Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 23/06/2006 00:37 (GMT+7)

Biểu tượng trong đám cưới của người Thái ở Việt Nam

Họ hàng chủ rể đan sọt, chuẩn bị đòn khiêng đi đón dâu. Theo phong tục, đám cưới người Thái đều do nhà trai đứng ra lo liệu, tổ chức. Nhà gái không phải chuẩn bị bất cứ thứ gì (trừ các bộ chăn đệm cô dâu mang về nhà chồng). Thậm chí, trong ngày ăn hỏi và cưới chính thức người phục vụ cơm nước cũng do nhà trai đảm đương hết.

Đặc biệt là một số lễ vật bắt buộc đã trở thành phong tục truyền thống của đám cưới Thái là CÁ CHUA “ Pa nôm” và CÁ SẤY “ Pa dạng”. Đây là thứ lễ vật nhà trai phải chuẩn bị trước cả tháng. Nhà trai có thể thiếu lễ vật này, lễ vật khác nhưng không thể thiếu hai loại cá này. Số lượng lễ vật được chuẩn bị sẽ lệ thuộc vào số anh em, họ hàng và cô dì, chú bác gần gũi của nhà gái.

Họ hàng chủ rể đan sọt, chuẩn bị đòn khiêng đi đón dâu.
Lễ vật trong lễ đón dâu do nhà trai chuẩn bị.Mỗi một gia đình người thân sẽ được nhà trai tặng một cặp cá sấy khô và một ống cá ướp chua. Tiếng Thái gọi là “ Bọng hắp”. Cá sấy là loại cá chép hay cá diếc to bằng hai ngón tay được mổ dọc sống lưng từ đầu cho tới đuôi, bỏ hết ruột và banh ra thành hai nửa con cá rồi xếp vào nia đem phơi 2,3 nắng. Sau đó tiếp tục sấy trên gác bếp cho khô hẳn. Loại cá sấy này không cần ướp muối, có thể để lâu ngày. Gần đến ngày cưới, gia chủ sẽ nhờ những người khéo tay lấy giang hoặc tre đan giỏ “ hắp” đặt vừa 2 con cá sấy khô đó. Loại giỏ này được đan theo kỹ thuật đan mắt cáo kiểu “ ta leo”, buông 2 đầu nan thành tua khá đẹp mắt.

Cá ướp chua có thể là các loại cá nhỏ hơn hoặc to hơn, đem mổ bỏ ruột, ướp muối và thính gạo hay ngô cho chua rồi nhồi vào từng ống tre tươi, gọi là “bọng”. Người Thái gọi hai thứ đồ đựng đó gộp lại thành tên “ bọng hắp” (gồm ống cá chua và giỏ cá khô). Tên gọi thứ lễ vật này có thể coi là biểu tượng độc đáo trong đám cưới của người Thái (xưa kia người Thái ở Thái Lan cũng có tục lệ này). Theo tục lệ, những bà con được tặng “ bọng hắp” của nhà trai cũng phải đáp lễ bằng cách tặng lại cô dâu đôi gối đầu “ mon”, vải vóc, nhất là những tấm thổ cẩm được trang trí văn hoa như mặt chăn “ nả phà”, mặt địu “ nả đa” hay ghế đệm “ tẳng sửa”, bát đĩa…

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao lễ vật bắt buộc của nhà trai mang sang nhà gái trong ngày cưới lại là cá khô và cá chua? Xét cho cùng, đây là hai loại thức ăn để dành phòng khi không kiếm được, nhưng lại trở thành lễ vật quan trọng trong đám cưới. Như chúng ta đã biết, đám cưới của bất cứ dân tộc nào cũng là nơi hội tụ hay là “bảo tàng sống” những phong tục đó đều bắt nguồn tự những sinh hoạt của đời sống hàng ngày. Nói khác đi, phong tục chính là sự đúc rút một cách chắt lọc những hoạt động của đời sống thường nhật của tộc người. Trong đó, một số phong tục đã dần trở thành biểu tượng hay đặc trưng tiêu biểu đó.

Xưa kia, người Thái ở Việt Nam sinh sống chủ yếu trong các cánh đồng lớn của Tây Bắc “nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”-loại hình kinh tế chủ đạo của người Thái chính là canh tác ruộng nước. Tất cả các xứ đồng trong các cánh đồng đó đều được tưới tiêu bằng nguồn nước tự nhiên. Đó là các con suối lớn nhỏ bắt nguồn từ các khu rừng xung quanh chảy qua các cánh đồng. Nhiều nơi chỉ cần một vài hòn đá chặn ngang suối là dòng nước đã có thể chảy vào ruộng một cách dễ dàng. Nơi nào mặt ruộng cao hơn người ta có thể đắp phai(đập ngăn nước) để nước chảy vào các con mương lớn dẫn nước tưới cho các cánh đồng. Với nguồn nước tưới ruộng một cách tự nhiên như thế, phần lớn các khu ruộng Thái đều có các loại cá theo dòng nước vào sinh sống. Vì thế, mỗi khi đi bừa người ta cũng thường bắt được cá một cách dễ dàng. Hơn nữa, tất cả các bản Thái truyền thống đều được xây dựng bên cạnh các con suối hay khu vực nước nào đó. Đây là tiêu chuẩn hàng đầu mỗi khi chọn đất lập một bản Thái. Vì thế, các con suối này không chỉ là nguồn nước tưới ruộng và phục vụ sinh hoạt hàng ngày mà chúng còn là các “ao cá” tự nhiên của các bản Thái.

