Bộ thử nhanh hàn the: Bạn đồng hành của người nội trợ
“Tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên năm 1999, Trung đầu quân về Viện Công nghệ hóa học TP. Hồ Chí Minh. Thỉnh thoảng thấy mẹ cứ phàn nàn về tình trạng phụ gia thực phẩm bán lan tràn ngoài chợ, tôi thấy áy náy. Trong khi đó, tôi và đồng nghiệp cũng có chút ít kinh nghiệm về việc thử nồng độ pH, độ kiềm, NH 3trên cánh đồng nuôi tôm, nên chúng tôi đã nảy ra ý định thử nồng độ hàn the trong thực phẩm...” – Phùng Văn Trung mở đầu câu chuyện. Trung đã bắt tay vào tiến hành một số thử nghiệm sơ bộ, đồng thời làm hồ sơ gửi Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh xem xét, công nhận. Ngay lập tức, đề tài này nhận được tài trợ của Chương trình vườn ươm khoa học và công nghệ trẻ do Sở phê duyệt. Theo ThS. Trung, khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải khi tiến hành nghiên cứu là, trước đây đã có rất nhiều công trình về phương pháp phân tích hàn the trong thực phẩm và được chuẩn hóa. “Hiện nay, trên thị trường có bán nhiều loại bộ kít thử nhập ngoại giá 400.000 đồng/kít với 50 lần thử (Aquarium Guys), 600.000 đồng/kít với 100 lần thử (Merck), rẻ nhất là của Thái Lan với giá 80.000 đồng/kít với 100 lần thử. Nhưng với giá trên trời như vậy thì mấy ai có điều kiện để mua? Chính điều đó cũng là cơ hội và thách thức đối với chúng tôi” – anh Trung cho biết. Vì vậy, mục tiêu của anh và đồng nghiệp là tạo ra được bộ thử đơn giản nhất, dễ sử dụng, giá thành rẻ và cho kết quả nhanh chóng, chính xác. Nghĩ vậy, nhưng khi bắt tay vào lại vấp phải nhiều khó khăn, đã có lúc Trung nản lòng. Bao lần tưởng chừng sắp đi tới đích, vậy mà lại thất bại chỉ vì không loại trừ được yếu tốt sai số mỗi khi thử... Nhưng bằng sự nỗ lực của cả nhóm, sau rất nhiều thí nghiệm, ngày 9/4/2006, đề tài Nghiên cứu, chế tạo bộ kít phát hiện hanh hàn the trong thực phẩm do Trung làm chủ nhiệm đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh nghiệm thu.
ThS. Trung cho biết, bộ thử hàn the này được làm từ giấy bọc tẩm dung dịch bão hòa Curcumin. Nếu phản ứng với hàn the, Curcumin sẽ chuyển màu rõ, nhanh, bền màu. Màu chỉ thị càng hiện rõ hơn sau 30 phút và vẫn còn giữ màu sau hơn 5 ngày. Ưu điểm nổi trội của bộ thử là giá thành hợp lý (25.000 đồng/hộp); mỗi hộp có 100 tờ giấy thử với kích thước 0,5 x 4cm và 1 lọ chứa 25ml dung dịch màu. Các bước thử cũng rất đơn giản: Trước hết, ấn giấy thử lên thực phẩm sao cho dịch thực phẩm thấm ướt khoảng nửa tờ giấy. Sau đó, nhỏ vài giọt dung dịch lên phần đã thấm ướt. Đợi vài phút, nếu giấy thử chuyển màu cam đỏ, tức là trong mẫu có hàn the.
Được biết, ThS. Phùng Văn Trung đã tham gia và làm chủ nhiệm nhiều đề tài liên quan đến vệ sinh thực phẩm. Nhưng khi chia sẻ với tôi về ước mơ của mình, anh nói: “Tôi không mong muốn sự có mặt của các bộ kít thử nhanh chất độc hại trên thị trường. Điều đó đồng nghĩa với tất cả thực phẩm đều đạt tiêu chẩn an toàn vệ sinh, người tiêu dùng không phải bỏ tiền ra để kiểm tra lại thực phẩm”. Nói vậy, nhưng người kỹ sư trẻ này vẫn ấp ủ ước mơ sẽ tiếp tục cải tiến bộ kít sao cho nhỏ, gọn và quy trình thử được rút gọn còn 1 bước để thuận tiện cho người sử dụng mỗi khi có nhu cầu.