Bình Thuận: Tìm giải pháp phát triển bền vững du lịch của tỉnh
Sáng ngày 26/5/2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Trường Đại học Phan Thiết tổ chức hội thảo “Phát triển bền vững du lịch tỉnh Bình Thuận: Thực trạng và giải pháp”.
Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo của một số sở ban ngành có liên quan của tỉnh, đơn vị xúc tiến du lịch, các hiệp hội; một số cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh; một số hội viên trí thức lĩnh vực du lịch; các phòng ban, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Phan Thiết và cơ quan báo đài đến dự và đưa tin hội thảo.
Ông Lương Thanh Sơn – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ và đại diện Trường Đại học Phan Thiếtchủ trì hội thảo
Hội thảo có 11 báo cáo tham luận, trong đó 06 báo cáo được trình bày, các nội dung báo cáo phân tích làm rõ những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn và đề xuất các giải pháp phát triển bền vững du lịch tỉnh Bình Thuận trong thời gian tới, đặc biệt hội thảo làm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững: cơ sở hạ tầng, tài nguyên du lịch, nguồn nhân lực du lịch, sự đa dạng của dịch vụ du lịch, cộng đồng địa phương, xúc tiến quảng bá du lịch tác động tích cực đến phát triển du lịch bền vững; về thực trạng phát triển du lịch bền vững trong đó nêu lên một số hạn chế cần quan tâm: sản phẩm du lịch chưa đa dạng, các yếu tố tác động đến thu hút khách trong nước, khách quốc tế; việc giải quyết vướng mắc về đất đai, chồng lấn giữa quy hoạch phát triển du lịch với quy hoạch khai thác khoáng sản titan; kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, nhận thức của doanh nghiệp và người dân về phát triển du lịch theo hướng bền vững, rác thải biển…
Đại biểu tham dự hội thảo
Các giải pháp được đề xuất, trong đó tập trung nhiệm vụ trọng tâm phát triển du lịch bền vững như thành lập Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Né; xây dựng Quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện hạ tầng giao thông trục đường ven biển; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành du lịch; triển khai các gói kích cầu thúc đẩy thị trường khách du lịch; nâng cao vai trò kiến tạo của cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển du lịch nhất là thu hút đầu tư, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho du khách; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; phát triển đa dạng về loại hình, sản phẩm du lịch; phát triển mở rộng địa bàn du lịch, khai thác tốt tài nguyên du lịch lợi thế của từng địa phương trong tỉnh; tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch; trùng tu, tôn tạo các di tích văn hoá - lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với đầu tư hạ tầng cơ bản để trở thành các điểm du lịch; hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các làng nghề phục vụ du lịch; khuyến kích phát triển ngành nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng mang đặc trưng riêng của tỉnh Bình Thuận; nghiên cứu các sản phẩm mới phục vụ cho phát triển du lịch; phát triển thị trường, xúc tiến giới thiệu các sản phẩm du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng đối với phát triển du lịch bền vững./.