Trước khi giải phóng Tây Bắc (1954) nhiều con suối ở đây (ví dụ con suối Tấc, Phú yên – Sơn La) có rất nhiều cá, cá suối ăn không hết còn để dành làm “cá cảnh”, ngắm cho vui mắt. Người mường ở đây còn lưu mãi câu thành ngữ “cơm mương Va, cá đák Tớc”(cơm mường Hoa, tên gọi trước kia của Mường Tấc, cá suối Tấc).

Với sự ưu đãi của thiên nhiên như thế, nguồn thức ăn chính của người Thái là cá. Tục ngữ Thái có câu “pay kin pa, má kin lảu, tảu nón sứa hổm pha”(đi ăn cá, về uống rượu, đến ngủ đệm đắp chăn). Cá đã trở thành khẩu phần ăn hàng ngày và quen thuộc của người Thái: “Khạu nông pha, pa đúc pịnh”(xôi nếp ruộng, cà trê nướng). Và khẩu phần ăn truyến thống đó trở thành đặc sản khá phổ biến ở tất cả các nhóm Thái Đông Nam Á.

Trong đời sống Thái, cá không chỉ là món ăn quen thuộc mà còn được sử dụng làm lễ vật cúng tế hay thức ăn chính trong các dịp sinh hoạt cộng đồng, nhất là dịp xên bản(cúng thần bản) và lễ ăn cơm mới kin khau hạch. Đây là các bữa ăn tập thể của cộng đồng bản mang ý nghĩa cộng cảm, cộng mệnh. Trong các lễ làm vía hệt khoănkhi có người đau ốm hay khi có khách quý đến thêm bản mường… món cá đồ pa nựngcòn gọi là “pa mọc”) là một trong ba thức ăn quan trọng không thể thiếu bên cạnh thịt gà và thịt lợn. Điều đặc biệt ở đây là trong lễ này có thể thiếu thịt gà (con vật có cánh, đại diện cho thế giới biết bay), thịt lợn (con vật 4 chân, đại diện cho loài vật sống trên mặt đất), nhưng không thể thiếu món cá 9 loài vật sống dưới nước. Đối vời thế giới tâm linh Thái, con vật dưới nước như các loài cá chính là thần nước mà vua của các loài cá chính là con thuồng luồng “tô ngược”. Nước có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống Thái. Có thể nói, văn hoá Thái chính là văn hoá sông nước. Bởi lẽ, có nước mới thành ruộng “mí mặm chăng pên ná”và có ruộng mới thành bản “mí ná chăng pên bản”. Bản chính là đơn vị xã hội cơ sở, đồng thời cũng là nơi hội tụ của tất cả các hoạt động trong đời sống Thái.

Như vậy, cá - biểu tượng của thế giới nước, và nước là môi sinh quan trọng hàng đầu của đời sống Thái. Cho nên, cá chính là nguồn sống, là biểu tượng ấm no, hạnh phúc của người Thái.

Trong hôn nhân Thái, nếu cá là lễ vật bắt buộc của nhà trai thì chăn đệm lại là những đồ vật không thể thiếu của nhà gái. Theo phong tục Thái, khi đi lấy chồng, các cô gái Thái phải mang theo về nhà chồng một số chăn đệm, gối, khăn đội đầu “piêu” tuỳ khả năng của mình. Tuy nhiên, tối thiểu mỗi cô dâu cũng phải mang về nhà chồng 4 đôi chăn đệm cùng một số gối nhất định. Riêng người Thái ở Yên Châu (Sơn La) có thể mang về nhà chồng tới 30 đôi chăn đệm cùng nhiều loại khăn “piêu” (loại khăn thêu hoa văn ở hai đầu). Với số chăn đệm như thế, cô dâu thường tặng cho bố mẹ chồng một đôi, ông bà chồng (nếu còn sống) một đôi cùng ghế đệm, khăn piêu. Tục ngữ Thái có câu: “piêu cút xam nhương me pạ, piêu cút hạ nhương me da”(khăn 3 cút tặng bác bá, piêu 5 cút dành tặng mẹ chồng).

Với tục lệ này, các cô gái Thái phải chuẩn bị dệt vải, làm chăn đệm từ tuổi thiếu nữ - Qua đó không chỉ giúp các cô gái Thái thành thạo việc canh cửi mà còn tạo ra một giải pháp hiệu quả để bảo toàn văn hoá truyền thống của tộc người.

Như vậy, trên cơ sở kinh tế lúa nước, người Thái dễ tạo nên nền văn hóa độc đáo riêng của mình. Nhiều sinh hoạt trong nền văn hoá đó dã trở thành biểu tượng tiêu biểu cho đời sống Thái-Trong đó, tiêu biểu nhất là các biểu tượng mà tục ngữ Thái đã tổng kết: “pay kin ma, ma khin lạu, tạu nón sứa hôm pha”(đi ăn cá, về uống rượu, đến ngủ đệm đắp chăn). Đây là biểu tượng của cư dân đã định canh định cư bền vững trong nền văn minh lúa nước.

Nguồn: Xưa và Nay, số 251&252, tháng 1-2006.
Lễ vật trong lễ đón dâu do nhà trai chuẩn bị.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.

Tin mới

Quảng Ngãi: Sắp phát hành sách về sự phát triển của ngành Thủy sản
Sáng ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và Hội Nghề cá tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Bản thảo cuốn sách “Thủy sản Quảng Ngãi hình thành và phát triển”.
Đắk Lắk: Góp ý dự thảo Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai
Ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội nghị hội đồng Tư vấn phản biện và góp ý dự thảo Nghị định phân định quyền tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai.
Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
CT Phan Xuân Dũng: LHH Bình Định góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững của tỉnh nhà
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển (06/5/1995 - 06/5/2025), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định (LHH) đã khẳng định vai trò là tổ chức hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, là nơi quy tụ trí tuệ, lan tỏa tri thức, lực lượng nòng cốt phát triển KH&CN, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh nhà.