Bông xới "made in Việt Nam" chất lượng cao, giá tốt
Anh Dương Quốc Thái, chủ cơ sở cơ khí Quốc Thái (trụ sở tại xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, Tiền Giang nằm cặp kênh Nguyễn Văn Tiếp, cách chợ Thiên Hộ khoảng 300 m), được mệnh danh là “kỹ sư không bằng cấp” bởi dù chưa học hết cấp 2 nhưng có nhiều sáng chế hữu ích phục vụ SX nông nghiệp.
Anh Dương Quốc Thái (áo trắng) bên cạnh sản phẩm “Bông xới Kubota 6040 SU” do mình sáng chế
Xuất thân từ một đình nông dân đông anh em, anh suy nghĩ, phải tìm học lấy một nghề để mưu sinh sau này. Từ sự gợi ý của cha, năm 1992, anh xin vào học nghề sửa chữa máy nổ tại một cơ sở cơ khí trong xã.
Là một người rất chịu khó tìm tòi, khám phá, thời gian rảnh rỗi anh thường tháo, lắp máy xe Honda cũ để nghiên cứu về cấu tạo cũng như nguyên lý hoạt động của từng chi tiết máy. Khi thạo nghề, anh ở lại làm công cho cơ sở một thời gian.
Đến năm 2002, anh đứng ra thành lập cơ sở cơ khí Quốc Thái chuyên sửa chữa các loại máy móc ngành nông nghiệp, máy ghe tàu…
Với mong muốn giúp người nông dân làm giàu trên chính thửa ruộng của mình, anh suy nghĩ phải tìm cách cải tiến hay sáng chế ra những công cụ, thiết bị giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí SX nhưng giá bán phải đảm bảo phù hợp với túi tiền của nhà nông vốn eo hẹp.
Sau thời gian mày mò, nghiên cứu, đầu năm 2009, anh cho ra đời sản phẩm “Máy xới cải tiến”. Sản phẩm này góp phần nâng cao năng suất máy xới tay do chiều rộng bông xới được anh cải tiến nâng lên 1,2 m (so với bông xới do Cty Giang Đông, TP Đà Nẵng SX chiều rộng chỉ 0,65 cm).
Với sáng kiến này, anh được trao giải Ba hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VIII (năm 2009).
Thời gian gần đây, nông dân chủ yếu sử dụng máy xới đầu kéo Kubota do Nhật Bản SX thay cho máy xới tay. Nhược điểm của loại máy xới này là chỉ sử dụng cho xới khô là chủ yếu (xới ải, xới ngâm lũ…).
Qua tiếp nhận các bông xới hay đuôi xới (gồm trục xới và lưỡi xới) do khách hàng mang đến nhờ sửa chữa, anh nảy sinh sáng kiến và bắt tay vào nghiên cứu.
Sau gần 1 năm mày mò, đầu năm 2014, anh đã sáng chế thành công “Bộ bông xới Kubota 6040 SU”. Khi đưa vào sử dụng được nông dân đánh giá cao bởi những tính năng vượt trội của nó như phù hợp với đồng đất của vùng đồng bằng sông Cửu Long (sình lầy, nhiều cỏ, rơm rạ…) cộng với giá cả phải chăng (chưa bằng 50% so với sản phẩm cùng loại do Nhật Bản hay Thái Lan SX).
Bộ bông xới do anh sáng chế gồm 3 bộ phận chính: Hộp giảm tốc (hộp sọ) gồm các nhông số được tận dụng từ hộp số xe Reo; bộ nhông, xích truyền động kéo trục xới quay; bông xới (do anh thiết kế, chế tạo) dùng để phụp, băm đất.
Trong đó, việc tính toán tỷ số truyền để lựa chọn cặp nhông truyền động có kích thước (đường kính), số răng phù hợp có ý nghĩa rất quan trọng (giúp bông xới vận hành hiệu quả, không bị rung, xốc), anh phải tốn không ít thời gian để chỉnh đi, chỉnh lại nhiều lần.
