ làm như vậy. Không nghi ngờ”. Chỉ có sống một cuộc đời tận hiến cho đất nước mới nói được như thế.