Bình Thuận: Tham vấn kỹ thuật cải tạo, đất xám khô hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp
Sáng ngày 15/10, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Học Viện nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Tham vấn kỹ thuật cải tạo, nâng cao chất lượng đất cát biển và đất xám khô hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững vùng duyên hải Nam Trung Bộ”.
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện Học Viện Nông nghiệp Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số sở ban ngành của tỉnh; một số huyện thị, hội thành viên, một số trí thức thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên môi trường của Liên hiệp hội.
Các báo cáo tham luận được trình bày tại hội thảo khái quát về điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa hình của tỉnh Bình Thuận; hiện trạng và xu hướng diễn biến hạn trong tương lai tại tỉnh Bình Thuận; kết quả nghiên cứu phân vùng khô hạn theo kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, tính toán chỉ số khô hạn, phân tích đánh giá tình hình, diễn biến khô hạn, phân vùng khô hạn theo các kịch bản biến đổi khí hậu; Kết quả nghiên cứu bước đầu về hiện trạng môi trường đất cát biển và đất xám tại tỉnh Bình Thuận; Các giải pháp kỹ thuật cải tạo, nâng cao chất lượng đất cát biển và đất xám khô hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững tại tỉnh Bình Thuận.
Bên cạnh hội thảo trao đổi góp ý thêm một số nội dung có liên quan đến vùng đất cát ven biển của tỉnh đối mặt với nguy cơ sa mạc hóa, hiện tượng cát chảy, cát bay, các vùng khô hạn của tỉnh, các mô hình ứng dụng chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng các công trình thủy lợi, hồ chứa, hệ thống kênh tiếp nước nối mạng phục vụ sản xuất người dân, nhất là vùng khô hạn và phục vụ phòng chống hạn.
Kết luận hội thảo, đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam tóm tắt các nội dung được trao đổi đồng thời tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu góp ý cho hội thảo, qua đó bổ sung hoàn thiện nghiên cứu nhiệm vụ “Kỹ thuật cải tạo, nâng cao chất lượng đất cát biển và đất xám khô hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững vùng duyên hải Nam Trung Bộ”./.