Ngoài ra, anh thường xuyên cập nhật thông tin để điều chỉnh trọng lượng bông xới cho phù hợp với trọng lượng đầu kéo. Chẳng hạn khi đầu kéo Kubota được nhà SX giảm trọng lượng từ 2,5 tấn xuống còn 1,8 tấn, anh tiến hành giảm bông xới từ 800 kg xuống còn 500 kg để đảm bảo cân đối và giảm quá tải cho đầu kéo.
Ưu điểm của bộ bông xới do anh sáng chế là có thể vừa xới được đất khô, vừa xới được đất ướt. Khi xới khô, đầu máy kéo được lắp bánh thun; khi xới nước, cặp bánh thun sau được thay bằng bánh lồng sắt và bông xới tương ứng.
Anh Nguyễn Văn Bơ (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: "Tôi mới sử dụng bộ bông xới do anh Thái SX để đi xới thuê vụ hè thu vừa qua (khoảng 1.300 công đất). Thiết bị này xới đất rất đạt, có kết cấu gọn nhẹ (khoảng 500 kg), vận hành rất êm, dễ tháo ráp… Đặc biệt, trục bông xới được lắp nghiêng thay vì thẳng đứng so với phương ngang, tạo thế đẩy về phía trước, góp phần giảm tải, giúp đầu kéo vận hành nhẹ nhàng”. |
Hiện tại, bộ bông xới nước, anh bán với giá 25 triệu đồng, nếu muốn xới khô, nhà nông chi thêm 9 triệu đồng để mua bông xới khô (khi muốn thay đổi chế độ xới nước sang xới khô chỉ cần đổi bông xới).
Trong khi bộ bông xới do Nhật Bản hay Thái Lan SX giá bán tới 62 triệu đồng nhưng chỉ xới được đất khô, lại có tỷ số truyền không phù hợp, máy mau nóng khi vận hành nên tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn; đồng thời sau khi xới, muốn sạ lúa phải tốn thêm tiền công trục (50 ngàn đồng/công).
Anh Thái phấn khởi cho biết, kể từ khi sáng chế thành công bộ bông xới đầu tiên, đến nay anh đã xuất bán trên 10 bộ cho khách hàng trong, ngoài tỉnh; trong đó có khách hàng ở 2 tỉnh Long An và Đồng Tháp.
Tiếng lành đồn xa, hiện khách hàng trong, ngoài tỉnh đang tìm đến cơ sở của anh đặt hàng khá nhiều. Anh Thái cũng đã gửi giải pháp sáng chế “Bông xới Kubota 6040 SU” tham dự hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XI (2014 - 2015) do Liên hiệp các Hội KHKT Tiền Giang phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức.
Ngoài ra, anh còn tận dụng các nhông của hộp số xe IFa, Kamaz (do Liên Xô cũ SX) để chế tạo ra các loại hộp số cho máy ghe, máy tàu sử dụng rất hiệu quả, thời gian sử dụng lâu hơn trong khi giá bán chỉ bằng 50% so với sản phẩm cùng loại do Trung Quốc SX.
Anh Lê Văn Lợi (xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè) nhận xét, hiện anh sử dụng 4 bộ bông xới do cơ sở anh Thái SX, bộ bông xới này có giá thấp hơn của Thái Lan nhưng hiệu quả sử dụng khỏi phải chê.
Cụ thể: Xới được cả 2 loại đất khô và đất ướt; hộp sọ (hộp giảm tốc) chạy rất êm và ít bị hỏng hóc hơn; khi xới nước, chỉ cần xới qua một lần là có thể xạ được ngay…
Ông Ngô Văn Khánh (xã Bình Hòa Đông, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) cho biết: “Tôi vừa đầu tư bộ bông xới do cơ sở của anh Thái SX. Qua sử dụng, tôi nhận thấy hiệu quả cao hơn khoảng 30% so với bông xới tôi sử dụng trước đây (do một cơ sở ở tỉnh Long An SX).
Tôi chỉ đề nghị anh Thái nghiên cứu, giảm tua quay trục xới (thay đổi tỷ số truyền) khi xới đất trảng, ít cỏ, rơm rạ… để hạn chế đất bị băm nhuyễn thành bùn nước, không thuận lợi cho việc gieo sạ".