Bình lọc khí biogas: Giải pháp thân thiện với môi trường
Trong một lần tình cờ trò chuyện với bác hàng xóm, em Nguyễn Hải Hưng, Trường THPT Chuyên Bắc Giang biết nhà bác thường đun nấu bằng khí từ hầm biogas, vừa tiết kiệm chi phí lại giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi. Thế nhưng Hưng cũng thấy một hạn chế là xoong nhanh bị thủng, mỗi khi bật bếp khí sặc lên mùi khó chịu.
Từ câu chuyện ấy, trong đầu Hưng luôn đặt ra câu hỏi tại sao? Đến trường em trao đổi với các bạn nhưng chẳng ai đưa ra được đáp án thoả đáng. Tò mò, em lên mạng Internet tìm hiểu thì thấy thành phần của khí biogas gồm: Mê tan (CH 4), cacbonic (CO 2) N 2, O 2, H 2S, SO 2, SO 3, NH 3… Trong đó, H 2S , NH 3, SO 2, CO 2 có tác động xấu cho môi trường và người sử dụng. Cũng do mày mò tìm hiểu, Hưng đã tìm ra "thủ phạm” khiến xoong nhanh hỏng chính là H 2S… bởi ở nhiệt độ cao, khí phản ứng với kim loại, bào mòn sắt thép. Khi biết được thành phần và tác hại của các loại khí, em rủ hai bạn cùng lớp thiết kế bình lọc khí dựa trên kiến thức hoá học đã được trang bị.
Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm cùng với sự giúp đỡ của thầy, cô giáo, sau hai tháng bình lọc khí gas đã hoàn thành. Đầu tiên dẫn khí gas đi qua bình trung hoà đựng nước vôi trong (dùng loại bình nhựa đựng nước lọc thông dụng) sẽ loại bỏ hết các khí CH4, CO 2, SO 2, SO 3, H 2nhờ các phản ứng hoá học. Sau đó tiếp tục cho khí đi qua bình 2 ngăn. Ngăn 1 chứa các bon hoạt tính để lọc H 2S. Hai ngăn cách nhau bằng miếng vải dù. Khí được lọc ở ngăn 1 dẫn sang ngăn 2 chứa một ít sắt, gỗ vụn. Bằng cách làm này khí H 2S được loại bỏ triệt để, khí còn lại khô, sạch hơn được dẫn qua vòi đến bếp để đun nấu. Nhờ đi qua bình lọc, khí biogas được khử mùi, khô hơn, thân thiện với môi trường.
Tổng chi phí cho bộ lọc chỉ khoảng 200 nghìn đồng, được lắp đặt ở 8 hộ thuộc TP Bắc Giang và đều cho kết quả tương tự. Đơn cử gia đình bà Đậu Thị Tú, tổ dân phố 1A, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) thường xuyên nuôi 10-15 con lợn mỗi lứa từ khi lắp đặt bình lọc, bật bếp khí cháy ngay với ngọn lửa xanh, không còn mùi khó chịu như trước nữa.
Nguyễn Hải Hưng chia sẻ: "Em rất vui khi giải pháp của mình đóng góp một phần nhỏ bảo vệ môi trường, được người chăn nuôi đón nhận". Giải pháp được đánh giá cao bởi sự hữu ích, thân thiện với môi trường, trong thời gian tới, giải pháp này sẽ được nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng thành một đề tài nghiên cứu, nhân rộng cách làm này trên địa bàn tỉnh.